'Lửa' của người Viettel ở nơi 5 độ C vẫn được xem là ấm

Minh Anh (Ban Thương hiệu và Truyền thông) đã đăng lúc 16:12 - 01.02.2024

Giữa thời tiết -1 độ rét buốt và mưa phùn, cây cỏ nhiều nơi tại Hà Giang đóng băng. Hàng chục anh em kỹ thuật Chi nhánh Công trình Viettel Hà Giang luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ và miệt mài trên tuyến.

Là một trong những địa phương có thời tiết mùa đông khắc nghiệt nhất, chi nhánh Công Trình Viettel Hà Giang vẫn đảm bảo triển khai 2 kế hoạch trọng điểm trước Tết Nguyên đán 2024. Tính đến ngày 29/01/2024 CNCT Viettel đã có 334 giải pháp được lắp đặt thành công, hoàn thành 100% kế hoạch, sản lượng cao top đầu cả nước và gấp hơn 2 lần các địa phương khác tại khu vực 1.

“Thời tiết 5 - 7 độ được coi là ấm rồi”

Tại 4 huyện vùng cao của Hà Giang: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, nhiệt độ buổi sáng dao động từ 0 độ đến -1 độ, kèm theo mưa phùn và sương mù dày đặc. 10 giám đốc kỹ thuật cụm/huyện và 27 nhân viên kỹ thuật nơi địa đầu Tổ quốc vẫn dậy sớm, chuẩn bị trang phục và công cụ lao động, sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

hg1Đồng chí Viên Thế Tình, nhân viên kỹ thuật nhà trạm, chi nhánh Công trình Hà Giang cho biết: “Những năm trước Hà Giang rét nhưng không khắc nghiệt như năm nay. Dạo này, nhiệt độ cơ bản hàng ngày đạt đến cả âm độ, nên với người công trình chúng tôi hôm nào 5 - 7 độ được coi là ấm rồi".

Trời càng lạnh, sương mù sáng sớm càng dày đặc làm khuất tầm nhìn. Chạy xe trên đường, các anh vẫn cóng tay, co ro đầu gối ngay cả khi đã mang mũ len chống rét, khăn quàng, 2 đôi găng tay, 6 chiếc áo, 3 chiếc quần chồng lên nhau. Anh Viên Thế Tình còn đùa: “Mặc nhiều quần áo thế này, chẳng may đường trơn trượt lầy lội, có ngã cũng không đau. Thời tiết lạnh nhưng tinh thần anh em luôn nóng”.

hg3

Anh Vi Văn Dương, nhân viên kỹ thuật dây máy Trung tâm Mèo Vạc tâm sự: “Tôi trước ở Quảng Ninh, nhận nhiệm vụ lên Hà Giang từ năm 2013. Lần chuyển công tác đó vào đúng mùa đông, người dưới xuôi như tôi thật sự sốc nhiệt, không thể chịu được. Nhưng dần dần qua các năm, tôi thích ứng với cái lạnh ở đây rồi, không còn sợ nữa".

Theo anh Vi Văn Dương, anh em Công trình xác định sẵn thời tiết Hà Giang luôn lạnh cực điểm, chênh 1 - 2 độ C không làm ảnh hưởng được tiến độ công việc. Quan trọng nhất, các anh luôn chuẩn bị đầy đủ cho nhiệm vụ bám tuyến, quyết hoàn thành tất cả chỉ tiêu.

“Bám tuyến như thằn lằn vùng cao bám đá”

Những ngày rét buốt, chiếc cặp lồng giữ nhiệt cũng không đủ giữ ấm bữa trưa của các anh em. Đặc thù vùng cao, không thể đòi hỏi mâm cơm thịnh soạn, hôm nào các anh vào bản cũng chỉ có món đặc trưng như mèn mén (một loại cơm ngô của người H'mông), tẩu chúa (canh đậu phụ nấu cùng rau cải mèo). Có khi không kịp chuẩn bị cơm, các anh mang vội bánh mì, khoai sắn,... tranh thủ ăn ngay trên tuyến.

124cd2b04c9be6c5bf8a

Anh Vi Văn Dương khẳng định: “Một khi mình đã xác định bám tuyến, công việc luôn đặt lên hàng đầu. Bữa trưa chỉ để hỗ trợ cho anh em có sức. Nhanh gọn, tiết kiệm cũng được, miễn hoàn thành chỉ tiêu trong ngày, phải bám tuyến như thằn lằn vùng cao bám đá".

Trong tình hình khí hậu thay đổi thất thường, những kỹ sư công trình đã tận dụng thời tiết đến từng giờ từng phút. Trước khi di chuyển, các anh gọi điện hỏi người dân tại trạm BTS về tình hình thời tiết để điều phối cho hợp lý, tránh lãng phí thời gian và nguồn lực. Đến nơi, nếu trên cột đóng băng tuyết, các anh lại chia nhau thực hiện nhiệm vụ kiểm tra dưới chân trạm trước, chờ băng tan mới chuẩn bị dụng cụ, tiến hành lên cột.

hg2

Anh em Công trình vẫn kháo nhau: “Không sợ lạnh, chỉ sợ mưa, sợ băng tuyết". Trời lạnh, các anh vẫn có thể leo cột bảo dưỡng, lắp đặt thiết bị. Nhưng chỉ cần trời mưa, hoặc cột đóng băng tuyết, mọi công tác trên cao phải dừng lại ngay để đảm bảo an toàn lao động. Nhiều vị trí trạm BTS không có nhà trú bên dưới, khi mưa xuống anh em sẵn sàng dùng hộp bìa cát tông về để che chắn, đốt than đốt củi sưởi ấm người.

Anh Viên Thế Tình nhớ mãi kỉ niệm lắp đặt giải pháp Tết trong ngày gió mùa về của đợt rét năm nay. Anh kể lại: “Trong mỗi đợt rét, ngày đầu tiên sức gió luôn mạnh nhất. Đang bảo dưỡng trên cột, hai anh em chúng tôi hoảng hốt vì không nghĩ đợt gió sẽ về ngay. Cột cao 36m, tôi và đồng chí Hùng đang ở độ cao 30m, gió lớn phần phật, rít đến rợn người khiến cả hai đều hoang mang”.

3b6aaa4834639e3dc772

Theo anh Tình, việc di chuyển lên cột rất tốn thời gian và công sức, nếu các anh dừng công việc lại sẽ rất lãng phí mà ảnh hưởng tiến độ. Nhận thấy có khả năng tiếp tục, anh nhắn đồng nghiệp chuyển về cùng một độ cao, chấp nhận thi công chậm lại để đảm bảo an toàn và dễ dàng hỗ trợ tinh thần cho nhau.

Anh Tình khẳng định: “Tôi nhớ mãi, có một khoảng lặng gió 3 giây thôi, không gian yên tĩnh hoàn toàn. Nhưng chỉ 3 giây đó cũng đủ quý, đủ để tôi cảm thấy thư giãn trong suốt 4 tiếng chiến đấu trong gió mạnh”. Mãi khi hoàn thành việc bảo dưỡng, xuống đến chân trạm, mấy anh em mới thở phào nhẹ nhõm: “Sống rồi, thành công rồi".

d4acc756597df323aa6c

Chính nhờ tinh thần “anh em có nhau”, mưa chung ô, ăn chung mâm, hát chung bài, bám chung tuyến, vượt chung đường... mọi khó khăn, vất vả đội ngũ Công trình Hà Giang đều cùng nhau vượt qua. Anh Vi Văn Vương nói với giọng tự hào: “Ngôi nhà chung Viettel trên vùng cao là tuyệt vời nhất đấy!” 

“Đến với dân bằng cái tâm người lính"

Là những người lính trên mặt trận kỹ thuật, lực lượng Công trình Hà Giang hiểu mọi kế hoạch triển khai lắp đặt trạm phát sóng đều vì con người, nhằm mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn, tiện nghi hơn cho những người dân vùng cao.

Cũng trong ngày đầu tiên gió mùa về, anh Vi Văn Dương nhận nhiệm vụ đi qua thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc. Anh nhớ lại: “Hôm đó, tôi phải mặc đủ 4 áo ấm mới di chuyển lên trạm phát sóng. Trên đường đi tôi thấy 3, 4 em bé trên người mặc áo len nhưng bên dưới lại không mặc gì, chân tay tím ngắt. Tôi mới dừng lại hỏi thăm bằng tiếng người Mông”.

Mấy em bé tiếng bập bẹ chưa sõi đáp lại: “Không mặc đâu, không lạnh". Anh Dương bảo các em vào nhà sưởi lửa, không quên hỏi thăm người lớn trong nhà. Ông chủ nhà trả lời: “Không sao đâu, không sao đâu thầy giáo ạ". Dân bản ở đây quen thấy ai cũng gọi một tiếng thầy giáo.

hg5

Anh Dương tâm sự: “Tôi thấy xót quá, mới giải thích kĩ, nhắc nhở ông cho mấy đứa bé mặc thêm quần áo và ở trong nhà cho đỡ lạnh. Trời này, mấy đứa bé ốm đi viện tốn nhiều tiền lắm”. 4 ngày sau anh có dịp đi qua, cũng ghé lại hỏi thăm. Mấy đứa bé đã được mặc ấm, anh thấy yên tâm hơn phần nào vì dân bản đã lắng nghe, thấu hiểu.

Từ đó, dân bản càng quý mến người làm kỹ thuật công trình như anh Dương. Nhờ chính sách cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho hộ nghèo của Nhà nước, người dân bản có sóng điện thoại nên vui mừng lắm. Có nhà còn duy nhất một con gà cũng muốn đem tặng các anh để cảm ơn. Nhưng anh Dương không nhận, anh bảo: “Với mình đó chỉ là một con gà nhưng với họ có khi phải nhịn ăn cả tháng”.

Anh Vi Văn Dương tâm sự: “Tôi không mong sẽ nhận được lời cảm ơn. Tôi chỉ lấy cái tâm của mình để làm hết sức, vì mình là người lính Viettel. Mình không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được cấp trên giao phó mà còn mang sứ mệnh đưa cái tâm, cái trách nhiệm của mình đến với bà con thôn xã vùng cao, càng khó khăn mình càng phải quan tâm, hỗ trợ".

  • 1177
  • 11
  • 3

Những 'con mắt' của Viettel canh cửa biển biên giới Việt

  • 1633

Đáp án người Viettel chờ đợi ở vòng 4 cuộc thi an toàn lao động

  • 257

Viettel nhí rạng rỡ ngày đầu của trại hè Quân đội

  • 585

Viettel Media trong Top 3 đơn vị sản xuất nội dung uy tín và nổi bật 2024

  • 197

Vì sao xem EURO trên TV360 là trải nghiệm thú vị nhất?

  • 573
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua