Kim Liên (Học viện Viettel) đã đăng lúc 08:43 - 27.03.2025
Không chỉ đơn thuần là việc học trực tuyến qua mạng internet, E-learning là một hệ thống tích hợp giữa công nghệ, sư phạm và truyền thông nhằm nâng cao trải nghiệm và hiệu quả học tập.
Theo các chuyên gia giáo dục, E-learning là việc sử dụng nội dung số kết hợp với công nghệ truyền thông để giúp người học đạt được mục tiêu học tập. Một số nghiên cứu định nghĩa E-learning là một quá trình học tập được thiết kế có mục tiêu, sử dụng các công cụ điện tử nhằm truyền đạt kiến thức và phát triển kỹ năng. Từ góc nhìn hệ thống, E-learning là mô hình học tập kết hợp giữa không gian tương tác, công nghệ viễn thông và chiến lược sư phạm chủ động.
Điều đáng chú ý là E-learning không chỉ là học trực tuyến. Đó là một mô hình đào tạo có tổ chức, có chiến lược và có thể diễn ra theo hình thức đồng bộ (học trực tiếp) hoặc không đồng bộ (tự học theo lịch trình linh hoạt).
Một trong những ưu điểm nổi bật của E-learning là tính linh hoạt về thời gian và địa điểm. Người học có thể truy cập tài liệu học bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ đâu, chủ động kiểm soát tốc độ học theo nhu cầu cá nhân. Điều này đặc biệt có lợi cho những người bận rộn hoặc không thể tham gia lớp học truyền thống vì lý do địa lý. Ngoài ra, E-learning còn giúp các tổ chức tiết kiệm tới 50% chi phí đào tạo, đặc biệt trong những trường hợp đào tạo quy mô lớn hoặc phân tán địa lý.
Bên cạnh tiết kiệm chi phí, E-learning còn đảm bảo sự đồng bộ về chất lượng nội dung trong khi vẫn có thể cá nhân hóa theo người học. Mỗi học viên sẽ được tiếp cận cùng một nội dung chất lượng cao, nhưng có thể lựa chọn lộ trình và phương pháp tiếp cận phù hợp với nhu cầu cá nhân. Đây là một lợi thế rõ rệt giúp tăng mức độ gắn kết và hiệu quả học tập.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nội dung đào tạo đều phù hợp với E-learning. Mô hình này hiệu quả nhất khi áp dụng cho các mục tiêu học tập mang tính nhận thức, như gia tăng kiến thức, tuân thủ quy trình hay giải quyết vấn đề bằng phương pháp mới. Những kỹ năng cần thực hành trực tiếp, tương tác vật lý hoặc học qua trải nghiệm thực tế vẫn nên được kết hợp với các hình thức đào tạo truyền thống.
Về mặt nội dung, E-learning có thể được phân loại thành hai nhóm chính: nội dung học tập đơn giản và khóa học tương tác. Nội dung học tập đơn giản thường bao gồm tài liệu PDF, slide trình bày, video bài giảng, âm thanh,… Mặc dù thiếu tính tương tác, nhưng nếu được xây dựng hệ thống và định hướng mục tiêu rõ ràng, các tài liệu này vẫn mang lại giá trị cao.
Trong khi đó, khóa học trực tuyến tương tác được coi là dạng nội dung E-learning điển hình, với cấu trúc rõ ràng, tích hợp văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, hoạt hình và các câu hỏi kiểm tra hoặc mô phỏng tình huống. Theo Clark & Mayer (2016), một bài học E-learning hiệu quả nên được chia nhỏ thành các đoạn nội dung có mục tiêu rõ ràng, đi kèm ví dụ minh họa và phản hồi trực tiếp để giúp người học hiểu và ghi nhớ kiến thức tốt hơn.
Điều quan trọng là cần phân biệt giữa việc “số hóa tài liệu” và “thiết kế một trải nghiệm học tập số”. Một tài liệu dài đơn thuần được đăng tải lên mạng không đồng nghĩa với E-learning. E-learning đích thực là một hành trình học tập được xây dựng với mục tiêu rõ ràng, có hệ thống phản hồi, đo lường hiệu quả và tạo động lực cho người học.
E-learning không chỉ là xu thế tất yếu trong thời đại số mà còn là một mô hình đào tạo hiệu quả và linh hoạt nếu được thiết kế và triển khai đúng cách. Việc hiểu rõ các loại nội dung, đặc điểm và ứng dụng phù hợp sẽ là nền tảng giúp các tổ chức tối ưu hóa chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.