Trần Cường (TCT Công trình Viettel) đã đăng lúc 14:19 - 23.03.2025
Và người Công trình Viettel vẫn tiếp nối, phát huy sứ mệnh ấy qua những công trình xây trạm ở vùng sâu vùng xa hẻo lánh. Hành trình khảo sát và xây dựng trạm QBH 239-12 để lại cho anh em chúng tôi rất nhiều kỉ niệm bởi sự ý nghĩa của trạm mang lại.
Bản Zìn Zìn hoang sơ và khao khát sóng di động của bà con
Bản Zìn Zìn là một bản thuộc xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nằm sát biên giới và có gần 100% dân số là người dân tộc Bru Vân Kiều. Đời sống kinh tế - xã hội ở đây còn gặp nhiều khó khăn; bản không có sóng điện thoại và thiếu điện phục vụ sinh hoạt cũng như học tập. Đường vào bản Zìn Zìn khá hiểm trở, đặc biệt vào mùa mưa, khi các tuyến đường thường bị ngập sâu, gây chia cắt và khó khăn cho việc đi lại.
Ngày đi vào bản khảo sát là một ngày nắng nhưng vẫn khó khăn với đội ngũ kỹ thuật, khi còn cách bản 5km, xe bán tải hai cầu cũng đành bất lực vì đường quá xấu. May mắn gặp chiếc xe tải chở gạo và nhu yếu phẩm vào bản Dốc Mây, chúng tôi xin đi nhờ.
Dù là xe mới, nhưng cũng phải chật vật vượt qua những con dốc trơn trượt, men theo vực sâu 40-50m, chiếc xe chạy rất chậm và cẩn thận bởi những con vực sâu nằm kế bên con đường. Suốt 3km đường đất, xe phải nhiều lần dừng lại chèn đá, bố trí hai người trên thùng xe chặt bớt cây rừng để mở lối.
Sau một chặng đường dài đầy vất vả và hồi hộp chúng tôi đã đặt chân đến bản Zìn Zìn. Bản làng nằm lặng yên giữa khe núi, hoang sơ mà bình yên với hơn 50 hộ gia đình. Trước mắt tôi là những người phụ nữ Bru-Vân Kiều trong trang phục truyền thống, miệng vừa ngậm tẩu hút thuốc, nhả khói mù mịt, vừa trò chuyện với nhau bằng tiếng dân tộc mà chúng tôi không thể hiểu. Trẻ con nô đùa với nhau, những tiếng cười giòn tan hoà cùng tiếng gia súc quanh những căn nhà tạo nên khung cảnh miền quê bình yên.
Bởi địa hình mang tính đặc thù sâu trong núi nên sóng điện thoại với dân bản là một cái gì rất “xa xỉ”. Đường điện không đến được bản, người dân sử dụng máy phát điện và điện năng lượng mặt trời.
Nhưng lúc chúng tôi đến điện mặt trời đã hỏng, người dân sạc điện thoại cầm chừng bằng máy phát điện và phải di chuyển ra Lâm Trường, Trường Sơn cách 10km để bắt được sóng. Mỗi một lần có ai đi ra, người dân sẽ thường gửi điện thoại của mình để nhờ tải video lưu về máy thỉnh thoảng tối về xem.
Tận mắt chứng kiến những câu chuyện, những khó khăn này càng thôi thúc chúng tôi thực hiện nhiệm vụ với trách nhiệm với xã hội, mang sóng viễn thông về gần hơn với đồng bào vùng sâu vùng xa.
Sóng viễn thông - Nhịp cầu kết nối bản làng với thế giới
Sau khi khảo sát, chúng tôi quyết định chọn đỉnh đồi cao nhất giữa hai bản làm nơi đặt trạm - vị trí hiểm trở nhưng tối ưu để phủ sóng cả khu vực. Chúng tôi hiểu rằng đây sẽ là một thử thách lớn, Không thể dùng phương tiện cơ giới, mọi vật liệu như xi măng, sắt thép, cột anten đến thiết bị viễn thông đều phải gùi cõng qua rừng, vượt suối
Do chưa có điện lưới, trạm phát sóng phải sử dụng hệ thống pin mặt trời kết hợp máy phát điện. Nhưng để duy trì hoạt động, hàng tháng, nhân viên kỹ thuật Viettel phải vận chuyển từng can xăng từ TP Đồng Hới, tự mình gùi lên những con dốc dựng đứng để tiếp nhiên liệu.
Vào mùa mưa, hành trình này càng trở nên nguy hiểm hơn. TGĐ VCC Phạm Đình Trường từng chia sẻ: "Không có việc gì khó, chỉ có thách thức cần chúng ta phải kiên cường vượt qua, kiên cường có nghĩa là hướng mục tiêu vượt qua nghịch cảnh". Nên chúng tôi lấy thách thức làm động lực, vì bà con mà cố gắng.
Trưa hôm ấy, sau khi cùng trưởng bản leo núi khảo sát xong, chúng tôi ghé thăm điểm trường Zìn Zìn - một ngôi trường hai tầng khang trang được xây dựng ba năm trước. Ngồi bên ấm trà nóng, chúng tôi lắng nghe những tâm sự của hai thầy giáo cắm bản. Ở nơi xa xôi này, mỗi thầy phải dạy cùng lúc 2-3 lớp, vừa giảng dạy, vừa làm công tác vận động học sinh đến trường. Cuộc sống thiếu thốn, xa nhà, nhưng họ vẫn bền bỉ vì tương lai của lũ trẻ.
Chỉ ít lâu nữa, trạm phát sóng Viettel sẽ hoàn thành, mang lại kết nối di động cho bà con và các thầy giáo. Từ đây, người dân có thể gọi điện, sử dụng dịch vụ công trực tuyến ngay tại bản mà không cần vượt hàng chục cây số. Khi chính phủ đẩy mạnh chuyển đổi số, nhập tỉnh, nhập xã, bỏ huyện, thì tư duy hệ thống trong xây dựng hạ tầng viễn thông càng quan trọng, giúp rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, giữa bản làng và thế giới.
Viettel - Hành trình vì con người, vì sự kết nối
Sự hiện diện của trạm phát sóng Viettel tại bản Zìn Zìn và Ploang không chỉ đơn thuần là việc đưa sóng di động về vùng xa, mà còn thể hiện sáng tạo của người lính Công trình Viettel, khi chúng tôi luôn tìm ra những giải pháp công nghệ tối ưu cho từng địa hình, từng điều kiện đặc thù.
Bản làng xa xôi, đường đi hiểm trở không ngăn được bước chân của những người lính Công trình Viettel. Vì Viettel là ngôi nhà nên mọi nỗ lực đều hướng đến sứ mệnh "Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số". Chúng tôi cũng cố gắng hiểu sâu sắc văn hóa bản địa để phục vụ tốt nhất cho bà con với sứ mệnh "Dựng xây cuộc sống mới" của VCC.
Từng trạm phát sóng mọc lên giữa đại ngàn Trường Sơn không chỉ đơn thuần là những cột anten vô tri, mà chính là nhịp cầu nối những ước mơ, là biểu tượng cho quyết tâm không ngừng vươn xa của Viettel.
Dù ở bất cứ đâu, dù khó khăn đến đâu, Viettel vẫn luôn có mặt để kết nối mọi miền Tổ quốc.