Giám đốc VCS Nguyễn Sơn Hải: 'Thương hiệu được hình thành và có sức sống mạnh mẽ từ văn hoá doanh nghiệp'

Nguyễn Sơn Hải (Công ty An ninh mạng Viettel) đã đăng lúc 15:54 - 08.09.2022

Từ cuốn sách "Tỷ phú bán giày", anh Nguyễn Sơn Hải - Giám đốc Công ty An ninh mạng cho rằng văn hoá doanh nghiệp của các doanh nghiệp có thể khác nhau, nhưng văn hoá trong từng doanh nghiệp phải nhất quán. Cùng với đó, nhân sự và khách hàng là 2 thành tố quan trọng nhất với mỗi tổ chức để phát triển bền vững.

Xây dựng văn hoá doanh nghiệp và trải nghiệm khách hàng là hai vấn đề nền tảng của bất kỳ doanh nghiệp nào và không dễ dàng thực hiện hiệu quả. Bằng câu chuyện chân thực và sống động của cuộc đời mình, tác giả Tony Hsieh đã truyền tải hai chủ đề này đầy đam mê, sáng tạo và giản đơn khiến cho độc giả cảm thấy vô cùng thư thái, thú vị khi tiếp cận các chủ đề hóc búa.

"Tỷ phú bán giày" là cuốn sách xếp thứ 23 trong số 100 các cuốn sách bán chạy nhất, xếp thứ nhất trong các sách bán chạy nhất về quản lý, xếp thứ nhất trong các cuốn sách bán chạy nhất về Dịch vụ khách hàng và xếp thứ nhất trong các cuốn sách về kỹ năng Truyền thông.

Nội dung cuốn sách viết về vấn đề gì?

Trong cuốn sách “Tỷ phú bán giày”, Tony Hsieh - CEO của Zappos, một nhà bán lẻ có doanh thu hơn 1 tỷ USD mỗi năm, mang đến cho người đọc nhiều bài học quý giá thu được từ kinh doanh và từ cuộc sống, từ lúc khởi đầu với trang trại giun đất đến khi bán bánh pizza hay trong những năm tháng với Link Exchange, Zappos. Ông cũng đã lý giải việc tập trung vào văn hoá doanh nghiệp có thể dẫn tới những thành công không thể ngờ như thế nào, khiến dịch vụ khách hàng trở thành nhiệm vụ của toàn công ty, không phải chỉ một bộ phận; tập trung vào văn hoá doanh nghiệp như ưu tiên số 1; áp dụng nghiên cứu từ khoa học về hạnh phúc vào việc điều hành doanh nghiệp; giúp nhân viên trưởng thành trong cuộc sống và sự nghiệp. Cuối cùng, ông cho chúng ta thấy hiệu quả của việc dùng sự hạnh phúc như một khuôn khổ có thể tạo ra lợi nhuận, đam mê và mục đích trong cả công việc và trong cuộc sống.

Quyển sách là một chuỗi các câu chuyện ngắn gọn, súc tích và sinh động về cuộc đời tác giả xuyên suốt qua ba giai đoạn: Giai đoạn trưởng thành học hỏi những bài học kinh doanh đầu tiên, giai đoạn lập nghiệp với công ty LinkExchange (tạo dựng một công ty thành công cho đến khi phải bán công ty cho Microsoft do những yếu tố khách quan và đặc biệt do nền tảng yếu kém về văn hoá doanh nghiệp), giai đoạn khởi nghiệp thành công rực rỡ với Zappos (tạo dựng Zappos thành một công ty đặc sắc xem trải nghiệm/ chăm sóc khách hàng là một thương hiệu duy nhất và trường tồn chứ không phải một loại hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ nào).

Thông qua câu chuyện cuộc đời mình (cả thành công và thất bại - hoặc có thể gọi là bài học đắt giá ), tác giả đã lồng ghép các câu chuyện để diễn đạt các thông điệp về hai chủ đề: Xây dựng văn hoá doanh nghiệp và trải nghiệm khách hàng trong tổ chức, doanh nghiệp. Tương tự như Steve Jobs tin tưởng rằng: Chiến lược đúng, văn hoá đúng, con người đúng sẽ dẫn dắt toàn bộ tổ chức đi đúng hướng, tác giả cũng có niềm tin mãnh liệt vào việc văn hoá đúng, con người đúng (phù hợp với văn hoá doanh nghiệp, chứ không phải người giỏi nhất) là yếu tố sống còn để dẫn dắt và phát triển tổ chức.

Bằng những trải nghiệm thực tế, tác giả truyền tải các thông điệp xoay quanh văn hoá doanh nghiệp- con người/nhân sự - trải nghiệm khách hàng: Một tổ chức/cá nhân muốn thành công phải có một mục tiêu lớn hơn, cao hơn kiếm tiền.


Xuyên suốt cuốn sách là những mẩu chuyện nhỏ về quá trình làm việc tận hiến vì những tầm nhìn của tổ chức, giá trị tập thể thay vì lợi ích cá nhân. Văn hoá doanh nghiệp là sống còn với doanh nghiệp và tổ chức. Và tổ chức cần chọn đúng người, phù hợp với văn hoá. Từ đó đào tạo đào tạo họ thành lực lượng nòng cốt của công ty thay vì chỉ tìm những người giỏi nhất. Thương hiệu của công ty không được hình thành từ hoạt động marketing, mà được hình thành và có sức sống mạnh mẽ từ văn hoá doanh nghiệp. Với Zappos, chăm sóc khách hàng là một thương hiệu duy nhất và trường tồn chứ không phải một loại hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ nào.

Tất cả những hoạt động cốt lõi nhất của công ty, công ty buộc phải tự vânh hành thay vì thuê ngoài nhằm bảo vệ những giá trị lớn lao và lời hứa với khách hàng. Hoạt động trải nghiệm/ chăm sóc khách hàng ở một mức độ cao phải được thiết kế bằng văn hoá và trái tim chứ không phải quy trình, quy chuẩn. Hoạt động này không nên chỉ được xem là một hoạt động chi phí cố định, mà nên xem là hoạt động đầu tư, tái đầu tư để phát triển tổ chức, xây dựng thương hiệu và phát triển khách hàng. Tác giả có niềm tin đến cực đoan về sự gắn kết  đội nhóm đan xen giữa công việc và cuộc sống bên ngoài.

Chúng ta thấy gì sau khi đọc xong cuốn sách?

Một công ty vĩ đại luôn cần một tầm nhìn và mục tiêu lớn lao để tạo động lực tồn tại và phát triển chứ không đơn thuần là các con số doanh thu, chi phí và lợi nhuận. Văn hoá doanh nghiệp của các doanh nghiệp có thể khác nhau, nhưng văn hoá trong từng doanh nghiệp phải nhất quán. Nhất quán ở cấp độ tổ chức là việc tuyển dụng, đào tạo, phát triển nhân sự và sa thải nhân sự phải lấy văn hoá là yếu tố quan trọng đầu tiên chứ không phải chuyên môn. Đối với cấp độ từng nhân sự, là sự nhất quán trong các hành vi ứng xử, phương pháp giải quyết vấn đề trong xử lý công việc, giao tiếp khách hàng, giao tiếp đồng nghiệp và trong cả cuộc sống bên ngoài công việc.

Nhân sự và khách hàng là hai thành tố quan trọng nhất với tổ chức, bất cứ tổ chức nào muốn thành công bền vững phải xây dựng được mô hình gắn kết và quản trị hiệu quả các thành tố này. Viettel và VCS đều đang tiếp tục trong giai đoạn phát triển mới, với nhiều thách thức, cạnh tranh trong một xã hội ngày càng bất định. Việc tập trung vào việc xây dựng sức khoẻ tổ chức từ bên trong trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và sống còn để giúp chúng ta tiếp tục thành công và phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua