Hà Phương (TCT Mạng lưới Viettel) đã đăng lúc 16:54 - 21.06.2024
Sáng 21/6, Trung tâm Dữ liệu Hòa Lạc 2 (DC Hòa Lạc 2), do Trung tâm Kỹ thuật Toàn cầu - TCT Mạng lưới Viettel chủ trì thiết kế, triển khai đã chính thức được tổ chức Uptime Institute trao chứng chỉ danh giá Uptime Tier III TCCD về thiết kế trung tâm dữ liệu, tiếp bước thành công của Data Center level 6 thuộc Tổng trạm Hòa Lạc 1.
Chứng chỉ Uptime Tier III (Concurrent Maintainability): Tier III là mức độ yêu cầu tính sẵn sàng và hoạt động liên tục cao. Trung tâm Dữ liệu Tier III có khả năng bảo trì đồng thời đây là tiêu chuẩn cao nhất mà các nhà cung cấp dịch vụ DC ở Việt Nam hiện tại có thể đạt được.
Nỗ lực đến giây phút cuối cùng
Uptime Institute (Mỹ) được biết đến là một tổ chức cấp chứng chỉ khắt khe nhất thế giới với 3 mức thẩm định. Để lấy được Uptime Tier III cho công trình Trung tâm Dữ liệu lớn nhất từ trước đến nay với mật độ công suất/rack lớn nhất Việt Nam của Viettel được đánh giá là một nhiệm vụ rất khó nhưng cũng là niềm vinh dự cho đội ngũ kỹ sư VTNet.
So với lần chinh phục chứng chỉ đầu tiên vào năm 2020, DC Hòa Lạc 2 (pha 1) có quy mô lớn gấp 4 lần, mật độ công suất lớn gấp đôi so với DC Hòa Lạc 1, sở hữu hệ thống công nghệ hiện đại cùng hệ thống lạnh chiller system đệm từ lớn nhất Việt Nam. Đáng chú ý, hiệu suất sử dụng năng lượng (PUE) sau khi hoàn thành đạt 1,4 - là một trong những DC có PUE thấp nhất Việt Nam, góp phần vào mục tiêu xanh hóa mạng lưới của Viettel. Quy mô và mức độ phức tạp của hệ thống càng lớn thì khả năng đáp ứng yêu cầu khắt khe theo chuẩn quốc tế Uptime Tier III càng có nhiều thử thách.
Mang theo bài học kinh nghiệm từ lần chinh phục đầu tiên và ý chí tự lực, tự cường, các kỹ sư VTNet quyết tâm tự chủ động nghiên cứu, triển khai toàn diện dự án, trực tiếp hoàn thiện các phương án và bảo vệ bộ tài liệu thiết kế. Nhưng không phải chặng đường nào cũng bằng phẳng.
Ở lần gửi hồ sơ đầu tiên, bản vẽ kỹ thuật và bản thuyết minh của dự án chưa thuyết phục được những đánh giá chặt chẽ đến từng chi tiết của Uptime. Hồ sơ được trả về với hơn 30 điểm chưa phù hợp. Đối diện với thách thức, người Viettel không bao giờ chùn bước mà lấy đó làm động lực, là điều kiện đánh dấu sự trưởng thành. Từ 30 điểm, các kỹ sư ngày đêm nghiên cứu, từng bước chỉnh sửa, hoàn thiện, tìm cách tối ưu xuống còn 7 điểm lỗi, rồi chạm tới mức đáp ứng yêu cầu của bộ hồ sơ.
Thuận lợi vượt qua vòng thẩm định của khu vực Đông Nam Á, cánh cửa tươi sáng tưởng chừng đã mở rộng. Tuy nhiên, tới vòng thẩm định tại Mỹ, nhiều câu hỏi và vấn đề chuyên sâu hơn đã được đưa ra, gây không ít khó khăn cho nhóm thiết kế. Khó khăn nhất và mất thời gian nhất là phần thiết kế và thuyết minh kịch bản vận hành chi tiết để đảm bảo yêu cầu bảo trì đồng thời, tự động phản ứng với sự cố, cùng các giải pháp sở cứ cho vận hành hệ thống máy phát điện, đảm bảo vận hành tại điều kiện nhiệt độ cực hạn trong 20 năm.
