Tuấn Minh (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 18:14 - 01.10.2024
Chuỗi giải pháp tự động hoá toàn diện ngành logistics do Viettel làm chủ toàn phần. Trực tiếp tới tham quan mô hình chuỗi giải pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định vai trò của nền tảng công nghệ là rất quan trọng đối với số hoá hạ tầng logistic, một phần của hạ tầng quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương đội ngũ nhân sự Viettel đã chủ động và tiên phong nghiên cứu, ứng dụng hệ thống robot nói riêng và các công nghệ hiện đại nói chung. Thủ tướng động viên CBNV tiếp tục cố gắng để có thêm nhiều sản phẩm đột phá, đồng thời bày tỏ mong muốn nhận thêm nhiều tin vui từ các công trình, dự án mới của Viettel trong tương lai.
Chuỗi giải pháp tự động hoá là nền tảng công nghệ cho chiến lược xây dựng hạ tầng logistics quốc gia của Viettel bao gồm công viên logistics, cửa khẩu thông minh, cảng cạn - các hạ tầng liên thông hàng hóa giữa Việt Nam, khu vực và thế giới. Toàn bộ các robot, hệ thống băng chuyền và hệ thống phần mềm điều khiển trong các công đoạn lưu trữ, lấy hàng, đóng gói, chia chọn đều do Viettel làm chủ hoàn toàn về công nghệ.
Hiện chuỗi giải pháp được ứng dụng tại toàn bộ các trung tâm khai thác VTPost, bao gồm tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam tại khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) và trung tâm logistics 130 ha tại Lạng Sơn.
Tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, Viettel trình diễn 4 robot tự hành trong chuỗi giải pháp: Drone (máy bay không người lái vận chuyển hàng tại các vị trí khó tiếp cận), robot chia chọn AGV sorting (robot tự hành phân loại hàng hóa), robot vận chuyển AGV picking (robot tự hành tải trọng 1 tấn vận chuyển các khối hàng lớn), robot cánh tay (robot ứng dụng thị giác máy tính thực hiện gắp, nhấc và di chuyển hàng hóa).
Trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ đón làn sóng FDI thứ tư, với động lực tăng trưởng chính đến từ sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Logistics dự kiến trở thành ngành trọng yếu và phát triển nhanh. Để đầu tư trước đón đầu làn sóng này, Viettel đầu tư về logistic tại Lào, Thái Lan và Trung Quốc với định hướng cung cấp giải pháp toàn trình cho logistics xuyên biên giới và triển khai tuyến vận chuyển đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc, từ đó triển khai thêm nhiều tuyến mới kết nối các nước Đông Nam Á.
Cũng tại sự kiện ngày 1/10, Viettel giới thiệu hệ sinh thái thiết bị 5G và mô hình trung tâm dữ liệu xanh. Trạm thu phát sóng 5G và khối xử lý băng gốc 5G, do VHT phát triển, phục vụ triển khai 5G diện rộng trong thời gian tới. Hệ thống mạng riêng 5G Viettel (5G Private) phục vụ tự động hóa sản xuất và ứng dụng IoT trong các nhà máy, doanh nghiệp.
Viettel đặt mục tiêu phát triển các data center với tổng công suất 240MW, gấp khoảng 1,5 lần công suất của toàn bộ các data center tại Việt Nam hiện nay. Hình mẫu đầu tiên là Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc - trung tâm dữ liệu xanh đầu tiên của Việt Nam với công suất gấp 2 lần trung bình, sử dụng 30% năng lượng tái tạo, tổng công suất điện 30MW.
Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 và lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức sáng 1/10 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Ngày hội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, cơ quan liên quan phối hợp tổ chức, với sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu trực tiếp, 10.000 đại biểu trực tuyến, cùng hàng chục nghìn đại biểu tham dự các hoạt động tổ chức trong 2 ngày 1 và 2/10.
Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp “Đổi mới để bứt phá, vượt qua chính mình - Sáng tạo để vươn xa, bay cao trong bầu trời kỷ nguyên số và phát triển xanh của nhân loại”, đổi mới sáng tạo là yếu tố đặc biệt quan trọng với Việt Nam trong kỷ nguyên mới, Việt Nam phải bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong tiến trình đổi mới sáng tạo của nhân loại.
Nhân sự kiện này, Thủ tướng tuyên bố lấy ngày 1/10 hàng năm là Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam để vinh danh, khích lệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là ngày vui, ngày hạnh phúc của những người đổi mới sáng tạo.