Quỳnh Nguyễn (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 19:31 - 27.02.2025
Sáng ngày 27/2/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước. Chủ đề của Hội nghị lần này là “Nhiệm vụ, giải pháp góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững”. Đại diện Viettel tham dự Hội nghị là Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng cho rằng, mục tiêu GDP của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng tối thiếu 8% trong năm 2025 và 2 con số trong những năm tiếp theo thể hiện quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong việc hiện thực hóa tầm nhìn phát triển đất nước.
Nếu nhìn vào cách làm cũ, việc tăng trưởng như vậy là rất thách thức, nhất là với các doanh nghiệp truyền thống. “Nếu đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ, chúng ta phải đổi mới cái cũ để tăng trưởng 2 con số mà vẫn duy trì không gian mới”, Chủ tịch nhận định, đồng thời nêu cụ thể về mục tiêu, cách làm đột phá của Viettel trong giai đoạn tới, thể hiện ở các lĩnh vực trụ cột chính.
“Mạch máu” viễn thông tăng trưởng 8 - 10%
Viễn thông hiện nay không chỉ kết nối con người mà còn kết nối vạn vật (IoT), do đó đây được coi là “mạch máu” của nền kinh tế số. Năm 2025, Viettel tập trung tập trung phát triển hạ tầng mạng viễn thông, đảm bảo tất cả người dân có thể tiếp cận được kết nối tốc độ cao thông qua mạng 4G, 5G.
Riêng với mạng 5G, Viettel sẽ cơ bản phủ sóng tại tất cả khu vực thành thị, khu công nghiệp, nhà máy. Khi người dân tiếp cận dịch vụ số, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể khai thác thị trường hiệu quả hơn, từ thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến, đến sản xuất thông minh,…
Để duy trì đà tăng trưởng về viễn thông, Chủ tịch Tập đoàn cho biết, Viettel sẽ đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ mới hơn, tốt hơn như bên cạnh thuê bao số, cần có thêm hộ gia đình số. Song song với đó, Viettel sẽ tiếp tục phát triển theo chiều ngang, nghiên cứu, tìm kiếm và mở rộng thêm các thị trường quốc tế mới, qua đó giúp tăng doanh thu và tạo nền tảng cho các ngành, lĩnh vực khác cùng lớn mạnh.
Trong giai đoạn 2025 - 2030, Viettel phấn đấu tăng trưởng 8 - 10% về doanh thu viễn thông.
Nghị quyết 57 - động lực lớn cho công nghệ số Viettel
Viettel đang thúc đẩy phát triển hạ tầng số với 13 trung tâm dữ liệu đạt hơn 9.000 rack và xây dựng trung tâm dữ liệu dành cho AI trong năm 2025. Tập đoàn cũng tăng cường đầu tư hệ thống kết nối quốc tế với 5 tuyến cáp biển triển khai các nền tảng ứng dụng cho giáo dục, y tế, giao thông và sản xuất. Có thể kể tới như hệ thống giám sát giao thông thông minh (ITS), hệ thống giám sát điều hành thông minh IOC,...
Để tăng cường hợp tác quốc tế, năm 2025, Viettel sẽ thành lập văn phòng đại diện tại 4 nước mới là Singapore, UAE, Nhật Bản, Úc để tìm kiếm cơ hội hợp tác và xuất khẩu khác sản phẩm, dịch vụ giải pháp CNTT, an ninh mạng và công nghiệp công nghệ cao.
“Nghị quyết 57 ra đời là động lực rất lớn cho Viettel. Hiện nay, Viettel đã nhận được nhiều đề nghị từ các địa phương, doanh nghiệp lớn muốn Viettel tư vấn, đề xuất giải pháp về chuyển đổi số. Đây là động lực tăng trưởng cho các địa phương mà cũng chính là động lực tăng trưởng của Viettel”, Chủ tịch Tập đoàn khẳng định tại Hội nghị.
Mục tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực giải pháp CNTT và chuyển đổi số của Viettel là 25 - 30%.
Công nghiệp công nghệ cao cần nhiều năm để có thành quả
Đối với công nghiệp công nghệ cao, Chủ tịch Tào Đức Thắng cho rằng lĩnh vực này không thể làm ngay được mà phải có quá trình nghiên cứu. Nhiều công trình quân sự, dân sự Viettel đã nghiên cứu, theo đuổi hàng chục năm nay và đang đạt được thành quả.
Trên thực tế, Viettel đã đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất công nghiệp công nghệ cao từ năm 2010. Trong suốt 15 năm qua, Viettel đã sản xuất nhiều thiết bị lưỡng dụng, phục vụ cả quốc phòng và dân sự như hệ thống 5G, tổng đài, chuyển mạch, các hệ thống thông tin liên lạc và các sản phẩm quân sự tiên tiến. Nhiều sản phẩm trong số đó đã được trưng bày ở triển lãm quốc phòng quốc tế tại Việt Nam vừa qua, được nhiều lãnh đạo và người dân cũng như đối tác quan tâm, đánh giá cao.
Năm 2025, Viettel sẽ tích cực hợp tác với các đối tác nước ngoài để đưa sản phẩm ra 10 thị trường quốc tế hiện có và mở rộng thêm 2 - 3 thị trường mới. Điều này không chỉ giúp Viettel tăng trưởng mà còn nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp trong GDP.
Với lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, Viettel cũng đặt mục tiêu tăng trưởng 30%.
Trở thành doanh nghiệp logistics quốc gia
Hiện nay, chi phí cho logistics tại Việt Nam cao gấp đôi so với một số nước trong khu vực, cho thấy hiệu quả của lĩnh vực này còn hạn chế. Theo Chủ tịch Tập đoàn, chuyển phát, bưu chính, logistics là các lĩnh vực tiềm năng nhưng hiện rất phân mảnh với hơn 3.000 doanh nghiệp, đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ. 70 - 80% thị phần thuộc về 20 - 25 doanh nghiệp nước ngoài. Việt Nam cần có những doanh nghiệp quốc gia đi đầu về logistics. Và đây cũng chính là mục tiêu mà Viettel hướng tới.
Viettel đang được Chính phủ, Bộ Quốc phòng hỗ trợ thành lập các trung tâm chuyển phát lớn tại các cửa khẩu biên giới, cửa khẩu thông minh, trung tâm logistics tự động và mạng lưới vận tải đa phương thức, kết nối các khu công nghiệp, cảng biển.
“Việc này không chỉ giúp Viettel tăng trưởng trong lĩnh vực này mà còn góp phần tăng năng suất sản xuất, lưu thông hàng hoá”, Chủ tịch Tập đoàn nêu ý kiến.
Mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực logistics là trên 20% mỗi năm.
Nhân tố đột phá mới: AI
Cùng với 4 trụ cột trên, từ năm 2025, Viettel xây dựng trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành trụ chiến lược tiếp theo. Đây là nhân tố đột phá để Viettel và các hệ sinh thái khác cùng phát triển. Viettel đã ứng dụng AI cung cấp các ứng dụng Trợ lý ảo cho Toà án, Quốc hội, Bộ TT&TT để tận dụng cơ sở dữ liệu chuyên ngành giúp cho việc tiếp cận kiến thức chuyên ngành một cách nhanh chóng.
Trong giai đoạn tới, Viettel sẽ chủ động nghiên cứu, kết hợp với hợp tác cùng các doanh nghiệp công nghệ lớn phát triển các ứng dụng AI trên 6 lĩnh vực chính. Đó là trợ lý ảo, dự báo, thị giác máy tính, bảo mật, tối ưu hóa quy trình quản trị và sáng tạo nội dung để giải quyết các vấn đề, cũng như đáp ứng các nhu cầu của xã hội, các ngành, các lĩnh vực trong hiện tại và tương lai.
Mục tiêu đến 2030, AI đóng góp 1 tỷ USD doanh thu trực tiếp và gián tiếp, đồng thời tối ưu hóa các lĩnh vực khác, giúp chuyển đổi số thành công hơn và tạo ra dịch vụ mới cho kinh tế số.
"Khó nhưng sẽ làm được"
“Với mục tiêu tăng trưởng 8% đã đặt ra và tăng trưởng 2 con số, Viettel tin là khó nhưng sẽ làm được. Viettel cũng xác định những sản phẩm làm ra sẽ tạo ra hệ sinh thái để các doanh nghiệp khác đồng hành cùng phát triển”, Chủ tịch Tào Đức Thắng nhấn mạnh.
Việc tăng trưởng 2 con số liên tục trong những năm tới đòi hỏi Viettel và các doanh nghiệp cần có những cách làm đột phá. Những lĩnh vực truyền thống như viễn thông thì cần tạo ra những không gian mới. Ví dụ ngoài thuê bao viễn thông, Viettel đang tạo ra những thuê bao số, thuê bao IoT, thuê bao số cho hộ gia đình,…
Nếu mở rộng khái niệm như vậy thì viễn thông sẽ không giới hạn ở 100 triệu dân số mà là hàng trăm triệu, hàng tỷ thuê bao, từ đó mở ra không gian tăng trưởng mới. Đối với lĩnh vực công nghiệp cũng vậy, những nghiên cứu của Viettel đều góp phần phục vụ cho các sản phẩm trong hệ sinh thái.
Để tăng trưởng bền vững hơn, Viettel cũng xác định đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực mới, đặc biệt là một số lĩnh vực công nghệ lõi như bán dẫn, AI, vệ tinh,...
Về kiến nghị, trước tiên với Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Nghị nghị 03 của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Chủ tịch Tập đoàn bày tỏ mong muốn được tham gia triển khai và kỳ vọng những chính sách ban hành ra sẽ đi vào cuộc sống.
Thứ hai, muốn tăng trưởng 8% và tăng trưởng 2 con số trong các năm tiếp theo, cần có những cái mới và phải được đầu tư ngay từ bây giờ. Các công trình nghiên cứu có thể thành công hay không thì ngay từ bây giờ, cần có thử nghiệm, đánh giá, cần có những doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng cái mới.
Cuối cùng, Viettel cho rằng chắc chắn phải vươn ra nước ngoài và điều này không hề dễ, Viettel và các doanh nghiệp khác đều cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ. Thời gian qua, qua giới thiệu của Thủ tướng Chính phủ trong các chuyến công tác và các hội nghị, triển lãm lớn, thương hiệu và sản phẩm của Viettel được biết đến nhiều hơn, giúp cho Viettel có cơ hội trong việc tiếp cận các nước có tiềm năng đầu tư như Dominica, thị trường Trung đông, Nam Mỹ hay trong việc hợp tác với các Big Tech lớn.
Viettel đề xuất Chính phủ tiếp tục kiên trì, thúc đẩy ngoại giao kinh tế để hỗ trợ cho Viettel và các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận tốt hơn các thị trường nước ngoài.