Huy Hoàng (Ban Truyền thông) đã đăng lúc 09:59 - 19.12.2022
13 năm gắn bó với VTNet là hành trình 13 năm anh Chiến trao dồi, cải thiện trình độ tiếng Anh liên tục để phục vụ tốt nhất cho công việc, lan tỏa tinh thần học tập đến bạn bè, đồng nghiệp.
"650 TOEIC là đi bộ, 910 TOEIC là đi xe đạp"
585 năm 2011, 700 năm 2014, 845 năm 2019 và 910 năm 2022, đây là số điểm TOEIC của anh Chiến đạt được qua các năm. Vị trí kỹ sư ở VTNet yêu cầu 650 điểm TOEIC nhưng như vậy với anh chỉ là đủ để hoàn thành công việc, chưa đủ để anh có thể làm tốt, hiểu sâu vấn đề. Theo anh Chiến, điều quan trọng nhất đối với công việc của anh là duy trì mạng lưới ổn định, khắc phục nhanh nhất những lỗi xảy ra trong quá trình vận hành khai thác. Đối với các lỗi cơ bản trong quá trình vận hành, hầu hết đã được nhà sản xuất liệt kê, hướng dẫn khắc phục bằng tiếng Anh. Nhưng với các sự cố phức tạp, đội ngũ kỹ sư cần phải liên hệ trực tiếp với các đối tác, bạn bè nước ngoài để trao đổi, tìm cách khắc phục. Chính vì thế, theo anh, trình độ tiếng Anh tỷ lệ thuận với tốc độ khắc phục hệ thống.
“650 điểm TOEIC là mức cơ bản, đủ để làm việc với các đối tác nước ngoài. Nhưng như thế là không đủ để tham gia sâu vào câu chuyện của đối tác, hiểu sâu các vấn đề họ đưa ra. Khi kĩ năng ngoại ngữ tăng tiến, anh cảm nhận được công việc mình cũng trơn tru hơn. Bây giờ nhìn lại, lúc 650 điểm TOEIC giống như đi bộ, còn 910 điểm TOEIC giống như đi xe đạp vậy, tiết kiệm rất nhiều công sức, thời gian”, anh Chiến chia sẻ công việc của mình.
Công nghệ áp dụng trong viễn thông thay đổi nhanh chóng buộc những người kỹ sư như anh Chiến bắt buộc phải tự hỏi học thêm nhiều kiến thức từ nước ngoài. Nên với anh Chiến, tiếng Anh và chuyên môn giống như đôi bạn cùng tiến.
“Học tập giống như chèo thuyền ngược thác”
Với chàng kỹ sư viễn thông, học tập nói chung và học tiếng anh nói riêng luôn là hành trình kéo dài và phải đi liên tục. Khi ta dừng lại đồng nghĩa với việc ta đang tụt hậu vì kiến thức trong đầu sẽ dần mai một và xã hội sẽ ngày càng đi lên.
“Học tập giống như chèo thuyền ngược thác vậy. Đứng im đồng nghĩa với việc ta sẽ tụt lùi, dùng ít công sức thì ta đứng im. Muốn đi lên thì ta cần bỏ thật nhiều công sức”, phương châm học tập của anh Chiến.
Là thủ khoa đầu ra toàn trường đại học và được tuyển thẳng vào cao học Trường Đại học Bách khoa nhưng chàng kỹ sư thừa nhận không phải là người có năng khiếu ngoại ngữ. Anh chia sẻ rằng hành trình chạm đến 910 điểm TOEIC không hề kỳ diệu hay nhiệm màu như những nhân vật hay được quảng cáo trên Internet. Thệ hệ 8x ở Việt Nam rất ít cơ hội tiếp xúc với môi trường tiếng Anh sâu, rộng từ bé để hình thành phản xạ với tiếng Anh như thế hệ trẻ ngày nay. Nên với anh Chiến, tạo ra một môi trường tiếp xúc với Anh ngữ đều đặt, liên tục là điều quan trọng nhất. Nhưng với công việc bận rộn của mình, việc duy trì này là điều thật sự khó khăn, anh chỉ có thể học tập vào ban đêm, khoảng thời gian duy nhất trong ngày anh có thể tập trung hoàn toàn vào ngoại ngữ.
Ở cái độ U40, độ tuổi khó để học ngoại ngữ, anh Chiến vẫn duy trì đều đặt lịch học hàng đêm hơn 10 năm. Muốn duy trì được lịch học như vậy, anh phải thay đổi sắp xếp lại lịch sinh hoạt của bản thân, bỏ hẳn những bữa nhậu, rượu, bia gây ảnh hưởng đến sự tập trung. Để chủ động trong việc học tập, anh luôn chủ động tìm kiếm giáo trình từ những nguồn nước ngoài (như: ETS, HACKERS, YBM), sau đó tối ưu lại phù hợp nhất với nhu cầu của bản thân.
Giáo trình tự in chất cao như núi.
Với phương châm “học để sử dụng ngôn ngữ”, anh Chiến cói điểm số chỉ là mục tiêu thứ yếu. Mỗi đêm, chàng kĩ sư tạo ra cho mình một không gian ngoại ngữ cho riêng bản thân. Song hành cùng những giáo trình Anh ngữ mang nặng tính sư phạm, anh dành thời gian đọc, tìm hiểu những tài liệu về chuyên môn kỹ thuật của mình. Những buổi tối đó dần hình thành trong anh khả năng phản xạ tự nhiên với tiếng anh. Hiện nay, anh có thể tự tin đạt thành tích cao bất kì chứng chỉ Anh ngữ nào, chứ không riêng TOEIC.
Lản tỏa tinh thần học tập với mọi người
Đối với người Viettel, công việc rất bận rộn, khó có thể dành thời gian cho một khóa học tại các tập trung nên mọi người thường chọn tự học qua Internet. Cũng chọn phương pháp tự học, anh Chiến hiểu rõ những vấn đề của đồng nghiệp. Bằng sự cởi mở, anh luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm học tập của mình với đồng nghiệp.
Dần dần, đồng nghiệp gọi anh là chàng kỹ sư "siêu trung tâm" vì anh đã giúp, kết nối rất nhiều người có chung mục tiêu học tập ở cả trong và ngoài Viettel. Không ít CBNV Vietttel đã thành công “dành lại thưởng Tết” nhờ sự giúp đỡ của anh.
“Tự học điều quan trọng nhất là cần một người đồng hành để cùng nhau rèn thói quen, trao đổi kiến thức và cùng tiến bộ mỗi ngày”, chàng kỹ sư "siêu trung tâm" chia sẻ.
Xin mời các đồng chí theo dõi bài chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh của anh Chiến tại trang tin nội bộ Chuyển động VTNet.