Thùy Dương (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 19:46 - 07.04.2024
Theo Chủ tịch Tập đoàn, tại Viettel thì cứ 100 người thì có đến 95 người “Trưởng thành qua những thách thức và thất bại” ở mọi lĩnh vực. Từ việc kinh doanh phải làm thế nào để bán được hàng, có doanh thu, có thuê bao, cho đến đội ngũ kỹ thuật làm thế nào để đảm bảo chất lượng mạng tại các trạm, tối ưu ra sao… Tuy nhiên, đó cũng chính là động lực, sức ép cho chính người Viettel.
“Khó khăn, rào cản chính là động lực để chúng ta trưởng thành. Nếu tổ chức nào không còn thách thức sẽ không thể phát triển được. Chỉ có thông qua những việc làm, những thách thức, có xách ba lô đến những thị trường xa xôi, khó khăn như là ở châu Phi, hay châu Mỹ… thì chúng ta mới trưởng thành được, mới biết được thế giới bao la như thế nào”, Chủ tịch nhấn mạnh.
Hơn 20 năm công tác tại Viettel, anh Nguyễn Đăng Triển, Giám đốc Trung tâm Giải pháp CNTT và Dịch vụ số của VTT cho biết, những vị trí anh từng trải qua đều có nguy cơ đối diện với thách thức và thất bại rất lớn và anh muốn chia sẻ cách làm đã giúp anh vượt qua những khó khăn đó.
Thời điểm mới nhận nhiệm vụ, lãnh đạo Tập đoàn và Ban TGĐ VTT thường xuyên đặt ra bài toán mới cho đội dự án: “Sau TV360, VTT sẽ có những sản phẩm dịch vụ số gì có thể bùng nổ hơn hoặc tương đương TV360?”.
Câu hỏi trên cũng chính là áp lực rất lớn để anh Triển cùng cả đội ngũ phải suy nghĩ những cách làm mới, giải pháp mới.
Để giải quyết bài toán đó, anh Triển chọn cách học từ những thất bại. Anh xâu chuỗi lại những thất bại và thành công trong quá khứ để có cái nhìn toàn diện nhất. Ví dụ như dịch vụ Smart Home và Home Camera anh nhận thấy giá rất cao, sau đó lại phải tối ưu giá bán, giảm giá camera. Tuy nhiên khi phân tích, xâu chuỗi lại các bài học chưa hiệu quả thì anh đề xuất chương trình bán hàng mới, chương trình này nhận được nhiều phản hồi rất tích cực, giúp doanh thu tăng hơn 20%, tiến tới đạt mốc hơn 2 triệu thuê bao.
“Khi mình gặp khó khăn hay thất bại thì tâm lý của con người thường hay muốn quên nhanh thất bại đó đi để tư duy cái khác. Nhưng tôi lại tư duy khác, tôi nhìn nhận lại những cái chưa thành công, thất bại đấy để đúc rút ra bài học, sau đó bứt phá và tự tin hơn”, anh Triển giải thích thêm.
Chia sẻ về giá trị này, anh Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Chi nhánh Viettel Phú Thọ nhận thấy đây là giá trị mà mình cũng đã vận dụng rất nhiều trong quá trình làm việc tại Viettel. Đối với anh Trung, trong thách thức có cả thất bại.
Nhớ lại khoảng thời gian công tác tại Tanzania, anh Trung kể rằng năm 2020 là năm khó khăn khi hoạt động SXKD của Halotel bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Thứ nhất là, Bộ luật lao động mới tại đây yêu cầu đội ngũ người Việt phải rút từ 70 người xuống còn 5 người, trong đó bao gồm cả Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng. Thứ hai là các vấn đề liên quan đến pháp lý. Thứ ba là dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ.
Anh Trung là 1 trong số những người được bàn giao ở lại, phụ trách mảng kinh doanh. Trách nhiệm nặng nề khi phải gánh vác khối lượng công việc lớn, các vấn đề pháp lý chặt chẽ, anh Trung luôn trong tình trạng lo lắng, mất ăn mất ngủ.
Tuy nhiên, đó cũng chính là giai đoạn mà anh Trung tự nhận thấy đã cho mình trưởng thành hơn rất nhiều. “Khi dồn bản thân đến những khó khăn, yêu cầu nhiều thứ từ ngoại ngữ, giao diện bên ngoài, công tác truyền thông, những buổi làm việc với Bộ… Và trải qua cả giai đoạn Covid thì đến giờ không còn gì để sợ nữa”, anh Trung chia sẻ thêm.
Trong cuộc thi Dear Sếp, một thành viên của Halotel đã chia sẻ tình cảm với anh Nguyễn Văn Trung. Kính mời CBNV xem TẠI ĐÂY.
Sự khó khăn của Tanzania ở nhiều yếu tố đã tạo nên bản lĩnh, sự dũng cảm và cả những cách làm mới của anh Trung cũng như đội ngũ Halotel. Đặc biệt, giai đoạn khó khăn đó cũng chính là thời điểm Halotel tăng trưởng mạnh nhất, hơn 50%.
“Đặt mục tiêu cao để tìm cách làm đột phá” - Cách làm này đã giúp người Viettel bao thế hệ vượt qua những thử thách và sẵn sàng đối diện với khó khăn. Với chúng ta, những thách thức chính là chất kích thích, giúp thúc đẩy khả năng của mỗi người, để phát triển đến “tới hạn” và cũng là động lực để mỗi người tìm ra cách làm đột phá.
Giá trị: Trưởng thành qua những thách thức và thất bại
Nhận thức:
- Liên tục có những thách thức mới, khó khăn mới, nguy cơ mới là quy luật của cuộc sống.
- Thành công và thất bại luôn song hành với nhau, Khi thành công không nên tự mãn. Lúc thất bại không hoang mang.
- Vượt qua thách thức sẽ mở rộng vùng an toàn, nâng cao năng lực.
- Khó khăn là lò luyện, thách thức là chất kích thích để đi đến thành công. Trong khó khăn luôn có cơ hội.
- Thất bại sẽ không là thất bại nếu nó có một bài học.
Hành vi:
- Đặt mục tiêu cao để tìm cách làm đột phá.
- Thử nhanh, để nếu có sai thì sớm bộc lộ và sửa nhanh.
- Tôi luyện con người qua những việc thách thức. Đánh giá thành công từ những thách thức đã đi qua.
- Học hỏi từ những thất bại, điều chỉnh lỗi sai hệ thống và không lặp lại những lỗi lầm cũ.
- Cầu thị, cầu sự tiến bộ, phê bình thẳng thắn và xây dựng ngay từ khi sự việc còn nhỏ. Không tận dụng sai lầm của người khác để đánh đổ người đó.