Hữu Hải (TCT Mạng lưới Viettel) đã đăng lúc 09:33 - 18.07.2024
Nhận lệnh là đi
Cuối tháng 3, đầu tháng 4/2017, tôi là nhân viên TT Đo lường Chất lượng trực thuộc Ban Kỹ thuật Tập đoàn. Khi đó, anh Lê Bá Tân (nay là Trưởng ban Kỹ thuật Tập đoàn) là Trưởng ban Công nghệ mới. Tuy không trực tiếp được anh quản lý nhưng với chỉ một cái vỗ vai khi đang làm việc tại tòa trụ sở cùng câu nói: “Chiều nay, em sắp xếp đi Sơn La cùng anh, anh nói chuyện với Giám đốc Trung tâm em rồi”.
Và thế là tôi đã có ngay một chuyến công tác đầy bất ngờ. Mọi thứ thật đột ngột thật đấy nhưng ở Viettel, chúng tôi chẳng còn xa lạ gì với những quyết định nhanh, quyết đoán bất kỳ lúc nào. Là một người luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, tôi lập tức lên đường nhưng cả chuyến đi, tôi cũng trải qua lắm cung bậc cảm xúc, từ rất sợ hãi, lo lắng, tự ti nhưng cuối cùng lại tìm thấy sự tự tin.
Câu chuyện bắt đầu như thế này. Khi trong đầu tôi chưa định hình được mình sẽ đi làm gì thì tất nhiên trong lòng sẽ nảy sinh một sự lo lắng không hề nhẹ vì vốn lâu rồi chưa làm lại việc đo kiểm trực tiếp. Trong phút chốc chỉ biết nhận lệnh và đi ngay buổi chiều tại cơ quan, khi mà chưa chuẩn bị đồ đạc gì.
Đoàn bắt đầu lên xe để khởi hành đi Sơn La, đến 6h tối thì tới Hòa Bình. Tôi chỉ vội kịp vào chợ mua tạm được 1 ít quần áo để chuẩn bị cho chuyến công tác không ba lô, không hành trang. Trong tay cũng chỉ vẻn vẹn cái máy tính và 2 con điện thoại Note 4 và dĩ nhiên trong đầu vẫn không biết mình sẽ làm được gì. Ai trong hoàn cảnh tôi chắc cũng đều hoang mang lắm đấy chứ!
Tranh thủ ăn cơm tối xong, anh em tiếp tục lên đường đến Sông Mã - một huyện giáp biên giới với tỉnh Hủa Phăn của Lào. Sau khi tìm nhà nghỉ để nghỉ chân, dần dần công việc của tôi cũng được định hình rõ ràng hơn là thực hiện đo kiểm, đánh giá các trạm giá rẻ. Nhưng không hiểu sao vẫn có điều gì đó làm bản thân sợ vì không biết mình sẽ làm được gì. Khi đó, có một người sếp, cũng là người đồng hành đã giúp tôi trở nên vững tin hơn rất nhiều - sếp Tân.
Tôi luôn biết anh là một con người đầy nhiệt huyết, thậm chí tôi nghĩ cũng nhiệt không kém gì các anh Viettel thời kỳ đầu. Đã lâu lắm rồi tôi mới cảm nhận lại được sự điều hành quyết liệt, triệt để như thế. Sếp Tân để lại cho tôi một sự ngưỡng mộ, khâm phục lớn khi cứ ở đâu anh em kêu khó là anh lại trực tiếp “nhảy” vào làm cùng. Thậm chí có lúc đã 11 giờ đêm, anh vẫn gọi chi nhánh tỉnh yêu cầu phải đảm bảo vật tư thiết bị phát sóng ngay hôm sau để đảm bảo tiến độ. Anh làm việc bằng cả tinh thần, bằng cả sự đam mê và linh hoạt thích ứng nhanh với mọi sự thay đổi, mọi hoàn cảnh có thể diễn ra.
Sếp luôn là người đầu tiên
Tại trạm SLA403P, mặc dù trạm đã phát sóng nhưng không hiểu sao khi đo kiểm thì vẫn thấy sóng kém và không sử dụng được dịch vụ. Sếp Tân lập tức đi kiểm tra, gọi điện suốt từ sáng đến trưa để nắm tình hình và chỉ đạo, điều hành từ các anh em trong ban đến chi nhánh tỉnh rồi tới 2 đồng chí Hà - Thọ (nay thuộc TT Chiến lược Mạng lưới và Đổi mới Công nghệ của VTNet). Đến tận chiều khi trời đã luống đỏ, mặt trời sắp lặn, anh vẫn chi chít những nỗi lo trong đầu khi dù sát chân trạm, sóng vẫn kém, đi vài trăm mét đã mất tín hiệu. Anh em vẫn miệt mài suy nghĩ tìm cách.
Sau một hồi ngồi bệt dưới vạt cỏ bên đường trong cái nắng núi rừng rát khô, 2 anh em vạch vạch, vẽ vẽ lên mặt đất, cuối cùng cũng phát hiện ra lỗi đấu nhầm feeder vào spliter. Giây phút đó, sung sướng vì tìm được giải pháp một thì tôi phải lâng lâng đến mười vì cảm nhận được sự truyền cảm hứng tuyệt vời đến từ anh. Trong khó khăn, anh vẫn không ngừng nghỉ để bản thân tôi lại thấy được hơi thở của một thời kỳ tối ưu phát sóng trạm mà trước đây mình từng làm.
Sang đến trạm thứ 2, SLA628P. Đây là một trạm trên núi cao, di chuyển khó khăn. Để lên được đến trạm phải mang vác đồ đạc đi bộ rất vất vả. Để trong vòng 3 ngày phát sóng là vô vàn những vướng mắc, vô vàn các cuộc điện thoại trong cả trời nắng, trong cả ngày mưa. Khi đến đây, trạm chỉ có trơ mỗi cột, mọi thứ đều thiếu, thiếu điện, thiếu cáp quang, thiếu ăn ten feeder.
Nhưng không thể để thời gian trôi qua vô ích. Mỗi ngày, mỗi giờ, anh Tân đều phải báo cáo nhanh với Tổng Giám đốc Tập đoàn nên cách một thời gian ngắn anh lại phải gọi điện để kiểm tra tiến độ đảm bảo vật tư cho trạm. Muốn đẩy nhanh tiến độ cũng lắm khó khăn. Để mang được thiết bị lên trạm trên tuyến đường lầy lội bùn đất, trơn trượt, bánh xe của anh Hiến (lái xe Tập đoàn) đã lắm lần xoay tít trong vô vọng nhưng cũng không nhích nổi 1 cm, bùn đất cứ thế cào lên bắn tung tóe. Không nghĩ nhiều, sếp Tân là người đầu tiên bám sau xe để đẩy bằng hết sức lực của mình. Sau một hồi, cuối cùng xe cũng lăn bánh qua được chỗ lầy lội.
Lúc đó, khung cảnh trước mắt khiến tôi cảm thấy một sự chân chất, dung dị lạ thường. Lạ hơn nữa là cái sự nhiệt huyết ấy của anh còn khơi dậy cả tinh thần sục sôi của anh em chúng tôi. Một đồng chí trưởng ban với quần áo đầy bùn đất vẫn móc điện thoại ra đúng chỉ đạo, điều hành đảm bảo trạm phát sóng lên đúng tiến độ, kịp cho tôi đo kiểm, đánh giá. Anh làm việc nhưng tinh thần của những người lính trên chiến trường thực thụ, mang cả "truyền thống và cách làm" của anh bộ đội cụ Hồ khi anh chưa một lần khoác áo lính lên vai trước đó.
Đo sóng bằng cả... tính mạng
Thân là nhân viên đo kiểm, lần này để đánh giá được trạm, tôi đã thuê một chiếc xe của anh bạn dưới xuôi lên đây lập nghiệp. Trời mưa, bùn đất bám bánh xe to tròn như chiếc bánh donut. Để đi được, anh lái xe phải buộc xích vào bánh. Anh lái xe cùng tôi đam mê lần mò, bò trên những cung đường trơn trượt, y như việc đi thăng bằng trên chiếc lan can cầu thang. Tâm trạng tôi lúc đó sợ sệt, khiếp đảm vô cùng. Nhưng mỗi lúc như thế, hình ảnh của sếp Tân lao xuống, dùng thân mình để đẩy xe ô to qua đoạn bùn lầy để mang thiết bị đến trạm lại lóe lên trong đầu tôi. Sếp còn như vậy, tại sao mình lại không thể cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ chứ.
Hai tay tôi cầm chặt 2 điện thoại vì sợ rơi, chân ghì chặt xuống cái gác chân vì sợ ngã, thế mà anh lái xe thì đi như đùa giỡn với chiếc xe "Min- khơ". Hai chúng tôi như Donkihote đang cưỡi trên con lừa sắt để đo sóng. Thấy thông báo phát sóng rồi, tôi leo lên con ngựa sắt cùng anh tài xế, lao vào trong bản làng để đo kiểm. Sóng đã tốt hơn, bà con cũng vui vui. Anh em vừa xuống hỏi thăm bà con về việc sử dụng dịch vụ, rồi lại lao ra để đo kiểm tiếp.
Ông trời làm khó tôi bằng cơn mưa không báo trước, chỉ kịp ôm máy đo vào lòng để khỏi dính mưa hỏng máy. May mắn thay cũng về được chỗ trú mưa dưới quán nhà anh lái xe an toàn. Máy đo không sao, nhưng thôi, chiếc điện thoại cá nhân để bên túi quần đã sặc nước chết tự lúc nào. Tâm sự rối bời, hỏng điện thoại, ngập nước sửa làm sao, rồi liên lạc với gia đình, vợ con thế nào,…
Miên man suy nghĩ một hồi thì lại thấy những rắc rối nho nhỏ của mình chẳng là gì so với áp lực bội phần của sếp Tân với nhiệm vụ được Tổng Giám đốc giao. Tôi lại tiếp tục vác chiếc điện thoại ra cửa hàng sửa.
Tuyệt vời thay, nó "sống" lại như ban đầu!
Cuối cùng, sau 1 tuần không hành trang, tôi đã hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được sếp Tân giao phó, giúp em báo cáo tính khả thi của trạm giá rẻ lên Tổng Giám đốc Tập đoàn và được áp dụng ở rất nhiều trạm sau này. Suốt 1 tuần đó, cái cảm giác lo lắng, tự ti, sợ hãi nhưng rồi lại tự tin mình sẽ làm được cứ lặp đi lặp lại, tất cả là nhờ có anh là người sếp, người bạn đồng hành cùng tôi trên chuyến này.
Về sau, mỗi khi tôi gặp khó khăn, vướng mắc trong công việc hay cuộc sống thì chuyến đi dựng trạm giá rẻ tại Sơn La vẫn là câu chuyện thần kỳ, để lại trong tôi nguồn cảm hứng để vượt qua nhiều thứ. Cũng chính câu chuyện này cũng giúp tôi thêm tự tin để nhận nhiệm vụ đánh giá V-Car với những ý kiến, lý luận về việc đánh giá, cũng như xây dựng, cải tiến sản phẩm tốt hơn.
Cho dù đến bây giờ, tôi thấy mình vẫn thật nhỏ bé khi đứng trước anh, bởi anh giỏi, anh lớn, nhưng tôi vẫn luôn hi vọng có dịp tiếp tục làm việc và cống hiến cùng anh trong những việc khó khăn hơn nữa, để anh em chúng tôi lại ngồi vẽ vời dưới đất, tư duy và cùng nhau tìm ra những giải pháp mới.