Nguyễn Thị Hương đã đăng lúc 09:32 - 29.08.2024
Cuộc sống mới nhờ "bộ não số"
Được mô tả là “bộ não số” của đô thị thông minh, Trung tâm IOC mà TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (VTS) triển khai ở Thành phố Đà Nẵng trở thành phần quan trọng trong kiến trúc tổng thể thành phố thông minh của địa phương. Năng lực tổng hợp dữ liệu từ các nguồn thông tin, khả năng phân tích dữ liệu lớn và áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc hỗ trợ lãnh đạo các cấp ra quyết định… là điều khiến hệ thống này trở nên đặc biệt.
Trong nhiều năm qua, Đà Nẵng đã đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ, hình thành các cơ sở dữ liệu và nền tảng số dùng chung… theo hướng chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Tuy nhiên, bài toán lớn mà địa phương gặp phải là sự phân mảnh và chưa khai thác hiệu quả dữ liệu.
Sau 10 tháng tập trung phát triển theo những yêu cầu cụ thể của địa phương, VTS cuối cùng cũng đưa ra lời giải cho bài toán của Thành phố Đà Nẵng. Chính thức vận hành từ tháng 8/2023, IOC Đà Nẵng đang ngày càng trở lên quen thuộc với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân ở thành phố được mệnh danh là đáng sống bậc nhất Việt Nam.
"IOC Đà Nẵng ứng dụng công nghệ AI để phân tích dữ liệu camera phục vụ các bài toán quản lý trên địa bàn và chuyên ngành; ứng dụng phân tích dữ liệu trong các toán thống kê, dự báo phục vụ ra quyết định; hình thành Công cụ nền tảng quản lý IoT với hơn 1.000 thiết bị cảm biến được tích hợp để trở thành trung tâm phục vụ chỉ huy, điều hành tập trung, đa nhiệm của thành phố”, đồng chí Trần Ngọc Thạch, PGĐ Sở TT&TT TP Đà Nẵng chia sẻ.
Sau hơn 1 năm được đưa vào vận hành, IOC Đà Nẵng đã tạo ra nhiều thay đổi rõ rệt. Trong lĩnh vực dịch vụ công, các giải pháp mà các kỹ sư VTS phát triển đã giúp công tác giám sát, điều hành và thực thi trở nên hiệu quả.
6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn chỉ chiếm 0,12%, giảm 96,8% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, số lượng hàng nghìn hồ sơ trễ hạn/tháng trước đây đã được giảm xuống còn vài chục, thậm chí chưa tới 10 hồ sơ.
Điều này góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng phục vụ dịch vụ công của thành phố đồng thời nâng cao mức độ hài lòng của người dân.
Ngoài ra, lĩnh vực quản lý thiên tai cũng đang ghi nhận những chuyển biến tích cực. Với thông tin theo thời gian thực từ 1.000 thiết bị cảm biến hiện trường IoT (600 camera, 31 trạm đo mưa, 69 trạm quan trắc,…), việc giám sát tình hình và nắm bắt thông tin được tiến hành kịp thời.
Chính nhờ vậy, công tác điều phối lực lượng hỗ trợ và phòng chống thiên tai với các phương án được đưa ra sớm giúp lãnh đạo và người dân chủ động hơn. Đây là yếu tố then chốt giúp giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản trong đợt mưa lũ tháng 10/2023 so với đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2022.
Ngoài ra, người dân, doanh nghiệp cũng có thêm công cụ để tương tác với chính quyền trong kỷ nguyên số. Tính tới tháng 6/2024, tỉ lệ xử lý, phản hồi ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị đạt 99,7%, trong đó, đã xử lý, phản hồi đúng hạn đạt 91,3%. Đến nay, 100% kết quả thủ tục hành chính phát sinh mới được số hóa và đưa vào kho số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Thay đổi để tốt lên mỗi ngày
Được nghiên cứu, phát triển từ 5 năm trước, VTS đã tư vấn, phát triển hơn 40 IOC trên khắp các tỉnh, thành cả nước. Trải qua 5 năm liên tục cải tiến và nâng cấp, Viettel IOC không chỉ đảm bảo hoạt động giám sát, điều hành cốt lõi mà liên tục được cập nhật những tính năng mới đáp ứng yêu cầu đặc thù của từng địa phương.
Kể từ IOC Đà Nẵng, hệ thống đã được trang bị các tính năng thông minh như AI (trợ lý ảo AI) và phân tích dữ liệu (dự đoán, chuẩn đoán) hỗ trợ ra quyết định. Ngoài ra, các tính năng mới như cung cấp phân hệ mobile giúp lãnh đạo điều hành linh hoạt, đến việc tiên phong triển khai thử nghiệm chatbot AI thế hệ mới, giúp tối ưu nỗ lực của lãnh đạo và nhà quản trị, cũng đã được tích hợp.
VTS cũng cung cấp một hệ sinh thái sản phẩm chuyển đổi số đầy đủ và hoàn toàn do người Việt làm chủ công nghệ. Chính bởi vậy, Viettel IOC dễ dàng được tuỳ biến theo các yêu cầu cụ thể, giúp đáp ứng hầu hết mong muốn của khách hàng.
Ngoài ra, giao diện và trải nghiệm người dùng cũng đã được VTS tối ưu. An toàn thông tin hệ thống được nâng cấp liên tục đảm bảo tính bảo mật cho hệ thống đã được kiểm chứng qua hồ sơ cấp độ ATTT cấp độ 3 và các chứng nhận được cung cấp khi triển khai các diễn tập ATTT cho các dự án.
Đà Nẵng là địa phương có hạ tầng CNTT hoàn chỉnh, dữ liệu tương đối đầy đủ để phát triển tính năng trên nhiều lĩnh vực, quy trình bộ máy tổ chức tương đối hoàn chỉnh. Thêm vào đó, nhờ lãnh đạo quan tâm sâu sắc và nhiệt huyết để nâng cao hiệu quả IOC trong giám sát điều hành thành phố, đã tạo cơ hội cho VTS phát triển nâng cấp sản phẩm theo đúng định hướng.
Hành trình phát triển IOC ở Đà Nẵng cũng có những dấu ấn mạnh mẽ của các kỹ sư VTS. Ra đời chỉ trong 10 tháng, IOC Đà Nẵng được trang bị 100% công nghệ, sản phẩm do Viettel làm chủ. Dù công nghệ không phải rào cản nhưng khối lượng công việc mà từng thành viên tham gia triển khai là rất lớn. Đội dự án phải làm việc xuyên cuối tuần, thông ngày lễ hay thường xuyên họp bàn tới 2-3 giờ sáng để tìm giải pháp….
Chính việc vượt qua những khó khăn, thách thức và triển khai dự án một cách bài bản đã trở thành những kinh nghiệm quý báu và thiết thực cho người Viettel triển khai các dự án khác.