Huyền Dịu (TCT Công trình Viettel) đã đăng lúc 12:42 - 16.09.2024
Trận lũ lịch sử đã “càn quét” qua xã Minh Chuẩn, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, khiến hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng, toàn xã bị cô lập từ đêm 9/9. Là xã cách trung tâm thị trấn Lục Yên khoảng 20km, khu vực Minh Chuẩn có địa hình khá phức tạp, một bên là đồi núi cao, phía bên kia xã chạy dài theo dòng sông Chảy. Con đường đến trạm ngày thường đã khó, đến khi mưa lũ lại càng trở nên thách thức.
Anh Ngô Duy Đông, Giám đốc kỹ thuật huyện Lục Yên cho biết cả 2 trạm YBI131 và YBI402 đặt trên địa phận xã đều bị cô lập hoàn toàn. “Nước lũ dâng cao nên anh em chúng tôi không thể tiếp cận trạm. Mặc dù công tác chuẩn bị đã dự trữ xăng dầu và có cộng tác viên hỗ trợ nhưng đến khi nước lũ dâng quá cao, ngập lụt mọi tuyến đường của xã thì không thể cứu trạm được nữa”.
Đau xót khi trạm bị mất dịch vụ, nhưng anh Đông và anh em trong đội cũng không thể di chuyển hay thuê mượn được bất kỳ phương tiện nào. “Thuyền, cano của lực lượng bộ đội khi đó chỉ ưu tiên công tác cứu hộ”.
Anh Trần Văn Tuân, nhân viên trực NOC, Trung tâm Vận hành khai thác VCC đi hỗ trợ tại Yên Bái cũng cho biết cao điểm khi nước lũ trên địa bàn huyện Lục Yên lên cao đã làm 20/54 trạm BTS bị cô lập hoàn toàn.
Trung tâm huyện Lục Yên có tổng cộng 14 nhân sự bao gồm cả kỹ thuật và lái xe. Nhưng từ trước khi cơn bão Yagi đổ bộ, 4 nhân sự kỹ thuật đã được Chi nhánh tin tưởng cử đi hỗ trợ Chi nhánh Công trình Viettel Quảng Ninh.
10 nhân sự còn lại đã gồm cả anh Đông từ ngày 9/9 đã chia thành các đội, lội nước, vượt sạt lở tìm đủ mọi cách để lần lượt phát sóng trạm trở lại. Anh Đông kể: “Nước rút đến đâu là anh em chúng tôi lên trạm đến đó, bất kể ngày hay đêm. Đến tối 13/9, trạm YBI402 trên địa bàn xã Minh Chuẩn cũng đã được ứng cứu, duy chỉ có trạm YBI131 vẫn chưa thể tiếp cận được”.
YBI402 được phát sóng là mạng di động của xã giải quyết được một nửa, tuy nhiên khu vực Trung tâm xã – khu vực sạt lở nặng nhất thì vẫn chưa có sóng. Đoàn ứng cứu của anh Đông còn có mấy anh em kỹ thuật, mặc dù từ tối 13/9 đã thuê thuyền di chuyển vật tư và máy phát điện vào được xã nhưng phải cho đến rạng sáng 14/9 nước rút thêm mới có thể tiếp cận được vị trí dựng cột cáp, hàn nối và phát sóng trạm trở lại.
20km từ Trung tâm huyện đến trạm chẳng hề dễ dàng. Ngoài đoạn đường di chuyển bằng thuyền, anh Đông và anh em nhều chặng phải đi bộ, vác cáp.
Từ đêm ngày mùng 9 đến rạng sáng 10/9, mưa lớn kéo dài làm nước dâng lên cao gây ngập nặng tại địa bàn Thành phố Yên Bái và các huyện Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên. Mưa kéo dài không chỉ gây ngập lụt mà còn khiến nhiều tuyến đường thuộc địa bàn vùng cao bị sạt lở. Nghiêm trọng nhất là tại huyện Lục Yên, Văn Yên.
Anh Quốc Toản, PGĐ kỹ thuật Chi nhánh Công trình Viettel Yên Bái cho biết: “Ngập lụt nặng lịch sử sau hàng chục năm khiến bà con và anh em kỹ thuật chúng tôi dù có chuẩn bị nhưng vẫn không thể lường trước lại ngập sâu như vậy. Lụt nặng kèm sạt lở đất lúc cao điểm có tới 149 vị trạm Viettel bị cô lập, hoàn toàn không thể tiếp cận trạm”.
Trước tình hình ngập lụt nghiêm trọng tại Yên Bái, đoàn chỉ huy tiền phương do đồng chí Lưu Mạnh Hà, Trưởng ban Đầu tư Xây dựng Tập đoàn chủ trì đã sớm có mặt. Tại VCC, trực tiếp Phó TGĐ Nguyễn Thái Hưng cũng đã đến Yên Bái tối 10/9 tham gia công tác điều hành và trực tiếp hỗ trợ anh em tuyến đầu.
Trong suốt 5 ngày xảy ra ngập lụt và sạt lở đất, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ huy tiền phương, và nỗ lực không ngừng nghỉ của kỹ thuật tuyến đầu đã từng bước cứu trạm, hàn cáp, thông tuyến.
Và thành quả là đến 12h51’ ngày 14/9, trạm YBI131 phát sóng trở lại trong niềm hân hoan của cả đội và nỗ lực kéo cáp. Mạng di động tại xã Minh Chuẩn được thông suốt, chính thức Yên Bái cũng không còn xã nào trắng sóng.
“Gặp sạt lở nặng thì lại phải dừng, cùng bộ đội giải phóng đường mới có thể di chuyển tiếp. Nhưng anh em đều quyết tâm khôi phục thông tin sớm nhất có thể tại đây", anh Đông bộc bạch.