Hành trình tắt mạng 3G của người VTNet

Thái Sơn (TCT Mạng lưới Viettel) đã đăng lúc 15:17 - 17.12.2023

Để không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ khi tắt mạng 3G, dung lượng 4G và 2G đã được nâng cấp lớn nhất từ trước đến nay, cùng hàng loạt giải pháp tối ưu đã được các kỹ sư VTNet triển khai.

So với năm 2022, sau khi tắt mạng 3G, chất lượng dịch vụ di động được cải thiện rõ rệt. Qua hệ thống đánh giá độc lập của Umlaut, Viettel là nhà mạng có vùng phủ rộng nhất đạt 98%. Chất lượng mạng tại các tuyến cao tốc, quốc lộ và tuyến đường quan trọng cải thiện 16%. Chất lượng thoại VoLTE (thoại trên 4G) toàn quốc cải thiện 11%. Tốc độ data đo qua hệ thống speedtest tăng lên 15%. Mức độ hải lòng của khách hàng về chất lượng dịch vụ thông qua chỉ số CSAT (do VTT đánh giá) tăng 11%.

Vì sao Viettel lựa chọn tắt mạng 3G?

Nhìn lại quãng thời gian hơn 2 năm thử nghiệm và triển khai tắt mạng 3G, chúng ta mới thấy được quyết tâm và nỗ lực không ngừng của các kỹ sư VTNet. Trước khi tắt mạng 3G, lưu lượng thoại 3G chiếm tới 45% toàn mạng với 4,5 triệu thuê bao. Vì thế, để “gạch tên” 3G khỏi danh sách dịch vụ của Viettel đặt ra muôn vàn thách thức cho lực lượng kỹ thuật. Lưu lượng 3G sẽ “chảy” về đâu trong khi tài nguyên của 4G và 2G cũng không hề dư dả? Vùng phủ sẽ được đáp ứng như thế nào khi khách hàng sử dụng dịch vụ 3G chuyển sẽ chuyển sang 4G hay 2G?

Thách thức lớn như vậy nhưng khi nói về quyết tâm tắt mạng 3G, Giám đốc TT Kỹ thuật Toàn cầu của VTNet, Hoàng Bình Sơn cho biết: “Tắt mạng 3G là xu thế chung của toàn thế giới, giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng trên cả dịch vụ thoại và data. Đồng thời, việc này tạo điều kiện để nhà mạng nhanh chóng phát triển, nâng cấp các công nghệ hiện đại hơn như 4G, 5G, kết nối vạn vật (IoT). Tắt mạng 3G sẽ giúp bổ sung tần số dành cho 4G trong bối cảnh thuê bao 4G đang tăng trưởng tới gần 20% mỗi năm. Thiết bị 3G trên cột anten được giải phóng sẽ giúp giảm tải trọng cột, mở ra không gian để lắp đặt các thiết bị di động 5G . Bên cạnh đó, việc tắt mạng 3G giúp giảm khối lượng lớn công việc, chi phí, nhân sự để thực hiện vận hành công nghệ 3G cũng như bảo trì thiết bị”.

Theo thống kê, đến hết năm 2022 đã có 43% nhà mạng trên thế giới tắt mạng 2G; 55% nhà mạng tắt mạng 3G và 2 nhà mạng tắt cả 2 công nghệ 2G và 3G là AT&T (Mỹ) và KDDI (Nhật). Riêng tại khu vực Đông Nam Á đã có hơn 10 nhà mạng tắt mạng 3G.

Tại Việt Nam, Viettel là nhà mạng tiên phong tắt công nghệ di động cũ này để tập trung phát triển các công nghệ mới. Các nhà mạng khác như VNPT, Mobifone mới chỉ bắt đầu tắt 2G ở mức trạm chứ chưa triển khai diện rộng như Viettel.

Giải thích thêm về lý do Viettel lựa chọn tắt mạng 3G, Đ/c Nguyễn Văn Học - Quản trị Dự án tắt mạng 3G chia sẻ: “3G không phải là công nghệ cũ nhất. Tuy nhiên, chúng ta bắt buộc phải chọn tắt 3G bởi tỷ trọng thuê bao ở mức an toàn để có thể tắt mạng. Bên cạnh đó, so với 2G, thiết bị và tần số của 3G có thể tái sử dụng cho 4G hiệu quả hơn, giúp thúc đẩy chuyển dịch công nghệ mới. Với sự thay thế quyết liệt từ 3G lên 4G, tốc độ internet di động sẽ tăng lên 4 lần, độ trễ giảm, chất lượng thoại tốt hơn, qua đó góp phần giúp nhà nước nhanh chóng triển khai số hoá, đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực”.

Chỉ trong năm 2023, Viettel đã xây dựng và phát sóng 6.000 trạm BTS mới, con số lớn nhất từ trước đến nay.

Bằng mọi cách không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng

Vấn đề nghiêm trọng nhất khi thay đổi công nghệ là nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức đến chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng trên toàn mạng lưới. Khác với việc tác động bổ sung tài nguyên hay điều chỉnh vùng phủ thông thường, tắt đi cả một lớp mạng lớn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu như không thực hiện chính xác quy trình. Nếu có bất cứ sai sót dù là nhỏ nhất, hậu quả sẽ không thể kiểm soát được.

Để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến khách hàng, các kỹ sư VTNet đã thử nghiệm các giải pháp trong ròng rã suốt 5 tháng tại 3 tỉnh ở cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam. Hàng chục kịch bản đã được thử nghiệm, hàng trăm cuộc họp đã diễn ra nhằm đánh giá chi tiết các nhóm khách hàng, phạm vị ảnh hưởng, qua đó chọn ra phương án tối ưu nhất.

Trước khi triển khai, các kỹ sư tiến hành khoanh vùng nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng lớn như khách hàng chỉ sử dụng 3G, khách hàng có thiết bị đầu cuối không dùng được thoại trên 2G,…. Đối với nhóm khách hàng này, VTNet phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Chăm sóc Khách hàng để nhắn tin 3 lần, gọi điện trước và sau để thông báo và kiểm tra trạng thái của khách hàng.

Đối với khách hàng không sử dụng dịch vụ VoLTE, khi gọi điện máy sẽ tự động chuyển từ 4G về 2G thay vì 3G như trước đây. Để trải nghiệm của khách hàng mượt mà nhất, các kỹ sư VTNet đã quyết tâm phải giảm thời gian thiết lập cuộc gọi từ 4G về 2G.

Nhớ lại thời điểm đó, Đ/c Nguyễn Văn Học cho biết: “Thách thức đặt ra là tính năng này chưa từng được triển khai trên các thiết bị của đối tác như Ericsson, Nokia,… Không chỉ phần tích tham số của nhiều chủng loại thiết bị, chúng tôi còn phải tìm cách để thiết bị khác công nghệ (4G vs 2G), khác nhà sản xuất giao tiếp được với nhau. Chúng tôi đặt mục tiêu dù có thay đổi công nghệ nhưng không để xảy ra sự thay đổi về trải nghiệm của khách hàng”.

Để xây dựng tính năng này, VTNet đã phải huy động nhân sự kỹ thuật ở tất cả tuyến. Các kỹ sư TT Kỹ thuật Toàn cầu phối hợp với lực lượng TT Kỹ thuật Khu vực và tỉnh để thử nghiệm, đánh giá. Sau hơn 3 tháng nghiên cứu, các kỹ sư đã thành công rút ngắn 30% thời gia thiết lập cuộc gọi từ 4G về 2G. Với hiệu quả to lớn mang lại, ngay lập tức, giải pháp đã được áp dụng trên toàn mạng lưới Viettel.

Không những thế, Đ/c Nguyễn Văn Học cho biết, VTNet đã tự mình đặt yêu cầu thách thức hơn trong việc xử lý phản ánh. Thông thường, mục tiêu xử lý phản ánh khách hàng ngắn hạn từ 48h – 96h. Tuy nhiên, để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng, các khu vực tắt 3G đã được đặt yêu cầu xử lý phản ánh khách hàng trong vòng 24h.

Bổ sung tài nguyên lớn nhất từ trước đến nay

Khi công nghệ 3G được “khai tử”, toàn bộ lưu lượng data 3G hiện tại sẽ đổ lên 4G. Để sẵn sàng dung lượng 4G “khủng” đó, trong năm 2022, VTNet đã phối hợp với VCC bổ sung thêm gần 30% dung lượng 4G, tương đương với gần 5.000 trạm 4G.

Đặc biệt, năm 2023, các kỹ sư Viettel đã hoàn thành phát sóng 6.000 vị trí trạm 4G mới, qua đó luỹ kế nâng cấp dung lượng 4G lên tới 100%. Đây là số vị trí trạm mới được phát sóng trong 1 năm lớn nhất từ trước đến nay, vượt 35% kết quả của năm 2022.

Đối với dịch vụ thoại, phần lớn sẽ chuyển sang dịch vụ VoLTE và phần còn lại sẽ sử dụng dịch vụ thoại 2G. VTNet đã chủ động nâng cấp thêm 20% dung lượng 2G và đặc biệt nâng cấp 4G phục vụ VoLTE lên tới 2,5 lần.

Sau gần 2 năm triển khai, các kỹ sư đã hoàn thành tắt 33.000 trạm tại 61 tỉnh/thành phố, tương đương gần 85% số lượng trạm. Trong đó, 61 tỉnh đã hoàn thành tắt 100% ở mức huyện (còn lại 2 tỉnh Hà Nam và Ninh Thuận). Số trạm còn lại sẽ được tắt khi Viettel hoàn thành xây dựng các trạm 2G và 4G để bù vùng phủ tại các địa điểm, dự kiến hoàn thành trong đầu năm 2024. Việc này để đảm bảo việc tắt mạng 3G không làm ảnh hưởng đến vùng phủ cũng như chất lượng dịch vụ của Viettel.

Với chuyển dịch đó, số lượng thuê bao VoLTE đã tăng trưởng thêm 120%, nâng luỹ kế thuê bao VoLTE của Viettel lên 16 triệu. Về tài nguyên tái sử dụng từ 3G, 5MHz băng thông đã được chuyển cho 4G (tương đương 10% toàn mạng) và 10.000 thiết bị phát sóng đã được tái sử dụng cho mạng 4G tại Việt Nam.

Trong năm 2024, VTNet sẽ tiếp tục tiến tới tắt mạng 2G, qua đó thay thế hoàn toàn các công nghệ di động cũ (2G và 3G), sẵn sàng đáp ứng các ứng dụng công nghệ mới yêu cầu tốc độ cao, độ trễ thấp và mật độ thuê bao lớn.

  • 2708
  • 3

Cách làm độc đáo để Viettel tiên phong tắt trạm 3G

  • 3218
  • 1

Ngày này 5 năm trước của Viettel: First Call 5G

  • 664
  • 2

Công ty vốn hóa gần 50 tỷ USD muốn hợp tác nhiều lĩnh vực với Viettel

  • 472

'Thi đua sẽ tạo nên một VTNet mới'

  • 1311
  • 2

Thiết bị 5G Viettel được phân phối tại 9 quốc gia Trung Đông

  • 2736
  • 2
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua