Như Hoa (TCT Viễn thông Viettel) đã đăng lúc 14:51 - 11.10.2024
Ngay khi Bộ TT&TT chỉ đạo về chủ trương tắt sóng 2G, Viettel đã triển khai ngay từ năm 2023. Trong vòng 1 năm, Viettel bổ sung 6.000 trạm phát sóng 4G mới, nâng cấp băng thông và dung lượng của 53.000 trạm 4G khác, giúp hơn 4 triệu người dân vùng sâu, vùng xa có sóng 4G, đảm bảo không bị "trắng sóng" khi tắt 2G.
“Nếu chuyển đổi máy 2G lên 4G mà không có sóng 4G, khách hàng không thể sử dụng Internet hay các dịch vụ 4G. Máy 4G khi đó cũng không khác gì máy 2G. Vì vậy, đảm bảo chất lượng sóng 4G là nhiệm vụ quan trọng trong việc chuyển đổi khách hàng lên môi trường số,” ông Cao Anh Sơn, Tổng Giám đốc Viettel Telecom, chia sẻ.
Đây là nỗ lực lớn, bởi hầu hết các điểm trạm phát triển mới đều ở địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt. Mạng 2G đã tồn tại 20 năm với đặc tính kỹ thuật vùng phủ rộng, dễ tiếp cận. Để sóng 4G hoàn toàn thay thế được 2G, kỹ thuật viên phải khảo sát, tối ưu từng trạm để phù hợp với địa hình và dân cư. Năm 2024, Viettel đã thực hiện khối lượng công việc bằng 3 năm trước cộng lại. Hạ tầng 4G đã sẵn sàng, nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng.
2G lên 4G: phá vỡ định kiến tiêu dùng
Ông Bùi Hưng Long, 81 tuổi, ở Thường Tín (Hà Nội) sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng cũng nghe lời con cháu chuyển từ chiếc Nokia “còn dùng tốt” sang smartphone 4G. Ông cẩn thận ghi từng số điện thoại từ máy cũ vào sổ nhỏ và nói: “Dùng cái này quen rồi, chuông reo chỉ cần bấm nút xanh là nghe, nó là thói quen rồi”. Nhưng khi con trai nói sắp tới không còn dùng 2G được nữa, ông mới đổi sang điện thoại mới. Dù phải làm quen với thao tác mới, ông dần thích chiếc smartphone vì có thể xem tin tức và gọi video miễn phí cho bạn bè, con cháu. Trải nghiệm mới khiến ông chấp nhận thay đổi thói quen.
Việc thuyết phục những khách hàng như ông Long là thách thức lớn của Viettel trong chiến dịch đưa khách hàng từ 2G lên 4G. Những người dùng điện thoại chỉ nghe gọi trên 2G thường là người cao tuổi ngại thay đổi, ít quan tâm công nghệ hoặc không có điều kiện mua điện thoại mới. Mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng nhu cầu kết nối của họ rất chính đáng.
Để hỗ trợ chiến dịch, Viettel Telecom mở hơn 10.000 điểm chuyển đổi máy 4G khắp cả nước, từ thôn xã đến các cửa hàng như Thế giới Di động, Điện Máy Xanh, Viettel Store… giúp khách hàng chuyển đổi dễ dàng.
Tuy nhiên, như trường hợp của ông Long, nhân viên phải gọi điện nhiều lần mà ông vẫn không muốn đổi điện thoại. Chỉ khi con trai khuyên bảo và được hướng dẫn chi tiết, ông mới đồng ý chuyển sang 4G. Viettel Telecom còn phối hợp với các tổ chuyển đổi số cộng đồng để phổ cập kỹ năng số cho người dân, giúp họ trải nghiệm vào mạng, xem tin tức, truyền hình miễn phí qua TV360 và thanh toán online.
Không ai bị bỏ lại phía sau
Đồng thời với việc thúc đẩy chuyển đổi, Viettel Telecom chuẩn bị sẵn sàng hàng triệu máy 4G giá rẻ cho khách hàng, từ điện thoại phím bấm 4G đến smartphone, đi kèm với chính sách trợ giá hoặc bán với giá 0 đồng khi đăng ký gói cước theo tháng. Khách hàng chuyển lên 4G còn được tặng data, 1 năm sử dụng TV360 (với smartphone) hoặc cộng phút gọi miễn phí (với điện thoại cơ bản).
Với các hộ nghèo, cận nghèo không có điều kiện chuyển đổi, Viettel Telecom dành 40 tỷ đồng hỗ trợ tặng máy điện thoại phím bấm 4G cho khoảng 100.000 khách hàng tại hơn 1.700 xã khó khăn, vùng miền núi, dân tộc thiểu số. Sau khi cơn bão số 3-Yagi gây thiệt hại cho miền Bắc, khiến Bộ TT&TT lùi thời hạn dừng cung cấp dịch vụ cho máy 2G thêm 1 tháng, Viettel quyết định mở rộng hỗ trợ, tặng 700.000 điện thoại 4G cho gần như toàn bộ khách hàng 2G còn lại. Tổng kinh phí cho chương trình lên tới gần 300 tỷ đồng.
Ông Cao Anh Sơn, Tổng Giám đốc Viettel Telecom, cho biết: “Lộ trình chuyển đổi lên 4G được thực hiện với mục tiêu các ưu đãi đến đúng đối tượng cần thiết, giải quyết tận gốc vấn đề của từng nhóm khách hàng cụ thể. Mỗi bước tiến trong công nghệ không chỉ là bước tiến trong kinh doanh mà còn giúp xây dựng một xã hội thông tin toàn diện hơn.”
“Khi không còn 2G nữa, nghĩa là tất cả khách hàng đều sử dụng dịch vụ trên nền tảng 4G và 5G. Gần 100% người dân Việt Nam có thể tiếp cận Internet và kho tri thức của thế giới qua smartphone. Đây là yếu tố quan trọng để Viettel thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia”, ông khẳng định.