Minh Anh (Ban Thương hiệu và Truyền thông) đã đăng lúc 14:45 - 06.03.2024
Trong khuôn khổ Hội nghị Di động Thế giới MWC 2024 diễn ra ngày 26/2 - 29/2, Tống Viết Hiếu cùng đội ngũ VDS mang tới sản phẩm Digital Finance Platform (VDFP) - bộ giải pháp nền tảng tài chính số dành cho các tổ chức tài chính như ngân hàng, các công ty FinTech... và cho phép nhà mạng chuyển dịch sang đơn vị trong lĩnh vực ví điện tử.
“Sứ mệnh của VDS là hỗ trợ chuyển đổi cho các đối tác, hướng đến trở thành hạt nhân trong lĩnh vực chuyển đổi số ngân hàng”, anh Tống Viết Hiếu khẳng định. Theo anh, đây là sản phẩm duy nhất tại Việt Nam cung cấp bộ giải pháp toàn trình end-to-end theo xu hướng modern banking (ngân hàng hiện đại), phát triển theo những quan điểm thiết kế hiện đại trên thế giới và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của khách hàng.
VDFP cung cấp 3 dịch vụ chính, bao gồm: Tư vấn pháp lý, Tư vấn chiến lược ngắn hạn - dài hạn và Cung cấp các nền tảng ứng dụng lõi đạt chuẩn modern banking. Đặc biệt, VDS có kinh nghiệm lấy giấy phép pháp lý từ nhiều thị trường, thậm chí từ các thị trường chưa bao giờ có giấy phép.
Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào Viettel mang tới MWC 2024 đều nhằm mục đích demo, trình diễn trên sân khấu lớn. Đồng chí Tống Viết Hiếu cho biết: “Năm nay, mục tiêu của chúng tôi là mang đến một “concept" - sản phẩm mang tính ý tưởng mới giúp mở ra các cơ hội kinh doanh cho VDS và Viettel trong tương lai. Năng lực của VDFP cho thấy chúng ta đã sẵn sàng đồng hành cùng các đối tác từ tư vấn chiến lược đến cung cấp hạ tầng, hỗ trợ họ xây dựng toàn bộ nền tảng về ví điện tử”.
“VDFP nói riêng và Viettel nói chung đang đứng bên cạnh rất nhiều ông lớn trong lĩnh vực công nghệ, thậm chí có những thần tượng của chúng tôi ở đây. Riêng việc chúng ta xuất hiện tại MWC 2024 khẳng định Viettel đã sánh vai được với công ty, ông lớn của Thế giới. Phần lớn khách tham quan thích thú với sản phẩm”, Trưởng phòng Kinh doanh quốc tế VDS chia sẻ.
Theo anh Tống Viết Hiếu, VDFP hấp dẫn nhiều khách tham quan bởi 2 lý do. Thứ nhất, sản phẩm VDS cung cấp có giá thành đa dạng, linh hoạt. Thứ hai, ngoài cung cấp nền tảng, đội ngũ còn hỗ trợ tư vấn đi kèm. Đây là lợi thế mà chỉ đơn vị vừa xây dựng sản phẩm, vừa kinh doanh sản phẩm như VDS mới có được.
Đồng chí Tống Viết Hiếu chia sẻ: “Bài học lớn nhất tôi nhận được là nên thúc đẩy cơ hội để sản phẩm Viettel xuất hiện nhiều hơn trên trường quốc tế.” Theo Viết Hiếu, các đơn vị trong Tập đoàn cần được tham gia nhiều hơn, cọ xát nhiều hơn trong môi trường quốc tế để học hỏi những xu hướng mới, cách làm, cách triển khai mới.
"Tiếp xúc tại MWC, tôi nhận thấy có những đơn vị họ không mang theo sản phẩm mà chủ yếu chia sẻ về tầm nhìn thương hiệu. Chính Viettel cũng có thể tham gia chia sẻ về những thứ đã đạt được và mục tiêu vươn tới cho mảng ví điện tử và các lĩnh vực khác theo cách này”.
Nhờ cơ hội trải nghiệm tại đây, đồng chí Tống Viết Hiếu đã nảy ra ý tưởng về hướng kinh doanh mới: “Chúng ta có thể tìm đối tác người nước ngoài chuyên về sale đi tiếp thị, bán các sản phẩm của Viettel tại các thị trường nước ngoài, sau đó mình trả phần hoa hồng cho họ. Theo tôi đánh giá, phương pháp này hiệu quả hơn việc chúng ta tự đi tiếp thị".
Đặc biệt, người trực tiếp thực thi thường là các Phó Chủ tịch của các công ty. Dù ở chức vị cao nhưng họ sẵn sàng cầm tablet đi tiếp thị tại các gian hàng, cùng lúc bán nhiều sản phẩm và đưa ra các đề xuất, gợi ý hợp lý mỗi khi có cơ hội kinh doanh. Theo Tống Viết Hiếu, phương án này sẽ tiết kiệm chi phí và tối ưu hơn về nguồn lực cho Tập đoàn.
“Thực tế các nhà cung cấp giải pháp giữa các doanh nghiệp lớn đều có các đối tác địa phương và có các đối tác khác để bán sản phẩm cho họ. Mình hoàn toàn có thể nghiên cứu triển khai theo ý tưởng kinh doanh mới này để mang lại hiệu quả cao hơn nữa", anh Tống Viết Hiếu khẳng định.