Hoàng Nam đã đăng lúc 14:30 - 15.05.2024
“Viettel tặng bạn 60s cho mọi cuộc gọi qua 178 để bạn có thể nói những điều ý nghĩa nhất theo cách của mình”. Đây là thông điệp Viettel gửi đến khách hàng khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ VoIP, nghe có vẻ không có gì đặc biệt ở thời điểm hiện tại, nhưng ở thời điểm VoIP 178 ra mắt, dịch vụ viễn thông chưa bao giờ dễ tiếp cận như thế với mọi người.
Dịch vụ của Viettel ra mắt vào năm 2000, theo sau là các dịch vụ VoIP từ các nhà mạng khác, khiến cho thị trường viễn thông trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Giá cước gọi điện đường dài trong nước giảm chỉ còn gần 1/3 so với trước đó, từ hơn 4.800/phút xuống còn hơn 1.800/ phút.
“Toàn dân đều hưởng lợi”, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, giữ chức vụ Trưởng ban Kinh tế Trung ương tại thời điểm Viettel ra mắt dịch vụ, kể lại. “Sau khi tham gia kinh doanh viễn thông, Viettel là công ty phát triển nhanh nhất, thành công lớn nhất, không những giảm giá thành của dịch vụ viễn thông, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nước nhà”.
VoIP là dịch vụ thoại, nén tín hiệu âm thanh thành tín hiệu số để truyền qua hạ tầng mạng Internet. Ở mỗi đầu liên lạc sẽ có các trạm mã hoá và giải mã tín hiệu do Viettel cung cấp, nhưng tín hiệu di chuyển giữa hai trạm đó bằng hạ tầng cáp quang của VNPT, khi đó là Tổng Công ty Bưu chính – Viễn thông. Chưa có hạ tầng, đây là cách duy nhất để Viettel khi đó có thể tham gia được vào thị trường viễn thông. Tuy đã có giấy phép kinh doanh, nhưng quá trình đàm phán để được sử dụng hạ tầng mạng không dễ dàng.
“Dịch vụ bưu chính viễn thông khi ấy mắc tiền lắm, không phải dễ dàng như bây giờ. Trong bối cảnh như vậy thì lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trương là phải cho ra đời một số doanh nghiệp nữa, một số đơn vị gọi là đầu đàn, có triển vọng phát triển nhanh để làm ‘ngòi pháo’ thúc đẩy quá trình phát triển ngành viễn thông công nghệ thông tin ở Việt Nam”, đồng chí Trương Tấn Sang nói với Viettel Family.
“Tôi khi đó với tư cách là người đứng đầu cơ quan tham mưu của Trung ương được Tổng Bí thư yêu cầu phải mời cho được phía Tổng cục Bưu điện, ông Đỗ Trung Tá, xuống gỡ khó khăn”.
Khi được hỏi lý do Viettel là doanh nghiệp được quan tâm tháo gỡ khó khăn, Nguyên Chủ tịch nước giải thích: “Sau Đại hội VI, trong nhận định về những ngành nào có thể trở thành mũi nhọn, then chốt của Việt Nam trong tương lai thì có ngành công nghiệp công nghệ thông tin. Vậy tại sao quan tâm đến cái anh Viettel, tuy lúc đó doanh nghiệp còn rất nhỏ? Vì có đội ngũ quyết tâm, nhiệt huyết, chuyên môn cao, hiểu được triển vọng phát triển của ngành công nghệ thông tin, hiểu được tầm quan trọng của việc phải tự lực, làm chủ công nghệ.
Đó là lý do thôi thúc. Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, và doanh nghiệp nào có khả năng thì Đảng, Nhà nước thúc đẩy, tạo điều kiện cho họ phát triển”.
Thành công của VoIP 178 là bước đi đầu tiên quan trọng cho Viettel trong ngành viễn thông, đem lại dòng doanh thu lớn gấp hàng chục lần những năm trước đó, và bắt đầu có tích lũy nguồn lực tài chính, con người, kinh nghiệm để triển khai các dịch vụ viễn thông tiếp theo. 178 cũng đánh dấu lần đầu tiên dịch vụ viễn thông ở Việt Nam trở thành thị trường cạnh tranh thay vì độc quyền, để rồi trở thành dịch vụ mà bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu cũng có thể tiếp cận.
Hướng tới kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống Tập đoàn, bên cạnh thông tin về hoạt động chào mừng, Viettel Family sẽ chia sẻ những câu chuyện về hành trình phát triển của Viettel. Đây là những câu chuyện từ những con người đã trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến quá trình kiến tạo Viettel như ngày hôm nay.
Những câu chuyện sinh động, được thể hiện dưới nhiều hình thức mong muốn khơi dậy niềm tự hào của mỗi người Viettel, giúp chúng ta hiểu hơn, yêu hơn Tập đoàn và cảm nhận rõ hơn nữa văn hóa Viettel trong suy nghĩ, hành động của các thế hệ đi trước.
Kính mời đồng chí lan tỏa, chia sẻ những câu chuyện ấy và có thể chia sẻ câu chuyện mà mình biết với Ban Biên tập TẠI ĐÂY.