Ngọc Điệp (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 19:07 - 29.05.2024
Trên mỗi chặng đường của hành trình 35 năm, Viettel đã luôn ghi dấu khát vọng tiên phong làm chủ công nghệ, đóng góp vào tiềm lực quốc phòng và phát triển đất nước. Thông điệp “Công nghệ từ trái tim” của Viettel là lời khẳng định trách nhiệm của mình: Sử dụng công nghệ một cách có ý thức, mang lại giá trị và tạo ra ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng.
1. Tuyến viba số đầu tiên và hiện đại nhất của Việt Nam
Năm 1990, sau hơn 1 năm thành lập, Viettel (khi ấy là Sigelco) đã xây dựng được tuyến viba Hà Nội - Vinh cho Tổng cục Bưu điện. Tiếp đó, đơn vị đã thông toàn tuyến Hà Nội - Vinh - Đà Nẵng. Đây là công trình truyền dẫn viba số dài và hiện đại nhất của Việt Nam, bước đầu chuyển đổi truyền dẫn công nghệ số thay cho công nghệ analog.
2. Trục cáp quang đầu tiên do người Việt Nam làm chủ thiết kế và xây dựng
Trong 2 năm (1997-1999), Viettel (khi ấy là Sigelco) hoàn thành đường trục cáp quang quân sự Bắc - Nam 1A, sử dụng công nghệ SDH thu phát trên cùng một sợi. Đây là trục thông tin quân sự đầu tiên sử dụng cáp quang, được áp dụng công nghệ hiện đại nhất, có tốc độ cao nhất Việt Nam. Đây cũng là đường trục đầu tiên do người Việt Nam làm chủ hoàn toàn thiết kế và xây dựng.
3. Áp dụng công nghệ mới, phá thế độc quyền viễn thông Việt Nam
Ngày 15/10/2000, Viettel kinh doanh dịch vụ điện thoại đường dài tuyến Hà Nội - Hồ Chí Minh, ứng dụng công nghệ mới nhất của thế giới - VoIP, phá bỏ độc quyền trong lĩnh vực viễn thông ở Việt Nam. Dịch vụ được đánh giá thành công toàn diện cả về công nghệ, thị trường và chính sách.
4. Mở rộng hạ tầng viễn thông Việt Nam
Ngày 27/11/2003, Viettel chính thức khai trương cửa ngõ viễn thông quốc tế với dung lượng kết nối quốc tế mạng IXP đã được nâng lên 45Mbps, góp phần mở rộng cơ sở hạ tầng cho ngành Viễn thông Việt Nam, kích thích và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đáp ứng
5. Phổ cập dịch vụ điện thoại di động
Ngày 15/10/2004, Viettel chính thức cung cấp dịch vụ di động với dấu ấn mạng rộng, sóng khỏe, giá rẻ. Áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo về kỹ thuật công nghệ, kinh doanh, sau 4 năm ra mắt, Viettel vươn lên số 1 tại Việt Nam, góp phần phổ cập dịch vụ di động ở Việt Nam, đưa mật độ người dân sử dụng điện thoại di động từ 4% lên đạt 100%.
6. Xây dựng hạ tầng truyền dẫn lớn nhất Việt Nam
Tiên phong chuyển dịch công nghệ từ SDH sang DWDM, Viettel thông tuyến đường trục cáp quang 1C vào tháng 12/2006, trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng lưới lớn nhất Việt Nam. Ngày 14/10/2007, Viettel thông tuyến đường trục 2B - DWDM. Hai đường trục bổ sung thêm này đánh dấu sự kiện Viettel sở hữu mạng truyền dẫn lớn nhất và vững chắc nhất Việt Nam với năng lực vu hồi 1+2 về cáp và 1+3 về thiết bị.
7. Sở hữu hệ thống Trung tâm dữ liệu lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam
Năm 2007, Viettel trở thành doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam kinh doanh dịch vụ cho thuê đặt chỗ máy chủ. Đến nay, Viettel tiếp tục là doanh nghiệp sở hữu hệ thống trung tâm dữ liệu lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam với 14 trung tâm, 230.000 máy chủ, 81.000 m2 mặt sàn, 11.500 rack; 87 MW điện, tương đương một siêu trung tâm dữ liệu (DC) của thế giới.
8. Trở thành nhà đầu tư Quốc tế trong lĩnh vực công nghệ cao lớn nhất Việt Nam
19/2/2009, Viettel chính thức kinh doanh tại Campuchia, trở thành doanh nghiệp viễn thông đầu tiên của Việt Nam đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Đến nay, Viettel đã kinh doanh tại 10 quốc gia, trong đó có 7 thị trường đứng vị trí số 1. Bên cạnh viễn thông, Viettel còn cung cấp các dịch vụ số và các giải pháp công nghệ. Doanh thu từ hoạt động đầu tư nước ngoài đạt 3,6 tỷ USD (năm 2023), trở thành nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực công nghệ cao lớn nhất Việt Nam.
9. Tiếp nhận nhà máy thông tin phục vụ lĩnh vực nghiên cứu sản xuất công nghệ cao
Tháng 11/2009, Viettel tiếp nhận 2 nhà máy thông tin M1 và M3. Hai nhà máy có nhiệm vụ nghiên cứu, chế thử và sản xuất các thiết bị, khí tài quân sự, linh kiện điện tử, viễn thông,...phục vụ lĩnh vực nghiên cứu sản xuất công nghệ cao ở Viettel. Hiện nay, hai nhà máy đã phát triển thành Tổng công ty Sản xuất Thiết bị Viettel (VMC).
10. Khai trương mạng 3G lớn nhất ở Việt Nam
Ngày 25/3/2010, Viettel khai trương mạng 3G với tốc độ cao nhất, dịch vụ đa dạng nhất. Tại thời điểm khai trương, số trạm phát sóng 3G của Viettel gấp 1,5 lần so với cam kết với Bộ TT&TT. Dịch vụ 3G cung cấp dịch vụ thoại và truy nhập dữ liệu tốc độ cao trên di động, đồng thời thúc đẩy sự hội tụ của các thiết bị liên lạc di động với các thiết bị điện tử tiêu dùng khác.
11. Sở hữu hạ tầng cáp quang lớn nhất 3 nước Đông Dương
Ngày 26/6/2011, Viettel hoàn thành trục cáp quang Đông Dương dài 3.500 km, khép kín đường trục thông tin qua 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Ứng dụng công nghệ ghép bước sóng (DWDM) tăng khả năng truyền tải của sợi quang lên 40 lần so với công nghệ thông thường, Viettel trở thành nhà mạng sở hữu hạ tầng truyền dẫn lớn nhất Đông Dương, với dung lượng đạt 400Gbps. Hiện nay, Viettel đang khai thác 5 trục cáp quang nội địa; 3 trục cáp quang quốc tế đi Trung Quốc, Lào, Campuchia trên đất liền; 4 tuyến cáp quang biển kết nối Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ.
12. Hình thành trụ chiến lược nghiên cứu và sản xuất thiết bị công nghệ cao
Thành lập tháng 9/2011, Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, phát triển, chế tạo sản phẩm, thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông trong lĩnh vực quân sự và dân sự. Tháng 10/2011, Viettel vận hành dây chuyền sản xuất thiết bị viễn thông hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, có khả năng chế tạo từ bo mạch nhỏ như smartphone cho đến các bảng mạch lớn trên máy tính. Viettel đã hoàn chỉnh hệ thống cho lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất từ nghiên cứu, thiết kế đến chế tạo, sản xuất.
13. Chuyển dịch thành doanh nghiệp viễn thông và công nghệ
Tháng 9/2011, Viettel thành lập Trung tâm phần mềm Doanh nghiệp Viettel. Tháng 11/2012, Viettel thành lập Trung tâm Giải pháp Công nghệ Thông tin và Viễn thông. Đây là những quyết định mang tính chiến lược nhằm chuyển dịch Viettel thành một doanh nghiệp viễn thông và công nghệ với mục tiêu đưa công nghệ thông tin len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
14. Hình thành công nghiệp an ninh mạng
Tháng 5/2012, Viettel thành lập Phòng An toàn Thông tin có vai trò độc lập kiểm soát hệ thống công nghệ thông tin, viễn thông của Tập đoàn. 10/6/2015 Viettel kiện toàn các đơn vị khối an ninh mạng thành Trung tâm An ninh mạng với nhiệm vụ bảo vệ Viettel, khách hàng và các cơ quan của Chính phủ, giúp Việt Nam làm chủ không gian mạng. Đây là những quyết định chiến lược, đặt nền móng hình thành nền công nghiệp an ninh mạng. Hiện nay, Viettel sở hữu đội ngũ chuyên gia bảo mật hàng đầu thế giới.
15. Nghiên cứu sản xuất thành công khí tài thông tin quân sự
Trong giai đoạn 2010-2012, Viettel nghiên cứu, sản xuất thành công 8 loại máy thông tin quân sự, hệ thống VQ và radar cảnh giới vùng trời, được đánh giá là phù hợp với nghệ thuật tác chiến, điều kiện khí hậu, môi trường của Việt Nam, đặc biệt đảm bảo tốt yếu tố bí mật, tiết kiệm 25% chi phí so với máy cùng loại nhập ngoại. Đây cũng là những khí tài thông tin quân sự đầu tiên do người Việt Nam nghiên cứu, chế tạo, sản xuất.
16. Hình thành Quỹ phát triển khoa học công nghệ
Từ năm 2014, Viettel được Chính phủ chấp thuận cho phép trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế hàng năm để dành cho nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng. Đây là nguồn ngân sách quan trọng để Viettel mạnh dạn nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao.
17. Khai trương mạng 4G lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam
Ngày 18/04/2017, Viettel khai trương mạng 4G với mong muốn tạo ra hạ tầng kết nối siêu băng rộng có chất lượng tốt nhất, phủ sóng 95% dân số. 100% trạm thu phát 4G của Viettel sử dụng công nghệ 4T4R (4 phát, 4 thu), cho phép mở rộng vùng phủ sóng lên 1,4 lần và tăng tốc độ download lên gần 2 lần. Với thông điệp “Khi công nghệ tiến lên phía trước, không ai bị bỏ lại phía sau”, Viettel sẵn sàng bùng nổ Internet băng rộng di động.
18. Hệ thống tính cước thời gian thực lớn nhất thế giới
Tháng 6/2017, Viettel sản xuất thành công hệ thống tính cước thời gian thực lớn nhất thế giới với tên gọi vOCS. Hệ thống có khả năng quản lý tới 24 triệu thuê bao/site gấp đôi so với hệ thống tính cước lớn nhất thế giới ở thời điểm đó. Ngoài ra, vOCS 3.0 còn có khả năng tuỳ biến để thiết kế cho mỗi người dùng một gói cước, điều mà các hệ thống vOCS khác chưa làm được. Hiện tại, vOCS 3.0 của Viettel đã được triển khai tại 6 quốc gia, với số lượng thuê bao quản lý là 140 triệu.
19. Lĩnh vực "Công nghiệp" có trong tên gọi của Viettel
Ngày 5/1/2018, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành Nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mẹ - Tập đoàn Viettel. Theo đó, Viettel có tên gọi là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội. Với tên gọi mới, Viettel có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, lắp ráp, sửa chữa sản phẩm, trang thiết bị, khí tài, vật tư quốc phòng đồng thời xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, gắn kết giữa công nghiệp quốc phòng với công nghiệp quốc gia. Trước đó, Viettel đã trải qua những lần đổi tên: Tổng Công ty Điện tử Thiết bị Thông tin (1989); Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội (1995); Công ty Viễn thông Quân Đội (2003); Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (2005); Tập đoàn Viễn thông Quân đội (2009).
20. Một trong những nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai công nghệ NB-IoT
Ngày 21/2/2018, theo công bố của Hiệp hội Di động Thế giới (GSMA), Viettel trở thành một trong số 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới đã triển khai thành công NB-IoT giúp triển khai kết nối vạn vật sau 2 năm nghiên cứu, thử nghiệm. Việc cung cấp dịch vụ NB-IoT giúp doanh nghiệp có thêm sự lựa chọn mới về công nghệ truyền tải dữ liệu một cách nhanh chóng, ổn định và tối ưu chi phí nhất để đáp ứng cho các ứng dụng cần thiết cho cuộc sống của người dân.
21. Thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên ở Việt Nam
Ngày 10/5/2019, Viettel đã thực hiện thành công cuộc gọi 5G đầu tiên ở Việt Nam. Tốc độ kết nối thực tế từ 1,5 - 1,7 Gbps, vượt xa giới hạn của mạng 4G, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công mạng 5G sớm nhất thế giới.
22. Thử nghiệm thành công 5G trên thiết bị do Viettel sản xuất
Ngày 17/01/2020, cuộc gọi đầu tiên trên thiết bị mạng 5G do Viettel nghiên cứu chế tạo thực hiện thành công. Sự kiện đánh dấu năng lực làm chủ hoàn toàn công nghệ 5G của Viettel. Sự kiện cũng đưa Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên trên thế giới và là nhà sản xuất thứ 6 trên thế giới sản xuất thành công thiết bị 5G.
23. Xác định sứ mệnh "Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số" cho giai đoạn phát triển thứ 4
Ngày 1/6/2019, tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, Viettel tuyên bố sứ mệnh cho giai đoạn phát triển thứ 4 là “Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số”, chuyển dịch từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sang nhà cung cấp dịch vụ số. Trước đó, ngày 20/6/2013, tại Diễn đàn Cấp cao Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam năm 2013, lãnh đạo Viettel đã tuyên bố quan điểm của Tập đoàn, thay đổi khái niệm nhà mạng viễn thông thành nhà cung cấp dịch vụ. Từ đó, Viettel tập trung nguồn lực cho việc phát triển các nền tảng và sản phẩm công nghệ.
24. Sáng chế đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao được cấp bằng bảo hộ độc quyền tại Mỹ
Ngày 17/9/2019, lần đầu tiên, Viettel nhận bằng bảo hộ độc quyền do Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp. Viettel là đơn vị đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao được cấp bằng bảo hộ độc quyền tại Mỹ. Đến nay, Viettel sở hữu 117 bằng độc quyền sáng chế tại Việt Nam, 30 bằng độc quyền sáng chế tại Mỹ. Viettel là doanh nghiệp số 1 về pháp nhân Việt Nam đăng ký và được cấp bằng sở hữu công nghiệp.
25. Viettel sản xuất thành công vũ khí công nghệ cao
Năm 2020, Viettel hoàn thành các mục tiêu thuộc đề án A1 và một số dự án nghiên cứu sản xuất vũ khí, khí tài công nghệ cao, sẵn sàng sản xuất hàng loạt, đưa vào trang bị. Hiện nay, Viettel đang làm chủ nghiên cứu, sản xuất hơn 50 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao để cung cấp cho Quân đội. Hệ sinh thái sản phẩm của Viettel được xây dựng theo mô hình tác chiến C5ISR hiện đại nhất trên thế giới.
26. Triển khai hệ thống khám bệnh từ xa đầu tiên ở Việt Nam
Ngày 25/9/2020, Bộ Y tế chính thức khánh thành 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa trên nền tảng Telehealth do Viettel cung cấp. Chính phủ và ngành Y tế đánh giá đây là một giải pháp rất có ý nghĩa giúp người dân tiếp cận được các bác sỹ giỏi, đặc biệt trong thời điểm diễn ra đại dịch COVID-19.
27. Phát triển thành công nền tảng thành phố thông minh
Năm 2019, Viettel triển khai nền tảng thành phố thông minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Nền tảng này là giải pháp toàn diện với 14 trung tâm thành phần giúp tổng hợp, giám sát, điều hành đô thị thông minh trên toàn tỉnh. Viettel có thể may đo theo nhu cầu, thực trạng và văn hóa của từng tỉnh/thành phố giúp sử dụng nguồn lực địa phương một cách tối ưu nhất, đưa ra các phân tích chính xác, phù hợp từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng sự hài lòng của người dân. Hiện nay, Viettel cung cấp giải pháp thành phố thông minh cho 40 địa phương trên cả nước.
28. Phổ cập tài chính số thông qua nền tảng Viettel Money
Ngày 1/12/2021, Viettel chính thức công bố nền tảng Viettel Money. Đây là hệ sinh thái tài chính số với 300 tiện ích phục vụ từ những dịch vụ cơ bản như chuyển tiền, mua bán cho đến các dịch vụ tài chính đặc thù như vay, gửi tiết kiệm, đầu tư số,... Bất kỳ ai, dù đang ở bất kỳ đâu trên đất nước Việt Nam đều có thể sử dụng ngay cả khi không có kết nối Internet. Việc làm chủ công nghệ cũng cho phép Viettel cá thể hóa dịch vụ tài chính số tới từng khách hàng, bảo đảm an toàn thông tin cấp độ cao nhất.
29. Hai công trình khoa học quân sự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh
Ngày 19/5/2022, 2 công trình lĩnh vực quốc phòng của Viettel được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó là công trình “Thiết kế, chế tạo radar cảnh giới biển tầm trung trên nền tảng công nghệ mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trang bị cho Quân đội Nhân dân Việt Nam”, và công trình “Nền tảng công nghệ vô tuyến điện quân sự thế hệ mới phục vụ chế tạo, sản xuất trang bị thông tin hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng”. Giải thưởng cao quý nhất của Nhà nước về Khoa học Công nghệ này khẳng định sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ của Viettel, góp phần nâng cao tiềm lực quân sự quốc phòng của Việt Nam.
30. Sở hữu Hệ sinh thái điện toán đám mây lớn và đa dạng nhất Việt Nam
Ngày 14/10/2022, Viettel khai trương hệ sinh thái Viettel Cloud và trở thành nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn và đa dạng nhất cả nước. Tại sự kiện, Viettel cũng tuyên bố đặt ra mục tiêu: Mỗi người dân Việt Nam, mỗi hộ gia đình Việt Nam, mỗi tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có một kho lưu trữ dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây được đặt tại Việt Nam, do kỹ sư Việt Nam nghiên cứu, triển khai, quản lý vận hành và đảm bảo an toàn thông tin.
31. TV360 trở thành nền tảng truyền hình OTT lớn nhất Việt Nam
Bứt phá trong thị trường truyền hình số, năm 2022, TV360 - ứng dụng do Viettel phát triển - đã đứng vị trí số 1 về ứng dụng OTT truyền hình của người Việt. TV360 được thiết kế để mang tới chất lượng dịch vụ tốt nhất và vùng phủ dịch vụ rộng nhất. Sự tự chủ về công nghệ cho phép TV360 có thể dễ dàng bổ sung thêm các dịch vụ, tính năng mới, hoặc điều chỉnh hệ thống để phù hợp với nhu cầu riêng biệt của người dùng.
32. Nghiên cứu thành công chip quan trọng của mạng 5G
Tháng 10/2023, Viettel công bố làm chủ hoàn toàn chip 5G DFE, có năng lực tính toán 1.000 tỷ phép tính trên giây. Đây là thành phần phức tạp nhất trong khối vô tuyến của trạm 5G, đóng vai trò xử lý các thuật toán, điều khiển toàn bộ hoạt động của khối vô tuyến và giao tiếp tốc độ cao với các khối xử lý 5G khác. Đồng thời, Viettel chế tạo, thử nghiệm thành công khối thu phát xử lý tín hiệu cao tần của trạm 5G dùng chip 5G DFE. Trước đó, Viettel và Qualcomm đã công bố sản xuất thành công khối vô tuyến của trạm 5G đầu tiên trên thế giới sử dụng chip ASIC theo chuẩn Open RAN, đến tháng 11/2023 đã triển khai trạm 5G sử dụng loại chip này trên mạng lưới Viettel, giúp tiết kiệm 20% năng lượng tiêu thụ.
33. Trợ lý ảo AI Viettel được ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao
Tháng 5/2023, Viettel ra mắt trợ lý ảo siêu thực đầu tiên của Việt Nam với tên gọi Vi An. Trước đó, hàng loạt nền tảng AI khác được đưa vào hoạt động của Tập đoàn giúp tối ưu 50% nhân công, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí mỗi năm. Viettel cũng ra mắt trợ lý ảo pháp luật đầu tiên ở Việt Nam, phục vụ 100% cán bộ công chức của ngành tòa án, giúp giảm 30% khối lượng công việc và thời gian. Viettel cũng nghiên cứu thành công trợ lý ảo cho cán bộ công chức Việt Nam, dựa trên ngôn ngữ Việt Nam, dữ liệu Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ 1 triệu công chức trên cả nước và hướng tới mục tiêu mỗi người dân Việt Nam sẽ có một trợ lý ảo.
34. Vô địch cuộc thi tấn công mạng lớn nhất thế giới
Ngày 28/10/2023, đội ngũ chuyên gia an ninh mạng Viettel đã giành ngôi vô địch tại cuộc thi Pwn2Own 2023, đạt điểm tuyệt đối ở 7/7 hạng mục, với số điểm 30, cách biệt với đội thứ nhì là 12,75 điểm. Chiến thắng đầy thuyết phục tại cuộc thi “World Cup của giới bảo mật toàn cầu” đã khẳng định năng lực của Viettel trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng.
35. Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đầu tiên của Việt Nam
Ngày 17/1/2024, Viettel khai trương Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đầu tiên của Việt Nam. Tổ hợp tích hợp hệ thống giám sát thông minh - công nghệ Digital Twin, camera AI, cho phép kiểm soát trạng thái của toàn bộ hệ thống thiết bị, theo dõi toàn bộ hoạt động khai thác hàng hóa. Bên cạnh hai hạ tầng quốc gia đã được Viettel xây dựng ở quy mô rộng nhất và lớn nhất Việt Nam là hạ tầng viễn thông và hạ tầng số, Viettel tiếp tục đặt mục tiêu xây dựng hạ tầng logistics quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới.