Khánh Lê (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 13:20 - 20.05.2024
Năm 2004, Viettel chân ướt chân ráo bước vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ di động. Các nhà mạng lớn lúc ấy như Vinaphone và Mobifone đã chiếm gần hết thị phần tại các thành phố với độ phủ 95% dân số.
Người nông dân cũng được dùng điện thoại
Song, kiên định với khát vọng trở thành nhà mạng lớn nhất Việt Nam, lãnh đạo Viettel quyết tâm chọn khu vực nông thôn còn nghèo, lạc hậu và hạ tầng kém phát triển làm thị trường mục tiêu.
Đó là những ngày tháng người Viettel gian khổ thực hiện phủ sóng nông thôn thần tốc, đưa sóng lên những đỉnh núi cao, vùng biên giới hay hải đảo xa xôi. Đến khi sóng Viettel vươn tới được những nơi ấy, một trong những người cảm nhận rõ nhất tác động của cánh sóng Viettel chính là nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá.
Theo đồng chí Đỗ Trung Tá, hạ tầng mạng lưới Viettel phủ rộng với chất lượng tốt tại các vùng nông thôn thật sự là một dấu mốc đầy cảm xúc. Thành quả này không những góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nơi đây mà còn mang đến những thay đổi tích cực trong đời sống thường nhật của những người dân lam lũ.
“Hình ảnh người quét rác trong đêm mở chiếc máy di động ra gọi điện hỏi han con học hành đã làm tôi rơi lệ. Lúc ấy, mình vừa mừng vui nhưng cũng xen lẫn nghẹn ngào”, nguyên Bộ trưởng nói, thậm chí còn nhớ như in sự phấn khởi của Thủ tướng Chính phủ khi ấy là đồng chí Nguyễn Tấn Dũng.
“Hôm nay, tôi đi qua An Giang, tôi thấy thằng bé chăn trâu nó cầm điện thoại gọi di động, ông ạ! Tôi mừng cho ông!”, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng (khi ấy là Thủ tướng Chính phủ) nói với đồng chí Đỗ Trung Tá.
Hơn cả một chiến dịch
Không chỉ xây dựng một hạ tầng rộng khắp, để phổ cập dịch vụ di động, Viettel còn đưa ra những gói cước giá rẻ giúp người nghèo cũng có thể sử dụng dịch vụ. Nhờ Viettel, dịch vụ di động vốn đắt đỏ, từng chỉ dành cho người giàu đã trở thành “cơm bình dân”, hoàn toàn nằm trong tầm với của người dân nông thôn - lực lượng đông đảo trong tổng dân số toàn quốc.
Đồng chí Đỗ Trung Tá nhấn mạnh đây chính là nghĩa tình của người lính với nhân dân. Nghĩa tình ấy đã đưa cuộc sống của người dân nông thôn bước sang một trang mới với chất lượng sống được cải thiện rõ rệt, và con đường tiếp cận tri thức, tiếp cận cái mới rộng mở thênh thang.
Chiến dịch “Lấy nông thôn vây thành thị” có thể nói đã thành công rực rỡ. Với Viettel, chiến dịch đặt nền móng cho việc biến Viettel trở thành nhà mạng viễn thông số 1. Với kinh tế - xã hội Việt Nam, chiến dịch không những tạo sự đổi thay rõ rệt trong đời sống tinh thần, trong giáo dục và trong bộ mặt kinh tế nông thôn. Nó còn thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh để ngành Bưu chính Viễn thông phát triển mạnh mẽ, góp phần đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Việt Nam và lợi ích lâu dài cho Tổ quốc.
Theo nguyên Bộ trưởng Đỗ Trung Tá, sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà mạng giúp đất nước phát triển được một nền viễn thông và công nghệ thông tin vốn xuất phát điểm rất là nhỏ bé mà nay có thể song hành với các nước phát triển. Sự vươn lên mạnh mẽ của nền viễn thông và công nghệ thông tin đã mang lại những nguồn thu khổng lồ cho ngân sách Nhà nước.
“Chưa có nước nào mà nền viễn thông phát triển với tốc độ rất nhanh, nhưng sự cạnh tranh cũng rất lành mạnh như ở Việt Nam”, nguyên Bộ Trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông nhận định.
Hướng tới kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống Tập đoàn, bên cạnh thông tin về hoạt động chào mừng, Viettel Family sẽ chia sẻ những câu chuyện về hành trình phát triển của Viettel. Đây là những câu chuyện từ những con người đã trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến quá trình kiến tạo Viettel như ngày hôm nay.
Những câu chuyện sinh động, được thể hiện dưới nhiều hình thức mong muốn khơi dậy niềm tự hào của mỗi người Viettel, giúp chúng ta hiểu hơn, yêu hơn Tập đoàn và cảm nhận rõ hơn nữa văn hóa Viettel trong suy nghĩ, hành động của các thế hệ đi trước. Kính mời đồng chí lan tỏa, chia sẻ những câu chuyện ấy và có thể chia sẻ câu chuyện mà mình biết với Ban Biên tập TẠI ĐÂY.