Như Quỳnh (TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel) đã đăng lúc 15:03 - 30.12.2024
Khai trương năm 2021, Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Quốc phòng đang được đánh giá là điểm sáng. Để đạt được thành tích này, Bộ đã huy động những thế mạnh lớn nhất của mình, bao gồm năng lực bảo mật của các cơ quan chuyên môn và kinh nghiệm chuyển đổi số của Viettel trong xây dựng giải pháp.
Điểm sáng về cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Khai trương năm 2021, Dịch vụ công trực tuyến Bộ Quốc phòng ra đời với mục tiêu minh bạch thông tin, cải cách thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Đây là một phần trong nỗ lực chuyển đổi số Bộ Quốc phòng, qua đó xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại…
Do yêu cầu cao về bảo mật và những đặc thù riêng biệt, Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Quốc phòng ra đời muộn hơn so với các bộ, ngành khác. Tuy nhiên, Bộ đã tận dụng những lợi thế và nền tảng vững chắc khi có các cơ quan chuyên môn về bảo mật, an toàn thông tin và năng lực công nghệ từ Viettel để xây dựng giải pháp đúng và trúng nhu cầu đặc thù.
Được thiết kế để tái cấu trúc và tối ưu hóa quy trình thủ tịch hành chính, Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Quốc phòng hướng tới năng lực thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi trên các phương tiện khác nhau, qua đó tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí… Bắt đầu triển khai từ năm 2020 và chính thức khai trương từ tháng 4/2021, hệ thống hiện cung cấp 241/241 thủ tục hành chính của Bộ Quốc phòng lên Cổng Dịch vụ công của Bộ.
Trong số này, có 59/241 TTHC đạt mức độ toàn trình (mức độ 4), 182/241 TTHC đạt mức độ một phần/trực tiếp. Tổng số lượng hồ sơ đã tiếp nhận xử lý tính đến ngày 22/10/2024 là 90.213 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99% hồ sơ giải quyết sớm và đúng hạn.
Ngoài ra, hệ thống đã có 867 tài khoản do công dân/doanh nghiệp đăng ký sử dụng và 865 tài khoản cho cán bộ của các đơn vị trong toàn quân để giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công Bộ Quốc phòng.
Hệ thống Cổng Dịch vụ công Bộ Quốc phòng đã được kết nối với hệ thống Cổng Dịch vụ công Quốc gia của Văn phòng Chính phủ, hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư của Bộ Công an, hệ thống xác thực chữ ký số công cộng của Bộ Thông tin và Truyền thông phục vụ tích hợp thông tin, khai thác dữ liệu, xác thực thông tin công dân/doanh nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính.
Theo bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử, Bộ Quốc phòng đạt 70,95 điểm, xếp thứ 2/20 bộ, ngành được đánh giá.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông xung quanh chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh năm 2024, Bộ Quốc phòng đạt 77,5 điểm, xếp thứ 1/21 bộ, ngành tham gia đánh giá. Với số điểm này, Bộ Quốc phòng giữ khoảng cách khá xa so với đơn vị xếp thứ 2 là Bộ Công an (71,75 điểm) và Bộ Giao thông vận tải (xếp thứ 3 với 68 điểm).
Đặc biệt, so sánh với kết quả đánh giá năm 2023, Bộ Quốc phòng tiếp tục giữ được vị trí đứng đầu khối bộ, ngành trong 2 năm liên tiếp.
Dấu ấn của Viettel
Theo TGĐ VTS Nguyễn Mạnh Hổ, Cổng Dịch vụ công giúp người dân thực hiện các dịch vụ công tại nhà trên môi trường mạng thay vì phải tới các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng. Điều này giúp mang đến nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Viettel cũng áp dụng những công nghệ mới nhất và hiện đại nhất vào xây dựng giải pháp.
Theo đó, Viettel đã áp dụng công nghệ tạo quy trình động cho phép các đơn vị chức năng tự cấu hình các luồng nghiệp vụ một cách linh động và mềm dẻo. Ứng dụng điện toán đám mây cho phép mở rộng dịch vụ theo chiều ngang để đáp ứng nhu cầu của người dân trong trường hợp cần thiết.
Về bảo mật thông tin, Viettel áp dụng các chuẩn bảo mật quốc tế do chính Viettel làm chủ công nghệ. Để tăng cường khả năng quản lý, dữ liệu được trình bày trên dashboard một cách sống động theo thời gian thực. Tìm kiếm dữ liệu lớn cũng được triển khai để tăng tiện ích, giảm thời gian chờ đợi.
“Cổng Dịch vụ công trực tuyến Bộ Quốc phòng mang lại lợi ích to lớn cho người dân và xã hội. Người dân có thể thực hiện dịch vụ công online tại nhà, trên nhiều loại thiết bị trong khi quy trình tiếp nhận, xử lý minh bạch và dễ dàng theo dõi. Điều này cũng góp phần hiện thực quyết tâm chuyển đổi số mà Chính phủ đẩy mạnh thời gian qua cũng như trong thời gian tới”, đồng chí Nguyễn Mạnh Hổ chia sẻ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, VTS nói riêng và Tập đoàn nói chung đang tiếp tục hoàn thiện giải pháp để cung cấp dịch vụ mang tính trải nghiệm cao hơn, thân thiện hơn và đáp ứng tốt nhất nhu cầu người dân.
Theo đó, Viettel sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng chatbot, callbot nhằm trả lời tự động các thắc mắc; hệ thống OCA sẽ tự động nhận dạng văn bản; hệ thống EKYC giúp tự định danh trong khi hệ thống phân tích dữ liệu lớn giúp cơ quan quản lý theo dõi, vận hành và quản trị để mục tiêu cuối cùng là dịch vụ tốt nhất cho người dân.
“Triển khai dịch vụ công hướng tới các mục tiêu này là nhiệm vụ và trách nhiệm của Viettel với Bộ Quốc phòng. Chúng tôi cam kết ứng dụng công nghệ mới nhất, nguồn lực tốt nhất và áp dụng nhanh chóng nhất để đưa dịch vụ công Bộ Quốc phòng trở thành dịch vụ công số 1 tại Việt Nam”, TGĐ VTS Nguyễn Mạnh Hổ khẳng định.