Open RAN Viettel: Phá vỡ độc quyền thiết bị viễn thông

Vũ Hải (TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel) đã đăng lúc 11:50 - 23.01.2025

Năm 2024, Viettel ghi dấu ấn mạnh mẽ khi công bố thương mại trạm gốc 5G Massive MIMO 32T32R do TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) thiết kế sử dụng chipset của Qualcomm.

“Chúng tôi đã dành hàng giờ, hàng tháng và hàng năm làm việc để chuẩn hóa Open RAN. Sự hợp tác giữa Viettel và Qualcomm thực sự đã làm cho điều đó trở nên khả thi. Massive MIMO là một trong những "viên ngọc quý" của các tiêu chuẩn Open RAN, và rõ ràng là các bạn đã phát triển thành công một sản phẩm rất cạnh tranh với hiệu suất cao, hiệu quả năng lượng tốt nhất và đảm bảo kế hoạch triển khai thương mại”, ông Eng Wei Koo, Đồng Chủ tịch phụ trách Lộ trình phát triển Hiệp hội Open RAN, không ngại ngần chia sẻ niềm phấn khích khi chứng kiến bộ trạm gốc 5G Massive MIMO 32T32R do VHT phát triển được thương mại hóa.

Sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế là kết quả từ cách cách làm khác biệt của Viettel ngay từ khi bắt tay nghiên cứu 5G…

DSC09391
Chuẩn viễn thông mở giúp Viettel và các hãng công nghệ toàn cầu cùng xuất phát trong hành trình chinh phục công nghệ.

Open RAN - cơ hội song hành với thế giới

Mạng truy cập vô tuyến (Radio Access Network - RAN) - bao gồm trạm phát sóng gốc và các thiết bị liên quan - là lớp thành phần quan trọng của mạng viễn thông, kết nối các thiết bị (điện thoại di động, máy tính, thiết bị điều khiển từ xa) với mạng lõi bằng các công nghệ không dây.

Trong một thời gian dài, thế giới chỉ có một số ít nhà cung cấp thiết bị viễn thông. Đó là các hãng công nghệ lớn, sản xuất và cung cấp linh kiện cho toàn cầu để xây dựng mạng di động, như Nokia, Ericsson,… Các vendor nắm giữ hầu hết bản quyền công nghệ liên quan đến RAN, khiến các mạng di động bắt buộc phải phụ thuộc khi triển khai công nghệ mới. Thực tế, Viettel đã nghiên cứu, chế tạo thành công các thiết bị mạng thế hệ 2G, 3G và 4G, nhưng đều sử dụng các sản phẩm RAN truyền thống.

Sự phát triển của công nghệ thúc đẩy sự phát triển của Open RAN - những tiêu chuẩn cho RAN nhưng cởi mở và được xây dựng bởi cộng đồng. Open RAN là “nước đi” để những hãng công nghệ mới như Intel, AMD, Qualcomm… có thể tham gia thị trường viễn thông mà không phụ thuộc vào các vendor (nhà cung cấp) Ericsson, Nokia, Motorola,… Bởi vậy, Open RAN nhanh chóng trở thành xu hướng quan trọng nhất lĩnh vực viễn thông toàn cầu trong vài năm gần đây. Chuẩn viễn thông mở cũng là cánh cửa để Viettel và các hãng công nghệ mới trên toàn cầu ở cùng vạch xuất phát trong hành trình chinh phục công nghệ viễn thông.

“Với mong muốn rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường và không lệ thuộc vào một nhà cung cấp, VHT lựa chọn cách làm là hợp tác cùng các hãng lớn trên thế giới như Intel, AMD, đặc biệt là Qualcomm”, anh Hoàng Đinh Hải Truyền, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị Vô tuyến băng rộng của VHT chia sẻ.

Chuyên gia của VHT cho biết VHT và Qualcomm chính thức hợp tác nghiên cứu trạm gốc 5G Open RAN sử dụng chipset của Qualcomm từ tháng 5/2022. Trong đó, các kỹ sư của VHT đảm nhiệm việc thiết kế hệ thống, phát triển phần mềm, phần cứng. Qualcomm đảm nhiệm các hạng mục về chipset 5G. Đối tác Qualcomm là hãng công nghệ hàng đầu thế giới về chipset và thiết bị đầu cuối, nhưng đây cũng là lần đầu tiên đơn vị này làm về sản phẩm hạ tầng mạng viễn thông. Trong khi đó, VHT có thế mạnh và kinh nghiệm khi đã nghiên cứu chế tạo thành công các thiết bị 4G, 5G.

Thời điểm 2 bên hợp tác, Qualcomm cũng đang trong quá trình phát triển nên tài liệu chưa hoàn chỉnh. Những kỹ sư của VHT lần đầu tiếp xúc với chipset Qualcomm gặp rất nhiều thách thức bởi đây là linh kiện có thiết kế phức tạp, mật độ tích hợp rất cao, đòi hỏi các khâu thiết kế, mô phỏng kiểm tra vô cùng kỹ lưỡng.

“Chúng tôi và Qualcomm đã huy động toàn bộ nguồn lực tham gia vào việc thiết kế. Đỉnh điểm là cuộc họp kỹ thuật huy động hơn 30 chuyên gia của Qualcomm cùng thảo luận cách làm. Những ngày sau đó, chúng tôi duy trì họp tối thiểu 2 lần một tuần liên tục với các nhóm đến từ Mỹ, Israel, Ấn Độ để thu thập thông tin thiết kế. Tất cả thông tin phác thảo đều được lưu lại từ những việc nhỏ nhất để VHT có thể để dự đoán tư tưởng thiết kế”, anh Hoàng Đinh Hải Truyền nói.

Chứng kiến sản phẩm trạm gốc 5G 32T32R hoàn chỉnh lần đầu phát sóng và chứng minh cho những ưu điểm công nghệ của Open RAN, ông Gerardo Giaretta, Phó Chủ tịch phụ trách Hạ tầng 5G của Qualcomm, khẳng định: sản phẩm của hai bên không thể thành công nếu thiếu khát khao làm chủ công nghệ của các kỹ sư VHT. Ông đặc biệt ấn tượng với hình ảnh những kỹ sư VHT luôn sẵn sàng học hỏi, thử nghiệm không ngừng và nhanh chóng khắc phục mọi sự cố. Đặc biệt, toàn bộ quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo,… được VHT và Qualcomm phối hợp hoàn thành chỉ trong 2,5 năm - chỉ bằng một nửa so với thời gian trung bình của các dự án tương tự trên thế giới.

“Tích hợp sản phẩm Open RAN thực sự rất khó và chỉ có thể thực hiện được nếu bạn thực sự có năng lực kỹ thuật xuất sắc. Và tôi nghĩ rằng VHT đã chứng minh họ có tài năng R&D. Viettel và Qualcomm chỉ có thể thương mại sản phẩm sớm ra nhờ vào đội ngũ kỹ sư VHT”, vị Phó Chủ tịch Qualcomm chia sẻ.

z5999476338908_21bc729a07c75df7cd55e15cec049a55
​Thời điểm hai bên hợp tác, Qualcomm vẫn đang hoàn thiện tài liệu phát triển.

Hiện thực hóa khát vọng độc lập - tự chủ lĩnh vực viễn thông

Trong năm 2024, VHT đưa sản phẩm Massive Mimo 32T32R triển khai thử nghiệm với trạm đầu tiên tại Hà Nội, tiếp đến là Hà Nam, rồi mở rộng sang khu vực miền Trung là Ninh Thuận. Các chỉ số kỹ thuật về tốc độ download, upload, vùng phủ sóng, số lượng người dùng, độ tiêu hao năng lượng,… cho thấy chất lượng của mạng từ các trạm 5G Open RAN do VHT phát triển tương đương với những mạng 5G từ vendor truyền thống, trong khi chi phí đầu tư hạ tầng và vận hành khai thác tối ưu hơn.

TGĐ VHT Nguyễn Vũ Hà cho biết với việc triển khai các trạm phát sóng 5G Open RAN, VHT đã hoàn thiện danh mục các giải pháp 5G trọn bộ từ mạng lõi đến các khối vô tuyến (RAN). Theo mục tiêu của Tập đoàn, VHT sẽ từng bước thâm nhập thị trường toàn cầu. Thị trường Việt Nam sẽ là nền tảng để sản phẩm 5G “Made by Viettel” tiến xa hơn ra thế giới.

“Theo kế hoạch, 500 trạm 5G Open RAN được triển khai trong năm 2024 và tiếp tục mở rộng vào năm 2025. Song song với thị trường trong nước, VHT sẽ tích cực xúc tiến sản phẩm 5G vươn ra quốc tế, bao gồm Ấn Độ và các thị trường tiềm năng như Trung Đông trong tương lai”, TGĐ VHT chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Vũ Hà, nhiều doanh nghiệp viễn thông sản xuất mạng vô tuyến theo xu hướng Open RAN nhưng số lượng làm chủ toàn bộ từ phần xử lý băng gốc đến xử lý vô tuyến, tương thích với Open RAN như VHT không nhiều. Nhờ đó, VHT hoàn toàn có khả năng tuỳ biến sản phẩm và cung cấp theo nhu cầu của khách hàng.

Với 500 trạm 5G Open RAN, dựa trên thực tế về điều kiện mạng lưới và điều kiện kỹ thuật, đây là con số không hề nhỏ với một nhà mạng mới phát triển, VHT đã lựa chọn cho mình thị trường ngách, tập trung vào thế mạnh của mình để đưa sản phẩm mở rộng ra quốc tế.

  • 947

Thế giới nói gì về VHT?

  • 1296

Viettel và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng mở giai đoạn hợp tác mới

  • 1422

VTPost tăng tốc ngay từ đầu năm, sẵn sàng chinh phục mục tiêu mới

  • 1210
  • 3

Chủ tịch Tập đoàn kiến nghị Thủ tướng giải pháp bứt phá về chuyển đổi số

  • 4562

Viettel có 5,5 triệu thuê bao 5G - Cơ hội lớn cho các tỉnh tăng trưởng

  • 641
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua