Như Hoa (TCT Viễn thông Viettel) đã đăng lúc 20:25 - 20.10.2024
Mở rộng không gian của viễn thông
Nếu 3G lên 4G chỉ nhanh hơn về tốc độ băng thông, thì 5G thay đổi cuộc chơi hoàn toàn khi có cả ưu thế về tốc độ, độ trễ và siêu kết nối. Công nghệ mới tiềm năng tác động đến nhiều khía cạnh cuộc sống số, hơn là chỉ thúc đẩy tiêu dùng nội dung của khách hàng trên smartphone. Sự phát triển về công nghệ, được hỗ trợ bởi 5G sẽ mở rộng hệ sinh thái di động sang các ngành công nghiệp mới.
“Công nghệ mới 5G mở ra rất nhiều tiềm năng để phục vụ khách hàng doanh nghiệp, chính phủ, kiến tạo các thành phố thông minh bên cạnh đối tượng khách hàng cá nhân”, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Chiến lược Kinh doanh của VTT cho biết
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu về ngôi nhà thông minh (Smarthome) ngày càng nhiều. Với dịch vụ 5G, các thiết bị trong nhà như hệ thống chiếu sáng thông minh, thiết bị điều khiển từ xa, camera an ninh… có thể kết nối với nhau một cách đồng bộ và mượt mà. Dịch vụ của 5G cũng là lựa chọn tối ưu với các gia đình mong muốn dịch vụ đường truyền cao, ổn định nhưng lại không thể kéo cáp quang. Truyền dữ liệu ổn định với tốc độ cao, 5G có thể đáp ứng các yêu cầu cao cấp trong gia đình khi trải nghiệm các loại hình nội dung mới như video độ nét cao 4k hoặc 8k, video call (thoại có hình) hoặc gaming tương tác AR/VR.
Một cấu hình quan trọng cho phép thiết lập hàng triệu kết nối (mega connect) đưa 5G trở thành nền tảng lý tưởng để kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT), xây dựng các mô hình nhà máy thông minh. Các nhà máy sản xuất hoặc kho vận (logistics) có khả năng kết nối hàng triệu thiết bị trong khu vực, giao tiếp trao đổi thông tin tự động với nhau một cách an toàn, ổn định. Ứng dụng 5G giúp kết nối các thiết bị IoT nhằm giám sát chuỗi cung ứng, quản lý hàng tồn kho, theo dõi hoạt động vận chuyển hàng hóa, từ đó tối ưu hóa quy trình vận hành và giảm thiểu các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp bán hàng số.
“Bên cạnh khách hàng cá nhân, VTT cũng sẵn sàng mọi mặt để chào đón tệp khách hàng doanh nghiệp và chính phủ. Tại thời điểm hiện nay, Viettel là đơn vị duy nhất ở Việt Nam triển khai mạng 5G phục vụ khách hàng doanh nghiệp. Chúng tôi đã hợp tác với các nhà máy lớn ở Hải Phòng thử nghiệm mạng 5G Private network để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tôi nghĩ đây là thị trường mới và thật sự rất tiềm năng”, chị Mai cho biết.
Thông qua việc cung cấp các thiết bị hỗ trợ các hệ thống trí tuệ nhân tạo AI và Chatbot, việc chăm sóc khách hàng được kịp thời và chính xác. Với việc có thể kết nối các thiết bị IoT qua dịch vụ 5G sẽ giúp phát hiện các sự cố sớm và gửi thông báo cho các khách hàng, giúp doanh nghiệp và khách hàng tránh được rủi ro không đáng có.
Thúc đẩy kinh tế số theo cách riêng
Tốc độ là trải nghiệm khách hàng cá nhân có thể cảm nhận được rõ ràng nhất khi nâng cấp lên 5G. Điều tác động mới mẻ nhất là những phiên livestream bán hàng sẽ mượt mà, sắc nét hơn rất nhiều mà không phụ thuộc vào các studio. Hơn nữa, sự dư dả về băng thông sẽ khiến các nhà phát triển dịch vụ nhanh chóng đưa ra những hình thức bán hàng mới, đòi hỏi dữ liệu cao hơn như AR/VR để trải nghiệm sản phẩm. Ứng dụng này giúp khách hàng có thể thử trang phục, lựa chọn nội thất hoặc các sản phẩm khác một cách ảo trên chính không gian của họ.
Hình thức làm việc từ xa ưa thích của giới trẻ cũng sẽ phát triển với sự trợ giúp từ 5G, khi các văn phòng ảo có thể ở khắp mọi nơi, và dữ liệu dùng chung được chia sẻ trên đám mây. Kết hợp 5G và các thiết bị IoT, văn phòng thông minh có thể tự động hóa ở mức cao, tối ưu hóa quy trình làm việc để mỗi nhân viên phát huy tối đa hiệu quả làm việc.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết việc đẩy mạnh ứng dụng 5G trong các ngành là yếu tố tiên quyết để triển khai toàn diện 5G tại Việt Nam. Hiện tại, Viettel đang có lợi thế lớn khi dẫn đầu về công nghệ này tại Việt Nam khi là doanh nghiệp duy nhất tự chủ về công nghệ, làm chủ hoàn toàn công nghệ chế tạo các thành phần mạng 5G và ứng dụng trên mạng lưới thành công.
Mới đây, Viettel cũng là nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công mạng 5G SA (Standalone - độc lập) phức tạp hơn các mạng 5G NSA (Non Stadalone - không độc lập) có khai thác các thành phần theo tiêu chuẩn thấp hơn. Viettel đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hãng smartphone lớn như Apple, Samsung, Xiaomi, Oppo… nâng cấp firmware thương mại cho thiết bị smartphone hỗ trợ mạng 5G SA với mục tiêu cung cấp mạng 5G hiện đại nhất vào thời điểm khai trương.
Theo kế hoạch, VTT sẽ đảm bảo phủ sóng 5G đến 90% dân số tại các thành thị vào thời điểm khai trương kinh doanh. Vùng phủ sóng sẽ liên tục được đầu tư, mở rộng trong thời gian tới theo mức gia tăng nhu cầu. Các nền tảng hạ tầng, dịch vụ cũng đã sẵn sàng cho kinh doanh.
“Điều kiện cần để có thể chiếm lĩnh được thị trường 5G theo tôi là vùng phủ. Vì để khách hàng, đặc biệt là khách hàng trẻ GenZ như mình, sử dụng dịch vụ thì họ phải có trải nghiệm tốt nhất. Với 5G thì đó chính là vùng phủ: ở đâu cũng có sóng, khi nào cũng có sóng và tốc độ tốt nhất. Điều kiện đủ chính là hệ sinh thái với những ứng dụng thu hút người dùng trên mạng 5G và chỉ có 5G mới mang lại trải nghiệm tốt nhất. Làm tốt những điều đó thì Viettel sẽ chiếm lĩnh được thị trường 5G một cách nhanh chóng”, Trưởng phòng Chiến lược Kinh doanh nhấn mạnh.