Minh Anh - Việt Nhật (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 10:28 - 02.07.2024
Sau Tết Nguyên Đán năm 2023, 4 cáp quang biển bao gồm AAE, AAG, APG, IA đồng loạt đứt. Sự cố này làm dung lượng kết nối quốc tế của Việt Nam ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong tình huống cam go, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các nhà mạng chia sẻ, ứng cứu nhau trong tình trạng thiếu hụt lưu lượng thông tin kết nối quốc tế.
Viettel lúc này đã chia sẻ 100Gbps cho VNPT trong thời gian đơn vị này đàm phán với đối tác quốc tế mở thêm dung lượng cáp đất liền.
Nhìn lại lịch sử khi mới khởi nghiệp, Viettel từng phải đi làm xây lắp thuê cho Bưu điện (cơ quan tiền thân của VNPT), phải đi xin 2 sợi cáp quang “thừa” để làm trục thông tin quân sự 1A đầu tiên. Giờ đây, Viettel đã có thể tự tin chia sẻ, cung cấp dung lượng cáp quang cho các doanh nghiệp khác.
“Nghĩ lại về ký ức đó, trong tôi vẫn thấy rạo rực, tự hào vô cùng", chị Nguyễn Thị Thanh Trà, kỹ sư Truyền dẫn của Trung tâm Vận hành Khai thácToàn cầu, TCT Mạng lưới Viettel, không giấu được cảm xúc.
Sống cùng khó khăn
“Nếu ví hệ thống mạng Internet tại Việt Nam là một ngôi nhà thì các tuyến cáp quang biển chính là "cửa ngõ" để chúng tôi kết nối với thế giới liên tục 24/7. Việc tạo nên những tuyến cáp quang vượt biển là ước mơ lớn giúp kết nối giữa Việt Nam và các quốc gia trở nên dễ dàng hơn”, chị Trà chia sẻ.
Viettel gia nhập cuộc đua cáp quang biển từ năm 2009. Đó cũng là lúc chị Thanh Trà bắt đầu gắn bó với lĩnh vực này ở Viettel. Chị cho biết: “Ước mơ là vậy, nhưng vẫn có nhiều vấn đề khiến các tuyến cáp quang biển không thể ra mắt như thời gian đã định”.
Theo chị Thanh Trà, các vấn đề về địa chính trị, thủ tục cấp phép và quy định của mỗi vùng biển có sự khác biệt. Với vùng biển của Việt Nam, Viettel có thể giải quyết các thủ tục cấp phép để tiến hành dễ dàng. Tuy nhiên, việc cấp phép thực hiện cáp quang tại những vùng biển như Thái Lan, Trung Đông, đặc biệt vùng biển của Yemen lại rất phức tạp khi đường cáp đi qua hai vùng biển Bắc Nam riêng biệt.
Với sự ảnh hưởng của các điều kiện địa hình, địa lý phức tạp, việc dẫn cáp qua các khu vực biển có khai thác dầu mỏ, qua đường ống dẫn dầu khí đều khiến công việc xây dựng cáp quang trên biển bị cản trở.
Chưa kể, có những lần thiết bị nhận về từ đối tác cung cấp gặp lỗi trong quá trình triển khai lắp đặt. Chị Trà cùng đội ngũ chuyên gia của Viettel phải liên hệ, làm việc với các nhà cung cấp thiết bị để tìm ra nguyên nhân lỗi.
Ở Viettel, công việc chính của chị Trà là vận hành, đảm bảo xử lý và khắc phục sự cố cáp quang biển. 15 năm gắn bó với cáp quang biển Viettel, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm của chị Trà đều gắn liền với sự cố. Chị ăn cùng sự cố, ngủ cùng sự cố, sống chung với sự cố. Thậm chí mỗi ký ức đáng nhớ của chị tại Viettel đều đi cùng sự cố của cáp quang biển.
Sống cùng sự cố
Nhiều người vẫn lầm tưởng và lan truyền phỏng đoán vô căn cứ về việc cáp quang biển đứt do cá mập đại dương cắn phải. Chuyện này không có thật.
Chị Thanh Trà khẳng định: “Cáp quang biển bị đứt nhiều lần là do vùng biển Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Hong Kong vốn có hoạt động hàng hải vô cùng tấp nập. Khi neo thuyền, họ đã vô tình để mỏ neo cào vào vỏ cáp, làm sụt điện áp khiến đường dẫn không đủ cung cấp dữ liệu. Việc các tuyến cáp quang bị mỏ neo tàu móc vào không phải hy hữu và vẫn thường xuyên xảy ra trên biển".
Theo chị Trà, cảnh sát biển có đi tuần tra nhưng cũng chỉ hạn chế sự cố được phần nào. Các thời điểm cuối năm hoặc đầu năm mới, các đoàn thuyền ra khơi đánh bắt nhộn nhịp với số lượng lớn nên nguy cơ đứt cáp cũng cao hơn.
Thông thường, mỗi nghề nghiệp đều tạo nên những giá trị mới, giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng “nghề" của chị Trà lại chuyên đi sửa chữa những phần còn thiếu sót, hỏng hóc trong thứ đã có sẵn.
