Ngày 29/11, Viettel cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ký kết thỏa thuận hợp tác mới nhất, giai đoạn 2025-2030, và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí.
Trước đó vào năm 2019, Viettel và PVN đã ký thỏa thuận hợp tác tới năm 2024. Điểm nổi bật của hợp tác này là Hệ thống cơ sở dữ liệu tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí.
Điểm nhấn hệ thống cơ sở dữ liệu trong thỏa thuận 2019-2024
Hệ thống do Viettel phát triển, may đo riêng cho PVN, đã số hóa dữ liệu hơn 900 giếng khoan. Bên cạnh đó là loạt dữ liệu đặc biệt khác liên quan đến thăm dò và khai thác dầu khí như hình ảnh địa vật lý và kết quả đo địa chất 2D, 3D. Các dữ liệu này đến từ hàng nghìn giếng khoan dầu của PVN, chứa thông tin về địa chất, trữ lượng dầu, và nhiều yếu tố khác. Viettel cùng PVN đánh giá khối lượng dữ liệu khổng lồ nêu trên cần được tổ chức và phân tích sử dụng một cách hiệu quả để nâng cao năng suất và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi của PVN. Việc Viettel tham gia hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu và số hóa các thông tin giúp giảm tải khối lượng công việc trong toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Với hệ thống từ Viettel, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có thể thu thập, lưu trữ và quản lý dữ liệu về hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí đồng bộ, tăng tính chính xác và hiệu quả của quá trình quản trị, đánh giá rủi ro, xây dựng chiến lược cho các hoạt động khai thác và kinh doanh.
Việc xây dựng hệ thống được bắt đầu vào ngày 30/8/2023 và kết thúc giai đoạn thử nghiệm vào tháng 11/2024. Lãnh đạo PVN đánh giá cao dự án do phía Viettel đã phải xử lý khối lượng công việc rất lớn, các kỹ sư Viettel hầu hết không có chuyên môn dầu khí. Bên cạnh hệ thống cơ sở dữ liệu, Viettel cũng đã khảo sát giải pháp tự động hóa và thông minh hóa nhà máy của PVN, thảo luận về các dự án năng lượng tái tạo cùng PVN.
Hướng tới chuyển đổi số mạnh mẽ trong giai đoạn tới
Trong giai đoạn 2025 - 2030, Viettel và PVN sẽ mở rộng dự án xây dựng cơ sở dữ liệu tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí sang các giai đoạn tiếp theo. Hai bên hợp tác để Viettel trở thành nhà cung cấp số 1 tại Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp ứng dụng công nghệ cao (5G2B, tự động hóa, tối ưu vận hành nhà máy,…) tại các nhà máy sản xuất của PVN.
Theo ông Lê Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn PVN, việc đưa hệ thống cơ sở dữ liệu tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí là một dấu mốc quan trọng. Hệ thống này giúp PVN trong bài toán số hóa dữ liệu đặc thù cồng kềnh và phức tạp.
Bên cạnh đó, Giám đốc Điều hành Lê Ngọc Sơn chia sẻ chiến lược kinh doanh đến năm 2050 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Theo chiến lược này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải trở thành Tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia. Từ đó, Ban lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhất trí rằng chuyển đổi số là nền tảng để tạo đà phát triển theo định hướng chiến lược nêu trên. Bằng chứng là PVN đã thành lập Ban Chuyển đổi số thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để chuyên trách và dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số nội bộ.
“Tôi mong muốn đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số đã nêu ra theo chiến lược chuyển đổi số. Với thế mạnh của Viettel, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Viettel có thể đáp ứng nhu cầu của chúng tôi. Tôi cam kết sẽ đồng hành cùng Viettel để triển khai thêm nhiều hợp tác hiệu quả và mang lại giá trị lớn hơn”, CEO Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói.
Chủ tịch – TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng trao đổi trước các lãnh đạo PVN về sản phẩm cơ sở dữ liệu tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí. Đây là sản phẩm cụ thể giữa Viettel và PVN, đồng thời chứng minh năng lực của hai bên. Sản phẩm này cũng là khởi đầu cho nhiều sản phẩm thiết thực trong tương lai của Viettel phối hợp cùng PVN.
“Viettel và PVN là hai doanh nghiệp tiên phong của đất nước. PVN tiên phong về công nghiệp năng lượng và Viettel tiên phong về phát triển công nghệ. Để hiện thực những sứ mệnh cao cả, chúng ta tìm đến nhau để bổ sung cho những điểm khuyết, thêm sức mạnh để tiếp tục vươn ra thế giới”, người đứng đầu Tập đoàn nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Tập đoàn, Viettel và PVN cùng là hai doanh nghiệp Việt Nam vươn ra các thị trường nước ngoài và gặt hái được thành công. Điều này minh chứng cho trí tuệ và năng lực người Việt vươn ra thế giới bằng tiềm lực, kinh nghiệm và sự can đảm. Đặc biệt, Viettel và PVN cũng tự hào khi có những khoản đầu tư thành công tại Peru.
Để bổ sung các điểm khuyết, Chủ tịch Tào Đức Thắng chỉ ra 4 lĩnh vực Viettel và PVN có thể bắt tay ngay vào nghiên cứu để hợp tác, cụ thể:
- Viettel sẽ tăng cường an ninh, an toàn trên môi trường số cho PVN: PVN là doanh nghiệp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia vì vậy an ninh dữ liệu là điều quan trọng và được đặt lên hàng đầu. Viettel là đơn vị hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực an ninh mạng với đội ngũ kỹ sư hàng đầu thế giới.
- Viettel mong muốn có thể tham gia nghiên cứu, sản xuất các thiết bị cho PVN: Giải quyết được bài toán PVN phải nhập khẩu thiết bị với giá thành cao đồng thời phụ thuộc vào nguồn cung thiết bị nước ngoài.
- Viettel muốn cung cấp hệ thống kết nối công nghệ cao và nền tảng lưu trữ cloud: Viettel nâng cấp hệ thống liên lạc, truyền tin trải khắp thế giới của hệ sinh thái PVN.
- Các công ty, thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn PVN: Toàn bộ thành viên trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có thể tham gia sử dụng giải pháp, chuyển đổi số do Viettel cung cấp.
- Viettel mong muốn tìm hiểu, cùng PVN đầu tư và nghiên cứu lĩnh vực công nghệ năng lượng mới: Lĩnh vực này có thể phát huy thế mạnh của hai bên không chỉ dừng lại ở chuyển đổi số mà phát triển một công nghệ hoàn toàn mới.