Đinh Vũ Long (TCT Mạng lưới Viettel) đã đăng lúc 09:37 - 17.12.2023
Khởi đầu là một chàng sinh viên lóng ngóng mới ra trường, hầu như chưa có kinh nghiệm gì, năm 2007 tôi gia nhập mái nhà chung Viettel vào giai đoạn mạng lưới bắt đầu phát triển rộng khắp và mạnh mẽ. Được sự tin tưởng của lãnh đạo Trung tâm truyền dẫn KV3 và phòng Phát triển mạng lưới khi ấy, tôi được giao nhiệm vụ phát triển các trạm VSAT cho khu vực miền sâu miền xa, biển đảo, nơi cáp quang chưa thể kéo tới được.
Nhờ đó, tôi gần như trải nghiệm được rất nhiều nơi mới lạ của đất nước hình chữ S, điều mà nhiều người trẻ mơ ước. Có những nơi tôi đi qua mà ở đó còn chưa có điện lưới, nơi mà gia súc còn nhiều hơn người dân, có nơi đảo xa mà chưa nhiều người biết đến… Cũng từ đó tôi được vinh dự trở thành những người Viettel đầu tiên góp mặt trong sự nghiệp biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa vào năm 2009.
Đầu năm 2009, tôi được lãnh đạo tin tưởng giao cho nhiệm vụ lắp đặt, phát sóng 9 trạm BTS tại Trường Sa cùng 8 đồng chí khác của Công ty Truyền dẫn và 9 đồng chí của Công ty Công trình. Đối với bản thân tôi cùng các anh em thì Trường Sa thời điểm ấy vẫn còn khá xa lạ, chỉ mới nghe được qua sách báo, lịch sử. Tâm trạng háo hức cùng lo lắng với thử thách mới, làm chúng tôi phấn khích ngay từ khi có quyết định cho đến khi tàu ra khơi. Sau tất cả công đoạn chuẩn bị, khuân vác vật tư, công cụ dụng cụ cho chuyến công tác, chúng tôi cũng đã ra biển, trên con tàu mang số hiệu HQ641.
Đó là lần đầu tiên tôi ra khơi, ra biển lớn theo đúng nghĩa đen. Nhưng đúng là háo hức bao nhiêu thì sóng gió khơi xa cũng “quật” chúng tôi tơi tả bấy nhiêu. Ra biển lần đầu, từ lúc khởi hành đến vị trí cách đất liền hơn 100 hải lý, hầu hết đoàn tôi đều đã thấm mệt, có người say sóng, có người gần như không ăn uống hay sinh hoạt gì được trong đêm đầu tiên ở biển. May thay càng xa đất liền, biển lại càng êm dịu đến lạ, chúng tôi cũng đã bắt đầu quen với sự chòng chành, lắc lư của tàu HQ641, bắt đầu có thể ra boong tàu ăn cơm, thưởng thức những con cá tươi ngon mà các anh lính hải quân câu được.
Lúc này chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch làm như thế nào để có thể hoàn thành được nhiệm vụ cấp trên giao. Theo kế hoạch, một đảo sẽ có 2 người (1 đồng chí Công trình và 1 đồng chí Truyền dẫn) cùng với sự giúp sức, hỗ trợ của các anh chiến sĩ tại đảo. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện công việc này ở ngoài biển khơi xa xôi nên chắc chắn việc di chuyển và thao tác sẽ gặp nhiều khó khăn hơn đất liền. Chúng tôi quyết định xin ý kiến chỉ huy tàu và cán sự hỗ trợ của Công ty. Trong những thời điểm tàu chờ tại từng đảo do phải thả vật tư, tiếp nhiên liệu, chờ thủy triều, thì chúng tôi đã tận dụng thời gian, cùng nhau phối hợp lắp đặt thiết bị lên trạm. Thời gian dự kiến hoàn thành phát sóng cho mỗi đảo theo kế hoạch là 15 ngày, nhưng nhờ tận dụng tốt thời gian và sự đồng lòng của mọi người nên tiến độ lắp đặt cũng được đẩy nhanh, còn nhiều thời gian dành cho công tác củng cố và đào tạo cán sự tại đảo.
Mọi chuyện bao giờ cũng không đơn giản như dự tính, công tác vận chuyển, bốc dỡ hàng hoá từ thuyền lớn xuống thuyền nhỏ, từ thuyền nhỏ vào đảo cũng không giống nhau, con nước, độ sâu cạn cũng khác nhau trong khi hàng hoá thì lại rất nhiều, từ vật tư tủ BTS, accu, máy nổ 8k, chảo VSAT, v.v… Nhưng nhờ có sự đồng lòng và chung tay của các anh em trong đoàn cùng các chiến sĩ hải quân, gần như trong 5 đảo đầu tiên, việc triển khai lắp đặt khá nhanh chóng và thuận lợi, trong đó có đảo có thể phát sóng rất sớm.
Càng về sau, số người càng giảm dần do mỗi đảo đã để lại 2 người, 20 người đi giờ chỉ còn 10 người. Dự báo thời tiết những ngày sau không tốt mà dự kiến thời gian tàu dừng lại chỉ có 1 ngày rưỡi. Chúng tôi cũng phải đẩy nhanh tốc độ vận chuyển cũng như lắp đặt để kịp xong xuôi các công đoạn lắp ráp nặng nhọc như cột, thang cáp, lắp đặt anten và chảo vsat. Việc còn lại của tôi cùng anh bạn Công trình là hoàn thiện và thông tín hiệu vệ tinh, phát sóng trạm.
Sau giai đoạn nước rút ở các đảo, thì giờ đây tôi cũng bắt đầu cuộc sống trên đảo theo đúng nghĩa, vừa làm, vừa củng cố, vừa đào tạo. Đi tới đâu tôi cũng nhìn thấy ánh mắt mong đợi của các chiến sĩ. Có chiến sĩ ra đây cũng đã vài năm chưa về nhà, có chiến sĩ mới ra theo dạng nghĩa vụ. Ai cũng mong mỏi có được sóng để được gọi về thăm người thân. Sau một số khó khăn vì thời tiết cũng như công tác liên lạc vệ tinh bị gián đoạn, chúng tôi cũng đã thông được tuyến VSAT, phát được sóng BTS. Niềm vui vỡ oà của cả người Viettel cũng như các chiến sĩ, bao cảm xúc thăng hoa bỗng ùa đến. Có người rơi nước mắt vui mừng vì được liên lạc với người thân, được nghe tiếng nói gia đình mà bao lâu không được nghe thấy. Có người cũng rơi nước mắt vì người yêu lấy chồng do chờ đợi lâu dài mà đường liên lạc thì vài tháng mới được lá thư. Thậm chí có người thì gia đình có người thân mất mà không liên lạc được nên cũng không kịp nói trong những bức thư v.v… Những giọt nước mắt vừa hạnh phúc vừa đau khổ.
Nếu như ban đầu chúng tôi đi vì nhiệm vụ, đi vì công việc thì sau khi ra đảo, thấy điều kiện sống và làm việc của các anh, chúng tôi lại thấy việc chúng tôi làm mang lại nhiều điều hơn là công việc. Nếu như ngày xưa thông tin các anh ở nơi sóng gió ấy chỉ được nói qua những lá thư và phải mất hàng tháng mới tới nơi thì giờ đây, họ đã gần gia đình, gần đất liền hơn bao giờ hết. Tự nhiên tôi thấy mình tự hào vì là một phần nhỏ nào đó góp phần cho điều lớn lao này.
Sau thời điểm vỡ oà cảm xúc ấy, tôi có thêm hơn 12 ngày để trải nghiệm cuộc sống lính đảo, trồng rau, bắt cá, sinh hoạt cùng với các chiến sĩ. Từ sáng sớm, các chiến sĩ đã dậy sớm tập thể dục, sinh hoạt và thực hiện thao luyện như trong đất liền, không hề bỏ bê. Có 2 đồng chí được phân công riêng để hỗ trợ chúng tôi hoàn thiện và bàn giao công việc dần để khai thác sau này. Sau thời gian lao động sẽ là những bữa cơm đầy chất biển: cá, tôm, mực.., ở đây cũng có đồ hộp, thịt hộp để dự trữ cho những lúc giông bão. Tôi hay nói đùa với các anh: “Số cá này ở đất liền chắc cũng phải tiền triệu mới được ăn mà ra đây em được ăn hàng ngày là quá sung sướng rồi”.
Cũng tại đây tôi được trải nghiệm nhiều điều mà trước đây chưa bao giờ xuất hiện trong từ điển cuộc sống của tôi. Tôi được gặp nhiều loại cá mà tôi chưa thấy bao giờ, lần đầu tiên và duy nhất trong đời được ăn cá nóc. Nghe các anh bảo, ra Trường Sa mà không ăn cá nóc là phí đời người, mà tôi nghĩ, chắc chỉ ra Trường Sa tôi mới dám ăn và chắc chỉ có các anh chiến sĩ mới đủ tay nghề làm món cá nóc này.
Và cuộc sống chiến sĩ của tôi cứ thế tiếp tục trong những ngày tiếp cho đến những ngày cuối cùng sắp rời đảo. Nghe thông tin tàu sắp khởi hành về đón chúng tôi, cảm xúc không nỡ chia xa, bùi ngùi giữa chiến sĩ và người Viettel. Chúng tôi ngồi đàn cho nhau nghe, chia sẻ những thông tin của nhau, hoàn tất những thủ tục bàn giao cuối cùng trước khi rời đảo. Các anh xem chúng tôi như những người anh em, cảm ơn những người Viettel đã cho họ cơ hội được gần người thân, gần đất liền. Họ tặng chúng tôi 1 bộ quân phục làm kỉ niệm mà đến giờ tôi vẫn còn treo trong tủ lưu niệm tại nhà. Rời đảo, các anh vẫn cứ đứng đó vẫy chào cho đến khi khuất dáng tàu. Vẫn không quên hẹn một ngày nào đó khi hoàn thành nhiệm vụ chúng tôi sẽ gặp lại nhau trên đất liền.
Sau khi đón đầy đủ anh em Viettel ở các đảo, tôi thấy chúng tôi có chút gì đó khác, đứng trên tàu nhìn các đảo mình từng công tác mà tự hào, tự hào vì ý nghĩa công việc mình đem lại, tự hào vì đã được trải nghiệm một điều mới, lạ, đầy tính thử thách và nhân văn. Về tới đất liền, chúng tôi vẫn còn có 1 cảm giác như mới ngày hôm qua mình còn ở đảo. Bao kỉ niệm, bao lưu luyến, bao giọt mồ hôi, máu và nước mắt. Sau này tôi cũng có dịp quay lại Trường Sa nhưng lại không đến những nơi trước kia nữa, những cảm xúc lưu luyến ấy mãi trong tôi đến tận mai sau.
Tạm biệt Trường Sa, tạm biệt biển cả. Cám ơn Viettel đã cho tôi có cơ hội được trải nghiệm và đóng góp sức cho một phần của công cuộc biển đảo lớn lao.