Bưu tá Viettel nơi hải đảo: 'Mình không đi thì ai đi?'

Mỹ Hoa (TCT Bưu chính Viettel) đã đăng lúc 11:30 - 29.04.2025

Ngày lễ với người khác là nghỉ ngơi, là đoàn tụ. Còn với những người bưu tá Viettel nơi hải đảo, đó là lúc đảo cần sự hiện diện của họ hơn bao giờ hết.

Không có pháo hoa, không có những cuộc vui rộn ràng, ngày lễ của anh là tiếng gọi quen thuộc vang từ các ngõ nhỏ: "Chú Mạnh tới rồi!", là ánh mắt lấp lánh khi người ta nhận được món hàng đúng lúc, là lời cảm ơn mộc mạc, đôi khi chỉ là cái gật đầu, cái vẫy tay từ xa.

Và chính những điều bình dị ấy lại khiến công việc này - dù lặng thầm - trở nên quý giá.

Tháng 4, trời Lý Sơn trong vắt. Sóng vỗ nhẹ vào cảng Sa Kỳ, con tàu quen chở hàng hóa từ đất liền ra đảo vẫn khởi hành như mọi ngày. Trên tàu, có một kiện hàng nhỏ được đánh dấu "ưu tiên", bên trong là hộp quà sinh nhật gửi từ TP.HCM về cho cậu bé ở đảo Bé.

Và người sẽ đưa nó về tay người nhận, không ai khác, là anh Phan Văn Mạnh, bưu tá của Viettel Post.

Không có bưu cục vật lý tại Lý Sơn, toàn bộ hàng hóa gửi ra đều tập kết ở nhà anh Mạnh. Căn nhà nhỏ trở thành điểm trung chuyển duy nhất trên đảo. Có những đợt mưa bão dài ngày, tàu không ra được, hàng dồn lại cả tuần, thậm chí nửa tháng. Lúc đó, nhà anh chất kín hàng, lối đi hẹp đến mức không còn chỗ đặt chân. Thế nhưng, anh Mạnh vẫn cần mẫn xử lý từng gói, tranh thủ tăng ca từ sáng sớm đến tối muộn để hàng không bị trễ, để mỗi người dân khi nhận được bưu phẩm đều cảm thấy yên tâm, không lỡ dở.

Người dân Lý Sơn ai cũng biết anh Mạnh. Không phải vì anh là người nổi bật gì, mà vì suốt 10 năm nay, ngày nào cũng thấy anh mặc áo đỏ, đội mũ bảo hiểm, buộc chặt từng gói hàng phía sau xe máy rồi rong ruổi khắp đảo. Anh là người địa phương, sinh ra và lớn lên ở xã An Vĩnh, thuộc lòng từng lối mòn, từng con dốc, biết cả những đoạn đường mà xe phải dắt bộ vì đá trơn hay vì nước ngập mặt đường. Công việc này với anh không còn là “nghề”, mà là một phần nhịp sống của chính mình.

“Ở đảo, ai cũng mong hàng tới kịp. Có người đặt thuốc, có người đặt quà cho con, có khi chỉ là hộp bánh từ quê gửi ra. Nhưng ai cũng trông. Mình nghỉ một ngày, người ta sẽ phải chờ thêm một ngày. Vậy nên ngày thường đi, ngày lễ cũng đi”, anh nói, giọng đều đều như chính cách anh lặng lẽ làm việc suốt bao năm.

Giao hàng ở đảo không giống ở đất liền. Hàng phải theo tàu ra đảo lớn mỗi sáng, rồi từ đó anh nhận về, phân loại, lên tuyến rồi giao tới từng nhà. Có những hôm phải giao hàng ra đảo Bé, cách đảo lớn khoảng 3 hải lý, anh lại thuê cano hoặc đi nhờ tàu cá, ôm gói hàng vượt sóng để đưa tận tay người nhận.

“Có bữa chỉ một gói đồ chay mẹ gửi cho con gái đi dạy học ngoài đảo. Nhưng mình không đi thì ai đi? Để trễ, đồ hỏng hết”, anh cười hiền.

Những ngày lễ, khách du lịch đông, đảo nhộn nhịp hơn, hàng hóa cũng nhiều hơn. Nhưng với anh Mạnh, mọi thứ vẫn theo đúng trình tự, sáng sớm nhận hàng, phân tuyến, rồi chạy xe từ An Hải sang An Vĩnh, từ chân núi Thới Lới vòng xuống cảng cá, len lỏi vào những hẻm nhỏ. Dọc đường, người ta lại thấy bóng áo đỏ quen thuộc dừng lại trao hàng, có khi ngồi lại hỏi thăm một cụ già sống một mình, nhắc chị tiểu thương gói hàng kỹ hơn để mai gửi chuyến sớm.

Mỗi điểm dừng chân là một câu chuyện nhỏ trong hành trình gắn bó bền bỉ. Mười năm qua, chưa có lần nào anh Mạnh từ chối chuyến giao vì lễ Tết hay thời tiết xấu. Dù mưa, dù gió, anh vẫn đi - như một thói quen đã ăn vào nhịp sống của mình.

“Lễ cũng như thường. Miễn có người cần, mình vẫn chạy. Có lần giao thuốc cho một cụ già, cụ nắm tay mình nói: "Nó không về kịp, nhờ chú là tui yên tâm rồi!". Mình thấy mình làm điều gì đó có ích, dù chỉ là đưa một gói hàng”, anh Mạnh bộc bạch.

Không ồn ào, không phô trương, giữa biển khơi mênh mông vẫn có một người bưu tá lặng lẽ giữ nhịp kết nối mỗi ngày. Khi nhiều người chọn nghỉ ngơi, thì ở nơi cách đất liền gần trăm cây số, vẫn có người bám trụ với công việc giao nhận như một phần tự nhiên của đời sống.

Người ấy gõ cửa từng nhà với nụ cười hiền: “Có hàng về cho nhà mình rồi đấy!”.

Bưu tá Viettel nơi hải đảo: 'Mình không đi thì ai đi?'

Myanmar - Nơi người lính Viettel trở lại, bằng trách nhiệm và trái tim

  • 3780
  • 5
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua