Lan Nhi (TT Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo) đã đăng lúc 15:32 - 10.07.2024
Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội là giải thưởng được tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 1999. Đây là giải thưởng quan trọng, là sân chơi sáng tạo, khoa học kỹ thuật dành cho cán bộ, đoàn viên thanh niên trong toàn quân
Tại Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 24, Viettel có số lượng hồ sơ gửi lên Tập đoàn (33 bộ) và hồ sơ gửi lên dự thi toàn quân (26 bộ) nhiều nhất từ trước tới nay. Đây cũng là năm Viettel có số lượng giải cao (Nhất, Nhì, Ba) nhiều nhất trong 5 năm gần nhất.
Viettel là 1 trong 4 đơn vị của toàn quân có giải Nhất trong năm nay (cùng với Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Cục Bảo vệ An ninh, Học viện Quân y).
Giải Nhì tại Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 24 là kết quả của tập thể Viettel AI nói chung và nhóm làm đề tài nói riêng, gồm: đồng chí Vũ Thị Hạnh (chủ nhiệm đề tài), đồng chí Vũ Minh Quân, đồng chí Nguyễn Hồng Đăng (kỹ sư Trí tuệ nhân tạo) cùng các thành viên trong nhóm thực hiện đề tài IVS ở Khối Nền tảng Trí tuệ nhân tạo.
Đề tài xuất phát từ nhu cầu thực tiễn - Thú vị nhưng cũng nhiều thách thức
Các hệ thống giám sát qua camera trước đây chủ yếu thu nhận và lưu trữ dữ liệu đơn thuần, quá trình giám sát được thực hiện trực tiếp bởi con người. Trong khi đó, xu hướng mới là triển khai giám sát video thông minh với số lượng camera giám sát lớn hơn. Vì thế, lượng dữ liệu khổng lồ cần được xử lý hàng ngày tăng lên đã nảy sinh nhiều bài toán trong việc vận hành và sử dụng hiệu quả.
Đứng trước nhiệm vụ phải tìm ra được giải pháp cho việc tự động hoá quá trình giám sát, hỗ trợ con người trong việc vận hành, và phát hiện được các hành vi đáng ngờ với độ chính xác cao tại mọi thời điểm, để có thể đưa ra cảnh báo kịp thời cho người dùng đã thôi thúc đồng chí Vũ Thị Hạnh và nhóm tác giả của mình nghiên cứu, triển khai một giải pháp công nghệ "made in Việt Nam" trong giám sát video thông minh, đảm bảo được tính bảo mật và có thể mang lại nhiều lợi ích, ý nghĩa đối với quốc gia.
Tuy nhiên, lĩnh vực nghiên cứu về nhận dạng hành vi con người vẫn còn gặp nhiều khó khăn ở Việt Nam. Nguyên nhân là do việc giám sát phần lớn được thực hiện bằng cơm, hạ tầng camera giám sát chưa đồng nhất, chủ yếu là camera cá nhân tự lắp đặt và giám sát riêng lẻ, thuộc quy mô nhỏ, dẫn đến dữ liệu nhỏ lẻ và không lưu trữ được trong thời gian dài. Bên cạnh đó, lĩnh vực nghiên cứu nhận dạng về hành vi con người là một chủ đề nghiên cứu khó, bao gồm nhiều công nghệ phức tạp. Bởi việc xác định được một hành vi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khung cảnh, ngữ cảnh, thời gian, địa điểm, đối tượng...
Mục tiêu quan trọng nhất là có thể khoanh vùng được tất cả các trường hợp có nguy cơ để có thể cảnh báo, kết hợp với việc hậu kiểm, kết luận được thực hiện bằng con người, như vậy có thể giảm tải việc giám sát trực tiếp. Chính vì vậy, nhóm đề tài đã phải sử dụng nhiều giải pháp kỹ thuật khác nhau để xây dựng nên phần mềm nhận dạng hành vi con người từ video, phục vụ cho các hệ thống giám sát video thông minh.
Ngoài việc phải nghiên cứu làm chủ các công nghệ lõi với độ chính xác cao thì nhóm đề tài còn phải đảm bảo công nghệ này được triển khai thực tế một cách hiệu quả. Đặc biệt phải xử lý được số lượng camera rất lớn, đồng thời cùng một lúc, và xử lý được thời gian thực (real-time). Vì thế, một thách thức nữa được tạo ra: phải tối ưu hiệu năng khi triển khai thực tế nhằm tiết kiệm chi phí.
Nỗ lực của tập thể và dấu ấn của bóng hồng đặc biệt
Trong suốt quá trình nghiên cứu, nhóm đề tài luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo và của các CBNV Viettel AI. Đặc biệt, Ban Giám đốc Trung tâm luôn đồng hành, định hướng về việc ứng dụng công nghệ phù hợp và tiềm năng tại Việt Nam. Các phòng, ban, bộ phận liên quan đặc biệt hỗ trợ về hồ sơ, thủ tục, đáp ứng các yêu cầu đầu vào nhóm đề tài để các thành viên có thể tập trung nghiên cứu, thực hiện đề tài. Các chuyên gia trong hội đồng khoa học của Viettel AI cũng thường xuyên đưa ra lời khuyên, tư vấn về mặt công nghệ như phương pháp, mô hình AI, thuật toán, dữ liệu,… Thêm nữa, các đồng nghiệp tại Viettel AI luôn động viên về mặt tinh thần, truyền lửa và cảm hứng cho nhóm đề tài hoàn thành nhiệm vụ.
Đặc biệt, không thể không nhắc đến đồng chí Vũ Thị Hạnh, người đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm đề tài. Đồng chí Hạnh là số ít nữ giới tham gia vào giải thưởng lần này tại Tập Đoàn nói riêng và toàn quân nói chung. Với đồng chí Hạnh, được tham gia vào đề tài lần này, lại là “bóng hồng hiếm hoi" nên niềm vinh dự cũng nhân đôi.
“Do nữ giới luôn là số ít trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung, nên thường nhận được sự quan tâm chú ý nhiều hơn”, đồng chí Hạnh chia sẻ.
Thông qua cuộc thi này, đồng chí Hạnh cũng muốn truyền cảm hứng tới các bạn nữ cùng ngành nghề, hãy luôn tự tin và mạnh mẽ theo đuổi nghề và khẳng định bản thân. Giải thưởng lần này là một minh chứng cho kết quả kiên trì theo đuổi công việc, một quá trình nghiêm túc làm nghề, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật mà mọi người thường nghĩ là chỉ phù hợp với nam giới. Đây cũng là một động lực to lớn, thôi thúc bản thân cô gái Viettel AI tiếp tục cống hiến hết mình trên con đường nghiên cứu khoa học mà bản thân đã theo đuổi nhiều năm nay.
Không chỉ vì giải thưởng lớn của Quân đội
Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội là một giải thưởng danh giá trong toàn quân. Đến với giải thưởng lần thứ 24, có tới gần 800 công trình của 42 đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham gia trên nhiều lĩnh vực như: Công nghệ thông tin; khoa học xã hội và nhân văn quân sự; vũ khí - đạn; điện tử, viễn thông, tự động hóa... Từ đó, nhóm nghiên cứu của Viettel AI gặp thêm thách thức rất lớn khi số lượng công trình tham gia giải thưởng đều lớn và chất lượng đều rất tốt.
Tuy nhiên, đề tài của Viettel AI lại thuộc nhóm công trình có tính mới cao, khai thác lĩnh vực mới là Trí tuệ nhân tạo (AI), xây dựng giải pháp công nghệ độc lập "made in Việt Nam" trong giám sát video thông minh, đảm bảo được tính bảo mật và có thể mang lại nhiều lợi ích, ý nghĩa đối với quốc gia. Hơn nữa, đề tài đã được ứng dụng có hiệu quả trong lĩnh vực dân sự, giám sát trật tự xã hội cho khu đô thị, thành phố thông minh (05 tỉnh/thành phố), nên được kỳ vọng sẽ mở rộng ứng dụng hiệu quả cho lĩnh vực quân sự trong tương lai.
Một vài trường hợp hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ này, ví dụ như:
+ Thành phố thông minh (smart city): Giám sát an ninh trật tự.
+ Giao thông - vận tải: Giám sát hành vi lái xe.
+ Giáo dục: Giám sát lớp học/hành vi học sinh.
+ Bán lẻ: Giám sát hành vi nhân viên khách hàng.
Hiệu quả đạt được trong việc nghiên cứu, phát triển công nghệ nhận dạng hành vi con người từ video đã đạt đến độ chính xác đến hơn 95%, hỗ trợ con người trong việc rà soát, hậu kiểm hàng ngày bằng sức người; việc xây dựng bộ khung công nghệ cũng giúp giảm thiểu thời gian nghiên cứu, nhân lực và chi phí thực hiện nghiên cứu để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của sản phẩm thực tế cũng như huấn luyện và triển khai khi yêu cầu phát hiện một loại hành vi mới.
Đặc biệt với nhóm API ứng dụng cho lĩnh vực thành phố thông minh trong giám sát an ninh trật tự được triển khai tại một số địa bàn các tỉnh, huyện như: Thái Nguyên, Đồng Hới, Kim Động, Đà Nẵng, Vũng Tàu kể từ năm 2022 đến nay đã mang lại doanh thu hàng tỷ đồng.
Quan trọng hơn cả, từ những lợi ích mang lại trong xã hội, đề tài hoàn toàn có thể được nghiên cứu và triển khai áp dụng trong các hoạt động quân sự trong thời gian tới.