Trưởng nhóm thiết kế Nguyễn Đình Thái chia sẻ: “Do đã có kinh nghiệm từ trước, ban đầu nhóm cảm thấy rất tự tin khi triển khai thiết kế cho dự án Hòa Lạc 2 với sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, khi làm việc với chuyên gia Uptime tại Mỹ và đối mặt với những yêu cầu gắt gao, nhiều anh em mất ăn mất ngủ. Cũng nhiều lúc rối quá, tưởng như không vượt qua được”.
Nhưng bằng sự nỗ lực và quyết tâm, bằng niềm tự hào của những người VTNet, các kỹ sư nhận thức rõ trách nhiệm của mình là đưa VTNet trở thành đơn vị dẫn đầu trong “đường đua” triển khai Data Center. Tất cả đã cùng sốc lại tinh thần, đoàn kết, đồng lòng đào sâu nghiên cứu, vượt qua các thách thức do Uptime đặt ra. Bên cạnh đó, trong giai đoạn khó khăn nhất, team dự án cũng luôn nhận được sự động viên, chỉ đạo, định hướng của Phó TGĐ VTNet Nguyễn Thị Tâm và Giám đốc TT Kỹ thuật Toàn cầu Hoàng Bình Sơn.
Cuối cùng, sau 6 tháng triển khai, 3 lần gửi hồ sơ, hơn 200 bản vẽ kỹ thuật và thuyết minh phương án, 5 cuộc họp phản biện căng thẳng cùng đội ngũ chuyên gia, các kỹ sư VTNet đã tìm ra giải pháp đáp ứng được tất cả các yêu cầu rất khắt khe và chi tiết của tổ chức, thành công chinh phục chứng chỉ Uptime Tier III. Được biết, tính đến nay, DC Hòa Lạc 2 là dự án lấy được chứng chỉ Uptime với mật độ công suất rack lớn nhất Việt Nam.
Nền tảng để xây dựng tương lai
Sở hữu chứng chỉ này, thiết kế Trung tâm Dữ liệu của VTNet được khẳng định đã đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế uy tín và nghiêm ngặt nhất. Đây còn là cơ sở để các đơn vị kinh doanh trong Tập đoàn như VTS có thể tham gia các gói thầu liên quan tới dịch vụ cung cấp hạ tầng DC hiện nay trên toàn quốc, thúc đẩy công nghiệp dữ liệu lớn (Big Data). Từ đó, Trung tâm Dữ liệu Hòa Lạc 2 sẽ sẵn sàng đáp ứng, đóng góp những bước tiến mới trong mục tiêu xây dựng hạ tầng số lớn nhất, hiện đại nhất của VTNet nói riêng và sứ mệnh kiến tạo xã hội số nói chung của Tập đoàn Viettel.
Đây còn là dự án chứng tỏ được năng lực và sự trưởng thành của đội ngũ kỹ thuật VTNet, đưa TCT Mạng lưới Viettel trở thành đơn vị trong nước duy nhất có quy mô lên tới 540 rack (lớn nhất Việt Nam hiện nay) chinh phục được chứng chỉ Uptime mà không cần thuê đối tác tư vấn. Từ bước ngoặt này, các kỹ sư VTNet hoàn toàn có đủ tự tin để tiếp tục chinh phục những công trình lớn hơn nữa.
Thành công chỉ là điểm đến trên con đường, các kỹ sư VTNet tiếp tục xác định mục tiêu nâng cấp chứng chỉ từ Design lên Facility cho dự án này. Chứng chỉ Facility là một thử thách khó khăn hơn nữa bởi nó sẽ chứng minh được thiết kế và thực tế thi công là giống nhau. Sự khác biệt của Uptime là cách đánh giá dựa vào kiểm tra thực tế và ảnh hưởng vận hành khi giả lập sự cố. Các chuyên gia sẽ trực tiếp chứng kiến tại hiện trường khi đơn vị tiến hành kiểm tra tải hệ thống bằng tải giả như thiết kế. Điều đó sẽ chứng minh được hệ thống được đánh giá toàn diện và đảm bảo không có lỗi xảy ra, cũng như các yêu cầu khắt khe về kỹ thuật như an toàn điện, kiểm soát nhiệt độ môi trường phòng máy không có điểm hotpot,…
Ngoài ra, VTNet cũng tiếp tục tham gia vào thiết kế các dự án lớn khác của Tập đoàn và chinh phục chứng chỉ Uptime cho các dự án này, chuẩn hóa toàn bộ thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế.