Theo Báo cáo tổng quan số hoá Việt Nam năm 2023, We are Social, trung bình người Việt dành ra gần 1 giờ để nghe podcast mỗi ngày. Bạn nghĩ sao nếu Viettel có 1 chương trình Podcast?

Podcast là gì?

Podcast được định nghĩa là một tệp âm thanh kĩ thuật số bao gồm lời nói, âm nhạc... được tải lên mạng để người nghe có thể tự do truy cập.

podcast-la-gi-didongviet

Năm 2004, cựu VJ Adam Curry và kĩ sư lập trình phần mềm Dave Winer thực hiện một dự án mang tên Ipodder - phần mềm giúp người dùng tải về Ipod các chương trình radio mình thích. Nhờ đó, các chương trình radio có thể trở thành chương trình theo nhu cầu (on-demand). Adam Curry và Dave Winer được xem là cha đẻ của công nghệ podcast.“Podcast” là sự kết hợp giữa Ipod và broadcast. Ban đầu, thuật ngữ này được dùng bởi người dùng Apple để chỉ các chương trình phát sóng có trên nền tảng Itunes của Apple. Đến năm 2005, “podcast” chính thức được từ điển Oxford công nhận là từ khóa của năm.

Podcast khác radio như thế nào?

Podcast và radio đều tạo ra nội dung bằng âm thanh, tập trung vào các chức năng thông tin, giáo dục hoặc giải trí cho người nghe. Tuy nhiên với radio, chương trình thường phát sóng trực tiếp hoặc có những phần được thu âm trước nhưng khi phát sóng (trên sóng phát thanh hoặc hệ thống loa, đài) thì sẽ phát liên tục trong một tổng thể. Trong khi đó, podcast thường được biên tập theo từng chủ đề, phát hành trên các nền tảng, ứng dụng nghe âm thanh. Người nghe podcast có thể nghe bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu và tua đi tua lại đoạn muốn nghe.

Như vậy, có thể hình dung podcast như mạng xã hội chuyên về âm thanh, giống như YouTube chuyên về video, Facebook đa phương tiện, Twitter nghiêng về chữ hay Flickr chuyên về ảnh.

Về mặt nội dung, trong khi radio liên quan nhiều đến thời sự thì podcast làm về những nội dung thông tin có thể lưu trữ lâu dài mà nội dung vẫn không bị lạc hậu. Ngoài những đề tài cá nhân, người làm podcast cũng có thể làm những dạng podcast đặc thù và khá đa dạng như đọc truyện, chia sẻ kiến thức, talkshow...với định dạng và thời lượng linh hoạt.

Xu hướng nghe podcast

Năm 2020 được cho là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của podcast. Theo báo cáo xu hướng podcast hằng năm của Discover Pods, có hơn 82% người dùng thường nghe podcast trên 7 giờ/tuần, 33% người dùng nghe podcast trên thiết bị thông minh hay 59% người dùng dành thời gian nghe podcast nhiều hơn là truy cập vào mạng xã hội.

Podcast Insights thống kê tại Mỹ có khoảng 68 triệu người thường xuyên nghe podcast vài lần trong tuần và 155 triệu người từng nghe ít nhất 1 podcast. Trong khi đó ở Anh, 12,5% dân số nghe podcast hằng tuần, tăng 58% trong 2 năm 2018 và 2019. Những người hâm mộ podcast ở Anh hiện đang nghe trung bình 7 podcast mỗi tuần.

Theo số liệu mới nhất của Báo cáo tổng quan Toàn cầu về số hoá 2023, We are Social, thời gian trung bình dành cho podcast của người dùng các kênh truyền thông và thiết bị có kết nối Internet là 1h02’. Số liệu báo cáo này tại Việt Nam là 0h50’.

Screen Shot 2024-05-13 at 09.29.13

Thị trường podcast ở Việt Nam cũng rất sôi động, đặc biệt là sau năm 2020 với khoảng 50 kênh podcast Việt được phát hành mỗi tháng. Con số này tăng gấp 5 lần trong năm 2021 với 100-250 kênh podcast được mở mới trong một tháng.

Các cơ quan báo chí Việt Nam cũng tiếp cận công chúng bằng việc cho ra đời một loạt chương trình podcast trên tất cả các nền tảng sở hữu…Những trang thông tin, các tổ chức, hay các cá nhân khác nhau cũng đồng loạt mở 1 hoặc nhiều chương trình podcast. Đơn cử như VnExpress có tới gần 20 chương trình podcast với nhiều nội dung được chia thành các lĩnh vực. Một số chương trình như “VnExpress hôm nay”, “Tâm điểm kinh tế”, “Hộp đen”, “Bạn ổn không?” thường xuyên có lượng công chúng nghe và tương tác lớn trên báo.

Podcast Viettel, bạn nghĩ sao?

Với mong muốn thực hiện tốt nhất sứ mệnh gắn kết người Viettel, trong những năm qua, Viettel Family đã nỗ lực và cho ra đời nhiều kênh truyền thông nội bộ mới. Trong đó, bản tin “Viettel Family Radio” phát trên hệ thống loa trụ sở Tập đoàn và toà nhà các đơn vị vào chiều thứ Ba, thứ Sáu hàng tuần đã trở thành một chương trình quen thuộc với người Viettel trong gần 3 năm nay. Bản tin cập nhật các thông tin thời sự, sự kiện, chính sách quan trọng với người Viettel trong tuần, phát huy lợi thế của thể loại truyền thông bằng âm thanh.

Như đã phân tích về sự khác nhau giữa podcast và radio, Viettel Family trăn trở với việc cho ra đời một chương trình podcast dành riêng cho người Viettel. Ở đó, những câu chuyện văn hoá; những suy tư, vướng mắc hay đơn giản là những câu chuyện, những tri thức hay mà bạn muốn lan toả và chia sẻ tới các đồng nghiệp, dự kiến sẽ được hiện thực hoá bằng một chương trình podcast mang tên “Viettel vibes” - Cảm xúc Viettel.

_DUC4044 copy

Để nội dung Podcast thực sự phục vụ nhu cầu của người Viettel và đạt được mục đích đề ra, kính mời đồng chí cùng thực hiện khảo sát dưới đây. Viettel Family cũng rất mong nhận được bình luận của đồng chí về những nội dung Podcast mà đồng chí quan tâm và mong muốn được lắng nghe tại Podcast "Viettel vibes". Câu trả lời của đồng chí là chất liệu thông tin quan trọng để Viettel Family làm tốt hơn nữa sứ mệnh gắn kết người Viettel.

Trân trọng cảm ơn đồng chí đã dành thời gian thực hiện khảo sát này.

  • 2078
  • 3
  • 3