Trương Quang Việt (TCT Dịch vụ số Viettel) đã đăng lúc 16:00 - 20.03.2025
Sáng hôm ấy, trời Nậm Nhùn lạnh 9 độ C. Kinh nghiệm từ những chuyến công tác vùng cao cùng đơn vị cho tôi biết đây là mức nhiệt “dễ chịu” so với mùa đông giá buốt của một huyện biên giới xa bậc nhất phía Bắc.
Một ngày đặc biệt ở Nậm Nhùn
Vậy nên, người dân Nậm Nhùn có mặt tại sự kiện, từ già đến trẻ, rất hân hoan. Với họ, đây là một ngày thuận lợi để đi khám bệnh. Các cô chú, anh chị, đa số mặc quần áo mỏng. Các cụ già và trẻ em trùm thêm áo khoác, mũ len. Tuyệt nhiên, không một ai đi tất. Họ đã quen chân trần đeo dép, bám trên những nẻo đường khúc khuỷu đi muôn nơi.
Gần 9 tiếng đồng hồ trên ô tô là quãng thời gian để đoàn thiện nguyện di chuyển từ Hà Nội đến huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Với chúng tôi, cái lạnh vùng biên viễn dường như tan biến trước sự ấm áp trong ánh mắt, nụ cười của bà con đến từ khắp bản làng xa xôi.
Để đến trung tâm huyện, có những hộ gia đình di chuyển từ 3 giờ, 4 giờ sáng, đi bộ hàng chục cây số. Những đứa trẻ Nậm Nhùn lớn lên cùng sương gió, chẳng quản ngại đường xa. Những em bé nhỏ hơn sẽ được địu trên lưng mẹ, lưng bà. Ở độ tuổi này, các em không biết “được chăm sóc y tế” là gì, nhưng chúng thích được nhận quà. Tay xách túi, đôi mắt đen nháy ánh lên niềm vui long lanh.
Sự kiên cường của người vùng cao
Nậm Nhùn - một huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, nơi thiên nhiên khắc nghiệt với mùa đông cắt da cắt thịt, mùa hè mưa không dứt. Ở đây, 11 dân tộc cùng chung sống, bám trụ trên những triền núi để canh tác, dù diện tích đất trồng lúa bình quân đầu người chỉ vỏn vẹn 0,03ha. Sự thiếu thốn không làm họ chùn bước, mà càng hun đúc tinh thần kiên cường, bền bỉ vươn lên.
Là một trong những huyện nghèo nhất nước, Nậm Nhùn được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều chương trình, dự án từ hỗ trợ sinh kế đến y tế, giáo dục nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số của huyện. Chương trình thiện nguyện lần này không chỉ mang đến dịch vụ thăm khám, những phần quà mà còn là sự động viên, khích lệ để bà con tiếp tục hành trình mưu sinh trên quê hương mình. Chúng tôi hiểu rằng, đôi khi giúp đỡ không chỉ là trao đi vật chất, mà còn là trao đi hy vọng - rằng dù ở nơi xa xôi, họ vẫn được quan tâm, sẻ chia.
Là một “người Viettel”, tôi ý thức rằng các hoạt động thiện nguyện không chỉ dừng lại ở việc trao đi vật chất, mà còn là trao đi nỗ lực, thực hiện trách nhiệm chăm sóc sức khỏe toàn dân, nâng cao chất lượng đời sống và nhận thức về tài chính cho người Việt.
Hạnh phúc không chỉ đến từ những gì ta nhận được, mà còn từ những gì ta trao đi. Và trong chuyến đi này, chúng tôi đã nhận lại được rất nhiều – từ những nụ cười, những cái siết tay đầy trân trọng, đến niềm tin rằng mỗi sự quan tâm, dù nhỏ bé, đều có thể góp phần kiến tạo cuộc sống tươi đẹp hơn.
Ngày 18/03/2025, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel đã phối hợp cùng Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam mang đến dịch vụ thăm khám, cấp thuốc và tư vấn chăm sóc sức khoẻ cho 1.000 người dân huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Cùng với đó, 1000 phần quà Viettel Money gồm nhu yếu phẩm thiết yếu, 50 máy đo huyết áp, 20 chăn bông được trao tận tay bà con.Sự kiện tại Lai Châu là một phần trong chuỗi chương trình thiện nguyện “Kiến tạo tương lai - Vững vàng Việt Nam” đồng hành cùng Ngành Y tế của VDS diễn ra trên toàn quốc trong nửa đầu năm 2025, bao gồm 9 tỉnh thành: Tuyên Quang, Lai Châu, Thái Nguyên, Bình Định, Sơn La, Lâm Đồng, Hải Dương, Cao Bằng và Thừa Thiên Huế.