Quỳnh Nguyễn (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 16:05 - 22.06.2023
Ngày 10/6, Cơ quan Xúc tiến đầu tư tư nhân (Proinversión) và Bộ Giao thông Truyền thông (MTC) của Peru đã công bố kết quả và trao giấy phép khai thác băng tần vô tuyến AWS-3 và 2,3GHz cho Viettel Peru. Như vậy, Bitel trở thành nhà mạng duy nhất trúng cả 3 gói thầu sở hữu 30MHz tần số 2300 và 30MHz tần số 1700 với thời hạn 20 năm.
Đây là chiến thắng tuyệt đối dành cho Bitel để bổ sung nguồn tài nguyên tần số quan trọng, đảm bảo cho hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.
Trong suốt 10 năm qua, Bitel luôn phải đối mặt với thử thách về vấn đề thiếu tần số, gây bất lợi trong quá trình phát triển hạ tầng mạng lưới tại quốc gia có diện tích rộng gấp 4 lần so với Việt Nam và địa hình phân chia phức tạp.
Điểm khác biệt giúp Bitel chiến thắng trong cuộc đấu thầu băng tần tại Peru là cam kết phủ sóng và kết nối dịch vụ di động, Internet 4G cho 3.825 khu vực trên cả nước.
Thứ trưởng MTC Patricia Carreño cảm ơn Bitel vì đã cam kết đầu tư lâu dài tại Peru và tuyên bố: “Việc trao tần số cho Bitel là cột mốc quan trọng đối với ngành viễn thông Peru. Chúng tôi vui mừng vì gần 4.000 địa phương ở vùng nông thôn của đất nước sẽ được cải thiện khả năng kết nối và tiếp tục thu hẹp khoảng cách số”.
Với 2 gói thầu 30MHz tần số 2300, Bitel đã vượt qua Claro với 44.421,4500 điểm. Đồng thời, Bitel thắng Entel và Claro với số điểm 18.955,9998 để sở hữu 30MHz tần số 1700.
Mức điểm bỏ thầu của Bitel rất sát so với đối thủ khẳng định sự nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng tình hình và chiến lược bỏ thầu thông minh chính xác của lãnh đạo Tập đoàn, Viettel Peru và các đơn vị hỗ trợ từ xa như VTNet, VTG trong dự án được coi là nóng gấp và cấp thiết với Bitel. Kết quả này mang lại nhiều lợi ích cho Bitel như tiết kiệm 115 triệu USD chi phí đầu tư và vận hành khai thác trong 5 năm tới, nâng quỹ tần số sau trúng thầu lên đến 108,5MHz, tương đương với Entel đang là mạng sở hữu nhiều tần số nhất hiện nay.
Trong quá trình chuẩn bị, để đánh giá tiềm lực thực sự và mức độ cần thiết tần số của đối thủ, CEO Bitel Phạm Anh Đức tiết lộ rằng, đội ngũ nhân sự của Viettel Peru đã phối hợp với VTNet tại Việt Nam mạnh dạn “đi quy hoạch cả mạng lưới cho đối thủ”.
“Ngoài chi tiết đặc biệt đó, tinh thần dám làm, không ngại khó, ngại khổ từ thời điểm bắt đầu quy hoạch tới lúc thực hiện cam kết - đó là điểm mạnh trong văn hóa con người Viettel mà đối thủ khác ở Peru không có hoặc không làm được”, CEO Bitel chia sẻ.
Với tần số mới, Bitel cũng sẽ gia tăng được thế mạnh về tài nguyên và kinh doanh tại trục Tây của Peru - khu vực phía biển Thái Bình Dương, kinh tế phát triển, dân cư tập trung, thu nhập cao nhưng Bitel liên tục gặp khó khăn để nâng cao chất lượng dịch vụ do thiếu tần số trong thời gian dài trước đây.
TGĐ Bitel Phạm Anh Đức (áo vàng) tại buổi lễ khánh thành trạm phát sóng tại một vùng núi thuộc khu vực Yurimaguas, tỉnh San Martin
Thành công vượt mong đợi với 3 tần số mới, CEO Bitel Phạm Anh Đức cũng khẳng định phía trước là nhiều thách thức lớn hơn khi phải xây dựng phương án quy hoạch, sử dụng tần số hiệu quả nhất, nhanh chóng triển khai các chương trình hành động, mở rộng hạ tầng, tối ưu chất lượng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh để đảm bảo đúng cam kết với Chính phủ Peru, góp phần tăng doanh thu cho Bitel trong năm 2023 và giai đoạn 3-5 năm tới.