Hạnh phúc bình dị của những kỳ tích

Thọ Trần (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 14:53 - 14.02.2024

Mỗi lần đón nhận bằng sáng chế độc quyền trong nước và quốc tế là một lần vui.

Niềm vui thì có thể đếm được, còn cảm giác lấp lánh trên hành trình nghiên cứu, chế tạo thì không. Những người làm khoa học tại Viện Hàng không Vũ trụ Viettel (VTX) gọi đó là hạnh phúc.

Hạnh phúc trên hành trình trưởng thành

“Mới ra trường, tôi vào Viettel làm việc ngay. Chưa kịp làm quen đã được các anh giao luôn cho nhiệm vụ chủ trì một sản phẩm. Tận mắt đọc bản vẽ, nhìn sản phẩm, cảm thấy sốc luôn vì không nghĩ ban lãnh đạo lại tin tưởng đặt trọng trách cho một người non trẻ như mình. Không tưởng tượng nổi các anh lại mạnh dạn giao quyền đến vậy!”. Lê Kim Bảo, Trưởng phòng C8.3, chia sẻ về ngày đầu đi làm tại Viện Hàng không Vũ trụ Viettel. 

Sau gần 10 năm làm việc tại VTX, anh là đồng tác giả của sáng chế được Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) chứng nhận bảo hộ độc quyền năm 2023. Nhà sáng chế 33 tuổi khẳng định chính sự tin tưởng của tổ chức là nguồn động lực đặc biệt để bản thân luôn mạnh dạn thay đổi cách tiếp cận trong thiết kế sản phẩm.

Từ ý tưởng nảy sinh trong đầu, được phác thảo dần hoàn thiện, rồi được trình bày, được đón nhận, được từng bước hoàn thiện, từ bản vẽ 2D, 3D rồi dần dần thành sản phẩm cụ thể… bước nào cũng luôn cảm xúc. Bảo gọi đó là “hạnh phúc toàn trình”.

_AQ04872

Hà Thị Hồng Yến, kỹ sư nghiên cứu phát triển vật liệu, gia nhập Viettel được 4 năm. Trước đó, Yến có thời gian làm việc tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam với chuyên môn về vật liệu nano. Yến được giao nhiệm vụ cùng nhóm nghiên cứu tăng chất lượng, độ ổn định, độ tin cậy và độ chính xác của sản phẩm. Khác với công việc nghiên cứu chuyên sâu, Yến cho biết tham gia vào quá trình sản phẩm là bước vào một thế giới mới hoàn toàn khác, phải học thêm các kiến thức về cơ khí, đọc các bản vẽ kỹ thuật, tìm hiểu về lập trình, học và sử dụng phần mềm mô phỏng… 

“Tất cả mọi người đều phải tự học và tìm hiểu để đáp ứng yêu cầu công việc. Tự học để làm việc mình, để hiểu việc đồng nghiệp. Mỗi người có điểm mạnh khác nhau, kết hợp lại để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh”. Yến nói đóng góp cho VTX bằng sáng chế và kiểu dáng được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam là “hành trình lớn lên cùng sản phẩm”. 

Trải nghiệm từng bước nhìn thấy đứa con tinh thần của mình dần có hình hài, được ứng dụng, vận hành thực tế là “đặc quyền” của người làm nghiên cứu. Từ sản phẩm đầu tay thành công, những chuyên gia của VTX tự tin hơn vào bản thân, hình thành cách tư duy để sáng tạo. Với Bảo, sáng chế thì không phải là điều gì quá cao xa. Tất cả những thứ để tăng độ tin cậy của sản phẩm, giảm bớt được thời gian, công sức làm việc của anh em, và khẳng định được tính “mới”, cách làm riêng được coi là sáng chế rồi. 

Hạnh phúc trọn vẹn là được đi đến tận cùng

Nghiên cứu khoa học – công nghệ hàng không vũ trụ là một trong những lĩnh vực ít “phẳng” nhất trong thế giới hiện tại. Tài liệu nguyên lý thì có, nhưng chi tiết thì vô cùng hạn chế vì liên quan trực tiếp đến vấn đề bí mật quốc gia của mỗi đất nước. Tiên phong ở lĩnh vực hoàn toàn mới, thậm chí người làm cũng chưa biết phải làm gì ngoài tìm hiểu theo sản phẩm mẫu để có ý tưởng. Mỗi lần thử sai đều phải phân rã lại toàn bộ các bước trước trong quy trình để xác định nguyên nhân, tốn rất nhiều công sức.

“Có những thời điểm cảm thấy bế tắc. Ví dụ như lúc làm thì suôn sẻ đến 80-90% công việc. Nhưng khi còn khoảng 10-20% cuối cùng thì phát sinh ra vấn đề, kéo theo đủ thứ việc dồn dập trong một thời gian ngắn. Điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả Viện” – Bảo chia sẻ. Khó khăn đôi khi nằm ở các công nghệ lõi, đòi hỏi phải thử nghiệm nhiều hơn, nhiều dữ liệu hơn… nhưng chưa có điều kiện để thực hiện được. 

Có những sản phẩm mẫu có thể hoạt động rất hoàn hảo ở số lượng mẫu nhỏ, nhưng khi tăng số lượng mẫu lên thì mới bắt đầu phát sinh lỗi. Nhóm bắt buộc phải rà soát lại, tìm ra cách tiếp cận khác để giải quyết. Khó hơn thì mời anh em ở các bộ phận khác cùng Viện tham vấn. Cùng cách tư duy nhưng nhiều góc nhìn, sẽ có nhiều cách tiếp cận để gợi mở giải quyết vấn đề. Giải pháp cơ bản là liên tục đặt câu hỏi tại sao. Sau đó cùng nhau phân tích, mổ xẻ từng vấn đề, cùng suy nghĩ để giải. 

_AQ04775

Yến kể, quãng năm 2019, sản phẩm đang trong quá trình hoàn thiện, kết quả đo kiểm và thử nghiệm không như mong muốn. Thế là từ chỉ huy đến nhân viên cùng nhau làm việc ở xưởng thâu đêm, vừa học hỏi, vừa tìm hiểu nguyên nhân gốc, vừa thử nghiệm giải pháp xử lý vấn đề. Xưởng chế tạo, tích hợp, kiểm thử là ở 3 địa điểm khác nhau. Anh em cùng di chuyển miệt mài như con thoi chạy đua với thời gian, quyết tâm làm bằng được để đáp ứng theo tiến độ của Viện. 

Mai Xuân Hải, kỹ sư thiết kế kết cấu và các đồng nghiệp cũng đóng góp cho VTX một bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ năm 2023. Nhưng với Hải, khoảnh khắc nhớ nhất chính là thời khắc sản phẩm được lắp đặt và thử nghiệm thành công từ 5 năm trước - ngày 05/5/2018. Hôm đó, bản thân anh Hải không có mặt tại buổi thử nghiệm. Nghe đồng nghiệp báo tin thử nghiệm thành công từ hiện trường, anh thấy mình nghẹn lại. 

“Khoảnh khắc biết sản phẩm mình chế tạo thành công là hạnh phúc nhất. Còn đăng ký bảo hộ thực sự chỉ là điều khẳng định lại thôi.” – Hải chia sẻ. 

Hạnh phúc vì hành trình luôn tiếp diễn

VTX là đơn vị mũi nhọn của Tập đoàn trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất các loại máy bay không người lái, trang bị kỹ thuật công nghệ cao, xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Lực lượng kỹ sư chất lượng cao chiếm tới 70-80% quân số, có nhiều kinh nghiệm thực tế trong và ngoài nước. 

Đến nay, VTX đang có 38 bằng sáng chế được bảo hộ tại Việt Nam, và 13 bằng sáng chế độc quyền tại Mỹ. VTX đã hoàn thành đăng ký bảo hộ 194 tài sản trí tuệ, trong đó có 145 Sáng chế, 14 kiểu dáng công nghiệp trong nước và 35 sáng chế USPTO.

Những thành tựu đó là lời khẳng định cho chất lượng nghiên cứu khoa học, làm chủ công nghệ của đội ngũ chuyên gia của VTX. Những công trình nghiên cứu đột phá đã góp phần đưa Viettel trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về sở hữu bằng sáng chế độc quyền trong và ngoài nước.

Với chính những người làm nên kỳ tích đó, cách đón nhận bằng sáng chế cũng thật bình dị. Nhóm của Hải có với nhau một trận “nhậu tình cảm” để ôn lại những ngày miệt mài chiến đấu. Yến cho biết anh chị em trong bộ phận quyết định liên hoan ngọt với chè, bánh, hoa quả. Riêng anh Bảo được vợ tổ chức cho một buổi tụ họp để “gia đình động viên”. 

“Có lẽ vì đặc thù của người làm nghiên cứu kỹ thuật, và phạm vi bảo mật của các công trình, nên nhiều thành tựu nghiên cứu chỉ được đón nhận bằng những tiếng reo vui âm thầm trong mỗi nhóm, trong mỗi người. Rồi, tất cả lại nhanh chóng mà lặng lẽ tiếp tục bước vào tìm kiếm những đột phá trên hành trình còn rất dài phía trước” - Bảo chia sẻ. 

Và, hành trình của những hạnh phúc bình dị ấy vẫn còn tiếp nối…

  • 1692
  • 1

'Làm việc khó nhất tạo ra giá trị cao nhất'

  • 1181

'Ở đâu có Viettel, ở đó cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn'

  • 2505

'Con người là mục tiêu chiến lược của Viettel'

  • 1481

'Khát khao của người Viettel chưa bao giờ dừng lại'

  • 1804
  • 1

'Viettel phải tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn'

  • 3131
  • 2

Bí quyết vượt chỉ tiêu từ ‘chiến binh điểm bán’ của Viettel Ninh Bình

  • 158

Người giữ ‘lửa’ và số điểm tuyệt đối tại Công trình Viettel Sóc Trăng

  • 843
  • 2

Người Viettel dùng mồ hôi tự làm mát ở nơi nóng nhất cả nước

  • 918
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua