Tuấn Kiệt (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 14:34 - 07.03.2025
MWC Barcelona 2025 đã thu hút 109.000 khách tham quan từ 205 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngang bằng kỷ lục trước đại dịch năm 2019, với sự góp mặt của hơn 2.900 công ty triển lãm và tài trợ, bao gồm các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Google, Huawei, Meta, Microsoft, Samsung và Xiaomi,... Viettel tham gia giới thiệu sản phẩm lần thứ 8 liên tiếp, cũng là đại diện Việt Nam duy nhất trình diễn các công nghệ tại sự kiện.
Tại Hall 1 - khu vực trình diễn đầu tiên, gây ấn tượng nhất là khu vực triển làm của Huawei. Gần như toàn bộ Hall 1 thuộc về Huawei, nơi họ giới thiệu những công nghệ và sản phẩm tiên tiến nhất. Với chủ đề "Tăng tốc hướng tới thế giới thông minh", Huawei tập trung vào việc khám phá các cơ hội trong kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo, cùng với các đối tác toàn cầu, nhằm thúc đẩy hành trình tiến tới một thế giới thông minh. Rất nhiều model kinh doanh mới được Huawei giới thiệu với sự góp sức của AI, mạng 5G.
Doanh nghiệp cũng mang đến những thiết bị viễn thông tiến tiến của họ và giới thiệu hệ thống hạ tầng mạng lưới dưới được ứng dụng AI. Điểm dễ nhận thấy nhất ở khu vực trưng bày của Huawei là luôn chật kín quan khách tới nghiên cứu. Trong ngày đầu của triển lãm MWC 2025, Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng và Phó TGĐ Tập đoàn Nguyễn Đạt đã dành thời gian nghiên cứu một số công nghệ mới trong hạ tầng mạng lưới của Huawei.
Một công nghệ được chú ý của Huawei là digital twin cho nhà máy thông minh. AI sẽ dựng lại bản sao số của nhà máy. Mọi hoạt động của nhà máy sẽ được người phụ trách triển khai, thực hiện trên bản sao số này và chỉ qua một chiếc máy tính bảng và 5G.
Ở Hall 2, nổi bật nhất là Ericsson. Họ giới thiệu một loạt công nghệ và sản phẩm tiên tiến nhằm thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới di động và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về kết nối hiệu suất cao. Ericsson nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các mạng lưới mở và có thể lập trình, cho phép các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông linh hoạt hơn trong việc triển khai và quản lý mạng lưới. Với hơn 130 sản phẩm radio hỗ trợ mạng lưới mở và có thể lập trình dự kiến được cung cấp trong năm 2025, Ericsson khẳng định vị thế dẫn đầu trong việc thúc đẩy sự tiến hóa của mạng lưới di động.
Hall 3 là nơi có nhiều ông lớn công nghệ nhất như Qualcomm, Vodafone, Intel, ZTE, Samsung, Deutsche Telekom,... Họ đã giới thiệu nhiều sản phẩm và công nghệ tiên tiến, góp phần định hình tương lai của ngành công nghiệp di động. Vodafone, hợp tác cùng Telefónica, MasOrange và i2CAT, đã giới thiệu dịch vụ Open Gateway - một phòng thí nghiệm đổi mới đa nhà mạng, nhằm tăng cường bảo mật cho người dùng thông qua các API viễn thông tiêu chuẩn hóa. Trong khi đó, Intel công bố tầm nhìn về đô thị tương lai, tập trung vào việc tích hợp AI và các giải pháp mạng tiên tiến để nâng cao chất lượng sống tại các khu vực đô thị.
Qualcomm ra mắt nền tảng Dragonwing, một giải pháp cải thiện hiệu suất và khả năng kết nối cho thiết bị di động, đồng thời trình diễn trí tuệ nhân tạo Agentic trên vi xử lý Snapdragon 8 Elite, giúp nâng cao trải nghiệm người dùng với hiệu suất mượt mà và thông minh hơn. Cũng tại gian hàng của Qualcomm, Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tham dự MWC Barcelona 2025 đã gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Qualcomm, đứng đầu là Chủ tịch - TGĐ Qualcomm Cristiano Amon. Hai bên đánh giá lại kết quả hợp tác phát triển 5G trong thời gian qua, đồng thời hướng tới cùng nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy 5G cũng như bảo vệ người dùng trước lừa đảo trên không gian số.
Deutsche Telekom trình diễn một loạt công nghệ và sản phẩm tiên tiến, nhấn mạnh vào trí tuệ nhân tạo (AI) và cải thiện trải nghiệm người dùng. Họ ra mắt hệ thống wifi mới là WiFi Sensing, một công nghệ biến tín hiệu WiFi thành hệ thống an ninh. Deutsche Telekom cũng trình diễn hơn 30 giải pháp dựa trên AI dành cho doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và thành phố thông minh, cùng với giải pháp tối ưu hóa mạng lưới nhờ AI.
Tại sự kiện năm nay, ZTE đã trình diễn loạt công nghệ tiên tiến, bao gồm giải pháp mạng 5G thông minh, tối ưu hóa hiệu suất và giảm tiêu thụ năng lượng, cùng các thiết bị viễn thông thế hệ mới tích hợp AI. Ngoài ra, ZTE cũng ra mắt Smart Cloud Net, một nền tảng điện toán đám mây linh hoạt, giúp doanh nghiệp triển khai hạ tầng số nhanh chóng và hiệu quả hơn. ZTE cũng mắt dòng sản phẩm Nubia Neo 3 hướng đến người dùng yêu thích chơi game trên di động.
LG U+ mang đến MWC nền tảng mang tên IXI O, cung cấp trải nghiệm số cá nhân hóa, tích hợp AI, IoT và dịch vụ đám mây để nâng cao chất lượng cuộc sống và kết nối thông minh hơn giữa các thiết bị. Ngoài ra, LG U+ đã trình diễn các giải pháp bảo mật như công nghệ Anti-DeepVoice, giúp phân biệt giọng nói giả mạo do AI tạo ra, nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công lừa đảo qua giọng nói. Công ty cũng áp dụng mã hóa hậu lượng tử (PQC) để bảo vệ dữ liệu người dùng trước các mối đe dọa từ máy tính lượng tử trong tương lai. Các giải pháp bảo vệ người dùng cũng được Chủ tịch Tào Đức Thắng quan tâm khi thăm gian hàng của LG U+.
Cisco đã giới thiệu tại MWC Barcelona 2025 các giải pháp hạ tầng AI linh hoạt, giúp kết nối thế giới vật lý và kỹ thuật số, tăng cường khả năng phục hồi mạng và tối ưu hóa hiệu suất vận hành. Bên cạnh đó, Cisco cũng hợp tác với Jio, AMD và Nokia để phát triển Nền tảng AI Viễn thông Mở, cung cấp các giải pháp ứng dụng AI nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ mạng. Nokia mang đến MWC 2025 giải pháp AI-RAN, tích hợp trí tuệ nhân tạo vào mạng truy cập vô tuyến (RAN) để tối ưu hóa hiệu suất mạng và giảm chi phí vận hành. Ngoài ra, Nokia cũng công bố hợp tác với Lockheed Martin và Verizon để phát triển 5G.MIL, mở rộng ứng dụng 5G vào lĩnh vực quốc phòng, đồng thời đẩy mạnh đầu tư vào trung tâm dữ liệu và mạng quang học thông qua thỏa thuận với Infinera.
Telefónica tham gia với chủ đề "Dẫn dắt thay đổi. Truyền cảm hứng tiến bộ", khẳng định cam kết đổi mới và phát triển công nghệ. Tại gian hàng Hall 3, công ty đã trình diễn các giải pháp tiên tiến, bao gồm Open Gateway 5G Drones, giúp quản lý máy bay không người lái bằng 5G và AI, đảm bảo vận hành an toàn. Ngoài ra, Telefónica giới thiệu Quantum-Safe Networks, một hệ thống bảo mật sử dụng mã hóa lượng tử để chống lại các cuộc tấn công mạng trong tương lai. Bên cạnh đó, Digital Operations Center (DOC) cũng được ra mắt, cung cấp khả năng giám sát dịch vụ đám mây và mô phỏng các cuộc tấn công mạng trong thời gian thực.
Được chú ý tại Hall 3 là các sản phẩm rất trực quan của Xiaomi. Tại MWC 2025, Xiaomi ra mắt dòng smartphone cao cấp Xiaomi 15 và 15 Ultra, trang bị màn hình AMOLED 120Hz, camera hợp tác với Leica và chip Snapdragon 8 Elite. Bên cạnh đó, hãng giới thiệu hệ điều hành HyperOS 2 tích hợp trí tuệ nhân tạo HyperAI, giúp tối ưu hiệu suất và quản lý pin tốt hơn. Xiaomi cũng mở rộng hệ sinh thái AIoT với nhiều thiết bị thông minh, đặc biệt là mẫu xe điện SU7 Ultra, đánh dấu bước tiến vào lĩnh vực giao thông thông minh. Ngoài ra, hãng trình làng hệ thống quang học mô-đun cho smartphone, cho phép thay đổi ống kính linh hoạt để nâng cao trải nghiệm nhiếp ảnh di động.
Hall 4 quy tụ nhiều cái tên nổi bật trong làng công nghệ như China Telecom, Docomo, Viettel, Palo Alto. Nhiều công ty tư vấn lớn trên thế giới cũng chọn Hall 4 để trình diễn năng lực đưa công nghệ vào hoạt động tư vấn, tìm giải pháp như McKinsey, PwC, Deloitte,... Như China Telecom đã giới thiệu các đột phá công nghệ mới nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) với chủ đề "Empowering Intelligent Future with TeleAI". Công ty đã trình diễn những tiến bộ trong AI tại năm khu vực triển lãm chính: Hạ tầng AI, Dữ liệu lớn, Mô hình lớn Xingchen, Ứng dụng AI ngành và Hệ sinh thái AI, thể hiện cam kết của họ trong việc thúc đẩy tương lai thông minh thông qua TeleAI.
Viettel, đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự sự kiện, giới thiệu 22 sản phẩm công nghệ thuộc các nhóm hạ tầng 5G, nền tảng số và các ứng dụng số. Các sản phẩm phục vụ các nhu cầu kết nối, quản lý và xử lý dữ liệu, các ứng dụng phục vụ doanh nghiệp và người dùng. Đây là số lượng sản phẩm lớn nhất trong 8 lần Viettel tham gia MWC, tăng 5 sản phẩm so với năm 2024.
Các sản phẩm của Viettel được chia làm 3 nhóm. Nhóm hạ tầng mạng lưới bao gồm các sản phẩm trong hệ sinh thái 5G (5G Private, 5G ORAN, 5G Core), các con chip do Viettel thiết kế (RF-SoC, chip bảo mật, chip 5W X-Band FEM), bản sao số trạm viễn thông và tổ hợp robot logistics. Nhóm nền tảng số bao gồm dịch vụ cung cấp API từ mạng di động, mạng phân phối nội dung, hệ thống quản trị hạ tầng trung tâm dữ liệu, các nền tảng an ninh mạng thế hệ mới, hệ thống quản trị giao thông thông minh. Nhóm ứng dụng số bao gồm trợ lý ảo, video chờ meCall, sách nói Mydio, TV360.
Các sản phẩm Viettel giúp xây dựng hạ tầng số hiệu suất cao, tự động hoá, các ứng dụng tăng khả năng tiếp cận và cá nhân hoá theo nhu cầu khách hàng. Đây là các sản phẩm do Viettel nghiên cứu phát triển, kinh doanh tại Việt Nam và 10 thị trường nước ngoài, cũng như xuất khẩu đến các quốc gia Ấn Độ, Phillipines, UAE,... Loạt sản phẩm được thể hiện tại không gian 2 tầng với chủ đề sáng tạo công nghệ vì sự phát triển bền vững - các giải pháp công nghệ để giải các vấn đề toàn cầu.
Một số hình ảnh khác về các gian hàng tại MWC Barcelona 2025 được Viettel Family ghi lại: