Cuốn sách đặc biệt do Giám đốc Học viện Viettel làm chủ biên

Bùi Quang Tuyến (Học viện Viettel) đã đăng lúc 18:20 - 06.09.2022

Cuốn sách "Phát triển năng lực - Kiến tạo tương lai" do TS. Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel làm chủ biên được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội giới thiệu với công chúng và nhận được nhiều lời khen ngợi ngay từ khi còn là bản thảo với lối tư duy mới mẻ về vấn đề đào tạo trong doanh nghiệp ngày nay.

Lý do yêu thích

Cuốn sách "Phát triển năng lực - Kiến tạo tương lai: Đào tạo và học tập trong doanh nghiệp hiện đại" là tâm huyết của nhóm tác giả - những người tâm huyết với hoạt động đào tạo, đã dày công nghiên cứu, biên soạn với nhiều nội dung, góc nhìn mới, cập nhật xu thế… giúp các nhà quản lý tìm ra phương pháp phát triển nguồn nhân lực nhanh nhất gắn phát triển nhân sự với mục tiêu phát triển của tổ chức, doanh nghiệp.

Cuốn sách có thể xem là một tài liệu chỉ dẫn hướng tới xây dựng môi trường học tập chủ động trong các tổ chức, doanh nghiệp, từ đó phát triển năng lực đội ngũ, văn hóa học tập và hình thành tổ chức học tập trong thời kinh tế số…

Đặc biệt, cuốn sách nhận được nhiều lời khen ngợi (ngay từ khi là bản thảo) của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý doanh nghiệp nổi tiếng, như: PGS.TS. Phạm Tất Dong, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời - Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; GS.TS. Vũ Minh Khương, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ Việt Nam, Giảng viên trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore; PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; PGS.TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT; Thiếu tướng, TS. Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường - Bộ Tổng Tham mưu - Bộ Quốc phòng.

Điều này cho thấy, những điều ấp ủ, tâm huyết, đóng góp của nhóm tác giả về hoạt động học tập, đào tạo trong doanh nghiệp thông qua cuốn sách này đã và đang được đón nhận tích cực, được đánh giá cao bởi tính thực tiễn và phù hợp với xu thế.

Tóm tắt ngắn gọn nội dung

Đây là cuốn sách chuyên khảo dành cho các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu khoa học, cán bộ quản lý và người làm công tác giáo dục, đào tạo, phát triển năng lực đội ngũ trong tổ chức, doanh nghiệp. Cuốn sách được nghiên cứu công phu, đúc kết từ những kinh nghiệm phong phú, mang tính ứng dụng cao trong hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Sách được chia làm 5 chương. Chương 1 hàm chứa nhiều quan điểm, góc nhìn mới đề cập đến vai trò của “vốn nhân lực” và những chuyển dịch trong học tập và đào tạo, gắn liền với sự phát triển trong nền kinh tế số, đòi hỏi yêu cầu trình độ chuyên môn và năng lực cao đáp ứng những thay đổi nhanh chóng của môi trường.

Chương 2 là đúc rút các giai đoạn phát triển của hoạt động học tập và đào tạo trong doanh nghiệp từ hình thành, tới tích lũy, làm chủ và cuối cùng là sáng tạo, đồng thời đề cập đến 4 yếu tố cốt lõi ảnh hưởng đến từng giai đoạn phát triển của hoạt động đào tạo tại tổ chức, doanh nghiệp.

Chương 3 gợi mở những vấn đề về quản trị tri thức trong doanh nghiệp thời đại 4.0 với những mô hình, tiêu chí giúp tổ chức, doanh nghiệp thiết lập hệ thống quản trị tri thức và thúc đẩy văn hóa học tập.

Chương 4 tập trung giới thiệu các ứng dụng công nghệ số trong học tập và đào tạo tại tổ chức, doanh nghiệp.

Chương 5 đề cập đến khái niệm “Hệ sinh thái học tập” - một hệ thống đào tạo nhân sự nội bộ có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đội ngũ của doanh nghiệp, bên cạnh việc chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo thông qua các hình thức hợp tác để đạt được những lợi ích đa phương với 6 cấp độ hợp tác quan trọng.

Nhìn một cách khái quát, “Phát triển năng lực – Kiến tạo tương lai” sẽ giúp nhiều tổ chức, doanh nghiệp giải quyết vấn đề mấu chốt trong việc “nâng cao năng lực đội ngũ” dựa trên 6 xu hướng dẫn dắt sự thay đổi của các doanh nghiệp trong tương lai, từ đó chỉ ra những cách thức mới để phát triển.


Cuốn sách "Phát triển năng lực - Kiến tạo tương lai" của Giám đốc Học viện Viettel Bùi Quang Tuyến được nhiều độc giả trong và ngoài Viettel đón nhận như một món quà tri thức có ý nghĩa

Quan điểm, góc nhìn của tác giả

Được biết đến là người đã trực tiếp tham gia đào tạo, tư vấn cho nhiều doanh nghiệp về chuyển đổi số và quản trị, triển khai hoạt động kinh doanh và dẫn dắt hoạt động đào tạo tại Viettel, bên cạnh việc tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo bên ngoài, tác giả ý thức sâu sắc về việc nâng cao năng lực đội ngũ thông qua việc chủ động tiếp nhận tri thức của mỗi cá nhân, đơn vị trong tổ chức, doanh nghiệp, hướng tới xây dựng tổ chức học tập, văn hóa học tập. Để thực hiện được điều này, tác giả đã chỉ ra các quan điểm, góc nhìn mới cần được thực hiện đồng bộ:

Về tư duy-nhận thức: Người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong hành trình kiến tạo tương lai của doanh nghiệp, trong hành trình đó vai trò phát triển năng lực đội ngũ được xem là cốt lõi. Người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp cần có tư duy-nhận thức đầy đủ về vai trò của vốn nhân lực thời 4.0, cập nhật các xu hướng chuyển dịch trong học tập, đào tạo và phát triển nhân lực. Bên cạnh đó, cần nhận thức rõ chỉ thông qua học tập, đào tạo các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể đồng hành cùng thế giới, cũng như thực hiện mục tiêu “đi tắt, đón đầu” và thành công trong thời kinh tế số.

Về phát triển nguồn tri thức: Quản trị tri thức như nhóm tác giả nghiên cứu, đó là quá trình phối hợp giữa con người, quy trình, công nghệ, cấu trúc tổ chức một cách có hệ thống để tạo ra giá trị gia tăng thông qua việc bồi đắp, chia sẻ và sử dụng kiến thức một cách hiệu quả; lan truyền được các bài học kinh nghiệm, bí quyết thành công hiệu quả, đặt tại nơi có thể chia sẻ chung trong tổ chức, doanh nghiệp và thúc đẩy khả năng học hỏi cải tiến liên tục. Chiến lược học tập để phát triển nguồn tri thức là một trong những nhân tố then chốt đảm bảo khả năng hoạt động liên tục và thành công của tổ chức, doanh nghiệp.

Về ứng dụng công nghệ: Ngày nay, công nghệ đã, đang và tiếp tục len lỏi sâu vào đời sống kinh tế-xã hội nói chung và các mặt quản trị doanh nghiệp nói riêng. Ứng dụng công nghệ số có thể đồng hành, giải quyết vấn đề nâng cao năng lực đội ngũ khi những người đứng đầu doanh nghiệp nhận diện, thực sự quan tâm đến vấn đề này. Ứng dụng công nghệ số có thể tạo dựng môi trường học tập, văn hóa học tập cho mọi thành viên của tổ chức, doanh nghiệp theo hướng cá nhân hóa việc tiếp nhận tri thức, chủ động tham gia học tập và học tập mọi lúc, mọi nơi.


TS. Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel là chủ biên của cuốn sách "Phát triển năng lực - Kiến tạo tương lai"

Bài học đúc kết và ánh xạ vào Viettel

Qua cuốn sách nêu trên, tôi rút ra được một số bài học gắn liền với thực tế tại Viettel nói chung và tại Học viện Viettel nói riêng như sau:

Thứ nhất, tại Viettel chúng ta quan niệm “Cách học tốt nhất là đi dạy” và từ quan điểm này, đội ngũ cán bộ quản lý của Viettel hàng năm tham gia đào tạo, giảng dạy cho nhân sự cấp dưới với KPI >= 24 giờ/năm theo nhiều hình thức khác nhau. Để có thể đi dạy được, cán bộ quản lý của Viettel trước đó đã phải tự đào sâu suy nghĩ, nghiên cứu kỹ các nội dung liên quan đến bài giảng để có thể tự tin trực tiếp chia sẻ, đào tạo cho đồng nghiệp, cấp dưới của mình.

Thứ hai, trong thời kinh tế số hiện nay, việc cập nhật kiến thức vào giải quyết các vấn đề trong công việc đòi hỏi con người có khả năng học tập linh hoạt, chính vì lẽ đó đòi hỏi Học viện Viettel phải tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề về các xu hướng chuyển dịch, quan điểm quản trị mới, ứng dụng công nghệ mới nhằm giúp cán bộ quản của Viettel liên tục được cập nhật kiến thức và vận dụng vào thực tiễn.

Thứ ba, trong quá trình hoạt động, môi trường làm việc tại Viettel cũng sản sinh ra nhiều tri thức mới là những bài học, kinh nghiệm thực tiễn, bên cạnh đó là các góc nhìn, tầm nhìn mới trong quản trị có giá trị cho hoạt động của Viettel nói riêng, và cho các tổ chức, doanh nghiệp nói chung, cần được đúc rút và chia sẻ trong nội bộ Viettel.

Thứ tư, đồng hành với mục tiêu “Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số”, môi trường học tập, đào tạo tại Viettel được quan tâm đầu tư, được ứng dụng công nghệ số để giúp mỗi cán bộ, nhân viên có thể học các bài học ngắn (micro-learning) mọi lúc, mọi nơi ngay trên điện thoại cá nhân qua nền tảng mobile app By Day Learning. Đây thực sự là một môi trường giúp mỗi cán bộ, nhân viên Viettel chuyển từ học tập thụ động sang học tập chủ động, đưa học hỏi trở thành một kỹ năng chính nhằm bù đắp kịp thời những “khoảng trống” kiến thức, bổ sung thêm kỹ năng mới. Quá trình chuyển đổi này cho thấy người Viettel được cá nhân hóa việc học tập, nâng cao khả năng chủ động học tập và học tập mọi lúc mọi nơi, từ đó làm thay đổi cách thức tiếp nhận tri thức và là nền tảng quan trọng để xây dựng Viettel trở thành tổ chức học tập.

  • 3987
  • 4

Cuốn sách 'must-read' của PTGĐ VDTC Võ Anh Tâm về chuyển đổi số

  • 5545
  • 14

Đọc sách có giúp doanh nghiệp như Viettel xuất sắc hơn?

  • 3698

'Một đời thương thuyết' của PTGĐ VTG Nguyễn Thị Hoa

  • 5572

CEO Mytel bàn về 'Cải tổ doanh nghiệp trong thời đại số'

  • 5338
  • 3

Cuốn sách cảm xúc trên hành trình 12 tiếng của TGĐ VTT đến Haiti

  • 6578
  • 1

Cuốn sách giúp nữ Phó TGĐ VDS giải mã cuộc sống

  • 4946

Học tư duy hệ thống từ anh Giám đốc huyện ở Viettel Ninh Bình

  • 1805
  • 11
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua