Cuộc tìm kiếm điện thoại 5G ‘sóng gió’ của Viettel và Ericsson

Quỳnh Nguyễn (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 13:43 - 24.04.2023

Để có chiếc điện thoại nhỏ xíu trong lòng bàn tay trình diễn tốc độ 5G đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 5/2019, các kỹ sư Viettel và Ericsson đã phải ngày đêm “chiến đấu” bằng mọi cách.

Sáng ngày 25/4/2023, Chủ tịch kiêm TGĐ Ericsson toàn cầu, ông Börje Ekholm sẽ đến thăm và đối thoại trực tiếp với người Viettel về các xu thế công nghệ mới nhất trên thế giới và cách quản trị để một doanh nghiệp khổng lồ trường tồn.

Chương trình đối thoại sẽ diễn ra từ 9h30 ngày 25/4, tại Hội trường Cây Bao Báp - trụ sở Tập đoàn và được tường thuật trực tiếp trên Viettel Family. Ngay lúc này, người Viettel có thể đặt câu hỏi, chia sẻ băn khoăn của mình để BTC tổng hợp và gửi tới ông Börje Ekholm TẠI ĐÂY.

Ngày 10/5/2019, Viettel thực hiện thành công cuộc gọi đầu tiên tại Việt Nam trên mạng di động 5G sử dụng thiết bị của Ericsson (Thụy Điển). Trong sự kiện công bố đặc biệt này, chiếc điện thoại 5G là một trong những thiết bị quan trọng nhất. Tuy nhiên, mạng 5G của Viettel lúc này đang trong giai đoạn thử nghiệm về mặt kỹ thuật nên chưa thể sử dụng các dòng điện thoại thương mại trên thị trường. Các kỹ sư Viettel và Ericsson buộc phải tìm kiếm loại thiết bị đầu cuối chuyên dụng để phục vụ tích hợp, kiểm tra các tính năng của hệ thống 5G.

Thế nhưng, hành trình này lại không hề đơn giản. Ít ai biết rằng, để chiếc điện thoại đầu tiên xuất hiện sóng 5G Viettel là sự cố gắng, nỗ lực ngày đêm của đội ngũ kỹ sư Viettel và đối tác Ericsson, huy động mọi quan hệ quốc tế và vận dụng cả các kỹ năng điện tử, viễn thông từ phòng lab đến… chợ trời.

28/3/2019 là ngày Viettel cất những bước đi đầu tiên tại Hà Nội bằng việc bắt tay vào lắp đặt trạm 5G ở khu vực Hoàn Kiếm. Các kỹ sư TCT Mạng lưới Viettel (VTNet) chỉ mất 5 ngày để lắp đặt thiết bị, 5 ngày tiếp theo để tích hợp, bước cuối cùng để 5G lên sóng là thiết bị đầu cuối. Nhiều người tưởng rằng như vậy là đã hoàn thành được 90% công việc. Ngay cả “người trong cuộc” cũng không thể nghĩ rằng có nhiều sóng gió đến vậy.

Lùng sục khắp thế giới để tìm điện thoại 5G

Chiếc điện thoại đầu tiên VTNet lựa chọn là MTP của Mỹ, do đội ngũ chuyên gia Ericsson, đối tác triển khai 5G của Viettel, mang từ Úc về Việt Nam. Đây là dòng điện thoại được nhiều nhà mạng triển khai 5G sử dụng, trong số đó có Verizon của Mỹ, một trong những nhà mạng đầu tiên trên thế giới khai trương thương mại 5G.

Vấn đề đặt ra là băng tần 5G của Việt Nam chưa bao giờ được tích hợp trên chiếc MTP này. Trực tiếp chuyên gia của Ericsson, người đã cấu hình thành công thiết bị này tại Úc cùng kỹ sư của Qualcomm, hãng sản xuất chip của MTP, đều có mặt ở Việt Nam để cùng thực hiện.


