Đào Văn Thận (Học viện Quốc phòng) đã đăng lúc 13:31 - 22.09.2023
Ngày 23/9 là ngày truyền thống của Trung tâm Thể thao Viettel cũng là ngày khai sinh ra đội bóng Thể Công - tượng đài của bóng đá Việt Nam.
Nhân một ngày đặc biệt này, Viettel Family xin phép đăng tải chia sẻ, cũng như tình yêu của một người lính già yêu đội bóng: Đại tá Đào Văn Thận, Học viện Quốc phòng.
"Ngày 23/9 khiến tôi nhớ lại một chuyện. Câu chuyện diễn ra tại Trung tâm Thể thao Viettel khi Viettel FC và Hà Nội FC đá trận lượt về ngày 22 tháng 2 năm 2020 trong khuôn khổ hai lượt trận đấu tập trước khi vào giải V.League.
Trước trận đấu
Xe chúng tôi, ba người gồm NS Đức Trung, Trung tướng Ngọc Thanh và tôi, xuất phát từ Hà Nội lúc 14h chiều 22/2/2020 để kịp xem trận đấu tập lượt về giữa Viettel FC, Hậu duệ Thể Công và CLB Hà Nội trên sân TT Thể thao Viettel. Ấn tượng đầu tiên khiến chúng tôi ngạc nhiên và rất thú vị là khi xe dừng để vào cổng Trung tâm thì thấy ba cháu nữ sinh mặc đồng phục áo trắng đang xin mấy anh gác cổng cho vào.
Tôi nghĩ, dù là cổ động viên đội nào trong trận đấu chiều nay thì cũng đều đáng khen ngợi. Vì không thấy có phương tiện cá nhân thì việc đi xe bus từ xa đến đây cũng đã nói lên sự nhiệt tình rất lớn của các bạn trẻ này. Chỉ khi giải lao giữa trận, đứng dậy tôi mới phát hiện ra đúng ba cháu nữ sinh gặp ở cổng đang ngồi trên khán đài dành cho số ít cổ động viên CLB Hà Nội.
Trong trận đấu, trên khán đài
Lại thêm một lần nữa hết sức thú vị. Trên khán đài chiều nay, với đội Hậu duệ Thể Công có ba ông già đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Với đội CLB Hà Nội có ba nữ sinh ở tuổi teen mặc đồng phục.
Chợt so sánh và nghĩ, Thể Công luôn có những cổ động viên độc đáo. Ở bất cứ sân nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì Thể Công có cũng đông, đủ các thế hệ cổ động viên đến cổ vũ. Trong số họ, rất nhiều người đã ở tuổi ông, bà. Ngày nắng nóng, họ đến sân với chiếc quạt cầm tay. Mùa đông, họ khoác những chiếc áo lụ sụ.
Tôi chợt nhớ, ngay cả khi Thể Công đã chuyển cho Thanh Hóa, có một cổ động viên của Thể Công hết sức đặc biệt.
Tôi nhớ cháu tên là Chi, lúc đó đang học đại học hay học nghề tại một trường ở Hà Nội. Cháu có bệnh tim, trong một lần vào cấp cứu, bệnh viện phải xem xét và có thể phải mổ. Cháu chỉ có một đề nghị, nếu phải mổ và nếu mổ có mệnh hệ gì thì xin mặc cho cháu mang theo chiếc áo màu đỏ với hai chữ Thể Công.
Khi nghe chuyện này, tôi bỗng lặng người, xúc cảm khó tả. Xin hỏi ở trên trái đất này chứ đâu riêng chỉ ở Việt Nam đã có một tình yêu như thế.
Sau trận đấu
Đi qua chỗ các cầu thủ CLB Hà Nội đang nghỉ, tôi tiến lại chỗ cầu thủ Văn Quyết, người mà tôi vẫn gọi đùa là “công thần lưỡng đội” (công thần của hai đội bóng). Những ai đã xem Quyết đá ở đội hạng nhất Thể Công (tên đội là do tôi quen gọi khi Viettel đá giải hạng nhất Quốc gia) đều rất yêu cầu thủ này.
Nghĩ lại, những năm tháng đó, Quyết đúng là công thần của đội. Nhưng cũng phải nói thật, với Quyết, tôi vẫn nhớ đã có lúc mình nghĩ sai về cầu thủ này. Không đâu xa, ở giải 2019, đã có lần Quyết vào bóng có phần nguy hiểm đối với một cầu thủ Hậu duệ Thể Công. Trong một bài viết sau đấy, tôi có ý trách Quyết về thái độ trên sân.
Với tôi, lần này cũng là lần đầu tiên tôi nói chuyện trực tiếp với Quyết. Tôi có chủ ý gặp Quyết, chủ yếu để tự trả lời cho rõ, tôi đã nghĩ đúng hay sai tình cảm của Quyết với Thể Công? Thấy tôi đứng lại nói chuyện với Quyết, cả NS Đức Trung và Trung tướng Ngọc Thanh cũng đứng lại chứng kiến câu chuyện cảm động của chúng tôi.
Khi đó, đang hỏi chuyện thân mật, mắt tôi nhìn thẳng vào Quyết, tay tôi vươn ra, bàn tay đặt chính chỗ trái tim nơi ngực Quyết và hỏi rất chân thành: “Trong trái tim này của cháu giờ còn có Thể Công không?”.
Quá bất ngờ với cử chỉ và câu hỏi của tôi, nhưng chỉ một giây, không một chút do dự, Quyết nói cũng rất chân thành: “Có chứ ạ!”
Tôi cười quay lại nhìn thấy NS Đức Trung và Trung tướng Ngọc Thanh cũng mỉn cười hài lòng về câu trả lời. Phải thế chứ! Quyết giờ đã là công thần, một cầu thủ giỏi của CLB Hà Nội. Nhưng trước đó, Quyết đã một lần Thể Công và trong tim em vẫn mãi có Thể Công. Không nói gì thêm, tay tôi thân mật vỗ vỗ lưng Quyết thay cho lời tạm biệt.
Thế đấy, biết bao thế hệ cầu thủ, bao HLV Thể Công đã rời đội, họ đều biết sẽ có lần gặp lại và thực sự họ đã nhiều lần gặp lại khi đang ở phía bên kia với đội bóng thân yêu của mình. Nhưng nếu hỏi họ về tình cảm với Thể Công. Họ cũng sẽ nói như Quyết.
Thể Công ơi. Thể Công, hai tiếng ngọt ngào".