Với tần suất đứt cáp quang biển Việt Nam lên tới 10 lần mỗi năm và mỗi lần kéo dài khoảng một tháng, công việc của chị Trà không lúc nào rảnh rỗi. Cấm cản tàu đánh bắt cá đi biển là điều không thể, đồng nghĩa với việc toàn đội ngũ Viettel phải chấp nhận để các sự cố diễn ra và liên tục xử lý.
Công việc “tìm và vá lỗi" của chị Trà như thể một guồng quay không điểm kết thúc. Chia sẻ về điều thấy khó khăn nhất, chị kể: “Mỗi lần cáp quang có sự cố, mình không đảm bảo được lưu lượng cho khách hàng. Nhu cầu sử dụng cao nên khách hàng phản ánh nhiều, mình cũng đau đầu vì không giải quyết được toàn bộ".
Không chỉ trực tiếp phản ánh với đơn vị, khách hàng đồng loạt phàn nàn trên các trang mạng xã hội, đưa ra những đồn đoán về nguyên nhân và chế ảnh về việc cá mập cắn đứt cáp quang. Các diễn đàn bàn tán sôi nổi, người dùng bày tỏ đủ loại cảm xúc, nhưng chung quy đều không hài lòng khi cáp quang gặp sự cố.
Nhưng chị Thanh Trà bày tỏ: “Tôi nhìn thấy, nghe thấy nhiều, nhưng dần cũng phải quen. Chính trong khu dân cư của tôi, rất nhiều người kên than “mạng chán", dùng của hãng nào họ cũng kêu. Nhưng thực tế, dù họ có sử dụng dịch vụ của nhà mạng nào cũng sẽ gặp phải tình trạng như vậy. Vì một khi đã có sự cố, nhà mạng nào cũng bị ảnh hưởng, quan trọng là nhiều hay ít và thời gian khắc phục nhanh hay chậm".
Để “quen” được với những lời phàn nàn bủa vây xung quanh cuộc sống, lại diễn ra nhiều lần trong năm không phải điều dễ dàng. Chị Trà kể chị đã mất đến 1, 2 năm để “bình thường hóa" những lời phàn nàn đó mỗi khi đối diện. Chỉ sau khi làm cáp quang nhiều năm, việc đó mới trở thành bình thường.
Chị cho biết khách hàng không làm việc trong lĩnh vực cáp quang biển, chưa hiểu rõ nên mới có những lời phàn nàn. Điều này là dễ hiểu. Trên thực tế, toàn đội ngũ phát triển sản phẩm đã rất cố gắng cùng các đối tác, các nhà cung cấp để khôi phục tuyến cáp nhanh nhất có thể, cố gắng nâng cao chất lượng dịch vụ cáp quang biển quốc tế. Tất cả đều vì khách hàng của Viettel, vì những cơ hội kết nối Việt Nam với thế giới.
Sống cùng hy vọng về hải trình kế tiếp
Hiện tại, ADC (Asia Direct Cable) - tuyến cáp quang biển tiếp theo của Viettel dự kiến đưa vào hoạt động trong quý 3/2024. Theo chị Thanh Trà, đội ngũ VTNet đã chuẩn bị đầy đủ để sẵn sàng đón nhận dung lượng của tuyến, chỉ chờ thông tuyến sẽ đưa vào vận hành.
Đây là tuyến cáp quang có dung lượng băng thông lớn nhất Việt Nam, gấp 3 lần tuyến cáp APG (Asia Pacific Gateway) - tuyến cáp quang biển lớn nhất hiện tại mà các doanh nghiệp trong nước đã tham gia đầu tư và sử dụng.
“Viettel là thành viên Việt Nam duy nhất đầu tư vào tuyến cáp quang biển ADC này và trạm cập bờ tại Quy Nhơn cũng sẽ là trạm cáp biển thứ ba Viettel sở hữu độc quyền”, chị Thanh Trà nhấn mạnh.
Theo chị Trà, cùng với các tuyến cáp quang biển hiện đang khai thác khác, tuyến cáp ADC khi đưa vào vận hành khai thác sẽ bổ sung 18Tbps vào tổng dung lượng kết nối quốc tế của Viettel, góp phần cung cấp một lượng lớn dung lượng tốc độ cao kết nối từ Việt Nam đi quốc tế.
Tính đến nay, 5 dự án cáp quang biển mà Viettel đầu tư bao gồm: AAG (trạm cập bờ đặt tại Vũng Tàu), IA (trạm cập bờ đặt tại Vũng Tàu), APG (trạm cập bờ đặt tại Đà Nẵng), AAE-1 (trạm cập bờ đặt tại Vũng Tàu) và ADC (trạm cập bờ đặt tại Quy Nhơn).
Viettel đã bứt phá trong chuyến hải trình 15 năm vươn xa cùng cáp quang biển. Đằng sau những tuyến cáp khổng lồ vùi sâu dưới đáy biển là câu chuyện của những con người Viettel đang ngày ngày làm tốt phần việc của mình, góp phần tạo nên sự hiện diện bền chắc của mạng lưới Viettel giữa ngàn trùng biển khơi và giữa những kết nối của cuộc sống hiện đại.