Quốc Bình (TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel) đã đăng lúc 08:31 - 30.12.2024
Ngày 18/12/2024, TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (VTS) cùng các nhà mạng hàng đầu trong khu vực là China Telecom (Trung Quốc), China Unicom (Trung Quốc), NT (Thái Lan), PLDT (Philippines), Singtel (Singapore), Softbank (Nhật Bản), Tata Communications (Ấn Độ) đã tổ chức lễ khánh thành tuyến cáp biển ADC tại Hà Nội.
Trong vòng 8 năm qua, đây là hệ thống cáp quang biển truyền tải dung lượng lớn nhất, mới nhất được đưa vào khai thác, kết nối khu vực Đông Á và Đông Nam Á. ADC có 7 trạm cập bờ tại các quốc gia dọc theo tuyến cáp là Nhật Bản, Hồng Kông SAR, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam (tại Quy Nhơn, Bình Định).
Về thiết kế, tuyến cáp có cấu hình 8 cặp sợi (8FP) trên trục chính Singapore - Hồng Kông - Nhật Bản, sử dụng công nghệ ghép bước sóng mật độ cao với dung lượng thiết kế ban đầu trên 160Tbps và có thể hỗ trợ các công nghệ mới nhất trong tương lai. Đặc biệt, tuyến cáp biển ADC được thiết kế kết nối trực tiếp tới các trung tâm dữ liệu (Data Center) lớn nhất Châu Á bao gồm: Singapore, Nhật Bản và Hồng Kông.
Sau 6 năm triển khai, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, căng thẳng do xung đột chính trị trên thế giới, 9 nhà đầu tư (Viettel, Softbank, China Telecom Global, China Telecom Corporation, China Unicom, Singtel, TATA Communications, National Telecom, PLDT) của hệ thống ADC và nhà thầu NEC đã hoàn thành triển khai và ký nghiệm thu dự án vào ngày 8/11/2024.
Trong đó, Viettel là nhà đầu tư duy nhất tại Việt Nam sở hữu 1 cặp sợi (FP) trên trục chính với dung lượng thiết kế tối thiểu là 18 Tbps (có thể nâng cấp mở rộng theo công nghệ trong tương lai), đồng thời sở hữu toàn bộ nhánh cáp biển và trạm cập bờ tại Việt Nam. Khi đưa vào khai thác, ADC sẽ là tuyến cáp biển có dung lượng lớn nhất tại Việt Nam, gấp 2 lần tuyến cáp có dung lượng lớn nhất hiện tại là AAE-1.
Tuyến cáp thứ 5 này của Viettel sẽ cung cấp thêm một dung lượng lớn tốc độ cao kết nối từ Việt Nam đi quốc tế đáp ứng các dịch vụ/ công nghệ yêu cầu tốc độ cao, băng thông lớn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), thực tế ảo (AR/VR),… đồng thời tăng cường tính dự phòng, an toàn và bền vững cho hạ tầng Internet của Viettel nói riêng và Việt Nam nói chung.
Ông Tomonori Uematsu, Phó Chủ tịch cấp cao của Tập đoàn NEC chia sẻ: "NEC rất vinh dự được tham gia vào dự án uy tín này, tuyến cáp ADC sẽ hỗ trợ các ứng dụng ngày càng sử dụng nhiều băng thông được thúc đẩy bởi những tiến bộ công nghệ như 5G, đám mây, Internet vạn vật (IoT) và Trí tuệ nhân tạo (AI)”.
Cùng với các tuyến cáp biển hiện đang khai thác là TGN-IA, AAG, APG, AAE-1, cáp biển ADC sẽ là trợ thủ đắc lực, san tải với các tuyến khác, từ đó góp phần nâng cao độ an toàn mạng lưới, an toàn thông tin quốc gia cũng như nâng cao chất lượng các dịch vụ viễn thông của Viettel cung cấp đến khách hàng.
Viettel là một doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Quốc phòng, đóng vai trò quan trọng trong phát triển hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin tại Việt Nam. Dự án cáp biển ADC là minh chứng cho nỗ lực của đội ngũ Viettel trong việc thực hiện chiến lược phát triển các hệ thống cáp quang biển quốc tế của Bộ Thông tin và Truyền thông lộ trình tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2035.
Đặc biệt, công trình này càng trở nên ý nghĩa khi được hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây là một dấu ấn quan trọng, không chỉ trong việc phát triển quốc phòng, mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế và công nghệ của Việt Nam.
Cũng trong năm 2024, VTS đã cùng các nhà mạng hàng đầu trong khu vực đầu tư dự án cáp quang biển ALC kết nối các Hub lớn trong khu vực Châu Á, đồng thời chính thức công bố dự án cáp biển VTS - kết nối trực tiếp Việt Nam - Singapore cùng với Singtel. Đây hứa hẹn sẽ là tuyến cáp ngắn nhất kết nối trực tiếp Việt Nam tới Digital Hub lớn nhất châu Á là Singapore với băng thông và công nghệ tiên tiến nhất.