Mi Mi (TCT Viễn thông Viettel) đã đăng lúc 10:29 - 28.11.2023
Bệnh tim là một bệnh hiểm nghèo. Với kinh phí mổ trung bình mỗi ca từ hàng chục lên tới hàng trăm triệu đồng, việc có con mắc bệnh tim bẩm sinh thực sự là một gánh nặng và không phải gia đình nào cũng có thể trang trải.
Trong 15 năm hoạt động, đội ngũ “Trái tim cho em” chứng kiến nhiều trường hợp nếu chỉ chậm hơn một chút, có lẽ mạng sống của các em đã không giữ được. Đồng chí Nguyễn Hà Thành, Trưởng ban Thương hiệu và Truyền thông kể lại năm 2017, trong chương trình khám sàng lọc lần đầu tiên tại Thái Bình, có một cháu bé 1,5 tháng tuổi, nặng 3,5kg, sau khi khám xong thì cơ thể cháu bé bị tím tái, ngay lập tức các bác sỹ đã chỉ định chuyển viện để mổ cấp cứu từ Bệnh viện Nhi Thái Bình về Trung tâm tim mạch trẻ em Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị toàn bộ tổn thương.
Hay trường hợp của cháu bé Phong, con của anh Thôi và chị Hiền trên đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ngay từ khi chào đời, cháu Phong đã bị bệnh tim bẩm sinh, chi phí điều trị lên tới gần 100 triệu đồng. Không có tiền, anh Thôi chị Hiền đành mang con về đảo. Khi chương trình biết đến, cháu Phong đã mắc bệnh kênh nhĩ thất cần phẩu thuật gấp. Ca mổ kéo dài 4 giờ đồng hồ, các bác sỹ mất khá nhiều thời gian để sửa van tim cho cháu.
Cũng có những trường hợp sau khi được cứu sống, các cháu bé đã quay lại đóng góp cho chương trình như cậu bé người dân tộc Dao ở huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Năm 2010, khi đang học lớp 10, em đã được chương trình hỗ trợ chi phí phẫu thuật tim bẩm sinh vá thông liên thất tại Bệnh viện Y Dược TP.HCM. Sau này em đã thi đỗ trường ĐH Y Dược TP.HCM, trở thành bác sỹ và tiếp tục quay lại tham gia cùng với chương trình.
Lãnh đạo Tập đoàn qua nhiều thời kỳ luôn xác định rõ mục tiêu "Còn trẻ em nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh, thì Viettel còn tiếp tục đồng hành cùng Trái tim cho em", Trưởng ban Thương hiệu và Truyền thông Nguyễn Hà Thành chia sẻ. Bên cạnh đó, đồng chí cũng dành thời gian chia sẻ với Viettel Family về hành trình 15 năm đầy ý nghĩa của chương trình "Trái tim cho em".
- Dự án "Trái tim cho em" ra đời như thế nào, thưa đồng chí?
Tháng 6/2008, đồng chí Nguyễn Thanh Liêm, lúc đó là Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã chia sẻ với lãnh đạo Viettel về câu chuyện của những gia đình nghèo có con bị bệnh tim bẩm sinh. Bác sỹ Liêm kể, với chi phí phẫu thuật từ 50 đến 60 triệu đồng, nhiều cha mẹ nghèo chỉ đành nhìn những đứa con của mình yếu đi từng ngày, thậm chí cái chết đến gần mà không biết làm cách nào.
Từ trăn trở của bác sỹ Liêm, lãnh đạo Viettel đã quyết định sẽ tài trợ toàn bộ chi phí mổ tim cho các bệnh nhi nghèo.
Không chỉ tài trợ chi phí, trong quá trình triển khai chương trình, Viettel còn tài trợ thêm nhiều hạng mục như thiết bị siêu âm tim di động, thiết bị giúp nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho các bệnh viện, thiết bị hỗ trợ quá trình hậu phẫu …
Lúc mới bắt tay vào làm, những người sáng lập dự án cũng chỉ đặt mục tiêu mỗi tỉnh phẫu thuật được cho một bênh nhi đã gọi là thành công rồi.
Nhận thấy, có nhiều bệnh nhi nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh, Viettel đã phối hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam nhằm kêu gọi thêm nhiều tấm lòng cùng đồng hành, mở rộng chương trình. Từ đó, “Trái tim cho em”, chương trình nhằm kêu gọi cộng đồng cùng chung tay phẫu thuật miễn phí cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh trên toàn quốc đã ra đời.
Đến nay, sau 15 năm, chương trình đã phẫu thuật cho gần 7.000 bệnh nhi, tổ chức khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho gần 160.000 trẻ em trên toàn quốc trẻ em.
- Để duy trì một hoạt động vì cộng đồng dài hạn không đơn giản. Chương trình “Trái tim cho em” có thể duy trì được đến 15 năm là nhờ đâu?
Có lẽ tính đến thời điểm này, “Trái tim cho em” là chương trình trách nhiệm xã hội do doanh nghiệp khởi xướng và triển khai lâu nhất. Chương trình có thể duy trì suốt 15 năm qua chính là vì ý nghĩa của chương trình “Mang lại 1 trái tim khỏe mạnh là mang lại 1 cơ hội sống cho 1 em nhỏ, mang lại 1 niềm hạnh phúc cho 1 gia đình”. Từ ý nghĩa đó mà chương trình kết nối được rất nhiều trái tim tới trái tim.
Đó là trái tim của những vị bác sỹ mang lại hy vọng, niềm tin và chất lượng cuộc sống tốt hơn cho những bệnh nhi đang cần sự giúp đỡ và chăm sóc. Các Bệnh viện Nhi trung ương, Tim Hà Nội, Việt Đức, E, Y Dược TP HCM … đã đồng hành cùng chương trình từ những ngày đầu tiên cho đến bây giờ. Đó cũng là trái tim của những tổ chức, cá nhân đã luôn ủng hộ chương trình trong suốt 15 năm qua.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Tập đoàn qua nhiều thời kỳ đã dành nhiều tâm huyết cho chương trình, xác định rõ mục tiêu “Còn trẻ em nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh, thì Viettel còn tiếp tục đồng hành cùng “Trái tim cho em””. Cùng với đó là 20.000 cán bộ nhân viên Tập đoàn trên toàn quốc tham gia trực tiếp vào công tác xác minh gia cảnh, khám sàng lọc cho các em ở mọi miền Tổ quốc.
Quỹ Tấm lòng Việt - Đài Truyền hình Việt Nam giúp lan tỏa, kết nối những trái tim và xây dựng một cộng đồng đầy tình thương và lòng nhân ái. Đã có rất nhiều các tổ chức lớn, các tập đoàn, các tổng công ty, các cá nhân trong và ngoài nước biết đến và ủng hộ cho chương trình trong suốt thời gian dài.
- Trong quá trình thực hiện chương trình, ban tổ chức đã gặp phải những khó khăn gì?
Một chương trình trách nhiệm xã hội kéo dài 15 năm thì sẽ có rất nhiều cái khó cần giải quyết.
Khó khăn đầu tiên đó là khi chương trình mới đi vào vận hành, năng lực y tế của các bệnh viện thời điểm ấy nhiều khi quá tải nên các bệnh nhân của chương trình thường xuyên phải chờ tới lượt được phẫu thuật. Đã có một số em không thể chờ được nữa. Để giải quyết vấn đề này, Viettel đã hỗ trợ đầu tư trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho một số bệnh viện tuyến dưới. Theo sự phát triển của đất nước, hệ thống y tế cũng dần được cải thiện đồng thời năng lực khám chữa bệnh của các y bác sỹ cũng dần được nâng cao hơn.
Khó khăn thứ hai là nhiều gia đình nghèo, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa không biết rằng con mình mắc bệnh tim bẩm sinh. Nhiều trường hợp, chương trình phải đưa từ điểm khám sàng lọc vào thẳng phòng cấp cứu để phẫu thuật khẩn cấp mới cứu được cháu. Viettel đã tổ chức các chương trình khám sàng lọc, sớm phát hiện các bé mắc bệnh để chữa trị kịp thời. Nhiều cháu sau khi phẫu thuật thành công đưa về nhà nhưng gia đình không biết cách chăm sóc thì bệnh lại tái phát hoặc có thể gây nên những biến chứng. Chương trình lại mời chuyên gia tư vấn, các bác sỹ đầu ngành về để thực hiện giáo dục, nâng cao kiến thức cho người dân về bệnh tim bẩm sinh. Khi đại dịch xảy ra, bệnh nhân không thể đến được, Viettel lại áp dụng công nghệ, triển khai khám chữa bệnh từ xa với Telehealth, phối hợp cùng các bệnh viện để khám chữa bệnh cho trẻ em.
Khó khăn thứ ba là phải tìm đúng người, đúng bệnh để hỗ trợ. Việc xác minh gia cảnh cho hàng ngàn trẻ em phải trực tiếp, chính xác và kịp thời để hồ sơ được hoàn thiện nhanh chóng và chính xác nhất. Viettel đã huy động toàn bộ lực lượng cán bộ, nhân viên tham gia trực tiếp vào quá trình xác minh gia cảnh; 1.200 cửa hàng của Viettel trên toàn quốc đã được trưng dụng làm điểm tiếp nhận hồ sơ, giải đáp, hướng dẫn cho bà con tham gia vào chương trình.
- Quá trình lựa chọn hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính ra sao thưa đồng chí?
Đầu mối phụ trách Chính trị tại Viettel tỉnh/thành phố sẽ chủ trì phối hợp với nhân sự Viettel tại địa phương nơi gia đình bệnh nhân sinh sống để tiến hành xác minh gia cảnh. Cụ thể, nhân sự sẽ trực tiếp xác minh tình hình kinh tế của gia đình bệnh nhân qua quan sát thực tế, xác minh qua chính quyền địa phương, các gia đình xung quanh.
Nhân sự đó phải ghi đầy đủ thông tin trên phiếu cũng như thông tin cá nhân của bản thân vào phiếu điều tra gia cảnh và chịu trách nhiệm toàn bộ về các thông tin đã điền trong phiếu xác minh gia cảnh. Nhân sự xác minh gia cảnh chụp ảnh toàn bộ ngôi nhà, đồ đạc của gia đình, ảnh gia đình bệnh nhân. Bản xác minh gia cảnh phải đóng dấu và có xác nhận của chính quyền địa phương, xác nhận của Giám đốc Viettel tỉnh/thành phố. Sau khi hoàn thiện sẽ gửi hồ sơ về chương trình.
Bộ hồ sơ được hướng dẫn chi tiết, quá trình khám sàng lọc đã giúp chương trình nhanh chóng đánh giá được tình trạng bệnh của các cháu, phát hiện ra các bệnh nhi đang ở tình trạng cấp bách cần ưu tiên phẫu thuật.
- Theo đánh giá của đồng chí, trong suốt 15 năm, "Trái tim cho em" đã tạo ra sức lan tỏa như thế nào?
Ngoài việc là đơn vị khởi xướng chương trình, Viettel còn đặt ra mục tiêu Trái tim cho em phải là chương trình kết nối và kêu gọi được sự chung tay góp sức của toàn xã hội.
Nếu như khi mới hoạt động, Trái tim cho em chỉ có 1,2 bệnh viện đồng hành cùng chương trình thì hiện tại số bệnh viện hợp tác với chương trình đã tăng lên 10 bệnh viện với đội ngũ các bác sỹ ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đều tham gia khám miễn phí và cùng hỗ trợ phẫu thuật cho bệnh nhi.
Tương tự, ban đầu, nguồn kinh phí chủ yếu là của Viettel đóng góp thì dần dần thông qua các chương trình phóng sự đồng hành, các chương trình truyền thông gây quỹ, các chương trình khám sàng lọc tới vùng sâu vùng xa, chương trình càng ngày càng lan rộng và nhận được nhiều sự trợ giúp từ các tổ chức, cá nhân. Nguồn kinh phí để mổ tim đến nay đến từ hàng trăm, hàng nghìn người từ các tổ chức, tập đoàn, công ty, các tập thể, cá nhân… số tiền quyên góp cũng lên tới hơn 210 tỷ đồng.
Viettel còn kêu gọi 45 triệu thuê bao của mình cùng đồng hành bằng việc nhắn tin ủng hộ cho Quỹ với số tiền quyên góp là 20.000 đồng/1 tin nhắn. Hoạt động nhắn tin thường được triển khai trong dịp tổ chức các hoạt động Gala gây quỹ, chương trình Trái tim cho em. Hệ thống nhắn tin không chỉ của Viettel mà của cả các doanh nghiệp viễn thông khác như Vinaphone, Mobifone cũng tham gia vào việc thông báo, truyền thông cho bà con, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa nắm được kế hoạch khám sàng lọc cho trẻ em tại địa phương, kêu gọi tham gia, đóng góp cho chương trình.
- Đồng chí có thể chia sẻ ngắn về những kế hoạch sắp tới của "Trái tim cho em"?
Trẻ em nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh ở bất kỳ đâu trên đất nước Việt Nam đều có cơ hội tiếp cận với chương trình và được hỗ trợ chi phí phẫu thuật nếu đảm bảo đúng tiêu chí. Sắp tới, chương trình sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khám sàng lọc, bổ sung thêm nhiều hoạt động hỗ trợ cho gia đình như triển khai gian hàng 0 đồng tại điểm khám, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để hỗ trợ quá trình sàng lọc hồ sơ, kêu gọi tài trợ, …
- Cảm ơn những chia sẻ của đồng chí!