Phương Việt (TCT Đầu tư Quốc tế Viettel) đã đăng lúc 06:32 - 26.12.2024
Quên đi cách làm đã từng thành công để bắt đầu một cách làm mới và tìm thấy sự bứt phá mới – Đó là cách Viettel Global hành động.
Quý 3/2024 - Kỳ công bố báo cáo tài chính gần nhất, TCT Đầu tư Quốc tế Viettel (VTG, mã chứng khoán: VGI) ghi nhận quý thứ 11 liên tiếp có doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ. Không chỉ vậy, trong suốt 4 quý vừa qua, mức tăng trưởng của doanh thu đều đặn trên 20%.
Phong độ này hiếm có doanh nghiệp nào làm được.
9 tháng đầu năm 2024, Tổng công ty đảm nhận nhiệm vụ đầu tư và kinh doanh tại nước ngoài của Tập đoàn đã cán mốc doanh thu 25.724 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả các thị trường đều tăng, với động lực từ thuê bao 4G, băng rộng cố định (FTTH). Các con số này đặt trong bối cảnh thị trường viễn thông toàn cầu chỉ đạt mức tăng trưởng 4,1% (theo Gartner).
VTG đã chứng tỏ sự chuyển dịch thành công từ công ty viễn thông thuần túy sang công ty công nghệ với việc cung cấp các dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp và Chính phủ. Trong đó, các công ty ví điện tử tại thị trường châu Phi tiếp tục chứng kiến sự nhảy vọt ấn tượng về doanh thu.
Vào tháng 5, một thành tích mới được ghi nhận khi Movitel tại Mozambique - một trong những nơi khó chinh phục nhất - trở thành thị trường thứ 7 (trên 10 thị trường) của Viettel giành số 1 thị phần sau 12 năm kinh doanh.
Cũng trong năm 2024, giá trị vốn hoá thị trường của VTG trên sàn chứng khoán Việt vươn lên mức cao nhất vào tháng 7/2024, đạt hơn 13 tỷ USD nhờ vào việc giá cổ phiếu VGI tăng hơn 300%.
Bốn năm gần đây, tỷ lệ thu hồi vốn từ các thị trường nước ngoài ngày càng tăng. Dòng tiền về Việt Nam đạt trung bình 400 - 500 triệu USD/năm. VTG đặt mục tiêu năm 2025 - 2026 cơ bản thu hồi toàn bộ vốn đầu tư nước ngoài".
Công ty Chứng khoán Vietcap nhận xét, tỷ lệ đòn bẩy tài chính của VTG đã giảm đáng kể từ năm 2020, sau khi đã hoàn thành kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông tại cả 9 thị trường. Kể từ năm 2025, có thể nói VTG yên tâm thu lợi nhuận và có khả năng chia cổ tức.
Bước ngoặt trong định hướng chiến lược của Tập đoàn từ Việt Nam 'toả ra' các thị trường khác bắt đầu vào năm 2019 với từ khoá là 4G. Dùng 4G làm lợi thế cạnh tranh, kết hợp những giải pháp đột phá và linh hoạt tại từng thị trường, đó là cách mà tất cả các thị trường của VTG hành động trong 4 năm qua, hay còn gọi là "quên đi cách làm đã từng thành công để bắt đầu một cách làm mới" và tìm thấy sự bứt phá mới.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng quá trình này đòi hỏi sự đầu tư về tài chính, con người, cũng như sự quyết liệt và sáng tạo trong hành động, chưa kể tinh thần vững để đối mặt với các vấn đề bạo loạn, thiên tai tại các quốc gia khác nhau.
Đơn cử như tại Châu Phi, Viettel vào thị trường sau các doanh nghiệp nước ngoài, khi mà 2G và 3G đã bị chiếm lĩnh. Các đơn vị thành viên vẫn đi theo chiến lược xây hạ tầng phủ rộng, đưa viễn thông về nông thôn để "vây thành thị", rồi sau đó tiến về thành phố và tập trung vào phân khúc khách hàng có mức tiêu dùng cao. Trong 3 năm qua, các thị trường đã tiên phong phát triển 4G vì đây là thị trường mà người châu Phi "khát" nhưng lại thiếu vì giá dịch vụ chưa hợp lý đã trở thành một rào cản với nhiều người dân có nhu cầu.
Bên cạnh 4G, các công ty thị trường đã thực hiện hiệu quả chiến lược chuyển dịch kinh doanh từ dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin truyền thống sang các lĩnh vực mới như data, dịch vụ số, lĩnh vực B2B, ví điện tử... và dịch vụ cố định băng rộng FTTH (Fiber to the home, kết nối trực tiếp nhà với cáp quang).
Trong đó, dịch vụ FTTH được đẩy mạnh ở châu Á và kết quả FTTH đóng góp lớn vào delta tăng trưởng doanh thu cho các thị trường.
Có thể chọn ra một thị trường nổi bật trong năm nay để làm minh chứng cho chiến lược của VTG, đó là Mozambique với thương hiệu Movitel.
Tháng 5/2024, Mozambique trở thành thị trường thứ 7 của Viettel vươn lên chiếm thị phần số 1 với 11,7 triệu thuê bao - nhiều hơn 100.000 thuê bao so với nhà mạng thứ hai Vodacom. Không chỉ vươn lên số 1 ở thuê bao, Movitel cũng đạt số 1 về doanh thu dịch vụ di động.
Với tuổi đời 12 năm, Mozambique chính là bước chân đầu tiên của Viettel tại Châu Phi, cũng là một trong những thị trường khó chinh phục nhất. Thực ra, vị trí số 1 này đã được phấn đấu khá lâu và chỉ chờ ngày 'nổ', bởi vì Movitel đã giữ được phong độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ 20%/năm trong suốt 5 năm qua. 4 tháng đầu năm 2024, Movitel bứt phá tăng trưởng 26,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Ban đầu, Movitel sử dụng chiến lược lấy nông thôn vây thành thị như mọi thị trường mà Viettel đã làm và cũng trở thành nhà mạng có hạ tầng viễn thông số 1 ở đây. Sự gia nhập và lớn mạnh của Movitel giúp người dân Mozambique được hưởng hệ thống viễn thông có chất lượng cao, rộng khắp với chi phí rẻ hơn 2 - 4 lần trước đây và giúp Mozambique trở thành top 5 quốc gia có mạng lưới cáp quang phủ rộng và hiện đại nhất châu Phi.
Nhưng suốt giai đoạn 2014 - 2018, công ty không tăng trưởng. Nhận diện động lực mới, Movitel thay đổi chiến lược, tập trung vào 2 thị trường có quy mô lớn nhất là thủ đô Maputo và tỉnh lân cận Matola để triển khai 4G, nhắm vào đối tượng khách hàng có mức tiêu dùng cao. Bắt đầu từ năm 2019, Movitel tăng trưởng bùng nổ.
Không chỉ thành công trên thị trường di động, Movitel tìm kiếm động lực tăng trưởng mới từ ví điện tử e-Mola. Năm 2024, thuê bao ví tăng trưởng tới 230% so với cùng kỳ, lũy kế đạt gần 6 triệu thuê bao, đưa tỷ lệ thuê bao ví trên tổng thuê bao di động đạt 81%.
Ví điện tử e-Mola cũng là câu chuyện của sự quyết liệt trong đầu tư và hành động.
Về bối cảnh thị trường, với diện tích lãnh thổ rộng lớn và mật độ dân số thấp, tỷ lệ người dân sử dụng ngân hàng chỉ đạt 3,6% dân số và tạo một thị trường lớn tiềm năng cho các công ty cung cấp dịch vụ tài chính. Từ đó, nhà mạng lớn nhất bấy giờ là Vodacom (công ty con của Vodafone) đã tung ra dịch vụ ví M-Pesa để phục vụ nhu cầu trên, thu về xấp xỉ trăm triệu USD doanh thu.
Đây cũng là dịch vụ tài chính trên điện thoại di động thành công nhất - vốn chỉ có ở các nước đang phát triển khác ở châu Phi như Kenya, Tarzania, Lesotho…
Đứng trước thách thức cũng như cơ hội mà người khổng lồ M-Pesa tạo ra, Movitel quyết định chi 1 triệu USD đầu tư công nghệ hiện đại nhất lúc bấy giờ cho ví E-Mola của mình. Trải nghiệm công nghệ mượt mà cùng với chiến lược giá miễn phí chuyển tiền Ví - Ví nội mạng đã tạo ra sự bùng nổ lớn khi lần lượt đạt được các mục tiêu không tưởng, từ tổng số thuê bao ví 1,1 triệu vào năm 2021 lên 2,1 triệu năm 2022, 5,4 triệu 2023 và đạt 5,8 triệu vào tháng 4/2024.
Năm trước, Natcom đã vươn lên vị trí số 1 tại Haiti với 4 triệu thuê bao, tương ứng 51,7% thị phần. Tính đến thời điểm tháng 10/2024, Natcom đã có chuỗi tăng trưởng ấn tượng, liên tục 36 tháng trên 20%, doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay, giữ vững ngôi vị số 1 với 54% thị phần.
Điều đặc biệt, 2023 và cả 2024 là hai năm được đánh giá là đỉnh điểm của bất ổn chính trị và bạo loạn tại Haiti. Người dân Haiti cùng lúc phải đối mặt với 3 khó khăn lớn: nghèo đói, dịch bệnh và bất ổn an ninh. Bên cạnh đó, sân bay, cảng biển thường xuyên bị phong toả, các tuyến đường quốc lộ bị chia cắt bởi các băng đảng vũ trang làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh vô vàn khó khăn.
Không chỉ vậy, tại những nước khác, các công ty thị trường của Viettel hầu hết có sức mạnh cạnh tranh nhờ hạ tầng mạng lưới lớn nhất thì ở Haiti, Natcom lại không có được lợi thế này. Nhà mạng Digicel có số lượng trạm phát sóng nhiều hơn Natcom.
Trước sự bất lợi về số lượng trạm, Natcom đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng mạng lưới giúp sóng Natcom thông suốt trong mọi tình huống, tạo sự tin tưởng và sử dụng dịch vụ của khách hàng. Nhờ đó Natcom tăng trưởng liên tục, bền vững và vươn lên mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Năm 2024, Natcom trở thành công ty thị trường thứ 4 của Viettel hoàn vốn 100% dự án, sau Metfone, Unitel và Telemor. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Viettel.
Mozambique hay Haiti chỉ là 2 ví dụ nói lên được phần nào tinh thần của Viettel. Viettel tại Campuchia, Lào, Myanmar, Burundi, Tanzania… đều được truyền thông quốc tế nhắc đến bằng những từ ngữ như "kỳ tích của ngành viễn thông thế giới", "từ thảm hoạ đến kỳ tích" khi các công ty thành viên đều đã vượt qua và tận dụng cơ hội từ những trận thiên tai khủng khiếp, các cuộc bạo loạn… để giành thị phần số 1.
Ví dụ như Myanmar, mặc dù được đánh giá là "cô gái" tuy không còn trẻ nhưng rất đẹp, thì khi chiến sự nổ ra, điều kiện kinh doanh rất khó khăn, Mytel vẫn hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kinh doanh. Năm trước, đơn vị này tiếp tục tăng 2,2 triệu thuê bao và dòng tiền về Việt Nam đạt hơn 200% kế hoạch.
Quyết định "go global" của Viettel bắt đầu vào năm 2006, khi mới làm viễn thông tại thị trường nội địa chưa bao lâu. VTG được thành lập vào tháng 10 năm ấy với tầm nhìn và sứ mệnh đưa Viettel trở thành tập đoàn viễn thông lớn mạnh tầm quốc tế.
Đó là thời điểm được đánh giá là hợp lý, khi Việt Nam đang trong quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việc đi ra nước ngoài sẽ đem lại những cơ hội mới để tăng trưởng quy mô và hình thành nên một thương hiệu toàn cầu.
Song vô số nghi ngờ và e ngại được đặt ra. Một doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm, thị trường trong nước còn chưa khai thác hết, cơ chế chính sách đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam cũng chưa rõ ràng và các thị trường quốc tế có thể đầu tư đều đã bị "trấn giữ" bởi các "ông lớn", tình hình chính trị khó lường...
Viettel vẫn quyết định hiện thực giấc mơ 'Go global' với thị trường đầu tiên là Campuchia. Đến nay, Viettel chinh phục được 10 thị trường quốc tế với tổng quy mô gần 100 triệu khách hàng, đánh dấu tên tuổi của Viettel và Việt Nam trên bản đồ viễn thông và công nghệ thế giới. Từ việc xin đi đầu tư, ngày nay nhiều nước đã mời Viettel đến đầu tư.
Đánh giá về triển vọng của Viettel Global, Công ty Chứng khoán Everest cho rằng, di động 4G vẫn đang là xu thế và trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Các thị trường như Campuchia và Myanmar có tỷ lệ thuê bao 4G/thuê bao thực lớn hơn 90%. Các thị trường còn lại vẫn có dư địa phát triển 4G, như Telemor (73%), Unitel (67%), Natcom (64%), đặc biệt tại các thị trường châu Phi trong giai đoạn bùng nổ của công nghệ 4G như Movitel (31%), Halotel (26%), Lumitel (20%).
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng thuê bao của dịch vụ cố định băng rộng (FTTH) vẫn cao hơn di động. Khu vực châu Phi có tỷ trọng FTTH là 12%, được dự báo tốc độ tăng trưởng FTTH trên 30%. Khu vực châu Mỹ Latinh có tỷ trọng FTTH trên 50% và dự báo tốc độ tăng trên 10% nhờ xu hướng chuyển đổi từ cáp đồng trục sang FTTH.
Phía Vietcap đánh giá, thị trường châu Phi và châu Mỹ Latin sẽ là động lực thúc đẩy doanh thu chính của VTG do tỷ lệ thâm nhập của thuê bao internet và điện thoại thông minh ngày càng tăng cao. Trong khi đó, doanh thu từ thị trường Châu Á sẽ được hỗ trợ bởi mức tiêu thụ dữ liệu cao hơn và tăng trưởng thuê bao số từ nhóm khách hàng doanh nghiệp và thành thị. Đồng thời, biên lợi nhuận sẽ tăng lên nhờ sự đóng góp cao hơn từ các mảng có giá trị gia tăng cao hơn như dịch vụ tài chính và giải pháp công nghệ.
Nhưng nhìn xa hơn nữa, không chỉ đơn thuần phát triển "một mình", khi mở rộng không gian phát triển, trở thành doanh nghiệp số, VTG sẽ trở thành "hub" để đưa các thành viên khác của Viettel như VTS, VTPost, VHT, VCC… ra nước ngoài.