‘Tần số vàng’ 2600 MHz của Viettel đắt hay rẻ?

Minh Anh (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 17:44 - 04.04.2024

Viettel thành công trong việc giành quyền sử dụng băng tần 2500 - 2600 MHz với mức giá 7.533 tỷ đồng, cao gần gấp đôi giá khởi điểm. Mức giá này đắt hay rẻ?

Với quyền sử dụng băng tần 2500 - 2600 MHz, Viettel có thể triển khai hiệu quả đồng thời mạng di động 4G và mạng di động 5G trên khối băng tần mới, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ 4G hiện nay và chính thức cung cấp dịch vụ 5G. 

Đặc biệt, 100% điện thoại và thiết bị phát sóng nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay đã hỗ trợ đáp ứng băng tần 2500 - 2600 MHz theo đúng quy chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông về thiết bị đầu cuối mạng thông tin di động 5G.

Lựa chọn tất yếu

2 cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần B1 (2500 - 2600 MHz) và khối băng tần C2 (3700 - 3800 MHz) cho 15 năm sử dụng có giá khởi điểm lần lượt 3.983 tỷ đồng và 1.956 tỷ đồng. Theo đó, giá khởi điểm của khối băng tần B1 cao hơn gấp 2 lần và giá trúng đấu giá của Viettel với khối băng tần B1 cao hơn gấp 3,7 lần so với khối băng tần C2.

Theo anh Lê Bá Tân, Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn, lý do chênh lệch mức giá đến từ việc băng tần B1 có giá trị cao hơn hẳn so với băng tần C2. Anh Tân cho biết: “Về bản chất, thế giới đã đánh giá băng tần 2500 - 2600 MHz rất hiệu quả. Chưa bàn đến quy mô thị phần các nhà mạng, băng tần này có lợi thế gấp đôi so với băng tần 3700 - 3800 MHz”.

EmptyName 113 copy
Theo anh Lê Bá Tân, số tiền Viettel đã bỏ ra để sở hữu khối băng tần 2500 - 2600 MHz là hoàn toàn xứng đáng

Hiện nay, khối băng tần 2500 - 2600 MHz được xem là phổ tần số phù hợp cho việc triển khai mạng 4G và 5G. Theo Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSMA), đoạn băng tần này đã được ấn định cho các nhà khai thác di động ở ít nhất 108 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Hầu hết các nước đã cấp phép băng tần 2500 - 2600 MHz theo quy hoạch FDD (ghép kênh phân chia theo tần số) từ năm 2009. Quy hoạch TDD (ghép kênh phân chia theo thời gian) từ năm 2018 đến nay được một số nước quan tâm, áp dụng như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản,Thái Lan, Indonesia,... 

Khối băng tần 2500 MHz - 2600 MHz vẫn là sự lựa chọn tốt nhất nếu Viettel phải chọn giữa tần số này và tần số C2 (3700 - 3800 MHz) và C3 (3800 - 3900 MHz) - 2 tần số chỉ triển khai được cho mạng 5G. 

Theo chuyên gia Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, nhu cầu hiện tại của thị trường thông tin di động của Việt Nam nói riêng, và thậm chí cả thế giới trong một thời gian dài nữa, vẫn là dịch vụ 4G.

Hiện nay, Viettel đang là nhà mạng có số lượng thuê bao data lớn nhất, chiếm đến hơn 50% thị phần (khoảng hơn 40 triệu thuê bao) và có số lượng trạm BTS lớn nhất nên Viettel có lợi thế hơn rất nhiều về chi phí băng tần trên từng thuê bao và trên mỗi trạm BTS.

Đặc biệt, Viettel luôn tiên phong lắp đặt trạm, “xoá lõm" tại vùng sâu, vùng xa nên khách hàng Viettel phân bổ ở mọi vùng miền, với tỷ trọng người dùng ở nông thôn, miền núi, hải đảo lớn hơn hẳn các nhà mạng khác. Người dùng ở khu vực này chưa có nhu cầu sử dụng 5G sớm và nhu cầu 4G vẫn cao. Do đó, băng tần B1 lại càng có ý nghĩa và có giá trị hơn nữa đối với Viettel so với các nhà mạng khác.

Theo anh Lê Bá Tân, với riêng Viettel, lợi thế về quy mô thị phần và vùng phủ di động tại thị trường viễn thông Việt Nam đã giúp cho giá trị thực tiễn của băng tần 2500 - 2600 MHz tăng gấp 5 - 6 lần.

Vì thế, đứng trước cuộc đấu giá mang tính quyết định cho 15 năm tới, với quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu của quốc gia nói chung và Viettel nói riêng, Tập đoàn không có sự lựa chọn nào tốt hơn và không có mục tiêu nào cao hơn băng tần 2500 - 2600 MHz.

DJI_0934
Tần số 2500 - 2600 MHz càng có ý nghĩa và giá trị hơn nữa đối với Viettel do lợi thế vượt trội về quy mô hạ tầng và số lượng thuê bao

Mức giá hợp lý

Tuy nhiên, giá trị sử dụng của băng tần luôn tương ứng, tỷ lệ thuận với mức độ cạnh tranh của cuộc đấu giá. Giá trị băng tần càng cao, số lượng nhà mạng mong muốn nắm quyền sử dụng băng tần càng lớn. 

Nhằm tránh tình trạng tích tụ tần số, đảm bảo tính công bằng và cạnh tranh lành mạnh, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định mỗi nhà mạng chỉ được tham gia một khối tần số nhất định. Do đó, cuộc đấu giá quyền sử dụng băng tần 2500 - 2600 MHz, băng tần hiệu quả nhất trong số 3 băng tần dự định đấu giá, càng được quan tâm với mức độ cạnh tranh quyết liệt hơn bao giờ hết. 

 “Chúng ta chịu áp lực phải chiến đấu và đã chiến đấu thì phải chiến thắng trong cuộc đấu giá có mức độ cạnh tranh cao nhất”, anh Tân nhớ lại. 

Khối tần số tốt nhất được đặt lên bàn đấu giá ngay trong cuộc đấu đầu tiên, hội tụ đông đủ tất cả nhà mạng tham gia. Trải qua 24 vòng đấu giá, Viettel đã tuân thủ đúng tính chất minh bạch, công khai, khách quan, có đầy đủ yếu tố cạnh tranh của thị trường và kiên trì đến mức giá cuối cùng. 

Theo anh Lê Bá Tân, mức giá đã bỏ ra thấp hơn nhiều so với tính toán của Tập đoàn về giá trị tần số mang lại trong vòng 15 năm tới. Ngay trong năm 2024, chất lượng mạng di động 4G của Viettel sẽ có sự thay đổi. 

“Mỗi cuộc đấu giá sẽ có những tính chất khác nhau. Nhưng ngay cả trong điều kiện đấu giá thuận lợi hơn, con số 7.533 tỷ đồng mà Viettel đã bỏ ra hoàn toàn xứng đáng. Tần số vô tuyến điện 2500 - 2600 MHz mang lại cuộc đấu giá thành công cho Viettel, cũng đánh dấu lần đầu tiên Viettel có tần số mới sau 15 năm kể từ năm 2009”, Trưởng ban Kỹ thuật Tập đoàn chia sẻ.

Trúng đấu giá 'băng tần vàng' có ý nghĩa như thế nào với Viettel?

Viettel chính thức có 'băng tần vàng' cho 4G và 5G

  • 1

Bitel xuất sắc thắng 3 tần số quan trọng tại Peru

  • 2

Viettel trình diễn năng lực công nghiệp quốc phòng tại thị trường Malaysia

Viettel hỗ trợ truyền thông hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

VTPost được vinh danh TOP500 doanh nghiệp phát triển nhất Việt Nam

Tại sao nói Data Center Hòa Lạc của Viettel là 'chuẩn xanh'?

  • 2
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua