Đổ tải thành công 10 triệu thuê bao IMS và câu chuyện 7000 bài đo kiểm

Trà My (TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel) đã đăng lúc 17:15 - 19.03.2023

“Đêm 23/8/2022 là đêm đầu tiên đổ tải vào hệ thống IMS 10M với khoảng 50.000 thuê bao đăng ký vào hệ thống. Đó là đêm đầu tiên hệ thống IMS Viettel tích hợp với node mạng GMSC, đêm đó, một số lỗi mới được phát hiện”. Hết mình với IMS, nhóm kỹ sư nghiên cứu hệ thống này tại Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel - VHT khó có thể quên được những dấu ấn của mình với sản phẩm.

Họ cũng kể rằng, suốt quá trình triển khai sản phẩm, họ từng sợ nhất là việc tích hợp hệ thống với GMSC của Nokia. Vậy nhưng, chẳng có trở ngại nào ngăn cản họ đổ tải thành công hệ thống thoại chất lượng cao cho mạng 4G/5G (hệ thống IMS) cho 10 triệu thuê bao vận hành trên mạng lưới Viettel.

Sản phẩm được triển khai nhanh nhất trong lớp mạng lõi

VIMS1

Đổ tải thành công 10 triệu thuê bao có thể coi là dự án thương mại đầu tiên của IMS, đánh dấu kết quả của quá trình nghiên cứu và nỗ lực của 30 thành viên nhóm dự án tại Trung tâm Công nghệ chuyển mạch, VHT.

IMS là hệ thống thoại chất lượng cao cho mạng 4G/5G. Nếu không có hệ thống này, khi thực hiện cuộc gọi thoại, thuê bao sẽ phải chuyển xuống gọi trên nền tảng mạng 2G,3G thay vì hoạt động trên nền tảng 4G, 5G. IMS cung cấp dịch vụ gọi thoại với các ưu điểm hoàn toàn vượt trội so với dịch vụ thoại trên mạng 3G như thời gian thiết lập cuộc gọi nhanh hơn 3 lần, chất lượng cuộc gọi tốt hơn (HD Call), giảm lượng tiêu thụ pin của thiết bị đầu cuối từ 30% - 50%.

Ngay từ đầu, VHT đặt ra mục tiêu song hành thế giới về mặt công nghệ, sản phẩm cạnh tranh sòng phẳng và ưu thế trên trường quốc tế cả về công nghệ, tính năng và thương mại. Vì vậy, hệ thống IMS tuân thủ theo các tiêu chuẩn của 3GPP, được triển khai trên nền tảng ảo hóa theo xu hướng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, giúp dễ dàng tích hợp trên mạng lưới, giảm OPEX và đơn giản hóa quá trình vận hành khai thác.

Nếu như trước đây, từ quá trình nghiên cứu đến khi vận hành ổn định các hệ thống như SMSC, VOCS mất khoảng 4 đến 5 năm thì nay, người VHT rút ngắn thời gian triển khai IMS chỉ còn 3 năm, đánh dấu đây là sản phẩm được triển khai nhanh nhất trong lớp mạng core từ trước đến nay. Khoảng cách này được thu hẹp cho thấy sự trưởng thành của VHT trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất sản phẩm viễn thông xuyên suốt hơn 10 năm qua.

Không chậm trễ dù bất cứ lý do gì

366DEAF0-D665-4A25-BFE5-736E91D278C1 (1)
Một số thành viên nhóm dự án triển khai hệ thống IMS, VHT.

Bắt đầu từ 2018, lãnh đạo Tập đoàn đặt mục tiêu Viettel phải làm chủ hệ thống IMS. Năm 2020, Trung tâm Công nghệ chuyển mạch – đơn vị thực hiện dự án đạt mốc 1 triệu thuê bao chỉ sau 6 tháng triển khai. Tháng 5/2020, phối hợp cùng VTNET, hệ thống IMS được triển khai thử nghiệm trên toàn bộ hệ thống mạng lưới Viettel trong nước với 2 giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất là triển khai diện hẹp với 2,5 triệu thuê bao để hoàn thiện, tối ưu sản phẩm. Đối với Trưởng phòng sản phẩm IMS Nguyễn Đức Linh (Trung tâm Công nghệ chuyển mạch), chứng minh năng lực hệ thống đạt 2,5 triệu thuê bao là giai đoạn thách thức nhất của dự án. Linh nhớ rằng, khi đó, sự cố hết ram trên node mạng SIP Access khiến quá trình thử nghiệm gián đoạn khoảng thời gian tương đối dài. Đứng trước sự cố, mọi thành viên rất buồn nhưng không vì thế mà họ xuống tinh thần. Ngay lập tức, họ cùng nỗ lực để tối ưu và turning hệ thống đáp ứng được mục tiêu 2,5 triệu thuê bao trong năm 2021.

8C61CB62-556A-41C1-9A7A-9FE5FF2AA2AA
Trưởng phòng sản phẩm IMS (VHT) Nguyễn Đức Linh.

Bước sang giai đoạn 2, Trung tâm Công nghệ chuyển mạch thực hiện cung cấp dịch vụ diện rộng, đổ tải 10 triệu thuê bao IMS chỉ trong vòng 6 tháng. Trước chủ trương của Chính phủ về tắt sóng 2G, 3G, yêu cầu đẩy mạnh IMS vận hành vào mạng lưới càng cấp thiết và không thể chậm trễ dù bất cứ lý do gì.

Còn nhớ, quãng thời gian nhóm dự án thực hiện đổ tải 1 triệu thuê bao, tinh thần làm việc đặt ra hết sức cao độ và tập trung. Thì nay, với 10 triệu thuê bao, con số lớn gấp 10 lần, tinh thần làm việc ấy tiếp tục được dâng cao hơn nữa. Những tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ hàng hóa cũng như nhân sự tham gia dẫn đến nhiều giai đoạn, dự án bị chậm so với tiến độ. Điều này gây áp lực triển khai trong những giai đoạn sau. Trong bối cảnh ấy, những nhân sự phát triển IMS làm việc cả ngày lẫn đêm liên tục suốt giai đoạn 3 tháng Quý 2/2022.

Các thành viên trong nhóm chia sẻ lại rằng, họ được chia thành nhiều nhóm nhằm bảo đảm mọi luồng việc luôn hoạt động. Nhóm hạ tầng thực hiện nghiệm thu phần hạ tầng, song song đó là nhóm phát triển sản phẩm thực hiện nghiệm thu phần HA của các hệ thống, nhóm kiểm thử thực hiện nghiệm thu phần dịch vụ khách hàng trên điện thoại đầu cuối. Khi phát sinh vấn đề, tất cả cùng ngồi lại giải quyết.

Mục tiêu Zero Error

Hướng đến mục tiêu Zeror Error khi đưa IMS vận hành trên mạng lưới, quá trình đánh giá tính ổn định của hệ thống hết sức tỉ mỉ. Ngoài môi trường lab, trong quá trình thử nghiệm đề tài 1 triệu thuê bao, nhóm dự án thực hiện đánh giá sản phẩm ngay trên mạng lưới Viettel, thực hiện ép tải lên mức tối đa để kiểm tra độ ổn định của hệ thống. Bước sang triển khai đổ tải 10 triệu thuê bao, số lượng bài đo lên đến khoảng 7000 test case.

Đối với một nhà mạng, hệ thống IMS cần 2,3 đối tác cung cấp nhằm bảo đảm tính an toàn cho mạng lưới. Tính đến nay, 60% thị phần IMS trên mạng lưới VTNET đến từ VHT. VHT đã làm chủ những hệ thống quan trọng trong lớp mạng core như EPC, IMS và từng bước đưa lên mạng lưới. Vận hành hiệu quả hệ thống mạng core trên mạng lưới, VHT cùng các đơn vị khác trong Tập đoàn Viettel đang đi đúng lộ trình, thực hiện chiến lược trên 50%-70% mạng lõi của Viettel do người Viettel nghiên cứu, sản xuất.

Ước mơ của Tập đoàn Viettel là làm chủ tất cả mọi thành tố cấu tạo nên thiết bị hạ tầng mạng viễn thông. Nhưng điều mong muốn trước nhất là phải nghiên cứu thành công mạng lõi. Từ làm chủ hệ thống OCS, SMSC, CRBT,.. và nay là IMS, người VHT đang âm thầm nỗ lực khẳng định vị thế làm chủ công nghệ rồi đi ra thế giới của đất nước. Không có gì tăng trưởng mãi nếu không phát triển, muốn phát triển thì phải thay đổi công cụ sản xuất và muốn thay đổi công cụ sản xuất chính là đi lên từ quá trình nghiên cứu phát triển và tạo ra công cụ.

5G Viettel - Hành trình VHT xây dựng 'huyết mạch' chuyển đổi số quốc gia

Vì nền công nghiệp quốc phòng hiện đại: Chặng đường chưa bao giờ dừng ở VHT

Người Viettel dùng mồ hôi tự làm mát ở nơi nóng nhất cả nước

Những người Viettel vượt qua nỗi sợ trước ‘băng tần vàng’

  • 1

Những nơi không điện, không nước, chỉ có sóng Metfone

Chàng trai VCS - người bảo vệ của phe 'ánh sáng'

CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua