Tuấn Minh (Ban Truyền thông) đã đăng lúc 08:49 - 31.10.2022
Hạ tầng số được coi là nền móng vững chắc của chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, công nghệ điện toán đám mây, một trong những thành phần của hạ tầng số, là yếu tố thiết yếu giúp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số thành công. Trước tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp điện toán đám mây tại Việt Nam, việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đám mây toàn diện, do người Việt làm chủ là một bước đi rất quan trọng để làm chủ nền kinh tế số.
Nhiều năm qua, thị trường điện toán đám mây toàn cầu luôn bị chiếm lĩnh chủ yếu bởi các công ty công nghệ hàng đầu thế giới (Big Tech) - những “gã khổng lồ” đã khai mở thị trường, cũng như định ra tiêu chuẩn toàn cầu cho dịch vụ này.
Sự thành công của Big Tech ở thị trường toàn cầu đến từ những thành tựu nghiên cứu và phát triển (R&D) của họ với nguồn lực khổng lồ, cho tới lợi thế về quy mô hạ tầng lớn với giá thành thấp tối đa. Đặc biệt là chiến lược vừa cạnh tranh vừa hợp tác với các nhà cung cấp cùng ngành đã tạo ra các “sân chơi” khổng lồ - một hệ sinh thái toàn diện với hàng trăm dịch vụ đám mây, đáp ứng mọi nhu cầu của các phân khúc khách hàng toàn thế giới.
Tại thị trường Việt Nam, Viettel, FPT, VNPT, CMC đang được đánh giá là các “Big Tech nội địa” với nhiều lợi thế về mặt cơ sở hạ tầng, nguồn lực; cũng như tính cam kết, tin cậy và ổn định. Tuy nhiên, để có thể tạo ra thế cân bằng với các “Big Tech toàn cầu” tại thị trường trong nước thì các nhà cung cấp nội địa cần phải có chiến lược bài bản, rõ ràng.
Đồng chí Hoàng Văn Ngọc, Giám đốc Công ty Viettel IDC đã cung cấp cái nhìn rõ nét hơn về bức tranh thị trường điện toán đám mây Việt Nam cũng như định hướng chiến lược của các nhà cung cấp trong nước trong thời gian tới.
- Thưa anh, điện toán đám mây không còn là khái niệm mới mẻ tại Việt Nam sau gần 10 năm phát triển, vậy anh đánh giá thế nào về thị trường điện toán đám mây trong nước hiện nay?
- Theo nghiên cứu từ hãng McKinsey, dự báo đến năm 2025, thị trường điện toán đám mây Việt Nam sẽ đạt mức 400 - 700 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 21%, một con số không hề nhỏ.
Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tại thị trường Việt Nam hiện khá đa dạng, với hơn 40 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, bao gồm các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Microsoft, Amazon, các doanh nghiệp mạnh trong nước như Viettel, VNPT, CMC, FPT… và một số doanh nghiệp nhỏ.
Tuy nhiên, một phần không nhỏ thị trường điện toán đám mây trong nước đang bị chiếm lĩnh bởi các nhà cung cấp nước ngoài. Lý giải cho điều này là bởi các “Big Tech ngoại” sở hữu hệ sinh thái dịch vụ vô cùng đa dạng, hoàn thiện, cũng như có lợi thế về giá cả. Có thể kể đến như Digital Ocean hay Vultr đưa ra mức giá cho sản phẩm và dịch vụ vô cùng rẻ.
Xét trên cùng mặt bằng thì nhà cung cấp nội địa đang gặp nhiều bất lợi. Nếu không kiên định với chiến lược tự chủ về công nghệ thì thị phần nội địa còn bị đe dọa hơn nữa.
- Gần đây các hãng lớn như AWS, Microsoft đều có những tuyên bố về việc mở rộng, đưa vào khai thác các trung tâm dữ liệu tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Các nhà cung cấp nội địa đang đứng trước đôi dòng: Bắt tay hợp tác cùng Big Tech hay cạnh tranh sòng phẳng với họ? Theo anh, chiến lược nào sẽ là hợp lý cho các nhà cung cấp trong nước?
- Chiến lược mà Viettel IDC đã, đang và sẽ tiếp tục theo đuổi trong tương lai là hợp tác thay vì đối đầu. Chúng tôi đang đẩy mạnh đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài như Amazon, Microsoft… Viettel IDC không xác định đối đầu với những ông lớn này bởi nó đồng nghĩa đi ngược lại với nhu cầu khách hàng, xu hướng thị trường.
Chúng tôi cũng tập trung vào việc hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp lớn từ nước ngoài tới Việt Nam.
Tuy nhiên, trong dài hạn, tôi cho rằng, các nhà cung cấp nội địa nên có chiến lược phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ của mình một cách toàn diện nhất. Xu hướng của khách hàng hiện nay là sử dụng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ toàn diện, thay vì sử dụng dịch vụ riêng lẻ từ nhiều nhà dịch vụ khác nhau.
Sự cạnh tranh với các Big Tech là rất lớn, đi cùng với xu thế công nghệ phát triển theo hướng hệ sinh thái và tích hợp. Điều này buộc các nhà cung cấp phải nhanh nhạy, đón đầu xu hướng để có thể tiếp tục phát triển, và Viettel IDC cũng không phải là ngoại lệ.
- Đó là chiến lược của các nhà cung cấp nội địa nói chung, vậy Viettel IDC thì sao, chiến lược nào đang được Viettel IDC lựa chọn thưa anh?
- Ngành công nghệ điện toán đám mây đòi hỏi các nhà cung cấp phải đầu tư dài hạn. Đây là một cuộc chơi lớn và lâu dài, do vậy các nhà cung cấp phải thực sự làm chủ về nguồn lực, tính cam kết đi đến cùng, thay vì áp dụng chiến lược ngắn hạn.
Lựa chọn hợp tác thay vì đối đầu với các “Big Tech” là một yếu tố cần, nhưng mặt khác chúng tôi cũng nhận thức được việc đầu tư nghiên cứu (R&D) là một việc vô cùng cần thiết để có thể làm chủ về công nghệ cũng như cung cấp cho khách hàng một hệ sinh thái sản phẩm đa dạng nhất.
Mới đây nhất, ngày 5/10 vừa qua, Viettel IDC đã ra mắt dịch vụ Viettel Blockchain Node. Đây là một thị trường được xem là còn khá mới mẻ tại Việt Nam.
Việc đầu tư, phát triển thêm các dịch vụ thuộc lĩnh vực mới này cũng cho thấy nỗ lực của Viettel IDC trong việc đa dạng hóa hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ của mình.
Nếu như những năm trước, Viettel chỉ có gần 30 dịch vụ điện toán đám mây, thì đến nay con số này đã lên đến hơn 40 và còn tiếp tục tăng hơn nữa.
Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, với tầm nhìn là đơn vị tiên phong về giải pháp, công nghệ mới phục vụ xã hội số, thì việc tìm tòi khai phá các lĩnh vực công nghệ mới, khai phá các không gian kinh doanh mới là một sứ mệnh của mình, để có thể cạnh tranh với các Big Tech.
Điều này đòi hỏi Viettel phải tạo ra 1 hệ sinh thái toàn diện nhất, nhanh chóng nhất có thể, bao gồm cả việc kết hợp sức mạnh tổng thể của cả Tập đoàn, mà sắp tới đây là Viettel Cloud.
- Anh vừa nhắc đến Viettel Cloud, vậy anh có thể chia sẻ rõ hơn về chiến lược cho hệ sinh thái này không?
- Như tôi đã đề cập, các Big Tech đã xâm nhập và bộc lộ rõ chiến lược tại thị trường Việt Nam. Các Big Tech hiện đang có nhiều lợi thế hơn về quy mô và giá thành. Để các doanh nghiệp nội có đủ sức cạnh tranh thì đòi hỏi các doanh nghiệp lớn có tiềm lực như Viettel phải đứng ra phát triển một hệ sinh thái đủ đối trọng với các Big Tech, là một lựa chọn ngang bằng với các thương hiệu lớn trên thế giới.
Viettel là tập đoàn sở hữu Công ty số 1 về viễn thông (Viettel Telecom), Công ty hàng đầu về giải pháp phần mềm (Viettel Solutions), Công ty dịch vụ số lớn nhất (Viettel Digital), Công ty hàng đầu về an ninh mạng (Viettel Security) và nhiều đơn vị tên tuổi khác.
Viettel Cloud ra mắt vào trung tuần tháng 10 là sự kết hợp sức mạnh giữa Telco (công ty viễn thông) và Techco (công ty công nghệ), mang sức mạnh tổng hợp của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel. Việc kết hợp này chắc chắn sẽ tạo ra hệ sinh thái toàn diện nhất, mà trong đó Viettel IDC là một trong những đơn vị chủ lực, từ đó đủ sức đương đầu với các Big Tech.
Bên cạnh đó, cùng với chiến lược thúc đẩy các nền tảng công nghệ “Make in Vietnam” do người Việt làm chủ, cũng như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ đã đến giai đoạn chín muồi sau 2 năm triển khai, nhu cầu chuyển đổi số của các tổ chức, doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Đó là những điều kiện cần và đủ, là thời cơ để Viettel cũng như các nhà cung cấp nội địa “vùng lên” giành lại thị phần tại thị trường Việt Nam.
Viettel Cloud - hệ sinh thái đám mây toàn diện nhất của Viettel sẽ là tiền đề chắc chắn cho chương trình chuyển đổi số từ cấp Quốc gia đến địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, đồng thời Viettel Cloud cũng sẽ là nền tảng Cloud của người Việt triển khai ở quy mô toàn cầu với bước tiến đầu tiên là 10 thị trường Viettel đang đầu tư.
- Xin chân thành cảm ơn anh!