Các kỹ sư của VTNet, Ericsson phối hợp cùng chuyên gia bên Mỹ hàng đêm để cấu hình thiết bị đầu cuối.

Tuy nhiên, thử nhiều cách không được, đội ngũ triển khai phải cần đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia bên Mỹ. Chênh lệch múi giờ, các kỹ sư Viettel cùng đội ngũ nhân sự Ericsson bắt buộc phải làm việc vào ban đêm để phối hợp cùng đối tác cách nửa vòng trái đất. Giờ làm việc thông thường từ khoảng 7h tối đến 5h sáng. Gần 10 người cả kỹ sư của VTNet và Ericsson chen chúc nhau trong diện tích chưa đến 3m2 của trạm BTS trên nóc nhà TT Viettel Hoàn Kiếm. Ròng rã 2 tuần như vậy, nhưng kết quả không hề khả quan hơn.

Đến ngày 20/4, không còn cách nào khác là phải thay chiếc điện thoại 5G, nhưng tại thời điểm đó trên thế giới có chưa đến 10 dòng điện thoại 5G với số lượng vài chục chiếc. Có 2 chiếc gần Việt Nam có thể mượn ở Malaysia và Singapore. Tuy nhiên, cả 2 thiết bị này đều đang được các nhà mạng đất nước đó dùng cho các sự kiện liên quan đến 5G.

Rất may, các kỹ sư của 2 bên đã thuyết phục được nhà mạng Singtel của Singapore cho mượn thiết bị trong 2 ngày. Để kịp tiến độ, ngày 20/4, kỹ sư của Ericsson Lê Phương Hoàng đã trực tiếp bay sang Singapore để mượn chiếc điện thoại 5G có tên là WNC. Tình hình khi ấy gấp rút đến mức nhân sự của Singtel đã mang thiết bị ra chờ sẵn ở sân bay để giao cho anh Hoàng.

Chuỗi ngày phập phồng nỗi sợ hãi và sung sướng

18h cùng ngày, anh Hoàng đã mang được chiếc WNC về Hà Nội để đội ngũ kỹ thuật thử nghiệm. Mọi người cùng nín thở chờ đợi… Điện thoại khởi động, bắt sóng 4G “ngon lành”.

Các kỹ sư Ericsson cài đặt chuyển sang chế độ 5G, điện thoại khởi động lại,… và không thể bật lên nữa. Thử đi thử lại tới vài chục lần mà màn hình điện thoại vẫn tối đen. Mọi người nhìn nhau thắc mắc, ngỡ ngàng và có phần thất vọng.

Liên hệ với chuyên gia Qualcomm, hãng sản xuất chip của điện thoại WNC, đến 23h00 ngày 20/4, giải pháp khôi phục lại thiết bị được đưa ra. Tuy nhiên, nút reset lại nằm trong bảng mạch phía trong của điện thoại. Không có đủ dụng cụ, cả đội loay hoay đến 1h sáng thì quyết định về nghỉ, sáng sớm hôm sau sẽ đi mua dụng cụ để “mổ” chiếc điện thoại này ra.


Chiếc điện thoại 5G WNC đầu tiên được trực tiếp kỹ sư Ericsson sang Singapore lấy về trong vòng 12 tiếng đồng hồ để tích hợp lên mạng lưới Viettel.

Ngay từ 6h sáng, anh Bùi Thắng, quản lý dự án triển khai 5G Viettel của Ericsson đã có mặt ở “Chợ Trời” (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Cùng lúc đó, tất cả mọi người cũng đã có mặt ở TT Viettel Hoàn Kiếm để sẵn sàng tiếp tục công việc.

Ngay lập tức, chiếc WNC đã lộ diện toàn bộ “cơ thể” của mình, nút reset nằm ở một góc khá khó nhìn. Tháo bảng mạch ra, nhanh chóng gạt nút reset,… nhưng mọi người lại không thể lắp bảng bo mạch lại vị trí ban đầu. Ai cũng rụt rè bởi chỉ cần nhỡ tay hoặc một sai sót nhỏ, chiếc điện thoại 5G duy nhất ở Việt Nam và cả Singapore có thể hỏng bất cứ lúc nào.

Mọi người cùng đồng ý sẽ mang ra một cửa hàng điện thoại gần đó để bộ phận kỹ thuật lắp ráp lại. Sau thời gian hồi hộp chờ đợi, ai cũng mừng ra mặt khi sau hơn 12 tiếng có mặt ở Việt Nam, chiếc điện thoại 5G đã có thể khởi động.

Ngay lập tức, chiếc điện thoại được “hộ tống” về “đại bản doanh” trên nóc tòa nhà TT Viettel Quận Hoàn Kiếm để các kỹ sư tiếp tục cấu hình. Nhưng quả thật, ông trời rất biết thử thách lòng người, chiếc điện thoại lại không nhận sim… Rất may, anh Trần Khánh, kỹ sư của Ericsson đã có kinh nghiệm trong việc này. Sau chừng gần 20 phút chạy lại hệ điều hành, sóng 5G đã xuất hiện trên màn hình WNC.

Kiểm tra tốc độ tải dữ liệu bằng Speedtest đạt 400Mbps ngay lần đầu tiên, cả đội mừng rơi nước mắt, ôm nhau ăn mừng. Anh Bùi Hữu Hưng, kỹ sư của VTNet nhớ lại: “Lúc đó là hơn 12h trưa ngày 21/4/2019, tôi không thể diễn tả được niềm vui sướng của mình lúc đó, không thể so sánh với bất cứ niềm vui nào khác. Đó là thời khắc lịch sử trong sự nghiệp của tôi. Anh Bùi Thắng - quản lý dự án 5G Viettel của Ericsson chạy ngay đi mua bia để anh em ăn mừng. Sau đúng 16 ngày, chúng tôi mới có thể cấu hình thành công để lên sóng chiếc điện thoại 5G đầu tiên tại Việt Nam”.

Mục tiêu tốc độ 5G của Viettel phải đạt hơn 1Gbps. Nhiệm vụ tiếp theo của đội là tối ưu mạng lưới và thiết bị để đạt tốc độ cao nhất. Tuy nhiên, cũng đã đến thời điểm phải trả điện thoại cho nhà mạng Singtel. Sáng ngày 22/4, anh Lê Phương Hoàng phải sang Singapore để bàn giao điện thoại cho Singtel kịp thời tổ chức sự kiện.


Sự kiện thực hiện thành công cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam là một trong những dấu mốc nổi bật của sự hợp tác giữa Viettel và Ericsson

Cùng thời điểm đó, anh Bùi Thắng đã bay sang Malaysia để mượn một chiếc WNC khác. Đội ngũ kỹ thuật Viettel cùng Ericsson tiếp tục rà soát, tìm mọi giải pháp để nâng cấp hệ thống. Đợt nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm ấy có tới 5 ngày nghỉ nhưng đội gần như không nghỉ ngày nào.

Sau hơn 10 ngày, cuối cùng mục tiêu vượt mốc 1 Gbps cũng đã hoàn thành. Tốc độ 5G tại sự kiện ngày 10/5 lên tới 1,5 - 1,7 Gbps, một thành quả đầy tự hào xuất phát từ sự cộng hưởng sức mạnh của Viettel và Ericsson trên hành trình đưa Việt Nam song hành với thế giới trong cách mạng 4.0.

Viettel dự kiến đầu tư tuyến cáp tới digital hub lớn nhất châu Á

Tăng 50% sản lượng nhờ 'liên minh' Home Camera - FTTH Viettel

  • 1

VTNet khai trương Data Center mới với nhiều cái 'nhất'

  • 1

Tập đoàn khai trương trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam

CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua