Tuấn Minh (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 12:13 - 09.12.2024
Trong đêm tối, giữa rừng sâu, ánh đèn pin le lói chiếu sáng con đường của anh em kỹ sư Trung tâm C7 - Viện Hàng không Vũ trụ Viettel (VTX). Tiếng bước chân lạo xạo trên lá khô vang vọng trong đêm. Khi đáng ra nên ở bên gia đình, các kỹ sư lại "hành quân" giữa rừng sâu, trong bóng tối. Mỗi đợt hành quân kéo dài vài ngày liền.
Lên rừng rồi xuống biển
Anh Lê Sỹ Đức, PGĐ Trung tâm C7, cho biết trung tâm đảm nhiệm việc xây dựng hệ thống mô phỏng. Hệ thống này giúp giảm thiểu tối đa số lần thử khí tài ngoài thực địa, nhưng để vận hành chính xác, cần dữ liệu từ thực tế. Khí tài hoạt động trong điều kiện nào, các kỹ sư phải đưa điều kiện đó vào buồng mô phỏng.
Vì thế, các kỹ sư C7 thường xuyên "xách ba lô" lên đường đến mọi nơi khí tài hoạt động. Họ phải đối mặt với rừng thiêng nước độc, nơi vắt và đỉa đầy rẫy. Suối nước siết và chỉ sau vài phút, vắt đã bám đầy quần áo và chân tay. Từ rừng sâu, vách núi cheo leo đến biển khơi cuộn sóng, họ không bỏ sót một địa hình nào. Khi lênh đênh trên biển, sóng càng lớn càng mang lại thông tin giá trị.
"Sóng lớn, mùi dầu nồng nặc, anh em mắt dán vào màn hình laptop nhìn dữ liệu, dù say sóng muốn ngất cũng không dừng", anh Đức kể. Sau những cơn sóng, nhiều người nằm la liệt, mặt xanh xao vì nôn.
Những cuộc thử nghiệm hàng tháng trời
Anh Võ Như Dẫn, phụ trách Trung tâm K1 của VTX cũng thường xuyên lên rừng, xuống biển. Khác chỗ nhiệm vụ của anh là thử nghiệm khí tài ngoài thực địa. Không chỉ vất vả bởi nắng mưa thao trường, điều khiến các kỹ sư nặng lòng nhất là nỗi nhớ gia đình.
"Những lúc đứng giữa núi rừng, xa nhà hàng vạn dặm, chúng tôi cũng cảm thấy cô đơn, bâng khuâng", anh Dẫn chia sẻ. Đi thử nghiệm xa biền biệt, có khi "bặt vô âm tín", khiến một cuộc gọi hay tin nhắn về nhà cũng trở thành khó khăn.
Kỹ sư VTX thường trở thành những người kín tiếng trong gia đình. "Không ở nhà cả tháng trời, nhưng gia đình không biết mình đi đâu, làm gì. Chỉ nhận được câu trả lời: đi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng", anh Dẫn nói.
Lý tưởng là ngôi sao dẫn lối
Dù vất vả, các kỹ sư VTX không bao giờ chùn bước. Anh em Trung tâm C7 luôn nỗ lực đi đến cùng. "Có những cánh rừng ngày đầu cây che lấp lối, sau 1 - 2 năm, đường đã đủ rộng để xe bán tải đi vào", anh Đức kể lại.
Với Trung tâm K1, cách khỏa lấp nỗi nhớ nhà chính là dồn hết tâm huyết để khí tài được thử nghiệm thành công. Dù điều này đồng nghĩa với việc dù phải xa nhà thêm hàng tháng trời, họ vẫn sẵn sàng.
Những câu chuyện về sự hy sinh này không chỉ của C7 hay K1 mà còn ở bất cứ đơn vị nào của VTX. Có người chấp nhận rừng thiêng, nước độc; có người hy sinh thời gian bên gia đình. Có người từ bỏ cơ hội làm việc ở những tập đoàn công nghệ lớn như NASA, Boeing, Airbus để về nước cống hiến.
Điều gì khiến họ chấp nhận những gian khó và từ bỏ điều kiện tốt hơn? Các kỹ sư trả lời theo cách riêng, nhưng tựu chung lại, họ cảm thấy mình đang làm điều lớn lao. Những khí tài hiện đại hơn, chính xác hơn, sẽ giúp bảo vệ Tổ quốc vững chắc hơn - là câu trả lời của họ.
Mỗi sự hy sinh của người VTX đều góp phần gìn giữ hòa bình cho Tổ quốc. Đây là những điều lớn lao, cao cả. Khi hy sinh cho một điều lớn lao, đó chính là lý tưởng. Và khi cuộc đời có lý tưởng, đó thực sự hạnh phúc.