Tuấn Kiệt (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 16:38 - 17.10.2024
Vừa qua, Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng đã tham dự buổi gặp mặt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với các doanh nhân. Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đặc biệt là 160 đại biểu là các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu, là sự kiện quan trọng và đặc biệt ý nghĩa thể hiện sự coi trọng, quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đối với sự nghiệp chăm lo, xây dựng và phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân nước nhà.
Tại đây, người đứng đầu Tập đoàn đã khái quát những điểm nổi bật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Viettel thời gian qua. Chủ tịch Tào Đức Thắng dẫn lại phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Tâm trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ vừa qua, nhắc đến khái niệm “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Hợp tác quốc tế trong "kỷ nguyên vươn mình"
Tổng Bí thư, Chủ nước nước Tô Lâm khi phát biểu tại Chương trình kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước CHXH Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), tổ chức hôm 29/8, đã nhắc đến việc Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới - “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Trong chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước làm rõ: “Sau gần 80 năm lập nước và gần 40 năm Đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới là tiền đề để dân tộc Việt Nam tin tưởng vào tương lai ở phía trước”.
Các thành tựu về kinh tế, thương mại và đối ngoại đã giúp Việt Nam tiến lên thành một quốc gia phát triển năng động với quy mô của nền kinh tế và thương mại lần lượt ở top 40 và 20 trên thế giới. Nền kinh tế Việt nam năm 2023 đã tăng 96 lần so với năm 1986 và là một điểm sáng được Liên hợp quốc ghi nhận trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng quan hệ ngoại giao, hợp tác quốc tế như một chiến lược chủ chốt để thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Điều đó được thể hiện qua việc Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với 30 nước lớn. Việt Nam là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế, có mối quan hệ thương mại với 224 thị trường toàn cầu. Những bước đi này đã đưa Việt Nam thoát khỏi sự cô lập, góp phần nâng cao vị thế đất nước và tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo.
Viettel, với tư cách là một trong những tập đoàn lớn nhất của Việt Nam, đã tiên phong trong việc đầu tư quốc tế ngay từ năm 2006, chỉ 2 năm sau khi kinh doanh dịch vụ di động trong nước. Sự quyết tâm và nỗ lực đã đưa Viettel trở thành nhà đầu tư viễn thông lớn tại nhiều quốc gia.
Viettel hiện đã đầu tư vào 13 thị trường với 24 dự án, bao gồm các lĩnh vực viễn thông, xây lắp, nghiên cứu phát triển và bưu chính. Tổng giá trị đầu tư của Tập đoàn đã đạt 1,5 tỷ USD. Đặc biệt, Viettel đã giữ vị thế dẫn đầu về thị phần thuê bao di động tại 7/10 thị trường quốc tế, góp phần chứng minh sức ảnh hưởng mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt. Đến hết tháng 9/2024, tỷ lệ hoàn vốn đầu tư ra nước ngoài của Viettel đã đạt trên 82%, mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ cơ bản thu hồi toàn bộ vốn đầu tư.
Sự thành công của Viettel không chỉ về kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng về chính trị và xã hội. Tập đoàn đã góp phần thúc đẩy ngoại giao văn hóa, đóng góp vào việc phát triển kinh tế và xã hội của các nước Viettel đầu tư. Những thành công này đã củng cố hình ảnh Việt Nam là một quốc gia năng động, cởi mở và luôn sẵn sàng hợp tác vì sự phát triển chung của khu vực và thế giới.
Doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm của Viettel đạt 137,5 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 107% kế hoạch, tăng trưởng 9,5%.
Lợi nhuận trước thuế đạt 42,3 nghìn tỷ, hoàn thành 118%, tăng trưởng 5,9%.
Viettel nộp ngân sách Nhà nước 35,7 nghìn tỷ, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Cộng hưởng sức mạnh, nâng cao vị thế Việt Nam
Tuy nhiên, để đạt được những thành công lớn hơn, Viettel và các doanh nghiệp khác phải đối mặt với nhiều thách thức. Một số trong đó bao gồm sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, và chính trị tại các thị trường. Việc không có đủ sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp Việt Nam khác cùng tham gia đầu tư cũng là một trở ngại.
“Việt Nam không chỉ cần một vài doanh nghiệp mà phải có nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài, tạo thành sức mạnh dân tộc, hình thành hệ sinh thái dịch vụ và sức mạnh cộng hưởng như các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Trung Quốc,...”, Chủ tịch Tập đoàn nói.
Chính vì vậy, trong buổi gặp mặt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với doanh nhân, Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng đã đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chuyên đề về việc thúc đẩy đầu tư quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này không chỉ giúp tháo gỡ các rào cản pháp lý như cơ chế mua bán, sáp nhập, thoái vốn tại nước ngoài mà còn giúp các doanh nghiệp tự tin hơn khi tiến vào thị trường quốc tế.
Chủ tịch Tào Đức Thắng cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp lớn trở thành các sếu đầu đàn, dẫn dắt các doanh nghiệp cùng phát triển, đầu tư ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ các cơ quan Chính phủ và các lãnh đạo cấp cao là vô cùng quan trọng. Các chuyến thăm cấp cao của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ và các đoàn công tác khác đến những quốc gia mà Viettel đầu tư đã giúp mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong nước.
Nhìn chung, chiến lược đầu tư quốc tế của Viettel đã mang lại nhiều thành công và tạo tiền đề cho các doanh nghiệp Việt Nam khác cùng tiến bước ra thế giới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của kỷ nguyên vươn mình, Việt Nam cần một hệ sinh thái doanh nghiệp mạnh mẽ, có sự hỗ trợ của các cơ chế chính sách phù hợp và sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước. Sự thành công của Viettel là minh chứng rõ ràng cho khả năng vươn lên mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên mới.