Tuấn Minh - Thái Sơn (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 11:04 - 17.10.2023
Tuy nhiên, với những kỹ sư Viettel, hành trình mang 4G của họ ra Trường Sa hội tụ hết những vất vả, gian nan cũng như những niềm vui tuy nhỏ nhoi nhưng mang ý nghĩa lớn lao ấy.
Ở giữa biển nhưng không có nước
Ngày 8/9, chuyến tàu hậu cần cung cấp hàng hóa đưa đoàn kỹ sư Viettel rời Cảng Vùng 4 Hải quân vào 8h sáng. Hành trình mang 4G đến Trường Sa bắt đầu. Ngay khi tàu ra khỏi vịnh, khó khăn đầu tiên của các thành viên trong đoàn là sóng to, gió lớn. Tàu rung lắc mạnh trước tác động của khí hậu khắc nghiệt còn các thành viên trong đoàn ai cũng choáng váng, mệt mỏi.
Chưa dừng lại ở đó, bởi di chuyển trên tàu hậu cần, tốc độ di chuyển của đoàn chậm, nguồn nước sinh hoạt ít ỏi. Anh Đàm Quang Dương, kỹ sư Truyền dẫn, Trung tâm Kỹ thuật KV2 chia sẻ: “Mãi đến 12h đêm ngày 10/9, các thành viên trong đoàn mới được đặt chân lên đất liền sau 2 ngày lênh đênh trên biển không được…tắm giặt. Sau khi kiểm tra cột, ăng ten Visat và thiết bị tại trạm trên đảo Đá Lát, các nhân sự trong đoàn mới có thể tiếp cận với nguồn nước ngọt, tuy nhiên nước trên đảo cũng hạn chế, vì vậy anh em phải tắm qua nước biển và xối lại bằng nước ngọt để tránh lãng phí nước”.
Tuy chiếc tàu hậu cần mang lại một vài bất lợi, cả đoàn công tác vẫn thấy con tàu này rất đáng yêu. Theo chia sẻ của anh Dương, con tàu “Trường Sa 12” có hệ thống cần cẩu, vì vậy đoàn công tác ít ỏi gồm 7 người không gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển thiết bị lên đảo.
Bắt tay vào lắp trạm
7 kỹ sư của Viettel trong đó có 3 đồng chí VCC, 4 đồng chí VTNet cũng các chiến sĩ trên đảo tiến hành lắp đặt các thiết bị ngoài trời. Từ sáng sớm, các chiến sĩ cùng kỹ sư Viettel đã tiến hành đào hố, đổ bê tông móng trụ. 10h sáng bê tông móng trụ đã khô để tiến hành lắp đặt chảo Visat.
Vì thuê vệ tinh Vinasat, nên các kỹ sư Viettel phải kiểm tra cho chuẩn, tránh nhiễu vệ tinh và các trạm lân cận. Đến 3h chiều, đoàn kỹ sư mới thu được tín hiệu vệ tinh đầu tiên. Để bắt được tín hiệu chuẩn, các kỹ sư phải chỉnh ăng ten dài 2,4m, nặng gần 1 tạ bằng tay theo 3 hướng: góc ngẩng, góc ngang và góc phương vị.
Đồng thời, thời điểm này anh em tốn nhiều công sức vì lúc phát sóng xong, công suất ở đầu HUB đã phát hết. Nhóm kỹ sư đang ở phía này đảo chỉ thu được tín hiệu với công suất sóng không đảm bảo, vì vậy anh em trong đoàn mất khá nhiều thời gian phối hợp với Vinasat để căn chỉnh và kiểm tra tín hiệu
“Chỉnh nửa độ qua phải, qua trái, lên xuống cực kì khó khăn và mệt mỏi, chỉ có 7 anh em đứng giữa rừng loay hoay. Mãi đến khi trời đã tối om mới có tần số đúng. Tuy nhiên, lúc ấy HUB Sơn Tây chưa bật nguồn thiết bị, nên anh em chưa thể tích hợp phát sóng được, đành quay về và tiếp tục chờ đợi”, anh Dương kể lại.
Phải đến 11h đêm, 3 thành viên gồm đồng chí Trương Quang Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật KV2, đồng chí Dương và một đồng chí tối ưu từ VTNet nhận được tin ra trạm để phối hợp với HUB Sơn Tây thông luồng, tích hợp và phát sóng.
Thực hiện nhiệm vụ bất kể đêm ngày, thời gian
0 giờ 45 ngày 14/9, anh em đã thông luồng đoàn tích hợp và phát sóng. Ngay lúc ấy, anh Dương đã thực hiện gọi thử cuộc gọi video về đất liền cho các đồng chí trong phòng Truyền dẫn KV2. Anh Dương chia sẻ: “Lúc ấy đã khuya, chờ đợi có người bắt máy cũng rất hồi hộp, cả 3 anh em đứng giữa khoảng trời tối tăm, nín thở chờ hồi đáp từ đầu bên kia, vì tập trung quá nên không gian lặng như tờ”.
“Ngay khi có người bắt máy, 3 anh em vui mừng, vỡ òa trong cảm xúc khó tả, chỉ trong 5 ngày, sóng 4G Viettel đã được đưa từ đất liền đến Trường Sa, để đạt được kết quả này, nhóm kỹ sư phải làm việc với hơn 200% sức lực”,đồng chí Dương kể lại.
Sau khi hoàn thành thử nghiệm về phát sóng, 3 kỹ sư Viettel lại vượt rừng trong đêm để về phòng nghỉ. Anh Dương nhớ lại, khi về đến nơi đã là 1h30 sáng, dù mệt mỏi, nhưng không ai buồn ngủ, có lẽ vì niềm vui khi hoàn thành nhiệm vụ, phần còn lại do gần một tuần không có mạng để xem tin tức, cả nhóm kỹ sư còn tâm sự, vào mạng đến 3h sáng. Sóng đã có, tuy nhiên phải căn chỉnh theo đúng chuẩn thiết kế.
Những ngày cuối của chuyến công tác thời tiết trở nên khắc nghiệt, mưa gió rất nhiều. Anh Dương nhớ lại, để tham gia phối hợp với Vinasat, nhiều anh em đã bỏ bữa trưa để thực hiện đo kiểm cho kịp tiến độ. Nhiều đồng chí mang cơm ra trạm, tranh thủ ăn, lúc Vinasat gọi để phối hợp thì lại bỏ bát cơm xuống tham gia công việc thử nghiệm sóng và tần số. Cuối ngày hôm ấy, luồng 4G đã được đo kiểm đạt tiêu chuẩn đề ra để phát sóng trên đảo Trường Sa.