'VTS phải đi ra nước ngoài'

Thanh Duyên (TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel) đã đăng lúc 10:44 - 15.10.2024

Qua giai đoạn vừa đi vừa khai phá, mang tính chất phủ khách hàng, đã đến lúc TCT Giải pháp doanh nghiệp Viettel (VTS) cần tập trung đầu tư vào sản phẩm, nền tảng mang tính cốt lõi, chiều sâu. 

Đi ra nước ngoài và những mục tiêu mới của VTS đã được TGĐ Nguyễn Mạnh Hổ làm rõ nhân dịp đơn vị kỷ niệm 6 năm ngày thành lập (15/10/2018 - 15/10/2024).

5 NĂM TỚI, VTS CÓ THỂ LÀ NHỮNG TÊN TUỔI TRÊN THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ  

- Sau 6 năm phát triển, xin anh cho biết tầm nhìn dài hạn của VTS trong 5 - 10 năm tới là gì và những giá trị cốt lõi nào sẽ tiếp tục định hình sự phát triển ấy? 

Có thể nói, trong 5 đến 10 năm tới, định hướng của VTS cũng được xác định từ lúc hình thành như sứ mệnh ban đầu đề ra. VTS đã định vị là đại diện của Tập đoàn, đóng vai trò chủ lực trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, là đơn vị cung cấp các giải pháp, các nền tảng số để tham gia vào thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, xây dựng các trụ từ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Việc này thể hiện qua một loạt các dịch vụ hạ tầng số như trung tâm dữ liệu và cloud, các kết nối quốc tế, các nền tảng số để giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.  

Các giải pháp, các nền tảng của VTS sẽ phải là tiên phong và trưởng thành nhất trong việc áp dụng công nghệ 4.0. VTS sẽ rất khó cạnh tranh, dẫn dắt nếu sản phẩm của chúng ta không thông minh, không ứng dụng AI, không dùng dữ liệu để giúp cho khách hàng tạo ra những đột phá trong quá trình hoạt động, kinh doanh của họ. 

Nói đến VTS thì sẽ phải nói đến công nghệ và sẽ phải là đơn vị dẫn dắt trong lĩnh vực này. VTS cũng sẽ phải là đơn vị hiệu quả bởi vì trong 5 đến 10 năm tới nhu cầu và mức độ cạnh tranh của thị trường trong nước và ngoài nước trong lĩnh vực này tăng cao và phải có những công ty tổ chức tốt, hiệu quả, sáng tạo mới phát triển được tốt.

Còn 5 đến 10 năm nữa có ý nghĩa lớn hơn so với lúc mới thành lập là VTS phải đi ra nước ngoài. Bây giờ, VTS mới đang nhen nhóm xây dựng chiến lược nhưng trong vòng 5 năm tới, VTS có thể là những tên tuổi trong một số lĩnh vực trên thị trường quốc tế 

- Trong bối cảnh thị trường thay đổi nhanh chóng, sản phẩm, dịch vụ của VTS sẽ được định hình và cải tiến như thế nào để tiếp tục dẫn đầu và đáp ứng nhu cầu khách hàng?

Nói về lĩnh vực cung cấp giải pháp số, nền tảng số thì việc cải tiến, thậm chí vứt bỏ sản phẩm cũ xây dựng sản phẩm mới từ đầu là việc VTS xác định liên tục và thường xuyên nhưng trong nhiều trường hợp cũng sẽ có những chiến lược thay đổi trên sản phẩm. Hiện VTS tập trung nhiều vào việc xây dựng giải pháp cho khách hàng mang tính chất dự án thì số lượng khách hàng, lĩnh vực rất đa dạng và rất rộng. Mỗi khách hàng đều có những cá tính riêng, cùng một sản phẩm, cùng một nhóm đối tượng khách hàng nhưng với tập khách hàng lớn độ cá thể hóa cũng khác nhau cho nên không sản phẩm nào có thể áp dụng rập khuôn cho khách hàng khác được.  

Nhưng nếu VTS cứ chạy theo câu chuyện dự án mãi thì những sản phẩm mang tính chất chiều sâu sẽ bị hạn chế và VTS không có đủ thời gian, nguồn lực đầu tư những sản phẩm mang tính chất chiều sâu chuyên ngành. Như vậy, VTS sẽ không có những nền tảng sản phẩm cốt lõi để phát triển. Trong thời gian tới, VTS sẽ phải tập trung đáp ứng được 2 nhu cầu này. Nếu chỉ làm một vài sản phẩm có chiều sâu cũng không phát triển được mạnh về mặt quy mô nhưng nếu chỉ chăm chú vào làm những sản phẩm theo đặt hàng của khách hàng thì VTS cũng sẽ không đi xa được.

Cho nên VTS cần đầu tư tìm giải pháp hài hòa được 2 yêu cầu này bằng cách tập trung nghiên cứu các thông tin về lĩnh vực ngành để áp dụng những công nghệ để làm sao xây dựng các giải pháp mang tính chất nền tảng, áp dụng được cho nhiều người, nhiều đơn vị, tổ chức. Nền tảng là mức độ cá thể hóa cho các đối tượng khách hàng khác nhau, không cần phải gia công làm lại, thế nên sẽ tối ưu chi phí, có thể cá thể hóa trên nhiều tập khách hàng.

VTS nên làm sao có được vào sản phẩm đặc trưng giống như niềm tự hào của các hãng lớn, ví dụ như Microsoft tự hào về hệ điều hành Windows. Mọi người biết đến một vài sản phẩm thì mọi người nghĩ đến Viettel và VTS trên toàn thế giới thì đấy là một thành công với VTS.

CÂN BẰNG ĐI HAI CHÂN 

- Anh đánh giá thế nào về vị thế của VTS so với những đối thủ hiện tại? Anh mong muốn trong thời gian tới VTS sẽ tự làm sản phẩm, giải pháp nhiều hơn hay đẩy mạnh hợp tác? 

Để mà so sánh, đánh giá VTS với các tên tuổi lớn thì so sánh với mức độ cảm tính hoặc tương đối thì có thể được nhưng cho điểm thì khó vì có nhiều tiêu chí khác nhau để đánh giá. Có những công ty quy mô nhỏ, chỉ làm một sản phẩm và nhắc đến sản phẩm là nhắc đến công ty đấy, sản phẩm đấy rất sâu, rất chuyên ngành. Có những công ty chuyên làm về tài chính kế toán, có công ty chuyên làm giải pháp về quản lý vào ra, có công ty chuyên làm về quản lý một lĩnh vực nào đấy của công nghiệp. So sánh với những công ty như vậy thì sản phẩm của VTS ở nhiều lĩnh vực là không bằng nhưng bù lại VTS có tập khách hàng, độ phủ sản phẩm rộng hơn. 

VTS có lợi thế ở thời điểm hiện tại là sự ủng hộ, là niềm tin từ tập khách hàng khối chính quyền, từ trung ương đến địa phương. Những khách hàng như vậy đặt kỳ vọng, sự tin tưởng và rất sẵn sàng giao những bài toán khó, những việc khó cho Tập đoàn, cho VTS.  

Còn để VTS đi theo hướng nào, ví dụ như tự làm một vài sản phẩm thì VTS cũng sẽ trở thành một công ty kiểu khác. Cho nên VTS vẫn sẽ phải cân bằng đi 2 chân với việc tự làm và hợp tác. Bởi trong thời đại phát triển này, nếu chỉ tự làm thì sẽ không tạo ra quy mô lớn, không phát triển nhanh được. Chắc chắn bên ngoài xã hội cũng có nhiều đối tác có những sản phẩm xuất sắc ở một số lĩnh vực nhưng họ thiếu tập khách hàng và năng lực triển khai, vậy tại sao không hợp tác cùng phát triển?  

Tuy nhiên, VTS cũng xác định đường dài. Nếu chỉ đi mượn, đi tìm đối tác với các sản phẩm có sẵn bên ngoài mà không có năng lực về sản phẩm riêng của VTS thì chắc chắn sẽ không tạo được ấn tượng riêng trong khách hàng. Nhưng tìm và lựa chọn những sản phẩm gì để làm cũng là chiến lược và vấn đề quan trọng mà VTS sẽ phải tính toán thật kĩ cho chiến lược tương lai. 

- Anh có thể chia sẻ những áp lực của VTS trong 6 năm qua? 

Mỗi đơn vị trong Tập đoàn đều có một sứ mệnh khác nhau và đơn vị nào cũng có áp lực về những bài toán, nhiệm vụ riêng. VTS có nhiều sự khác biệt hơn với các đơn vị khác khi tập khách hàng là khách hàng chính quyền và doanh nghiệp, rất khác biệt, rất cá thể, rất khó tính, rất đa dạng.

