Trạm 'lego' tiết kiệm tiền tỷ của kỹ sư VTNet

Tuấn Minh (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 09:10 - 12.04.2023

Trong tiếng công trường bận rộn, nhạc lễ hội ồn ào, anh kỹ sư Nghiên cứu ứng dụng Cơ điện của VTNet đã phát hiện giải pháp giúp tiết kiệm hàng tỷ đồng.

Bắt buộc phải thay đổi

Trước đây, các trạm lưu động của Viettel vận hành trơn tru với sự kết hợp của ăng ten 3G và hệ thống treo bằng khí nén. Tuy nhiên tháng 11/2022, trạm lưu động chuyển sang sử dụng ăng ten 4G để nâng cao chất lượng dịch vụ (tương lai sẽ là 5G).

Các ăng ten này có đặc thù hiện đại hơn, phủ sóng khỏe hơn nhưng lại có trọng lượng lớn hơn gấp 3 lần (270kg so với 70kg). Do đó, hệ thống treo bằng khí nén cũ không thể đáp ứng được tải trọng này. Theo tính toán của các kỹ sư VTNet, hệ thống treo khí nén mới gần như là giải pháp duy nhất nhưng giá thành đắt gấp 3 lần hệ thống hiện tại, lên đến 1 tỷ đồng so với chỉ 300 triệu.

Trong bối cảnh ấy, Phòng Cơ điện và Hạ tầng - Trung tâm Chiến lược Mạng lưới và Đổi mới Công nghệ của TCT Mạng lưới Viettel (VTNet), cụ thể là đồng chí Hoàng Quyết Thắng được giao nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo hệ thống treo mới, giúp tiết kiệm chi phí đồng thời vẫn đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật.

z4221450938103_68178c8e58f91e07c531669b311e1e34
Anh Thắng trong một lần giám sát công trường tại biên giới Việt - Lào.

Tìm ra cách làm ngay trong công việc

Đi tìm lời giải cho bài toán này, anh Thắng cùng đồng đội của mình đã đi tìm hiểu cách các công ty viễn thông trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ… đưa ra giải pháp. Tuy nhiên, các công ty này đều chọn chấp nhận đầu tư với mức giá đắt. Việc mô phỏng hay làm tự sản xuất hệ thống treo khí nén là bất khả thi bởi không có công nghệ lõi, không thể tạo ra một thiết kế đảm bảo an toàn. Việc mua công nghệ khí nén này còn tiêu tốn chi phí gấp nhiều lần mua một hệ thống mới.

Bế tắc là vậy song anh Thắng tin rằng chỉ cần luôn suy nghĩ về vấn đề, luôn thôi thúc bản thân tìm ra lời giải thì giải pháp sẽ xuất hiện và ở ngay bên cạnh chúng ta. Và trong một lần lắp đặt trạm lưu động tại lễ hội, anh Thắng nhận thấy hệ thống lều bạt tại hội chợ được triển khai bằng dây tời và ròng rọc dễ dàng và thuận tiện. Đối với hệ thống ròng rọc và dây tời, chỉ cần động cơ kéo cùng máy phát là có thể nhấc căng được mái lều nặng hàng trăm cân.

Phát hiện điểm tương đồng trong cơ chế với hệ thống trạm BTS lưu động, anh bắt đầu nghiên cứu để áp dụng hệ thống kéo tời để nâng ăng ten. Sau khi hoàn thành thiết kế đầu tiên, thử nghiệm về trọng tải với hệ thống trạm của anh đạt yêu cầu bài toán đưa ra. Do sử dụng tời nâng cơ khí đơn giản, chi phí đầu tư trạm này rẻ hơn 30% so với trạm lưu động hiện đang sử dụng. Đồng thời việc kéo tời để nâng ăng ten khiến thời gian triển khai nhanh hơn 1,5 lần do không phải bơm khí nén.

Anh Thắng chia sẻ thêm: “Việc ứng dụng tời không chỉ giảm chi phí đầu tư, điều này giúp anh em kỹ thuật có thể đảm bảo an toàn khi vận hành khai thác mà không phải lo tụt áp suất khí nén”. Cụ thể, theo anh Thắng, trạm khí nén khi mất nguồn điện sẽ dẫn đến mất áp suất khiến ăng ten tụt xuống, gây mất an toàn và ảnh hưởng đến việc vận hành khai thác. Đối với hệ thống tời, khi nguồn điện bị cắt, ăng ten ở lại vị trí cũ mà không tụt xuống, đảm bảo an toàn cho anh em kỹ thuật làm việc và xử lý.

Sức mạnh của việc đặt câu hỏi đúng

Tìm ra được hướng đi đúng, anh Thắng cùng các đồng nghiệp bắt tay vào thiết kế mô phỏng hệ thống trạm mới. Sau 1 tháng thiết kế, nhóm đã gửi thiết kế đến TCT Sản xuất Thiết bị Viettel (VMC) để đặt hàng nguyên mẫu đầu tay.

Sau khi thử nghiệm nhiều lần, nhóm nghiên cứu phát hiện ra hệ thống cột nặng khiến cho hệ thống cố định trạm không thể giữ trạm tại một điểm, mỗi lần dựng cột lên, trạm bị “chạy” ra khỏi vị trí đã được xác định ban đầu khoảng vài mét.

Đối với những kỹ sư VTNet, việc trạm xê dịch ảnh hưởng đến khả năng vận hành, không đạt hiệu quả phát sóng. 

z4255587941981_88608567da1b7523febbbc48a5f411f5
Hình ảnh trạm được thử nghiệm.

Từ đó, anh Thắng phải thiết kế lại hệ thống, tăng trọng lượng bộ phận cố định để có thể giữ trọng tâm cột ở nguyên vị trí. Những người hiểu giá trị “Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý” của Viettel nhất là những người kỹ sư ngày đêm thử nghiệm để tạo ra các giá trị mới.

“Không có thực tế, chúng ta không thể nào kiểm nghiệm được lý thuyết, để từ đó tinh chỉnh phù hợp với bài toán của mình”, anh Hoàng Quyết Thắng nói. Hoàn thành thử nghiệm dựng cột, khó khăn của nhóm vẫn chưa dừng lại khi đưa vào triển khai ở một số đơn vị như Thanh Hóa, Phú Thọ. Thực tế hệ thống ăng ten đa dạng về kích thước khiến anh Thắng nhận ra giải pháp của mình chưa triệt để bởi thiếu khả năng tích hợp nhiều loại ăng ten, dẫn đến không thể triển khai trạm tại một số đơn vị.

Phát hiện vấn đề ở tỉnh, anh Thắng cùng các đồng nghiệp lại quay về Hà Nội để sửa lại, nghiên cứu tất cả các loại ăng ten mà đơn vị đang sở hữu để có thể tích hợp, lắp thử lên hệ thống trạm cho phù hợp. Trải qua hàng chục lần thất bại, với rất nhiều loại ăng ten khác nhau, đủ các kích cỡ, hình thù, hệ thống trạm “lego” của anh Thắng đã được nghiệm thu thành công sau 3 tháng.

Quãng thời gian ấy, anh Thắng cùng các anh em tham gia nghiên cứu phải di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, liên tục thử nghiệm vào tất cả ngày trong tuần. Gần như không có ngày nghỉ, những người kỹ sư VTNet đã luôn “trên từng cây số” giữa Hà Nội, Thanh Hóa và Phú Thọ để thử nghiệm giải pháp trạm "lego" trong khoảng thời gian từ tháng 10/2022 đến đầu năm 2023.

Đối với anh Thắng, việc thiết kế thành công trạm "lego" này mang lại nhiều bài học, trong đó quan trọng nhất là đối với mỗi bài toán, việc đặt đúng câu hỏi quan trọng hơn đưa ra đáp án. Anh Thắng cùng nhóm đã đặt đúng bài toán là "có hệ thống nào thay thế treo khí nén?", thay vì câu hỏi "làm cách nào để tạo ra hệ thống khí nén của mình?". Và với anh Thắng, khi đã có đề bài thì không lời giải nào tốt hơn là đi ra thực tiễn, dùng thực tiễn kiểm định lại lý thuyết và rút kinh nghiệm từ những lần thử sai.

Hiện nay, hệ thống trạm của anh Thắng và các kỹ sư VTNet đã đi vào hoạt động thực tế để triển khai phát sóng trong các lễ hội và sự kiện. Khi Viettel Family liên hệ, anh Thắng đang ở biên giới Việt Nam - Lào để thử nghiệm một giải pháp cột khác trước khi đưa vào mạng lưới.

“Mình tiếp tục đi thử nghiệm các giải pháp mới để cùng Viettel phát triển, mong giải pháp này của mình sớm được thành công để tiếp tục được phỏng vấn”, anh Thắng cười.

Anh luôn sáng tạo trước khó khăn, và luôn sát cánh với anh em tuyến đầu

  • 5

CBNV Viettel tri ân Anh hùng - Liệt sĩ nhân kỷ niệm Giải phóng miền Nam

4 mốc thời gian quan trọng của Innovative-me 2024

9 CBNV may mắn nhận quà từ minigame sinh nhật Viettel Family

Người giữ ‘lửa’ và số điểm tuyệt đối tại Công trình Viettel Sóc Trăng

  • 1
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua