Hoàng Hảo (TCT Bưu chính Viettel) đã đăng lúc 11:21 - 18.09.2024
Hải Phòng với tôi như một tình yêu đẹp và ấn tượng sâu sắc. Nếu xét về vẻ đẹp, Hải Phòng nổi tiếng với những hàng cây hoa phượng đỏ rực rỡ, có sự kết hợp hoàn hảo giữa bờ biển tuyệt đẹp, di sản lịch sử và văn hóa độc đáo. Còn xét về sự trẻ trung, Hải Phòng có nhịp sống sôi động, có những điều thú vị mà giới trẻ ngày nay rất thích chính là food tour và các địa điểm check in nổi tiếng.
Tôi đã từng đi công tác ở Hải Phòng khá nhiều lần, chủ yếu là theo chân những chuyến thiện nguyện “Vận chuyển yêu thương” của TCT Bưu chính Viettel (VTPost) nhưng lần gần đây nhất chính là ngày sau cơn bão Yagi hoành hành. Cảm xúc buồn vui khó tả, lẫn lộn vào nhau… buồn vì nơi tôi “thầm yêu” là một trong những tâm bão nặng nề nhất, vui vì những đồng nghiệp của mình đều an toàn.
Xót xa hình ảnh Hải Phòng sau bão
Trên đoạn đường di chuyển từ Hà Nội đến Hải Phòng, suốt khoảng thời gian đó là lúc tôi lặng người đi vì sự tàn phá của siêu bão Yagi có thể mô tả bằng từ “thật khủng khiếp”. Hai hàng cây bên đường đều bị gãy đổ, thậm chí còn bị bật gốc; biển bảng quảng cáo dọc đường cao tốc hàng ngày trông long lanh đẹp đẽ và chắc chắn giờ cũng bong rách hết cả, có cái còn bị “ngã chỏng chơ”, nhiều diện tích lúa, hoa màu bị hư hại...
Vào đến thành phố, tôi thực sự cảm nhận được thế nào là sự tức giận của mẹ thiên nhiên ảnh hưởng đến con người vô cùng lớn. Nhiều tuyến đường, tuyến phố bị gãy đổ cây xanh, bị ngập nước gây ách tắc nghiêm trọng dẫn đến hoạt động giao thông bị đình trệ, gián đoạn. Mạng lưới điện, nước, sóng di động cũng vì thế mà bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều khu vực bị cắt điện để đảm bảo an toàn hoặc do sự cố đường dây. Nhiều nhà dân, trụ sở cơ quan, cơ sở doanh nghiệp, kho tàng, xưởng sản xuất, trang trại chăn nuôi bị hư hại, tốc mái, cột điện bị gãy đổ. Vâng, tôi lại phải dùng từ “gãy đổ” - điều mà tôi không muốn chút nào!
Thiết nghĩ, hiện nay chúng ta đã quá quen với việc có cuộc sống tiện nghi nên khi gặp phải thiên tai như thế này, chúng ta phải làm quen tạm thời với cảnh không điện, không nước, sóng di động và kết nối internet chập chờn. Điều này khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy khó chịu!
"Mỹ vị nhân gian" là...
Dưới sự chỉ đạo của trưởng đoàn, Phó TGĐ VTPost Phạm Văn Tuyên, việc đầu tiên đoàn công tác của chúng tôi làm khi đến thành phố là vào siêu thị để mua nhu yếu phẩm như mì tôm, sữa, bánh, nước để tặng các anh em đang túc trực tại đơn vị. Vì mua với số lượng lớn nên chúng tôi phải chia ra làm 2 lượt. Lượt mua thứ nhất đã xong, chúng tôi đi đến những bưu cục gần đó trước để thăm hỏi, động viên anh em và cắt cử anh Lâm Quang Thành, Phó phòng Hành chính ở lại siêu thị mua tiếp lượt thứ hai.
Chờ mãi không thấy anh Thành ra, chúng tôi quay lại tìm thì đúng là gặp tình huống dở khóc dở cười: do internet chập chờn nên anh ấy không thanh toán được bằng hình thức chuyển khoản và cũng không mang theo tiền mặt; đồng thời cũng không thể gọi điện được cho thành viên trong đoàn đi “ứng cứu”.
Sau đó, đoàn chúng tôi tiếp tục lên đường, đến Trung tâm khai thác, đến từng bưu cục, hỏi thăm từng anh em ở đó về công việc, gia đình, con cái. Thật may mắn là mọi người đều bình an, giờ đang tập trung vào việc khắc phục hậu quả sau cơn bão.
Đặt điện thoại chế độ “tiết kiệm pin” và “mỹ vị nhân gian” ở đây là mì tôm
Trở về trụ sở Chi nhánh lúc giữa chiều, tất cả đều đói bụng và điện thoại hết pin! Chúng tôi phải cử vài người ra quán cafe gần đó không phải để uống cafe mà để… sạc nhờ điện thoại - phương tiện duy nhất lúc này giúp chúng tôi duy trì công việc thông suốt dù kết nối internet lúc có lúc không. Khi pin đầy, chúng tôi phải dùng thật là tiết kiệm.
Sau đó cả đoàn cùng nhau tranh thủ 15 phút ăn trưa muộn màng trước khi vào cuộc họp với Chi nhánh. Tại thời điểm này, việc ăn một bát cơm cũng là điều xa xỉ vì chẳng có điện mà nấu cơm, chẳng có quán cơm bụi nào bán hàng cả. Thứ “mỹ vị nhân gian” và tiện lợi nhất ở đây chính là cốc mì tôm, nước nóng để úp mì tôm là… đi xin nhà hàng xóm có trang bị bếp ga để đun nước. Đoàn chúng tôi có anh Tuyên - Phó TGĐ TCT, anh Thiết - Chủ nhiệm Chính trị, anh Khoa - Giám đốc Trung tâm Vận hành, anh Thành - Phó phòng Hành chính và tôi - cô bé phòng Marketing & Truyền thông cùng với BGĐ Chi nhánh và anh em đơn vị, chẳng phân biệt chức danh, tuổi tác mà cùng nhau ngồi xì xụp ăn mì tôm để lấy sức chiến đấu.
Cuộc họp với Chi nhánh diễn ra không phải ở phòng họp như thông thường mà ngay tại quầy giao dịch của bưu cục - nơi sáng sủa nhất có thể ngồi. Mọi thứ đều được trao đổi theo tình hình thực tế với sự thẳng thắn, nghiêm túc nhưng chứa đầy sự quan tâm, động viên tinh thần anh em tuyến đầu.
Tôi vẫn nhớ như in chỉ đạo sát sao của anh Tuyên: “Chưa có mạng, chưa có điện nhưng chúng ta không được phép ngồi chờ đợi! Chúng ta cần phải chủ động mọi thứ” và “Ngoài các anh em ở Chi nhánh, chúng ta không được quên việc hỗ trợ đời sống các anh em ở Trung tâm khai thác của Công ty Logistics Viettel. Tất cả những chiến binh tuyến đầu này đều đóng góp vào sự phát triển chung của VTPost và hơn nữa là đảm bảo thông suốt huyết mạch logistics của đất nước”.
Lắng nghe tâm sự "đêm không ngủ"
Đi đến đơn vị, tôi thích nhất là nghe những tâm tư từ những chiến binh tuyến đầu vì tôi cho rằng, có lắng nghe thì mới có thể hiểu được họ đã vất vả như thế nào, kiên cường ra sao. Điều này giúp tôi càng thêm yêu quý cái nghề Bưu chính này hơn.
Anh Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Chi nhánh Bưu chính Viettel Hải Phòng chia sẻ rằng: “Nhờ sự chỉ đạo sát sao, kịp thời từ Ban lãnh đạo TCT cùng với sự chủ động của đơn vị, Chi nhánh không có thiệt hại về người và hàng hóa. Đặc biệt, ngoài việc tự đảm bảo an toàn cho đơn vị của VTPost Hải Phòng, thì Chi nhánh đã cắt cử 102 nhân sự đi hỗ trợ các đơn vị Viettel khác trên địa bàn trong các công tác: cấp xăng, chạy máy nổ, vận chuyển ắc quy lên trạm, ém quân đặc biệt tại các địa điểm khó khăn nhất như Cát Bà, Cát Hải,.... trên địa bàn thành phố. Cả đêm anh không thể ngủ nổi”.
Còn với anh Phan Văn Cường, PGĐ Chi nhánh tâm sự: “Trước bão, anh em anh như đánh trận: họp liên tục, BGĐ Chi nhánh thay nhau đi từng bưu cục, ngắm ngó từng góc, từng cái mái nhà, cái bảng để đánh giá nguy cơ rồi yêu cầu các đơn vị sắp xếp và gia cố. Đặc biệt là lo lắng nhất khi quyết định điều động anh em đi trực đêm bão vì ai cũng muốn ở cùng gia đình cả, thế mà anh em đều nghiêm túc chấp hành nhiệm vụ được giao. Trong bão thì anh có cảm giác lo lắng. Lo cho anh em ở dưới có sao không, lương thực thực phẩm có thiếu thốn gì không, rồi hàng hoá, bưu cục,... Bất lực nhất là khi không thể liên lạc được với ai vì sự cố sóng điện thoại. Sau đó, anh và anh Kiên xem thời tiết báo 19h hết bão thì 19h30 đã lao ra đi xem anh em bưu cục như thế nào rồi. Sáng ra đi kiểm tra ngay các bưu cục, may mắn là anh em vẫn giữ vững trận địa. Chỉ mong hệ thống điện, mạng, nước khôi phục sớm để anh em ra quân chiến đấu thôi em ạ”.
Còn Bưu tá Bùi Đức Thắng ở bưu cục Máy Tơ tự hào kể rằng: “Em rất vui và sẵn lòng túc trực ở bưu cục chị ạ. Mình vừa trông nom hàng hóa và vừa thể hiện được tinh thần người Viettel. BGĐ Chi nhánh rất quan tâm đến chúng em, hỗ trợ chúng em đầy đủ đồ ăn, nước uống”.
Cứ như thế, tinh thần người Viettel luôn hiện diện ở mọi chức danh trong mọi tình huống.