Sau 6 năm qua, VTS với chiến lược vừa đi, vừa làm, vừa định hình tổ chức. Lúc đầu, VTS vừa đi vừa khai phá, mang tính chất phủ khách hàng và hợp tác các sản phẩm. Khi VTS tập trung vào dự án, chạy theo mục tiêu tại giai đoạn đó và dẫn đến khoảng trống trong nghiên cứu, đầu tư sản phẩm mang tính chất cốt lõi. Vì vậy việc đầu tư sản phẩm, nghiên cứu sản phẩm cốt lõi còn loay hoay, kinh nghiệm và thông tin thị trường chưa đủ để định hình rõ ràng. 

Đặc biệt, lúc đầu tên Tổng công ty là “Giải pháp” chứ không phải “Sản phẩm”. Nếu là TCT giải pháp về sản xuất về nông nghiệp, y tế thì nó cũng rõ hơn về khía cạnh sản phẩm thế nhưng là TCT giải pháp về doanh nghiệp thì phạm trù lên tất cả các lĩnh vực, khó để VTS định hình ngay từ đầu. Ví dụ như Công ty An ninh mạng thì rõ ràng là giải pháp về an ninh mạng. Viettel IDC thì sứ mệnh sinh ra là dịch vụ Data Center và Cloud. Vì vậy, VTS xác định phải tự tìm ra câu trả lời về dịch vụ và sản phẩm cho riêng mình.

Hiện tại, tôi nghĩ câu trả lời đã tường minh hơn. Các dịch vụ, sản phẩm của VTS cần phát huy nền tảng, năng lực của Viettel. Tập đoàn có lợi thế về dịch vụ nền tảng dựa trên hạ tầng số và mạng 5G. Cũng giống như các nhà mạng lớn trên thế giới, trong nhánh B2B này, không ai có thể làm được tất cả. Vì vậy, chắc chắn trong thời gian tới, VTS sẽ xây dựng các giải pháp dịch vụ chuyển đổi số cho các ngành, dựa trên 5G, Cloud và AI. VTS đã có bộ nghiên cứu gần 40 sản phẩm cho 9 lĩnh vực chuyển đổi số ngành. VTS cần quyết định chọn ra một số nền tảng vừa kết hợp sứ mệnh nhà mạng, vừa cung cấp nền tảng dịch vụ quy mô lớn với năng lực ít đối thủ cạnh tranh được. Đó là những hướng đi mà VTS cần tập trung.

CHUYỂN DỊCH MỚI CỦA VTS

- Nhìn lại hành trình 6 năm qua, anh tự hào nhất về điều gì, và đâu là những bài học giá trị nhất mà VTS đã rút ra trong quá trình phát triển?

Là đơn vị trong Tập đoàn nên CBNV VTS vẫn duy trì được những giá trị cốt lõi của Viettel. 

Qua 6 năm phát triển có nhiều thăng trầm nhưng các thành viên VTS vẫn luôn có tinh thần tập thể, gắn kết, đồng lòng. Điều này minh chứng qua hình ảnh của sự lăn xả, cùng chụm đầu lại từ cấp cán bộ quản lý tới các lớp CBNV khi cùng triển khai các dự án, chiến dịch với thời gian nóng gấp, yêu cầu khắt khe. Tôi vẫn thấy được sự sẻ chia, lo lắng, hi sinh của các cá nhân, tập thể cùng nhau vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng. 

Tôi muốn nói với các thành viên VTS rằng, đối với khách hàng, họ rất tin Viettel, bởi vậy đối với mỗi việc làm của chúng ta dù là nhỏ nhất vẫn phải chỉn chu nhất. Nếu có 100 việc, mà có 99 việc chúng ta làm xuất sắc, còn 1 việc kém thì không ai nhớ tới 99 việc chúng ta xuất sắc cả. 

Cho nên đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức, vừa là áp lực. Chúng ta nhìn lại mô hình của tổ chức, quan trọng nhất là thay đổi mindset của toàn bộ CBNV vì câu chuyện hướng tới khách hàng, lấy khách hàng là trung tâm. Các hoạt động nghiên cứu phát triển, kinh doanh “trước bán - trong bán - sau bán” luôn cần phải chú trọng. Kinh doanh đã khó, giữ chân khách hàng lại càng khó hơn. 

Tuy nhiên, có một vài điều khiến tôi lo lắng. Đó là một số nhân sự có lối tư duy, suy nghĩ còn cũ, lười tìm tòi hay nhiều bộ máy còn có mục tiêu ngắn hạn, chỉ quanh quẩn lo hoàn thành doanh thu quý này, tháng này, năm này mà chưa có hướng nhìn dài hạn, dẫn tới sự sáng tạo, tinh thần chủ động bị mai một. Tôi nghĩ rằng thời gian tới khi VTS có hướng phát triển mới, tinh thần này cần được sốc lại nhiều hơn. 

- Để giải quyết bài toán nhân sự ra - vào trong thời gian tới, anh có những chiến lược dài hạn nào để thu hút và gìn giữ nhân tài? 

Việc nhân sự đi ra, đi vào trong lĩnh vực CNTT là chuyện khó tránh khỏi bởi tại Việt Nam có 4.000 đơn vị hoạt động lĩnh vực này. Mọi người đều có quyền để tìm cho mình công việc, môi trường làm việc phù hợp. Với VTS, việc thu hút và gìn giữ nhân tài luôn được chú trọng trong suốt 6 năm qua. Các cơ chế, chính sách, quy trình của VTS luôn được cải tiến, thay đổi để phù hợp với yêu cầu. Để có đội ngũ nhân sự tốt, ngoài bộ máy, quy trình thì công việc cần hấp dẫn, có sự cạnh tranh. Không ai muốn vào một môi trường làm việc cồng kềnh, bảo thủ, quy trình thủ tục rườm rà không đáng có hoặc những việc không giúp CBNV phát triển bản thân. 

Từ cuối năm nay đến đầu năm sau, VTS sẽ chuẩn bị để chuyển hướng hoạt động mới. Theo đó, chính sách khoán, đãi ngộ, tuyển dụng,...sẽ khác biệt, linh động, sáng tạo hơn. Cơ chế mới sẽ tạo động lực mạnh mẽ và nhiều cơ hội mới cho CBNV cũng như con đường phát triển của VTS.

VTS-8

- Điều gì anh muốn chia sẻ tới các đồng nghiệp trong Tập đoàn nói chung và tại VTS nói riêng nhân dịp Tổng Công ty tròn 6 tuổi?

Trong suốt 6 năm qua, VTS có được ngày hôm nay là nhờ sự dẫn dắt, định hướng, hậu thuẫn rất lớn của Ban lãnh đạo Tập đoàn. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ, hợp tác, phối hợp nhiệt tình cả về tinh thần và hành động của nhiều đơn vị như: VCC, VTNet, VTT, VHT, VTPost, VAI, IDC… đã VTS hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng của Tập đoàn, của đất nước. 

Nhân dịp kỷ niệm 6 năm thành lập VTS, tôi xin được bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới toàn thể những người đã ủng hộ, đồng hành với VTS, cụ thể hơn là cảm ơn ban lãnh đạo Tập đoàn, các cơ quan, đơn vị. Mong trong thời gian tới sẽ nhận được hỗ trợ, giúp đỡ, chỉ đạo nhiều hơn để VTS phát triển lớn mạnh hơn. 

Tôi xin chúc tất cả CBNV VTS luôn tràn đầy niềm vui, nhiều nhiệt huyết. Trước hết, hãy coi VTS như một gia đình thật sự. Những vấn đề của VTS là vấn đề của nhà mình, những niềm vui của VTS là niềm vui trong nhà mình và những thành công của VTS cũng là thành công trong nhà mình. Hãy cùng nhau đoàn kết, cùng chung mục tiêu xây dựng ngôi nhà VTS ngày càng bình yên, ấm áp và trở thành nơi mà mọi người muốn gắn bó, cống hiến. 

Cảm ơn tất cả các bạn đã song hành và gắn bó với ngôi nhà VTS trong suốt 6 năm vừa qua. Hy vọng rằng bước sang tuổi mới, tất cả chúng ta đều có thêm những năng lượng mới, những sáng tạo mới, những khát vọng mới để cùng nhau nắm tay, đoàn kết xây dựng ngôi nhà VTS ngày càng trở nên đáng sống và là nơi mà khi đi xa, chúng ta đều muốn quay về.

- Xin cảm ơn anh về những chia sẻ này.

  • 1542
  • 9

Chủ tịch Tập đoàn: 'VTS hãy nhận lấy sứ mệnh bùng nổ dịch vụ số, dịch vụ cloud'

  • 3787

VTPost rục rịch cùng hàng Việt tiến bước toàn cầu

  • 174

Với 5G, Viettel khai phóng tiềm năng số cho doanh nghiệp Việt như thế nào?

  • 347

'VTS phải đi ra nước ngoài'

  • 1542

Bà con 'gọi không nghe, nhắn tin không đọc', Viettel vẫn có cách

  • 337
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua