Kiều Hải (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 19:45 - 20.11.2023
Cùng 114 thực tập sinh khác bước sang giai đoạn 2 của Viettel Digital Talent, Hồng Thanh được trực tiếp học tập, làm việc tại “đại bản doanh” của Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (VTS). Tại đây, Thanh cùng các Digital Talent-er đã được trực tiếp nghiên cứu, giải quyết những bài toán thực tế của doanh nghiệp với sự hỗ trợ của mentor và các đồng nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Cloud, thuộc VTS. Nhiệm vụ của một nhân viên Phòng Hạ tầng - Nền tảng Cloud là triển khai các phần mềm cho những lập trình viên (coder). Đối với Thanh, mảng công việc mới có phần thầm lặng hơn nhưng cũng không thiếu những thách thức.
Viettel Digital Talent - Thực tập sinh Tài năng là chương trình được thiết kế bởi các chuyên gia hàng đầu Viettel giúp các tài năng trẻ khai phá tiềm năng và phát triển chuyên môn trong các lĩnh vực số. Viettel Digital Talent năm nay được tổ chức với 6 lĩnh vực công nghệ mới bao gồm: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI), Cloud, An toàn thông tin, Internet vạn vật (IoT), 5G và kỹ sư phần mềm.
Sáng kiến ý tưởng của Thanh là “Giải pháp co giãn tự động cho ứng dụng và hạ tầng trên nền tảng quản lý container Kubernetes của Viettel Cloud”. Mô tả về sáng kiến của mình, Thanh lấy ví dụ: "Giả sử nhà bạn có 4 chiếc xe máy ứng với 4 thành viên, mỗi thành viên đi một xe. Khi bạn đi nước ngoài du học, nhà bạn còn thừa một chiếc. Nếu để xe như vậy không dùng đến thì phí, mà nếu bán đi thì khi bạn trở về nước, bạn sẽ không có xe để đi khi cần. Cách giải quyết thứ nhất, nhà bạn cho người khác mượn chiếc xe đang thừa và sẽ lấy lại khi bạn đi du học về. Cách thứ hai, thay vì mua 4 chiếc xe, gia đình bạn thuê 4 chiếc ở một tiệm cho thuê, khi bạn đi du học thì gia đình bạn chỉ cần thuê 3 trên 4 chiếc là đủ nhu cầu sử dụng. Đó gọi là Co giãn tài nguyên”.
Khó khăn đầu tiên chàng thực tập sinh Viettel Cloud gặp phải là vấn đề “Co giãn tài nguyên” đang được thực hiện thủ công. Điều này làm cho quá trình vận hành, khai thác thực tế bị đội thêm thời gian và chi phí. Với Viettel Cloud, đây là bài toán đang bỏ ngỏ khi chưa có dự án nào từng được thực hiện ở Việt Nam trước đó, đồng nghĩa rằng không có nguồn tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt.
Khó khăn tiếp theo đó là đề tài liên quan trực tiếp đến công việc vận hành, sản xuất kinh doanh của Viettel Cloud. Với một hệ thống đang vận hành liên tục, việc thử nghiệm có thể gây ra nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Đối với chàng thực tập sinh của Trung tâm dịch vụ Cloud, đây sẽ là một hạn chế trong việc hoàn thiện, khắc phục lỗi trong quá trình vận hành ứng dụng.
Để giải quyết vấn đề, Thanh đã tự tìm hiểu, nghiên cứu nguồn tài liệu từ nước ngoài. Dẫu vậy, bạn cũng gặp khó khăn vì những nhà cung cấp Cloud lớn trên thế giới thường giữ bí mật để tạo lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh. Không chùn bước, thực tập sinh Viettel Digital Talent 2023 đã tự xây dựng một trang web riêng phục vụ quá trình thử nghiệm. Thanh bắt đầu với một trang web đơn giản chỉ gồm 1 – 2 đường link. Sau đó, bạn tự mình phát triển một trang web quy mô hơn, phức tạp hơn, có nhiều cơ sở dữ liệu hơn. May mắn, cả hai trang web đều chạy trơn tru khi thử nghiệm.
Cách giải quyết của Thanh là bắt đầu với việc phân tích đề bài, hiểu rõ bản chất vấn đề đang còn tồn đọng. Sau đó, Thanh nghiên cứu, tìm hiểu các hướng đi khác nhau. Bạn đã thử nghiệm từng hướng đi một để rút ra giải pháp phù hợp nhất với Viettel.
“Để chắc chắn, mình so sánh hiệu quả của hệ thống trước và sau khi áp dụng giải pháp. Và hiệu quả về mặt thời gian được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, ngày xưa khách hàng thuê Cloud 3 - 4 tiếng mà chỉ dùng một tiếng, sẽ rất lãng phí. Giờ khi triển khai ứng dụng, họ được tự động thuê trong một tiếng. Như vậy, mình vừa tiết kiệm tiền cho khách hàng, vừa tiết kiệm hạ tầng, nền tảng khai thác của máy chủ Cloud”, Hồng Thanh chia sẻ.
Sau vài lần thử nghiệm thành công trên hệ thống phần mềm lớn và tự tin có thể đưa giải pháp vào thực tế, Thanh chủ động trình bày ý tưởng và được các đồng nghiệp đánh giá cao. Sản phẩm sau đó được lựa chọn để thuyết trình tại lễ bế giảng VDT 2023 diễn ra vào ngày 11/11 vừa qua và nhận được giải Ba chung cuộc.
Khi được hỏi về nguồn động lực thúc đẩy bản thân, Hồng Thanh trả lời đó là tình yêu với Tập đoàn.
“Mỗi khi nản chí, mình nhớ tới cam kết đã đặt ra từ đầu là bằng mọi giá phải hoàn thành sản phẩm trong 2 tháng. Một mặt, mình muốn chứng minh năng lực của bản thân thông qua một sản phẩm đầu tay tại Viettel. Mặt khác, các đồng nghiệp tại Viettel đã hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để mình phát triển. Chính tình yêu với Viettel đã tiếp thêm cho mình động lực lớn để hoàn thành dự án. ”, Hồng Thanh tự hào nói.
6 tháng học tập, làm việc, trải nghiệm thực tế tại đơn vị đã giúp chàng thực tập sinh thêm gắn bó với văn hóa Viettel. Bài học Thanh rút ra về văn hóa của Viettel đó là sự kết hợp hài hòa giữa nề nếp, kỷ luật của người lính và tinh thần đổi mới sáng tạo của mỗi cá nhân trong một mái nhà chung.
Giải pháp Cloud do Thanh đảm nhận đang được hoàn thiện để chính thức đưa vào vận hành, khai thác. Giải Ba sáng kiến ý tưởng tại VDT 2023 là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi của bạn trong suốt thời gian vừa qua. Hiện tại, Thanh cùng cả nhóm đang phát triển một dự án mới với mục tiêu đặt ra 2 đến 3 tháng sẽ đóng góp một sáng kiến ý tưởng cho Viettel.
Chúc cho hành trình của Digital Talent Phạm Hồng Thanh sẽ có thêm nhiều thành tựu hơn nữa trong thời gian tới.