Cơ hội mới cho miền Trung - Tây Nguyên từ các Trung tâm dữ liệu Vùng

Mai Anh (TCT Giải pháp doanh nghiệp Viettel) đã đăng lúc 14:16 - 09.10.2023

Bên cạnh yếu tố công nghệ, khu vực miền Trung – Tây Nguyên còn hưởng lợi về cơ hội phát triển kinh tế, bởi các trung tâm này cũng giúp thu hút các doanh nghiệp CNTT, các dịch vụ số về một điểm.

Ngày nay, cùng với xu hướng Chuyển đổi số quốc gia, việc xây dựng các Trung tâm dữ liệu (TTDL) quốc gia đang trở thành một phần quan trọng của sự phát triển kinh tế và công nghệ. Các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia phát triển, đều đang đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển Trung tâm dữ liệu cấp quốc gia để đảm bảo an toàn thông tin, tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ công và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Xu hướng xây dựng Trung tâm dữ liệu cấp quốc gia, cấp vùng không chỉ là một khía cạnh quan trọng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, mà còn là một yếu tố cần thiết để định hình tương lai của các quốc gia trên thế giới. Tại châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore đã trở thành những ví dụ xuất sắc về việc xây dựng các Trung tâm Dữ liệu quốc gia và quốc tế để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và công nghệ, là hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam học tập.

Xây dựng Trung tâm dữ liệu: Còn nhiều bất cập và thách thức

Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng Giám đốc VTS, việc xây dựng các TTDL ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề, chưa có tính đồng bộ và tổng thể của cấp Quốc gia, dẫn đến việc quản lý dữ liệu còn một số bất cập.

Thứ nhất, theo Tổng Giám đốc, khi dữ liệu không thống nhất khuôn dạng, tiêu chuẩn trên các hệ thống CNTT rời rạc tại các địa phương khác nhau. Thứ hai, có nguy cơ xảy ra lộ lọt, thất thoát dữ liệu - đặc biệt là dữ liệu bí mật nhà nước. Thứ ba, nhiều hệ thống công nghệ thông tin được đầu tư từ lâu, dẫn đến thiếu đồng bộ. Và thứ tư, là còn nhiều vấn đề trong việc đảm bảo an ninh an toàn hệ thống CNTT, hệ thống CDSL.

Chính vì vậy, việc xây dựng TTDL quốc gia, trong đó có các TTDL vùng tại Việt Nam rất cần thiết, cấp bách. Các TTDL vùng sẽ có tính tập trung về dữ liệu, giúp cho việc quản lý tốt hơn, khai thác hiệu quả hơn, tăng khả năng chịu tải và tăng tính ổn định. Đồng thời, khi tập trung như vậy, rủi ro về an ninh cũng giảm đi cũng giúp tăng cường bảo mật và kiểm soát truy cập, kiểm soát con người, kiểm soát hệ thống dễ hơn, tài nguyên được tối ưu hơn.

Dự thảo Quy hoạch hạ tầng ngành Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã chỉ rõ, là cần hình thành các cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng (TTDL quy mô vùng), phục vụ hoạt động kinh tế xã hội và hoạt động của cơ quan nhà nước. Trong đó định hướng hình thành 3-6 TT Dữ liệu quốc gia, ưu tiên đặt các TP trọng điểm (Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng) và các hành lang kinh tế vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ - nơi có nguồn năng lượng dự trữ, khí hậu lạnh, nguồn nhân lực CNTT, giao thông thuận lợi.

Việc này là vô cùng quan trọng, vì không chỉ để đáp ứng nhu cầu tính toán, lưu trữ thông tin mà còn để đảm bảo an ninh và chủ quyền về dữ liệu.

Với miền Trung–Tây Nguyên, đây là khu vực có hạ tầng điện năng rất tốt, vị trí thuận lợi để liên thông với các thành phố lớn. Mặt khác, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã xây dựng hệ thống trạm cáp quang số lượng lớn, kết nối ở khu vực Bình Định, Đà Nẵng, tạo nên hạ tầng viễn thông đủ mạnh cho khu vực này.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức với việc xây dựng các TTDL vùng. 

Một là mức đầu tư lớn. Xây dựng trung tâm dữ liệu vùng, ngoài chi phí đầu tư ban đầu, còn bao gồm nhiều chi phí khác, khi phải tiếp tục đầu tư về thể chế, chính sách, cơ chế thu hút doanh nghiệp, chi phí vận hành…

Hai là vấn đề quản lý và tuân thủ, việc xây dựng hành lang pháp lý cần phải được quan tâm, nhằm đảm bảo trung tâm dữ liệu hoạt động một cách đáng tin cậy và an toàn.

Ba là vấn đề nhân sự. Vì xây dựng trung tâm dữ liệu đòi hỏi phải tìm kiếm và duy trì được nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, đặc biệt là tại các khu vực xa trung tâm kinh tế. Với miền Trung-Tây Nguyên, vấn đề thu hút và giữ chân nhân tài chính là điều mà các nhà quản lý cần phải tìm phương án để phát triển trung tâm dữ liệu vùng tại đây.

Xây dựng hạ tầng chỉ là bước khởi đầu

Khẳng định năng lực của VTS hoàn toàn đầy đủ để có thể hỗ trợ, tư vấn và triển khai cho việc xây dựng một TTDL vùng dựa trên kinh nghiệm xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn của Việt Nam, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng, sự thành công của một TTDL vùng thể hiện ở tính kết nối và hội nhập, tức là phải thu hút được thật nhiều đối tượng tham gia.

Việc xây dựng TTDL vùng chỉ là hạ tầng, để sau này việc vận hành đi vào hiệu quả, cần phải thu hút nhiều cộng đồng, từ những doanh nghiệp sáng tạo khởi nghiệp, doanh nghiệp CNTT cùng đổ về đây thì TTDL vùng mới phát huy được hết sức mạnh của nó.

Việc xây dựng TTDL vùng cũng sẽ đóng vai trò không nhỏ trong việc hỗ trợ cho phát triển kinh tế, bởi các trung tâm này cũng giúp thu hút các doanh nghiệp CNTT, các dịch vụ số về một điểm, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong khu vực. Bên cạnh kinh tế, nó cũng thúc đẩy sự kết nối và và hội nhập khi tạo ra các cái điểm kết nối giao thương giữa nước ngoài và đơn vị trong nước. Sau đó là kéo theo sự đầu tư và phát triển về y tế, giáo dục tại khu vực.

“Với sự đầu tư và nỗ lực không ngừng của Viettel trong lĩnh vực này, chúng tôi đã và đang đóng góp mạnh mẽ vào việc phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu của Việt Nam. VTS cam kết tiếp tục hỗ trợ quốc gia trong việc xây dựng và phát triển hệ thống trung tâm dữ liệu để đảm bảo an toàn thông tin và thúc đẩy CĐS Quốc gia” – đồng chí Nguyễn Mạnh Hổ khẳng định.

  • 2321
  • 2

VTS hợp tác chuyển đổi số ngân hàng Timor Leste

  • 2411

Chuyển đổi 2G lên 4G và những bài học cho Viettel

  • 298

CBNV Viettel tiếp sức giúp Viettel Money 'so tài' các ông lớn

  • 2251

Một thập kỷ vươn lên số 1 của An ninh mạng Viettel

  • 559

Viettel AI đồng hành kết nối tài năng Việt tại thung lũng Silicon

  • 607
  • 1
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua