Việt Nhật (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 19:55 - 09.12.2024
Trong bất kỳ lĩnh vực nào, từ quân sự đến công nghệ, việc làm chủ công việc và có khả năng sáng tạo để giải quyết vấn đề là yếu tố quyết định đến thành công. Không phải lúc nào những giải pháp truyền thống hay sự phụ thuộc vào những yếu tố đã có sẵn sẽ mang lại hiệu quả tối ưu. Chính sự chủ động, sáng tạo trong công việc sẽ mở ra những hướng đi khác biệt. Nhân sự VTX rất giỏi trong chuyện này.
Khó khăn đa dạng
Chị Lê Thị Hằng, Giám đốc Trung tâm C4, Viện hàng không vũ trụ Viettel, không bao giờ quên nhiệm vụ xây dựng thiết bị dẫn đường trong khí tài quân sự công nghệ cao. “Đây là việc cực kỳ khó khăn và phức tạp. Đầu dẫn là phần quan trọng nhất trong hệ thống khí tài. Không quốc gia nào muốn chuyển giao công nghệ ở lĩnh vực này cả. Tài liệu cũng không có”, chị Hằng kể lại. “Thậm chí có những lần gặp đối tác, tôi chỉ cần đề cập tới tên, họ đã lập tức đứng dậy”.
Với anh Hoàng Trọng Biên, Phó GĐ Trung tâm C3, chuyện lại liên quan tới đường thủy. Năm 2022, nhóm nghiên cứu của đồng chí Hoàng Trọng Biên được giao nhiệm vụ tinh chỉnh thuật toán điều khiển để nghiệm thu khí tài quân sự công nghệ cao triển khai trên tàu thủy.
"Vì triển khai sản phẩm trên tàu, thuyền nên thuật toán phải thông minh hơn để có thể xử lý với sự rung, lắc do sóng biển gây ra. Khác với việc triển khai hệ thống trên đất liền, môi trường biển yêu cầu thuật toán phải xử lý được độ sóng, độ gió, tần số dao động của thuyền…", anh Biên kể lại.
Khó khăn là vậy, nhóm nghiên cứu còn phải đối mặt với áp lực về thời gian. Tháng 6/2022, nhóm phải nghiệm thu tính năng của sản phẩm. Nhưng phải đến tháng 5/2022, anh Biên cùng đồng nghiệp mới có thể lắp đặt đầy đủ các thiết bị trên tàu. Các kỹ sư VTX chỉ có một tháng để thử nghiệm tất cả các bài test trong khi tiêu chuẩn yêu cầu ít nhất hơn 2 tháng.
Chủ động, sáng tạo để vượt thác
Không nản chí trước những khó khăn trăm bề, chị Hằng vượt qua thách thức bằng sự chủ động trong chuyện nhỏ nhất. Chị chủ động khai thác từng chút một từ mọi nguồn tài nguyên sẵn có như sách vở và báo chí. Trong các cuộc gặp đối tác, chị Hằng liên tục đặt ra các câu hỏi để gợi mở, thu thập được các thông tin. Dù ít, nhưng sau khi gặp rất nhiều đối tác, lượng thông tin bắt đầu được bồi đắp.
“Tôi hay gọi quá trình này là “cào cát”. Cứ cào nhiều đám cát thì sẽ có được một nắm cát. Từ nắm cát đó, chúng tôi mới đi xây dần ra các sản phẩm”, chị Hằng nhớ lại. Chính nhờ “nắm cát” thu thập được từ các cuộc gặp ngắn ngủi với đối tác, cùng nền tảng tri thức vững vàng, Chị Hằng cùng trung tâm C4 đã xây dựng thành công đầu dẫn, điều không ai dám tin tưởng trước đó.
Với anh Biên, tinh thần sáng tạo lại đến từ khoảnh khắc “chớp thời cơ” rất nhanh nhạy. Gặp khó cả về bối carh lẫn thời gian, nhóm nghiên cứu quyết định không trông chờ đến ngày thiết bị được tích hợp lên tàu. Thay vào đó, các kỹ sư VTX tận dụng thời gian 4 tháng chờ đợi trước đó để sáng tạo ra nhiều trường hợp, bối cảnh tại phòng lab, để nghiệm thu hết các tính năng.
“Khi biết tin cảnh sát biển bàn giao tàu từ Hà Tĩnh ra Hải Phòng để sửa chữa, chúng tôi lập tức nảy ra ý tưởng: mượn hành trình tàu đi từ Hà Tĩnh để thử nghiệm tính năng cho trang thiết bị của mình”, anh Biên kể lại.
Tất cả lập tức đến Hà Tĩnh. Trong thời gian tàu di chuyển đến Hải Phòng, anh và các đồng đội lắp đặt các thiết bị đo lường để thu lại phản ứng của tàu trên biển.
Kết quả: chỉ sau 2 ngày lênh đênh trên biển, nhóm kỹ sư VTX đã thu được nhiều dữ liệu quý giá. “Chúng tôi thu thập được rất nhiều dữ liệu, đủ để mô phỏng môi trường thuyền lênh đênh trên mặt biển”, anh Biên nói.
Sức sáng tạo và chủ động trong các bối cảnh khó khăn nhất là điểm tựa giúp nhân sự VTX hoàn thành các nhiệm vụ được giao, góp phần giúp Viện hàng không vũ trụ hoàn thành đề án A1, từ đó được trao tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".