'Mối lương duyên' giữa eKYC của Viettel và dịch vụ hành chính công

Minh Hải đã đăng lúc 08:22 - 03.09.2024

Dịch vụ hành chính công vẫn là không gian có phần trầm lắng trong sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo lên các lĩnh vực. Đây sẽ là cơ hội để Viettel khẳng định năng lực và đóng góp giá trị nhiều hơn nữa.

Trong thời gian qua, những người làm eKYC của Viettel vẫn đau đáu về một tương lai gần người dân chỉ cần vài thao tác nhanh gọn, đơn giản để xử lý các thủ tục hành chính.

“Trong lĩnh vực hành chính, AI đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong các công việc như tóm tắt văn bản, chuyển đổi văn bản thành lời nói và ngược lại, xử lý báo cáo, tự động hóa quy trình làm việc và phân tích dữ liệu để hỗ trợ ra quyết định”, đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Công Thành, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, trong về hội thảo "Ứng dụng AI trong công tác hành chính" do Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức ngày 12/3/2024. 

Ở Ấn Độ, thẻ ID Aadhaar gồm 12 chữ số, chứa thông tin sinh trắc học đã quen thuộc với người dân từ lâu. Đến tháng 9/2023, UIDAI đã cấp hơn 1,3 tỷ thẻ Aadhaar cho công dân Ấn Độ. Công nghệ eKYC giúp giảm thiểu gian lận và tăng cường bảo mật. Tại Singapore, MyInfo là nền tảng quản lý dữ liệu cá nhân giúp người dân đảo quốc sư tử chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân một lần cho chính phủ, sau đó có thể sử dụng thông tin đó để truy cập các dịch vụ công trực tuyến nhanh chóng và tiện lợi. eKYC trong MyInfo đã giúp đơn giản hóa quy trình đăng ký và xác minh danh tính khi dùng các dịch vụ công.

Tại Việt Nam, eKYC  với vai trò là điểm vào của các dịch vụ số - sau làn sóng ứng dụng mạnh mẽ ở ngành tài chính, ngân hàng, hứa hẹn cũng sẽ đem lại các thay đổi tích cực trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công trong tương lai gần. 

‘Dễ dàng tích hợp, triển khai đơn giản, vận hành thông suốt’

Trở lại năm 2020, Ngân hàng Nhà nước chính thức cho phép các ngân hàng, tổ chức tài chính sử dụng giải pháp eKYC trong mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng phương thức điện tử. Chỉ sau 1 năm, hầu hết các ngân hàng đã ứng dụng giải pháp công nghệ này vào thực tế thông qua việc bắt tay với các nhà cung cấp nước ngoài.

z5729387234561_7e43148a5b8fcfff224e790e1d15ecda-1
Lễ ra mắt "Dịch vụ định danh công dân điện tử" vào tháng 4/2021 tại Quận 1, TP.HCM.

Tuy nhiên, tại thời điểm đó, eKYC vẫn còn là một từ khoá mới lạ với dịch vụ công Việt Nam, một lĩnh vực với nhiều quy trình, thủ tục đặc thù. Cụ thể, khi người dân khi làm thủ tục phải nhớ mật khẩu, mã số… rất nhiều thao tác nếu muốn tra cứu tiến trình giải quyết hồ sơ của mình. Nhóm kỹ sư phụ trách có ý tưởng để người dân sử dụng chính khuôn mặt để xác thực, thay cho tất cả những thứ phức tạp khác. 

May mắn khi đó, UBND Quận 1, TP.HCM cũng rất nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cải cách hành chính. TP.HCM là một trong những nơi đông dân nhất cả nước. Số lượng người dân lớn đồng nghĩa với số lượng yêu cầu, hồ sơ, thủ tục cần phải giải quyết rất lớn mỗi ngày. Ứng dụng công nghệ được kì vọng sẽ giải quyết được tình trạng quá tải hồ sơ, thiếu nhân lực giải quyết. Chính quyền Quận 1 đã phát động đợt thi đua cao điểm về cải cách hành chính trên địa bàn toàn quận và tìm kiếm các mô hình, giải pháp đổi mới nhằm cải thiện phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Nắm bắt nhu cầu đó, Viettel đưa ra ý tưởng và nhanh chóng được lãnh đạo quận ủng hộ, cho triển khai Dịch vụ định danh công dân điện tử trên địa bàn quận. Dịch vụ định danh công dân điện tử sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), hoạt động trên tất cả thiết bị máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng… nhằm giúp người dân và tổ chức dễ dàng thực hiện các bước đăng ký thủ tục hành chính không giấy và tra cứu tình trạng hồ sơ bằng công cụ nhận diện khuôn mặt. Với khả năng tự động nhận diện ký tự trên giấy tờ tùy thân (CMND, CCCD), hệ thống sẽ tự động điền vào biểu mẫu có sẵn một cách chính xác và giảm thiểu sai sót ở mức tối thiểu. 

Với dịch vụ này, khi đến UBND Quận 1 làm thủ tục, người dân không cần khai thông tin cá nhân, chỉ cần chụp ảnh giấy tờ tùy thân gửi vào hệ thống. Hệ thống sẽ tự động quét (scan) dữ liệu, điền vào mẫu. Chính quyền Quận 1 đã tổ chức tiếp nhận đăng ký giải quyết thủ tục hành chính “không giấy” trên các lĩnh vực như kinh tế, lao động, tư pháp, giáo dục và nội vụ.

“Sản phẩm định danh công dân điện tử Viettel eKYC đang tham gia hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và chính quyền Quận 1 tự động hóa nhiều thủ tục hành chính, số hóa hàng loạt các dịch vụ công trên hạ tầng trực tuyến, giải quyết bài toán về một hệ thống liên thông chuyên ngành, dễ dàng tích hợp, triển khai đơn giản, vận hành thông suốt”, ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh Văn phòng UBND Quận 1 chia sẻ tại buổi lễ ra mắt Dịch vụ Định danh công dân điện tử vào ngày 01/4/2021. 

Dịch vụ định danh công dân điện tử tại Quận 1 được lãnh đạo TP.HCM ghi nhận là một trong những nỗ lực tiêu biểu của các cơ quan, đơn vị ứng dụng mạnh mẽ AI trong lĩnh vực công, góp phần thực hiện Kế hoạch số 1757/KH-UBND, ngày 30/5/2022 về triển khai chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030”.

Dien gia VAI 2
Các cải tiến công nghệ cho giải pháp eKYC được nhóm kỹ sư của Viettel AI cập nhật liên tục. 

Nhu cầu toàn dân chắc chắn sẽ tăng 

Tuy khẳng định được về năng lực công nghệ, nhưng trên thực tế, số lượng người dùng không đáng kể. Sau dự án với UBND Quận 1 TP.HCM, Viettel cũng có tiếp xúc, làm thử nghiệm với một số địa phương khác như Thái Nguyên, Cà Mau nhưng các dự án không thực sự thành công.  

Nguyên nhân một phần đến từ việc người dân chưa có được thói quen và nhu cầu sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Để tạo dựng nhu cầu này lại phụ thuộc nỗ lực của chính đơn vị cung cấp, chứ không nằm ở giải pháp công nghệ. 

Khi nhu cầu ứng dụng eKYC trong lĩnh vực hành chính công còn thấp, nhóm làm Viettel eKYC phải chuyển hướng để tiến vào các thị trường kinh doanh thực tế hơn, quay lại “chiến đấu” ở mảng có nhu cầu cao như tài chính, ngân hàng sau khi đã hoàn thiện về công nghệ, chứng chỉ tiêu chuẩn. 

Nhưng nhóm kỹ sư tin rằng trong tương lai, nhu cầu sử dụng eKYC trong hành chính công chắc chắn còn tăng lên cùng với sự phát triển của công nghệ, khi các giải pháp cho toàn dân được đẩy mạnh. Ví dụ, VneID sẽ được phát triển theo mô hình SingPass của Singapore – chỉ cần một ứng dụng duy nhất để xác thực quyền công dân, có thể mở tài khoản ngân hàng, thực hiện dịch vụ hành chính… Khi đó, eKYC là chìa khóa then chốt để giải quyết vấn đề. 

Để sẵn sàng cho mục tiêu này, dù sản phẩm đã đạt chứng chỉ quốc tế ISO 30107-3 Level 2 - cấp độ cao nhất của bộ tiêu chuẩn, nhóm kỹ sư phụ trách eKYC của Viettel AI vẫn liên tục cải tiến giải pháp theo hướng thích nghi với số đông người dùng phổ thông: nhận diện thật chính xác và ngăn chặn giả mạo, dễ sử dụng cho người dùng cuối, tương thích với nhiều loại điện thoại từ bình dân đến cao cấp. 

  • 182
  • 2

'Mối lương duyên' giữa eKYC của Viettel và dịch vụ hành chính công

  • 182

Tối ưu hóa thời gian và chi phí, VTPost dẫn đầu xu hướng logistics bên vững

  • 46

Viettel ra mắt dịch vụ xem phim 4K trên mạng 5G

  • 786

Bước tiến mới cho 'bộ não số' của Viettel tại Đà Nẵng

  • 620
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua